image banner
ĐÌNH NHỰT THẠNH – NGÔI ĐÌNH CỔ TRÊN VÙNG ĐẤT CÙ LAO THẠNH HỘI, TÂN UYÊN, BÌNH DƯƠNG
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 299
Theo thống kê hiện nay Bình Dương có 125 ngôi đình. Ngày 27 tháng 12 năm 2019, đình Nhựt Thạnh tại ấp Nhựt Thạnh, xã Thạnh Hội, thị xã Tân Uyên được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích cấp tỉnh theo Quyết định số 3912/QĐ-UBND. Nâng tổng số các đình được xếp hạng di tích là 14/125 ngôi đình (03 đình xếp hạng di tích cấp quốc gia, 11 đình xếp hạng di tích cấp tỉnh)

Đình Nhựt Thạnh được xây dựng vào khoảng năm 1848. Theo các vị cao niên trong làng, ban đầu đình được làm bằng gỗ tạp, mái lợp lá, vách bằng nan tre, nền đất. Sau đó, bà con trong làng cùng nhau góp công, góp của xây dựng đình với kiểu kiến trúc ba gian hai chái. Trong những năm kháng chiến chống Pháp, một số ngôi đình ở Thủ Dầu Một, Biên Hòa bị thực dân Pháp chiếm đóng dùng làm đồn bót hoặc là nơi phục vụ cho hoạt động quân sự của chúng. Vì vậy, bà con làng Nhựt Thạnh đã tháo dỡ ngôi đình, khi chiến tranh tạm thời lắng xuống mới dựng lại ngôi đình với những gì đã có sẵn trên nền đất cũ. Đình Nhựt Thạnh trải qua nhiều lần tu bổ, lần lớn nhất là vào năm 1957. Đến năm 1970 xây dựng thêm nhà túc và năm 2018 tu bổ lại mặt chánh diện ngôi đình như hiện nay.

Đình Nhựt Thạnh thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh được vua Tự Đức ban tặng sắc phong vào năm Tự Đức thứ năm (1852) nhằm công nhận ngôi đình và phong tước hiệu cho thần Thành Hoàng để nhân dân biết mà thờ tự. Sắc phong luôn được cất giữ tại đình từ khi được ban cho đến nay. Ngoài việc là nơi sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp, đình còn là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng, hoạt động đấu tranh yêu nước của nhân dân trong vùng. Các thành viên trong Ban quý tế đình Nhựt Thạnh kể rằng: khu vực từ phía sau đình đến miếu Bà có nhiều hầm bí mật, là nơi ẩn náu của cán bộ chiến sĩ tại địa phương, nhưng sau này để phục vụ cho việc cải tạo đất làm nông nghiệp nên hầm bí mật đã bị lấp.

Về tổng thể đình Nhựt Thạch có tổng diện tích 10.326,3m2, trong đó ngôi đình có kiến trúc theo lối kết hợp giữa ngôi nhà ba gian và nhà tứ trụ, mái lợp ngói âm dương, nền lát gạch tàu, với diện tích 247,3m2. Chánh Điện đình gồm hai ngôi nhà: một ngôi nhà ba gian phía trước, một ngôi nhà tứ trụ được sắp liền kề, giàn khung rường hoàn toàn bằng gỗ, tường bao quanh được xây bằng gạch. Phía trên mái được lợp bằng ngói móc. Mặt tiền trang trí nhiều hình ảnh đẹp như rồng, hổ… và được cẩn nhiều dĩa gốm cổ tạo nên vẻ đẹp độc đáo, cổ kính của ngôi đình. Tất cả hoành phi, liễn, câu đối đều được sơn son thếp vàng và cẩn ốc có nội dung chúc tụng sơn hà xã tắc bền vững lâu dài, xưng tụng công đức của bậc tiền nhân và thần thánh. Cách trang trí chạm trổ trên các bao lam, đề tài qua hình tượng các vật linh làm nổi bật lên sức mạnh quyền lực của rồng, sự sang trọng của phụng, mạnh mẽ của lân và phúc thọ của hạc trên lưng rùa, tất cả đều thể hiện vẻ tôn nghiêm cổ kính. Qua đó thể hiện được bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân ở địa phương.

Phía trước mặt tiền Chánh Điện được xây dựng kết cấu chủ yếu bằng vật liệu bê tông, cụm tượng gốm tỉ mỉ, tinh tế. Các motiz trang trí đa dạng, phong phú hai bên là hai bức phù điêu Bạch Hổ, Hoàng Long; phía trên được trang trí hoa văn, đĩa gốm, phù điêu Quan Công….; phía trên mái là các cụm tượng Lưỡng Long tranh châu, ông Nhật, bà Nguyệt, chim Trĩ, cá hóa rồng, các tiểu tượng này đều được trang trí một cách đối xứng. Cửa chính vào điện thiết kế theo lối tam quan, trang trí bức hoành phi chữ Hán 丕 膺 耿 命 (Phiên âm: Phi ưng cảnh mệnh; Tạm dịch: Ứng theo mệnh sáng, lạc khoản ghi:  己 亥 年 再 造 七 月 初 十 日(Kỷ Hợi niên tái tạo thất nguyệt sơ thập nhật) cho biết đình được tái tạo vào ngày 10 tháng 7 năm 1959.

Nội điện đình Nhựt Thạnh từ cửa vào đến khám thờ Thần có bốn hàng cột, mỗi hàng cột có sáu cột (2 cột nhất, 4 cột nhì), tổng cổng có 24 cột tạo thành một bộ khung chịu lực cao ráo, vững chắc hoàn toàn được làm bằng gỗ quý, có niên đại trên 100 năm. Phía trên mái, các đoạn kèo, xà được đấu nối với cột bằng lối ghép mộng, xuyên trính. Trên mỗi cột được bày trí các tấm liễn đối, sơn son thếp vàng, các chữ Hán được chạm khắc kiểu chữ Khải chân phương, đủ nét và trang nghiêm. Đình Nhựt Thạnh có tổng cộng gần 50 hoành phi, liễn đối chữ Hán, có những cặp đối được tạo tác từ năm Kỷ Dậu (1909), Canh Tuất (1910)…. Nội dung các cặp đối đều có ý nghĩa rất sâu sắc ca ngợi công, đức Thành Hoàng Làng, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, dân làng yên ổn, thịnh đạt; một số câu còn mang ý nghĩa răn dạy lớp hậu thế về cách đối nhân xử thế, quy cách ứng xử trong cộng đồng…

Trải qua hai thời kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm đình vừa là nơi chiến sĩ cách mạng tổ chức rèn luyện, hun đúc ý chí, chuẩn bị lực lượng để chiến đấu, vừa là nơi sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương trên vùng đất cù lao được bao quanh bởi dòng sông Đồng Nai.

Đình Nhựt Thạnh là nơi thờ Thành hoàng làng cùng các bậc Tiền hiền, Hậu hiền đã có công khai hoang mở đất, quy tụ dân chúng, tạo lập làng xã và xây dựng ngôi đình. Nơi đây đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa - tín ngưỡng của cư dân địa phương. Các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng được tổ chức thường niên có ý nghĩa biểu đạt tâm linh, thể hiện khát vọng hướng thiện, ý thức tìm về cội nguồn dân tộc, là chất kết dính tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt. Đình trở thành cơ sở tín ngưỡng cho nhân dân khắp nơi tìm về những nét đẹp văn hóa truyền thống, mà ở đó chính là nét thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân.


Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và chính quyền địa phương chụp hình lưu niệm tại
lễ  đón nhận bằng xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh Đình Nhựt Thạnh ngày 5/6/2020

Sự hiện tồn của ngôi đình Nhựt Thạnh đến hôm nay đã góp phần khẳng định quá trình định cư và phát triển của cư dân người Việt trên vùng đất Cù Lao Thạnh Hội, gắn chặt với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất – con người Bình Dương.

Phòng Bảo tồn di tích – Văn hóa phi vật thể

                                                                                                                                                          Bảo tàng tỉnh Bình Dương

Tài liệu tham khảo:

  1. Huỳnh Ngọc Đáng (chủ biên) (2017), Tìm hiểu liễn đối Hán – Nôm trong các miếu, chùa, miếu tỉnh Bình Dương, NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội.
  2. Ban chấp hành Đảng bộ huyện Tân Uyên, Đảng ủy xã Thạnh Hội, Lịch sử, truyền thống cách mạng của Đảng bộ và nhân dân xã Thạnh Hội giai đoạn 1930 – 1975, NXB Trẻ, 2015.
  3. Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, Địa chí Bình Dương, tập 4, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2010.
  4. Hồ sơ di tích Đình Nhựt Thạnh, lưu trữ tại Bảo tàng Bình Dương.
  5. Tư liệu điền dã cá nhân năm 2019.

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0