image banner
Thực trạng phát triển nhận thức và thực tiễn đổi mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 147
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Bình Dương đã trải qua nhiều cột mốc phát triển đáng nhớ, vươn lên từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp – dịch vụ trong khu vực và cả nước. Nằm trong tứ giác kinh tế phía Nam, Bình Dương cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là 4 địa phương tạo nên động lực chính trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là vùng phát triển năng động, đầu mối giao thương quốc gia, có khả năng thích ứng cao, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững.
Thực trạng phát triển nhận thức và thực tiễn đổi mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, Bình Dương đã trải qua nhiều cột mốc phát triển đáng nhớ, vươn lên từ một tỉnh thuần nông trở thành một tỉnh phát triển về công nghiệp – dịch vụ trong khu vực và cả nước. Nằm trong tứ giác kinh tế phía Nam, Bình Dương cùng với Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu là 4 địa phương tạo nên động lực chính trong phát triển kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm phía nam, là vùng phát triển năng động, đầu mối giao thương quốc gia, có khả năng thích ứng cao, hướng tới phát triển cân bằng và bền vững.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ đó, Bình Dương hướng tới trở thành trung tâm tri thức, công nghiệp - dịch vụ hiện đại và kinh tế - tài chính của khu vực dựa trên một số lợi thế như: Về điều kiện tự nhiên – vị trí địa lý; hạ tầng giao thông; hạ tầng khu, cụm công nghiệp và đặc biệt về yếu tố con người: Người Bình Dương có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý thức tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, hiếu khách, sống có nghĩa tình, có tình, có trí tuệ, tác phong công nghiệp, ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội, có nếp sống văn minh, cần cù, chịu khó và sự đồng lòng, đoàn kết bao đời nay đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, xây dựng một Bình Dương từ một tỉnh có xuất phát điểm thấp vươn lên thành một điểm sáng trong phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư trong cả nước.

Với những lợi thế đó việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng như:

1. Về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII): Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhận thức của các ngành các cấp và quần chúng Nhân dân trong tỉnh về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đã có nhiều mặt chuyển biến tích cực. Văn hóa trở thành một nội dung quan trọng trong hoạt động của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp, từng bước gắn kết tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Việc xây dựng con người Bình Dương trong giai đoạn Cách mạng mới ngày càng được quan tâm. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương đã cụ thể hoá và ban hành Chương trình hành động số 88-CTHĐ/TU ngày 12/9/2014 về thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Qua thời gian triển khai thực hiện tỉnh Bình Dương đạt được nhiều kết quả nổi bật như: Vai trò của văn hoá ngày càng thể hiện rõ và có tác động lớn trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, xây dựng con người. Các cấp uỷ, chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt mục tiêu xây dựng con người ngày càng phát triển toàn diện, hướng tới chân - thiện - mỹ. Các hoạt động văn hoá ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hoá ngày càng cao của Nhân dân. Tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc được phát huy. Con người Bình Dương ngày càng năng động, sáng tạo hơn. Khối đại đoàn kết Nhân dân được tăng cường, tạo nên sức mạnh trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Văn học, nghệ thuật tiếp tục phát triển, có nhiều tìm tòi thể nghiệm mới. Sản phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật ngày càng đa dạng, tăng đáng kể về số lượng và tiến bộ về chất lượng.

2. Về Xây dựng người Bình Dương với những chuẩn mực đạo đức, lối sống, tác phong phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và hội nhập quốc tế: Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” giai đoạn 2011- 2020 do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch phát động được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, thể hiện qua việc tăng cường tổ chức các hoạt động thể thao quần chúng như: Giải Việt dã Chào năm mới hằng năm; Ngày chạy Olympic vì sức khoẻ toàn dân,.... Ngoài ra, thực hiện phong trào xây dựng đô thị xanh, sạch, đẹp trong những năm qua nhiều công viên được quy hoạch đầu tư xây dựng trong địa bàn dân cư, từ đây phong trào thể dục dưỡng sinh, thể dục buổi sáng thường xuyên cũng phát triển rộng rãi, qua đó góp phần nâng cao sức khỏe, thể chất của người dân.

3. Về xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh: Ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã triển khai thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đồng thời, nhân rộng mô hình gia đình văn hoá tiêu biểu, có nề nếp, ông, bà cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hoà thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, đồng thời thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; Ban Chỉ đạo Phong trào các cấp đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đến các khu phố, ấp văn hóa; Khu nhà trọ văn hóa; Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị thực hiện đầy đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí công nhận danh hiệu văn hóa, thực hiện việc cưới, việc tang và quy ước đúng theo quy định. Kết quả đăng ký đầu năm 2022 các danh hiệu văn hóa, cụ thể: Danh hiệu “Gia đình văn hóa”: 285.856/287.148 hộ đăng ký đạt tỷ lệ 99,55%; Danh hiệu “Khu phố văn hóa”: 336/336 khu phố đăng ký, đạt tỷ lệ: 100%; Danh hiệu “Ấp văn hóa”: 249/249 ấp đăng ký, đạt tỷ lệ: 100%; Danh hiệu “Phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh”: 50/50 phường, thị trấn đăng ký, đạt tỷ lệ: 100%; Danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”: 41/41 xã đăng ký, đạt tỷ lệ: 100%; Danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa”: 18.461/22.478 khu nhà trọ đăng ký, đạt tỷ lệ 82,13%.

Thiết chế văn hóa cấp tỉnh có đầy đủ các thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân như Sân vận động tỉnh, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh; Thư viện, Bảo tàng, Nhà thi đấu thể thao đa năng có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, 65 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng (trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 52 di tích cấp tỉnh). Cấp cơ sở, 9/9 huyện, thị xã, thành phố có Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao; 66/91 xã có Trung tâm Văn hóa, thể thao Học tập cộng đồng. Hệ thống thư viện công cộng tỉnh gồm có 01 thư viện tỉnh trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, toàn tỉnh còn có 09 thư viện cấp huyện, 45 thư viện cấp xã, 42 điểm bưu điện văn hóa xã và 02 Thư viện tư nhân.

4. Về xây dựng văn hoá trong chính trị và kinh tế: Triển khai thực hiện tốt Quy chế văn hoá công sở gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có nghiệp vụ chuyên môn, có phẩm chất đạo đức, trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu, thân thiện, vì nhân dân phục vụ. Thực hiện Quyết định số 1780/QĐ-TTg ngày 12/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ về “Xây dựng đời sống văn hoá công nhân ở các khu công nghiệp đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và Quyết định số 1934/QĐ-TTg ngày 10/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 09/01/2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khoá XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất.

5. Về nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá: Để phát huy các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc đặc biệt là đối với di sản văn hóa phi vật thể của địa phương đã được tổ chức UNESCO công nhận, ngành văn hóa,thể thao và du lịch đã tổ chức thành công Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II với 12 hoạt động chính và 4 hoạt động bổ trợ. Đây là dịp để tôn vinh, quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam bộ nói riêng đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc cũng được bảo tồn và phát huy. Toàn tỉnh có 4 lễ hội bao gồm: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu; Lễ hội cúng Ông Bổn; Lễ hội Cầu Mùa của đồng bào người Sán Chỉ; Lễ hội Chol Chnam Thmay (Mừng năm mới).

6. Về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với lĩnh vực văn hóa: Thông qua việc học tập, quán triệt Nghị quyết của Trung ương, Chương trình hành động của Tỉnh ủy và Kế hoạch thực hiện của Uỷ ban nhân dân tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã tập trung chỉ đạo hệ thống ngành từ tỉnh đến cơ sở tập trung tham mưu nội dung thực hiện Nghị quyết phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của từng địa phương, đơn vị. Tập trung chỉ đạo theo hướng vừa đảm bảo xây dựng và phát triển văn hóa theo đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, nhưng cũng đảm bảo quyền tự do, dân chủ cá nhân trong sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn. Bên cạnh đó, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo tính kế thừa, tiếp nhận những giá trị văn hóa tiên tiến và lọc bỏ những yếu tố phản văn hóa.

7. Về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa: Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực văn hoá có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác chỉ đạo, quản lý, thanh tra, kiểm tra, lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động văn hoá được tiến hành thường xuyên, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập của sản phẩm độc hại từ bên ngoài. Công tác đào tạo cán bộ và chuẩn bị nguồn lực cho văn hoá được quan tâm. Nhiều hoạt động thúc đẩy giao lưu văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế đã được tổ chức, nhất là với các nước trong cộng đồng ASEAN và các nước có mối quan hệ truyền thống với tỉnh Bình Dương như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia, đăng cai tổ chức các sự kiện quốc tế như: Hội nghị lần thứ 11 của Đại hội đồng WTA, Diễn đàn Hiệp hội Kinh tế Châu Á Horasis… thông qua đó góp phần quảng bá, tôn vinh văn hoá, con người Bình Dương và văn hoá Việt Nam ra nước ngoài.

8. Về xây dựng đội ngũ làm công tác văn hóa: Trong quá trình triển khai đề án sắp xếp bộ máy tổ chức của ngành theo kế hoạch, lộ trình của Tỉnh, luôn chú trọng việc thực hiện công tác quy hoạch, sắp xếp lại đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của ngành nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác, đồng thời có kế hoạch tuyển chọn nhân sự, đào tạo theo nhu cầu và đặc thù của ngành. Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có 165 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các phòng chuyên môn và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở.

Có thể nói, đạt được những kết quả trên trước hết là do: Có sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9 (khóa XI) đến các Đảng bộ trực thuộc, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội tỉnh; Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình các cấp trong tỉnh đã quán triệt và thống nhất cao về nhận thức; chỉ đạo tổ chức, tập trung thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng còn gặp không ít những khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền về xây dựng văn hóa, con người của chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đôi lúc chưa được thường xuyên; ý thức chấp hành pháp luật, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và Nhân dân chưa tốt. Chất lượng hưởng thụ văn hoá của Nhân dân tuy được nâng lên nhưng khoảng cách chênh lệch giữa các giai tầng xã hội chưa được thu hẹp. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá hiệu quả đạt được chưa cao; Các sản phẩm và dịch vụ văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội đang tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần, môi trường văn hóa, sự biến tướng của một số hoạt động dịch vụ vui chơi, giải trí (quán bar, karaoke, trò chơi điện tử,…) gây mất trật tự xã hội; Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và công tác gia đình vẫn còn xuất hiện những mâu thuẫn, xung đột trong gia đình, hàng xóm; Công tác bảo tồn các di tích lịch sử - văn hóa được quan tâm, kinh phí phân bổ cho việc tu bổ, phục hồi và phát huy các di tích chủ yếu tập trung vào các di tích lịch sử - văn hoá có quy mô lớn, các di tích có quy mô vừa và nhỏ chủ yếu gia cố, sửa chữa để ngăn chặn xuống cấp; Sự phát triển mạnh mẽ của thông tin, truyền thông, mạng xã hội và sự xâm nhập nhiều loại thông tin xấu, các ấn phẩm độc hại, tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn triệt để đã ảnh hưởng tiêu cực đến ý thức, tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận người dân, đặc biệt là thanh thiếu niên.

Để khắc phục những khó khăn, hạn chế trong quá trình phát triển nhận thức và thực tiễn đổi mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đồng thời tiếp tục vận dụng, phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943, Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” và các kết quả đạt được trong quá trình xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Dương, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số giải pháp sau:

- Môt là, các cấp uỷ đảng, chính quyền tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII, Nghị quyết số 33-NQ/TW, Kết luận số 76/KL/TW của Bộ chính trị, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (ngày 24/11/2022).

- Hai là, tăng c­ường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, mặt trận, đoàn thể trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương,Chương trình hành động Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh.

- Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức của địa phương, đơn vị, các doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng văn hoá và con người Bình Dương.

- Bốn là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về xây dựng, phát triển văn hoá, con người Bình Dương đáp  ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Tăng cường cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng để kiểm soát, xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, hạn chế các hiện tượng tiêu cực, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

- Năm là, hướng dẫn, khuyến khích các tầng lớp Nhân dân tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy và phát huy các giá trị văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Làm tốt công tác quảng bá, giới thiệu, phổ biến các tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao đến với quần chúng; ngăn chặn, xử lý các hoạt động sáng tác, truyền bá các sản phẩm văn học, nghệ thuật có nội dung, tư tưởng thấp, ảnh hưởng xấu tới xã hội.

- Sáu là, quan tâm đầu tư nguồn lực và phương tiện cho hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật; tiếp tục đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác văn hóa, văn học, nghệ thuật…từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. Chăm lo phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các tài năng văn học, nghệ thuật; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ công chức, viên chức của ngành văn hóa từ tỉnh đến cơ sở.

- Bảy là, đẩy mạnh xã hội hóa, kêu gọi đầu tư, có cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy việc xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Dương.

Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong thời gian tới, thiết nghĩ cần có sự vào cuộc một cách quyết tâm, quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Tin tưởng và hy vọng rằng với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên và sự vào cuộc của các tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển nhận thức và thực tiễn đổi mới về “Xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh Bình Dương./.

Nguyễn Thành Nghĩa –Phòng QLVHGĐ

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0