image banner
ĐÔI NÉT VỀ TÍN NGƯỠNG DÂN GIAN TỈNH BÌNH DƯƠNG
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 51

I. Giới thiệu chung

Theo Giáo sư Ngô Đức Thịnh: “Tín ngưỡng được hiểu là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên, hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái trần tục, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được. Có nhiều loại niềm tin, nhưng ở đây là niềm tin của tín ngưỡng là niềm tin vào “cái thiêng”. Do vậy, niềm tin vào cái thiêng thuộc về bản chất của con người, nó là nhân tố cơ bản tạo nên đời sống tâm linh của con người, cũng như giống đời sống vật chất, đời sống xã hội tinh thần, tư tưởng, đời sống tình cảm...”. Từ cuối Thế kỷ XVII đến nay, vùng đất Bình Dương đón thêm nhiều đợt di dân mới là người Việt, Hoa và nhiều dân tộc anh em khác đến định cư, lập nghiệp. Người Việt xuất phát từ vùng Ngũ Quảng ở miền Trung, họ đã đến Bình Dương khai hoang lập nghiệp vào cuối Thế kỷ XVI đầu  Thế kỷ XVII, cùng với người Hoa và cư dân bản địa đã hình thành một xã hội cộng cư và phát triển. Bên cạnh phát triển ổn định về kinh tế, những lưu dân vẫn giữ giá trị tinh thần qua tín ngưỡng dân gian như đình, miếu, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ...

Sau ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, một bộ phận người dân trước đây do di cư vì chiến tranh đã trở về quê cũ, một phần khác đông hơn, định dư theo chính sách di dân kinh tế mới của Nhà nước tạo nên một sự biến động lớn về dân cư tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương và Bình Phước). Theo kết quả khảo sát thống kê dân số năm 2019, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 24 dân tộc anh em cùng cộng cư sinh sống. Cộng đồng các dân tộc sống hoà thuận, gắn bó nhau cùng làm giàu trên mảnh đất được mệnh danh là “Đất lành, chim đậu”. Chính những đợt di dân qua từng giai đoạn lịch sử khác nhau, nhiều lý do khác nhau,… nhưng đều hội tụ về vùng đất mới cộng cư cùng cư dân bản địa tạo nên một Bình Dương ngày nay đa sắc màu về văn hóa, tín ngưỡng.

Các dạng thức lễ hội người Việt ở Bình Dương, cũng như các địa phương khác ở Nam Bộ được hình thành trên cơ sở các tập tục truyền thống của hệ thống làng xã Bắc -Trung Bộ, mà trực tiếp là vùng Ngũ Quảng, được các lưu dân người Việt mang theo vào vùng đất mới. Các thiết chế tín ngưỡng như đình, miếu, đền... hầu như được thiết lập trong thời gian đầu khai hoang lập làng. Có thể nói, sự hình thành, phát triển của tín ngưỡng dân dân, lễ hội ở Bình Dương gắn liền với mảnh đất và con người nơi đây hơn 300 năm qua, là nét văn hóa tiêu biểu, đặc trưng được kết tinh từ vùng đất qua đời sống, kinh tế, văn hóa, xã hội,… đặc biệt qua các cơ sở tín ngưỡng được bảo tồn và phát huy những giá trị tinh thần đoàn kết, hiền hòa, nghĩa tình của các cộng đồng dân cư sinh sống trên mảnh đất Bình Dương.

II. Một số loại hình tín ngưỡng dân gian tỉnh Bình Dương

+ Đình

Vào những năm cuối Thế kỷ XVII đầu Thế kỷ XVIII, cùng với quá trình khai hoang lập ấp và hình thành làng xã, việc xây dựng đình làng cũng được người dân Bình Dương đặc biệt chú trọng. Đình (亭) là một thiết chế văn hóa tín ngưỡng truyền thống của một làng/xã, thông thường mỗi làng hay mỗi xã dù dân số ít hay nhiều cũng đều phải có một ngôi đình để tổ chức hội hè, lễ bái. Đình làng Bình Dương đa số được xây dựng vào thời kỳ đầu thiết lập làng, xã. Ban đầu đình chỉ là gian nhà nhỏ, mái tranh vách đất, dần dần được trùng tu, nâng cấp cao, rộng hơn. Tuy nhiên, do sự tàn phá của chiến tranh nên còn rất ít ngôi đình giữ được nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, đa phần được xây dựng mới đặt trên nền đất cũ sau ngày năm 1975.

Theo đợt kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể năm 2019, trên toàn tỉnh có tổng số 125 đình thần[2], trong đó có 25 đình còn lưu giữ sắc phong được ban từ năm Tự Đức thứ 5 và năm Khải Định thứ 9; 35 sắc phong được phục chế lại. Tuy nhiên, sắc phong đình Phước Hòa là sắc nơi khác trôi dạt về Bình Dương. Riêng đình Hưng Định vừa được phục chế lại năm 2022. Sắc phong thường đa số đặt tại đình, tuy nhiên sắc cũng được cất giữ trong một gia đình có uy tín trong làng vì sợ bị mất, cứ đến này lễ lớn thì bà con trong làng làm lễ rước sắc thần về ngự tại đình và sau khi lễ xong lạị đưa sắc về chỗ cũ.

Hầu hết các đình làng ở Bình Dương đều thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh. Bên cạnh đó có một số đình có tên họ, tước vị của thần đang thờ như đình thần Tân An thờ Khâm sai đại tướng quân Quận công Nguyễn Văn Thành, đình thần Tương Bình Hiệp thờ cụ Phan Thanh Giản…

Lễ hội đình làng phổ biến nhất ở Bình Dương là lễ hội Kỳ yên (thường tổ chức đầu năm), lễ hội Cầu bông (thường tổ chức cuối năm) và đây cũng là 2 ngày lễ lớn nhất của đình Bình Dương nói riêng và hệ thống đình làng Nam Bộ nói chung. Với những ngôi đình hàng năm tổ chức 2 lệ thì lệ đầu năm gọi là Kỳ yên và lệ cuối năm gọi là Cầu bông. Nhưng với những ngôi đình mỗi năm chỉ cúng 1 lệ hoặc 3 năm đáo lệ thì chỉ gọi là Kỳ yên, không có lễ Cầu bông.

+ Miếu/miễu

Khác với đình là ở mỗi làng, xã chỉ có 1 đến 2 đình và đối tượng chính là Thành Hoàng Bổn Cảnh - miễu là cơ sở tín ngưỡng phong phú và đa dạng hơn, các vị thần có thể là nam thần hay nữ thần, có nhiều nguồn gốc xuất xứ khác nhau. Miễu có thể thâm nhập vào khuôn viên đình, cũng có thể có ở mỗi ấp, mỗi làng… Phần lớn, phạm vi ảnh hưởng của mỗi ngôi miễu nhỏ hơn của một ngôi đình. Mỗi ấp có một đến hai ngôi miễu, do đó mỗi làng xã đều có số lượng miễu nhiều hơn số lượng đình gấp nhiều lần. Miễu có thể do hương chức hội tề quản lý, có thể do Ban điều hành ấp quản lý, cũng có thể do bà con trong xóm, trong một dòng họ quản lý. Do đó, ở Bình Dương hiện nay, bà con còn phân biệt: miễu làng, miễu ấp, miễu xóm, miễu họ, miễu gia đình…[3]. Bên cạnh đó, còn có loại miễu gọi là miễu Cô hồn, đặt bên đường để thờ các Cô hồn, Các đảng, những vong linh…

Qua số lượng kê, khảo sát năm 2019, trên toàn tỉnh có khoảng 220 ngôi miễu, trong đó có 22 miễu thờ Ông, còn lại là miễu thờ Bà (Số lượng thống năm 2017 chỉ có tổng 201 ngôi miễu)[4]. Số lượng miễu trên đây chỉ tính những những miễu có tổ chức lễ hội, còn những miễu Cô hồn không tổ chức lễ hội thì không thống kê. Đối tượng chính thờ trong miếu chủ yếu là các “bà” – những nữ thần với số lượng miếu áp đảo, có 198 ngôi miếu chính thờ và phối thờ; còn lại 22 miếu thờ nam thần hoặc phối thờ các vị nữ thần.

+ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ

Các nhà nghiên cứu về văn hóa ở Nam Bộ gọi tín ngưỡng Tam phủ thờ Liễu Hạnh Thánh Mẫu (hay còn gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ) và các tùy tùng của bà là “tín ngưỡng Bắc”[5] bởi loại hình tín ngưỡng này mới du nhập vào Nam Bộ khoảng đầu Thế kỷ XX do những cư dân người Việt gốc Bắc mang vào. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một loại hình tín ngưỡng dân gian chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, thống nhất chia thành bốn miền do hóa thân bốn vị thánh Mẫu cai quản[6]. Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có một hệ thống thờ cúng trong các đền phủ, những nghi lễ đã được chuẩn hóa trong đó nghi lễ không thể thiếu được chính là hầu bóng (lên đồng) và hát văn. Nghi lễ hầu đồng chứa đựng yếu tố ma thuật dân gian nên dẫn dụ chúng ta bước vào một thế giới tâm linh với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau.

Hiện nay, toàn tỉnh có 23 đền[7], điện hoạt động thường xuyên do nhu cầu tâm linh khá lớn của cộng đồng người Bắc. Sự phân bố của các cơ sở thờ tự tín ngưỡng thờ mẫu Tam phủ ở Bình Dương khá quần tụ. Tập trung ở năm địa bàn chính: Huyện Dầu Tiếng (6 đền), thành phố Tân Uyên (02 điện), huyện Phú Giáo (1 đền), huyện Bàu Bàng (1 đền và 3 điện) và đặc biệt thành phố Dĩ An có 10 đền.

+ Hát múa bóng rỗi:

Xuất phát từ tục thờ Mẫu thần và Nữ thần. Ở Bình Dương, các ngôi miếu gắn với cuộc sống của người dân. Nghi thức cúng miếu cũng giống như cúng đình vào lễ Kỳ yên. Lễ hội cúng miếu mỗi nơi mỗi khác nhưng ở Bình Dương thì lễ hội cúng miếu thể hiện tính chất hội nhiều hơn nghi lễ. Lễ hội ở đây diễn ra thường có hát Tuồng, hát chặp Địa – Nàng, Cải lương, Hồ quảng. Trong nghi lễ cúng miếu có chương trình hát bóng rỗi với các nghi lễ có tính chất kết hợp gồm có chầu mời, thỉnh tổ, múa dâng bông, dâng mâm vàng và các tiết mục chặp Địa Nàng khá hoành tráng. Vào các ngày vía của các bà thì lễ hội diễn ra với nghi lễ khá trang trọng và không bao giờ thiếu hình thức múa bóng. Múa bóng vừa là nghi thức có tính chất lễ nghi nhưng đồng thời cũng nhằm mục đích giải trí.

III. Kết luận

Nam Bộ nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng là vùng đất bốn phương tụ hội. Đây là nơi cư trú của nhiều nhóm cư dân đến từ các vùng miền khác nhau trong cả nước. Quá trình tạo dựng cuộc sống họ đã dần xây dựng cho mình một cuộc sống ổn định trên quê hương mới mà một trong những biểu hiện của nó là sự có mặt của một hệ thống các cơ sở tín ngưỡng như đình, chùa, miếu mạo, đền, điện…mà gắn liền với nó là những sinh hoạt lễ hội với các hình thức văn nghệ dân gian đậm đà sắc thái văn hoá vùng miền.

Lễ hội tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện có gần 400 lễ hội tín ngưỡng được tổ chức hàng năm[8]. Nó mang đậm tính dân gian truyền thống. Các lễ hội đều xuất phát từ lao động, từ phong tục tập quán, không chỉ thuần túy mang yếu tố tín ngưỡng mà còn là hình thức sinh hoạt văn hóa tinh thần, thể hiện truyền thống tôn kính tổ tiên, “uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ người có công xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Tín ngưỡng mang tính chất dân gian, tự do, tự nguyện, không bắt buộc, không giảng giải đạo lý nhưng phần đông người tin, cùng thành tâm theo, bởi đó là những vị phúc thần phù hộ cho cuộc sống của mọi người tốt đẹp. Do đó, lễ hội tín ngưỡng cũng vậy, không bắt buộc nhưng lại thu hút rất đông bà con đến tham dự. Dù có bận rộn nhưng đến ngày tổ chức lễ hội mọi người cũng thu xếp đi lễ, trước để tỏ lòng biết ơn vị thần đã phù trợ, sau để cầu xin những điều may mắn đến với bản thân và gia đình.

Ngày nay, xã hội phát triển nên nhu cầu hướng về tâm linh được chú trọng khá mạnh mẽ nhưng không vì thế mất đi nét đẹp văn hóa đặc sắc của cư dân Bình Dương vốn được hình thành và phát triển từ xa xưa. Sự giao lưu văn hóa giữa các tộc người sống trên mảnh đất Bình Dương đã tạo nên sự đa dạng và phong phú, không có sự ngăn cách giữa việc hưởng thụ văn hóa. Tín ngưỡng dân gian Bình Dương đã và đang sẽ được người dân đất Thủ lưu truyền từ đời này qua đời khác thông qua lễ hội và nghi lễ thực hành tín ngưỡng của miếu, đền ...

Bên cạnh đó, để phát huy những giá trị văn hóa của tín ngưỡng dân gian trong giai đoạn hiện nay cần xây dựng tuyến tour du lịch tâm linh; quảng bá lễ hội cúng đình, hát múa bóng rỗi thông qua các phương tiện truyền thông; xây dựng những bộ phim giới thiệu về Lễ hội cúng đình, cúng miếu, thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ... để giới thiệu đến đông đảo quần chúng nhân dân cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể một cách có hiệu quả nhất.

 

Các con nhang đệ tử đang hân hoan trong một giá đồng (Bình An, Dĩ An, Bình Dương)

(Người chụp: Nguyễn Thị Lan)

Thờ Ngũ hành Nương Nương tại Miếu Bà Xóm Suối (Thới Hòa, Bến Cát, Bình Dương)

(Người chụp: Đinh Thanh Huy)

Cúng Tống Ôn tại Đình thần Chánh Mỹ (Thủ Dầu Một, Bình Dương)

(Người chụp: Đinh Thanh Huy)

 

  Hát bóng rỗi tại Miếu Bà Bình Nhâm (Thuận An, Bình Dương)

(Người chụp: Đinh Thanh Huy)

Ths. Nguyễn Thị Lan[1]

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
 
image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
 
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0