image banner
NGHỆ NHÂN CHÂU THÁI THANH - NGƯỜI GÓP PHẦN THỔI HỒN VÀO NGHỀ ĐIÊU KHẮC GỖ Ở BÌNH DƯƠNG
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 691
Cùng với các nghề truyền thống có từ lâu đời như Gốm sứ, Sơn mài, Điêu khắc gỗ cũng là nghề truyền thống tiêu biểu của Bình Dương. Nghề điêu khắc gỗ hình thành và phát triển trên đất Bình Dương đã hơn 200 năm. Trong điều kiện hiện nay, nghề điêu khắc gỗ truyền thống tuy có lúc thịnh, lúc suy nhưng các thế hệ nghệ nhân vẫn gìn giữ nghề, đã và đang có nhiều nỗ lực tìm tòi, sáng tạo nhiều về kỹ thuật để cho ra nhiều sản phẩm tinh tế hơn nhưng vẫn bảo lưu phong cách cổ truyền thống, để từng bước đổi mới duy trì và phát triển ổn định nghề.

Thủ Dầu Một - Bình Dương xưa có nhiều rừng và gỗ quý tạo điều kiện thuận lợi cho nghề làm mộc phát triển, nơi đây trở thành trung tâm của nghề mộc gia dụng Nam Bộ, tạo nên văn hóa làng nghề điêu khắc gỗ đặc sắc và sản sinh ra nhiều nghệ nhân, thợ chạm khắc gỗ tài hoa cũng như nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ tinh tế, độc đáo[1]. Giờ đây, trải qua nhiều thăng trầm lịch sử, đi qua thời kỳ vàng son, làng nghề điêu khắc gỗ Bình Dương vẫn được các thế hệ nghệ nhân lưu giữ và cùng nhau trao truyền lại nghề cho các thế hệ học trò của mình hay các thế hệ con cháu đến tận ngày nay. Trong đó, tiêu biểu và điển hình có nghệ nhân Châu Thái Thanh và các thế hệ học trò kế tiếp của ông. Ông xuất thân từ một gia đình vốn có truyền thống làm nghề điêu khắc gỗ, ngay từ khi lên 10 tuổi, nghệ nhân Châu Thái Thanh đã làm quen với nghề. Đến năm 18 tuổi, ông đã thành thạo nghề và được cha cho thực hiện các tác phẩm tranh rồng phụng.

Nghệ nhân Châu Thái Thanh sinh năm 1961, là con trai thứ 10 của nghệ nhân Châu Văn Trí (Chín Trí)[2], hiện cư ngụ tại đường Cách Mạng Tháng Tám, phường Chánh Nghĩa, Thành phố Thủ Dầu Một. Hiện nay, nghệ nhân Châu Thái Thanh đại diện gia đình điều hành cơ sở điêu khắc gỗ của gia đình và cũng là người tạo ra những mẫu mã mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng. Và ông cũng là người đã đào tạo ra nhiều học trò giỏi tay nghề. Mỗi tác phẩm điêu khắc gỗ của nghệ nhân là sản phẩm từ tâm hồn của người nghệ sĩ. Điển hình như: Năm 10 tuổi ông đã có tác phẩm nổi tiếng “Trái măng cụt”, tác phẩm “Mâm lá sen” tạo tác năm 1985, điêu khắc hình lá sen, ếch nằm trên lá sen, giữa mâm có dấu. Bộ tượng Phật “Tam thế” tạo tác năm 1986 gồm 3 đức Phật trong tư thế đứng tay cầm lọ nước, tay cầm chén ngọc, tay cầm sen. Tác phẩm “Tượng voi” ngồi tạo tác năm 1988 trong tư thế ngồi co chân trái, vòi cong, đầu vòi chạm vào trán. Ngoài ra còn có tượng “Sư tử” sáng tác năm 1990, tạc tượng sư tử ở tư thế đứng chồn chân về phía trước vồ mồi. Tượng “Mẹ ngồi cho con bú, tượng Thúy Kiều - Kim Trọng”...tạo tác từ năm 2000 - 2005. Hiện nay, nghệ nhân sáng tác Tranh án gió và Tượng Di Lặc, tượng Phật Bà, tượng Bố Đại, tượng Mẹ con, Tượng gấu, tượng Phật…tùy theo nhu cầu khách hàng đặt.

Theo nghệ nhân Châu Thái Thanh: “Nghề này cần có đam mê, lòng kiên nhẫn mới có thể thành thạo và sáng tạo được”. Ngoài sự khéo léo, tỉ mĩ, kiên trì, nghề điêu khắc gỗ còn cần phải có tâm hồn nghệ sĩ, để đôi bàn tay tài hoa của mình thể hiện lên những tác phẩm sinh động có thần. Do đam mê nghề Điêu khắc gỗ nên dù tốt nghiệp về kinh tế nhưng ông vẫn theo nghề và trở thành nghệ nhân theo ý nguyện của cha mình. Nghệ nhân Châu Thái Thanh đại diện gia đình, điều hành cơ sở điêu khắc gỗ của gia đình và cũng là người tạo ra những mẫu mã mới. Những sản phẩm của ông làm ra như Salon, tranh, tượng...đều được khách hàng ưa chuộng và được sản xuất ra nước ngoài như Singapore, Hồng Kong, Đài Loan... [3]

Nghệ nhân Châu Thái Thanh chia sẻ, nghề điêu khắc gỗ phát triển mạnh nhất trong giai đoạn 1990 - 1996. Với khả năng, kinh nghiệm của những nghệ nhân lành nghề có thể làm được bình quân khoảng 15 triệu đồng/tháng. Còn với thợ mới ra nghề thu nhập cũng được 4 - 5 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, nếu tiếp tục gắn bó thì tay nghề sẽ được nâng lên, sản phẩm sẽ đẹp và chất lượng từ đó kéo theo thu nhập sẽ tăng cao. Trước sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm gỗ được làm theo hướng công nghiệp, các cơ sở, các hộ làm nghề điêu khắc gỗ trong tỉnh cũng đã từng bước đổi mới cách làm, sản xuất để tồn tại và phát triển trong điều kiện hiện nay.

Để hoàn thành một sản phẩm đẹp đủ điều kiện đưa ra thị trường, phải trải qua những công đoạn, quy trình nhất định từ chạm khắc gỗ đó là, xác định đề tài, quy cách sản phẩm –> Lên bảng vẽ –>  Chọn nguyên liệu –>  Sơ chế sản phẩm (cưa, xẻ, đục vỡ...) –> Điêu khắc (chạm thô hoặc làm tỉ mĩ) –> Chà giấy nhám, đánh bóng, mài giũa, phun sơn… mỗi công đoạn sẽ do một nhóm thợ thực hiện.

 

                  Xác định đề tài                                                                               Lên bảng vẽ

 
                                   Sơ chế sản phẩm                                Bộ dụng cụ điêu khắc gỗ của Nghệ nhân Châu Thái Thanh



 

                     Nghệ nhân Châu Thái Thanh đang thực hiện điêu khắc tác phẩm của mình
 

Sản phẩm điêu khắc gỗ ở Bình Dương chủ yếu cung cấp cho thị trường trong nước tại các địa điểm du lịch, văn hóa, hội chợ, khách sạn...đồng thời, còn được xuất khẩu ra nước ngoài. Giá thành các sản phẩm tùy theo kích cỡ to, nhỏ và chất lượng gỗ thường hay quý mà dao động từ vài trăm ngàn đến vài chục triệu, trăm triệu. Điêu khắc gỗ mang đậm nét văn hóa địa phương, có giá trị nghệ thuật cao nên sản phẩm rất được thị trường nước ngoài ưa chuộng.[4] Đây là những sản phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng nhưng phần lớn do các cơ sở tư nhân sản xuất, nhiều gia đình có hai đời hoặc hơn làm nghề điêu khắc gỗ.

Những năm qua, sản phẩm điêu khắc gỗ Bình Dương là một trong những mặt hàng truyền thống chủ lực có số lượng xuất khẩu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho tỉnh nhà. Hiện nay, quy trình tạo ra sản phẩm cũng được các làng nghề, nghệ nhân chú trọng cải tiến và nâng cấp theo hướng chuyên môn hóa cao. Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương cũng quan tâm đến vai trò của các làng nghề này, thúc đẩy các làng nghề chủ động trong việc sản xuất, sắp xếp lại quy mô làng nghề, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn, phối hợp với Hiệp hội làng nghề của tỉnh để đào tạo lao động, xúc tiến thương mại và tìm kiếm thị trường…Đồng thời, tỉnh sẽ hỗ trợ làng nghề xây dựng thương hiệu, mở showroom giới thiệu và quảng bá sản phẩm…

Ngày 29/8/2006, Hiệp hội Sơn mài – Điêu khắc Bình Dương được thành lập tại Quyết định số: 3838/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương (Hiệp hội chính thức hoạt động ngày 18/11/2006; Đại hội lần thứ 2 vào ngày 24/11/2011)[5]. Hiệp hội ra đời là cầu nối quan trọng, góp phần gìn giữ và phát huy thế mạnh nghề truyền thống ở Bình Dương. Nhằm bảo vệ, giữ gìn và phát triển những giá trị lịch sử, văn hóa nghệ thuật truyền thống của nghề điêu khắc gỗ này.

Đồ gỗ gia dụng của vùng đất Bình Dương từ lâu đã được người tiêu dùng ưa chuộng và biết đến là do kiểu dáng đẹp, nhưng quan trọng hơn là chất lượng cao nhờ có nguồn gỗ tốt. Thợ đồ gỗ ở Bình Dương biết chạm trổ, khắc họa hoa văn dân dã như tùng, bách, các loại hoa như: cúc, mẫu đơn…Điều đó cho thấy bàn tay tài hoa của các nghệ nhân điêu khắc nơi đây đã làm rạng danh cho nghề điêu khắc thủ công truyền thống của Bình Dương. Đây chính là vùng đất hứa cho nghề thợ mộc, là nơi tập trung các lớp thợ có tay nghề cao từ miền Bắc, Trung di cư vào và chính họ đã mang theo kỹ thuật khảm xà cừ trên tủ thờ, ghế tựa, tràng kỷ, hương án, hoành phi, câu đối… trở thành những sản phẩm tiêu biểu của vùng đất này mà không phải nơi nào cũng có được. Hiện nay, nghề điêu khắc gỗ mỹ thuật ở Bình Dương cung cấp các sản phẩm chạm gỗ là những tượng tròn và kích thước nhỏ, một số được làm bằng gỗ quý như mun, cẩm lai, gõ, trắc… mẫu mã sản phẩm điêu khắc gỗ khá đa dạng và phong phú do các nghệ nhân luôn sáng tạo mẫu mới.

Theo lời nghệ nhân, để có thể phát triển mạnh hơn, cần sự quy hoạch, quan tâm hơn nữa của chính quyền các cấp, ban ngành liên quan để nghề điêu khắc gỗ không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn góp phần bảo tồn và phát triển một bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc ta và của người dân Bình Dương, góp phần sản sinh ra những nghệ nhân tài hoa và tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng hơn. Trải qua nhiều thăng trầm, đi qua thời kỳ vàng son, làng nghề điêu khắc gỗ Bình Dương vẫn đang được các thế hệ kế tiếp nhau trao truyền, lưu giữ và thực hành như một nghề thủ công bên cạnh các hoạt động kinh tế khác của Bình Dương.

Nghệ nhân Châu Thái Thanh mong ước cùng với các nghệ nhân nghề Điêu khắc gỗ ở Thủ Dầu Một – Bình Dương khôi phục và phát triển nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa làng nghề ở địa phương. Ông luôn tin tưởng về sự phục hồi mạnh mẽ và xa hơn của điêu khắc gỗ, một trong những nghề thủ công mà cha ông đã truyền lại và ông luôn hy vọng nghề điêu khắc gỗ sẽ thu hút và khuyến khích giới trẻ tham gia. Chỉ có sự tham gia tích cực của các thế hệ mới, dưới sự dìu dắt, truyền nghề của các nghệ nhân dày dạn kinh nghiệm thì một nghề truyền thống mới có cơ hội sống và phát triển.

Nghề điêu khắc gỗ không chỉ có giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc mà giá trị kinh tế rất cao, được các thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Vì thế, để nghề điêu khắc gỗ Bình Dương có thể phát triển mạnh hơn nữa rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền các cấp, ngành liên quan.

Một số tác phẩm tiêu biểu của nghệ nhân Châu Thái Thanh.

 

Mẹ ngồi cho con bú, gỗ giáng hương, sáng tác năm 2000

Tượng Thúy Kiều- Kim Trọng, gỗ giáng hương, sáng tác năm 2005

 
 

                                                                                     Kim Tuyến  - Bảo tàng tỉnh

 

[1] Huỳnh Ngọc Đáng (1990), “Phú Cường lịch sử -Văn hóa và truyền thống cách mạng”, Nxb Sông Bé.

[2] Nghệ nhân Châu Văn Trí là một trong những nghệ nhân gạo cội, có trên 60 năm trong nghề Điêu khắc gỗ ở vùng đất Thủ.

[3]Theo tư liệu Sưu tầm - Điền dã từ Nghệ nhân Châu Thái Thanh, cư ngụ tại Cách Mạng Tháng 8, Phường Chánh Nghĩa, TP.Thủ Dầu Một.

[4] Tư liệu Sưu tầm - Điền dã cá nhân tại làng nghề truyền thống điêu khắc gỗ (2018-2020), “Luận văn Th.S về Nghề điêu khắc gỗ ở Bình Dương” của tác giả.

[5] Theo ông Lê Bá Linh (Tư Bốn) Phó Chủ tịch Hiệp hội - Chủ Công ty TNHH MTV Sơn mài Tư Bốn.

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0