Khai thác giá trị văn hóa “làng chăm Hồi giáo”- gắn phát triển du lịch bền vững tỉnh Bình Dương
Cổng chào “Làng Chăm Hồi giáo”
Khái lược về người Chăm ở Bình Dương
Những ai đến vùng đất Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương có lẽ ít người biết đến vùng đất này có một “Làng Chăm Hồi Giáo” mà người dân địa phương quen cách gọi như vậy! Bởi nơi đây có sự hiện diện của dân tộc Chăm đến từ vùng đất An Giang vào thế kỷ trước.
Người Chăm sống tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng. Họ đến với mảnh đất này từ những năm 1984, ban đầu có 12 hộ. Đến năm 1992, một số gia đình người Chăm ở Châu Đốc - An Giang ngược dòng sông Sài Gòn đi tìm vùng đất mới. Họ định cư ở ấp Hòa Lộc xã Minh Hòa bên lòng hồ Dầu Tiếng[1].
Theo Ông Kho Sanh, Phó Giáo cả, Ban Quản trị Thánh đường Hồi giáo Minh Hòa cho biết, do cuộc sống tại quê nhà An Giang khó khăn, một số người Chăm đã đến Bình Dương lập nghiệp. Cứ như vậy, số hộ người Chăm tăng lên hàng năm. Đến nay, riêng ấp Hòa Lộc có khoảng 103 hộ người Chăm. Với tinh thần “tương thân tương ái”, cũng như sự quan tâm của lãnh đạo địa phương, đời sống tộc người Chăm đã dần ổn định.
Người Chăm vẫn tuân thủ một số nghi lễ tôn giáo Hồi giáo khác nhưng cũng được bản địa hoá, giản lược và mang nhiều yếu tố tín ngưỡng cổ truyền. Đời sống sinh hoạt của họ chịu sự chi phối của Hồi giáo.
Cộng đồng người Chăm Minh Hòa, Dầu Tiếng vẫn duy trì mỗi ngày đến thánh đường cầu nguyện, thực hiện nghi lễ của một tín đồ Hồi giáo. Chính vì thế, những giá trị văn hóa truyền thống của người Chăm theo đạo Hồi hầu như còn nguyên thủy. Từ việc giáo dục học đường, nhất là về ngôn ngữ Ả Rập, kinh Koran và văn hóa truyền thống đạo Hồi được giảng dạy con em cộng đồng người Chăm ngay từ nhỏ. Cho đến các nghi lễ vòng đời người đều được thực hiện theo đúng văn hóa của người Chăm theo đạo Hồi. Chính vì thế, việc bảo tồn và gìn giữ giá trị nguyên gốc văn hóa của cộng đồng người Chăm đó nhiệm vụ không chỉ của cộng đồng mà còn là trách nhiệm của các cấp chính quyền.
Thánh đường Islam trong Làng Chăm Hồi giáo
Phát triển du lịch bền vững dựa trên giá trị văn hóa cốt lõi của “Làng Chăm Hồi Giáo”
Trong suốt chiều dài lịch sử, nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Chăm theo đạo Hồi luôn là di sản văn hóa quý giá đối với dân tộc Việt Nam. Nó góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Đạo Hồi được đánh giá là một tôn giáo khắc nghiệt, với hàng loạt các điều kiêng kỵ và quy tắc đối với các tín đồ, đòi hỏi họ phải thực hiện triệt để. Tuy nhiên, đạo Hồi du nhập và tồn tại trong cộng đồng người Chăm đã bị cải biến và đơn giản hoá rất nhiều để dung hoà với văn hoá của cư dân sở tại. Do vậy, đạo Hồi của người Chăm ở Việt Nam mang nhiều yếu tố bản địa.
Đạo Hồi ở Việt Nam nói chung và đạo Hồi của người Chăm ở Minh Hoà (Dầu Tiếng, Bình Dương) thể hiện sức sống dẻo dai và mãnh liệt của văn hoá truyền thống, tạo dựng nền văn hoá Việt Nam hiện đại thống nhất trong đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người.
Đối với người Chăm ở vùng đất này, phát triển du lịch sẽ tác động rất lớn đến kinh tế. Bên cạnh đó, du lịch sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân nơi đây. Việc phát triển du lịch bền vững, là cơ hội để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa đặc trưng cốt lõi văn hóa của người Chăm theo đạo Hồi ở Minh Hòa, Dầu Tiếng, Bình Dương.
Trong bối cảnh Bình Dương là một tỉnh phát triển kinh tế mạnh mẽ nhưng dường như đến làng Chăm Minh Hòa, Dầu Tiếng, cảm nhận thật yên bình cách xa sự ồn ào náo nhiệt nơi đô thị phát triển du lịch cho khách tham quan về lễ hội tôn giáo, về không gian sống để trải nghiệm các nghi lễ của Hồi giáo ở Thánh đường. Cộng đồng dân tộc Chăm vẫn giữ được bản sắc riêng từ trang phục, ẩm thực, sinh hoạt, lễ hội truyền thống của dân tộc mình. Các giá trị văn hóa này không chỉ quảng bá được văn hóa bản địa, mà còn cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho đồng bào, trở thành đòn bẩy, chủ lực cho tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Đám cưới người Chăm ở Minh Hòa, Dầu Tiếng
Để đảm bảo việc bảo tồn tốt các điểm du lịch vùng dân tộc thiểu số tại Bình Dương nói chung và Dầu Tiếng nói riêng. Thiết nghĩ chính quyền địa phương cần từng bước triển khai quy hoạch đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, gìn giữ các giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của người Chăm…. Đây sẽ là cơ sở bước đầu cho phát triển du lịch sau này. Bên cạnh việc đầu tư đường giao thông, xây dựng cổng chào, những khu vực có thể chụp ảnh, đường làng sạch đẹp để sẵn sàng đón khách. Từ đây, có thể tham quan thánh đường, tham gia các lễ hội tôn giáo, phong tục tập quán, phục hồi nghề dệt vải của người Chăm...
Việc phát huy giá trị văn hóa của điểm du lịch “Làng Chăm Hồi giáo” bằng cách nâng cao nhận thức của người dân về du lịch trong vùng. Bên cạnh đó, cần thực hiện công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông để mọi người biết địa điểm du lịch cộng đồng người Chăm.
Kết luận
Khai thác giá trị văn hóa “Làng Chăm Hồi giáo” không chỉ bảo tồn không gian sống, thể hiện đậm nét phong tục, tập quán, vẻ đẹp trong đời sống sinh hoạt thường ngày của cộng đồng dân cư, mà còn là một kho tàng văn hóa phi vật thể độc đáo với nhiều giá trị nguyên bản được giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đồng bào dân tộc Chăm những căn nhà sàn truyền thống, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục dân tộc… để tạo sự khác biệt, thu hút du khách đến tham quan, giao lưu, khám phá.
Nhằm góp phần phát triển du lịch bền vững, cần quảng bá văn hóa bản địa, cải thiện cuộc sống, nâng cao mức sống cho dân tộc Chăm. Để du lịch trở thành đòn bẩy, chủ lực tăng trưởng kinh tế của địa phương, ngoài những yếu tố về văn hóa, con người, ẩm thực… thì yếu tố cảnh quan và môi trường cũng rất quan trọng. Môi trường có xanh - sạch - đẹp thì mới tạo được ấn tượng với du khách, vừa tạo ra môi trường sống trong lành cho cộng đồng. Bảo vệ môi trường trong du lịch là một trong những yếu tố không chỉ làm cho làng sạch sẽ, thu hút khách du lịch, mà hiện nay cần được đẩy mạnh và phát huy nếp sống văn hóa, văn minh, thân thiện môi trường.
Đặc biệt, người Chăm ở “Làng Chăm Hồi giáo” cần làm du lịch theo đúng nghĩa “cộng đồng”, tức là cả làng cùng tham gia. Đồng thời, vận động nhà nào cũng phải có trách nhiệm bảo tồn nét đẹp văn hóa của dân tộc mình gắn với việc gìn giữ môi trường chung, tạo cảnh quan, duy trì nếp sinh hoạt văn hóa truyền thống. Chính quyền địa phương luôn tuyên truyền, vận động bà con cùng tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, tạo cảnh quan, khuôn viên nhà đẹp, môi trường sạch sẽ để thu hút khách du lịch đến – đi và trở lại.
Nguyễn Thị Lan (Bảo tàng tỉnh)