image banner
Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà Nét văn hóa đặc sắc của cư dân Bình Dương
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 432
Ngày 3 tháng 2 năm 2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký quyết định 559/QĐ-BVHTTDL đưa Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đây là một vinh dự lớn của môn phái và của cả nhân dân tỉnh Bình Dương nói chung. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ giới thiệu một số nội dung cơ bản về loại hình di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc này

Tên gọi và quá trình hình thành, phát triển môn phái

Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, Võ Tân Khánh, Võ Bà Trà hay Takado… đều là tên dùng để chỉ một một môn phái võ thuật được hình thành và phát triển ở Bình Dương vào nửa đầu Thế kỷ XIX, sau này được phát triển rộng khắp ra nhiều vùng ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Tên gọi “Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” là một tên gọi ghép bao gồm nhiều thành tố mang ý nghĩa khác nhau: “Võ Lâm” – hình thức, loại hình võ thuật; “Tân Khánh” – vùng đất khởi thủy, khởi phát của môn phái; “Bà Trà” – người sáng lập, Tổ sư môn phái…

Theo tác giả Hồ Tường, môn phái Tân Khánh Bà Trà thuộc dòng “võ lâm” – tức hệ thống võ thuật được người đời đúc kết, truyền dạy trong dân gian, qua các nhóm, hội…trên mọi miền lãnh địa, không yêu cầu hệ thống, bài bản nhất định, tồn tại dưới dạng miếng đánh, thế đánh…Khi các đòn thế, bài bản trong dân gian được hội tụ tại mảnh đất “Tân Khánh – Bình Chuẩn” đặc biệt dưới tài võ nghệ của nhân vật Võ Thị Trà đã hình thành nên một môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà nổi danh khắp chốn. Miệt “Tân Khánh – Bình Chuẩn” được mệnh danh là “Đất võ Phương Nam”. Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có lịch sử hơn 300 năm, căn cứ vào đặc trưng của từng thời kỳ có thể chia thành ba giai đoạn:

+ Thời kỳ khai phá lập làng (1698–1861): Là giai đoạn vận động và hình thành nên môn phái. Xuất phát điểm từ những người nông dân biết võ thuộc xứ Thanh Nghệ, Ngũ Quảng mang theo vào vùng đất mới lập nghiệp, giao thoa cùng với phái võ Tây Sơn để tạo nên môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Bà Trà được coi là sư tổ của môn phái và vùng Truông Mây được xem “võ đường” đầu tiên. Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà thời kỳ này gắn liền với việc đánh cướp, đả hổ, bảo vệ dân làng với những tên tuổi đã mang danh võ phái vang xa. Đó là thầy Hai Ất, thầy Ba Giá đánh cọp ở Bàu Lòng làm nên thương hiệu “Võ Tòng của đất Tân Khánh”. Đó là cô Năm Vuông với cây đòn gánh đánh tan một đảng cướp ở khu vực rừng rậm gần Tân Khánh, để lại địa danh “Truông Bà Năm Vuông”.

+ Thời kỳ kháng chiến chống xâm lược (1861–1975): Đây là thời kỳ khó khăn
nhưng cũng đầy vinh quang của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà. Vì sắc lệnh cấm dạy võ và
tập võ của thực dân Pháp ban hành năm 1900, người Việt Nam học võ nói chung, võ Tân Khánh Bà Trà nói riêng phải luyện tập bí mật. Song chính trong điều kiện tập luyện bí mật và gian khổ đó Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà lại phát triển rất mạnh. Đây có thể coi là thời kỳ phát triển cực thịnh của võ Tân Khánh Bà Trà: Hình thành nên ba chi phái (chi phái của thầy Võ Văn Ất, của thầy Võ Văn Đước và của thầy Đỗ Văn Mạnh); thành lập được đoàn võ sĩ Tân Khánh Bà Trà, nhiều võ sư nổi tiếng mà tên tuổi đã thành huyền thoại một thời cũng được đào tạo từ đây như: Võ Văn Phiên (Bảy Phiên), Trương Công Đại (Cả Đại), Hai Diệp, Hồ Văn Lành (Út Lành)... Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có đóng góp nhiều nhân vật tham gia cách mạng, tiêu biểu như: Nguyễn An Ninh, Phan Văn Hùm, Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Văn Tiễng…

+ Thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Thời kỳ đầu sau giải phóng, hoạt động võ
thuật bị ngưng trệ. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương, đặc biệt là vùng Tân Phước Khánh,
Bình Chuẩn - quê hương của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà, các võ đường hầu như không
hoạt động. Từ năm 1980, hoạt động của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà mới bắt đầu có dấu
hiệu khởi sắc nhờ sự nỗ lực không ngừng của các võ sư tâm huyết, nhiều cơ sở truyền
dạy võ thuật lần lượt được thành lập. Hiện nay, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có 61 câu lạc bộ với hơn 1500 môn sinh có mặt ở nhiều tỉnh thành như Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Kiên Giang, Lâm Đồng…


Đặc điểm, đặc trưng Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà

Với sự hội tụ của nhiều môn phái, quá trình thích ứng, tinh gọn để phù hợp với vùng đất mới, Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà vừa mang những đặc điểm, đặc trưng của Võ thuật cổ truyền Việt Nam, vừa có những đặc điểm riêng biệt, đóng góp và làm phong phú thêm hệ thống bài bản, đòn thế cho nền võ học Việt Nam

Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có hình thức biểu hiện rất đa dạng, phong phú với hàng trăm các đòn thế, bài bản sử dụng linh hoạt các bộ phận trên cơ thể để tấn công, phòng thủ như tay, chân, đầu gối, cùi chỏ và hàng chục các binh khí cổ truyền, trong đó có nhiều loại binh khí riêng của môn phái như khăn, đòn xóc, đòn gánh, kỷ (ghế), kỳ (cờ), liềm, thiết phủ…những binh khí là nông cụ sản xuất và vật dụng đời thường gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp.

Đặc trưng nổi bật nhất của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà là tính linh hoạt, tinh giản và hiệu quả; lối đánh liên hồi nhằm triệt hạ đối thủ, có tính sát thương cao. Với tính chất là thứ “vũ khí phòng thân” của di dân nên các chiêu thức, đòn thế của môn phái được tinh giản đến mức tối lược, nhằm dễ nhớ, sử dụng nhanh chóng và tạo ra những đợt tấn công tổng lực khiến đối thủ không có cơ hội kháng cự. Các chiêu thức, đòn thế của Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đánh không có điểm dừng, đòn này liên tiếp – nối tiếp đòn khác, đó cũng là điểm khác biệt lớn với võ thuật Việt Nam thường thấy.

Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có các đội Cờ người võ thuật, đây một sự sáng tạo độc đáo, nét đặc trưng riêng biệt không bị pha lẫn. Các đội Cờ người của môn phái tham gia hầu hết các dịp lễ hội, lễ tết của địa phương; tham gia biểu diễn giao lưu ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Lấy ý tưởng từ những cuộc tỉ thí cân não trên các ván cờ, các cuộc giao tranh, đối kháng võ thuật, các võ sư Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà đã sáng tạo và phát triển loại hình Cờ người võ thuật rất đặc sắc, hấp dẫn. Bàn cờ tướng là một võ đài, các tướng sĩ, binh mã đều được các võ sư, môn sinh đảm nhiệm; mỗi nước đi là những thế võ, mỗi nước ăn quân là một trận giao chiến võ thuật hấp dẫn, đẹp mắt…

Bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa quốc gia Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà

Môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức văn hóa của người dân Bình Dương nói chung và đặc biệt là cư dân vùng Tân Phước Khánh, Bình Chuẩn nói riêng; nhắc đến Tân Phước Khánh - Bình Chuẩn là nhắc đến võ thuật Tân Khánh Bà Trà và ngược lại - đó là một sự tự hào, hãnh diện về một môn phái võ thuật đã rạng danh khắp chốn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa và tầm ảnh hưởng trong đời sống văn hóa người dân Bình Dương, chúng tôi nhận thấy cần có một chương trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phù hợp, thiết thực.

Trước hết, cần xây dựng đề án Bảo vệ, phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn 2030; đây là một cơ sở, định hướng quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy; tiếp tục thực hiện các mô hình, giải pháp trong đề tài “Bảo tồn và phát huy Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương chủ trì (hỗ trợ các câu lạc bộ, các nhóm dạy tại nhà trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tuyển chọn một số học viên vào theo học tại các lớp năng khiếu tại Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục, thể thao Bình Dương, đưa Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà vào chương trình giáo dục thể chất ở các cấp học…).

Tiến hành phân cấp quản lý chặt chẽ để trên cơ sở đó đề ra kế hoạch bảo vệ, phát huy, nâng cấp di sản văn hóa một cách thích hợp nhằm gìn giữ và phát huy giá trị loại hình di sản văn hóa này. Mặt khác, cần chủ động xây dựng, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách (tỉnh, địa phương), nguồn xã hội hóa nhằm hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ truyền dạy, mua sắm các trang thiết bị và miễn phí hoàn toàn cho các học viên theo học. Bên cạnh đó, cần có sự đầu tư xây dựng nhà lưu niệm –Võ đường Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà tại khu vực Tân Phước Khánh, đây sẽ là một địa chỉ văn hóa không chỉ của môn phái mà là dấu tích lịch sử, văn hóa của vùng đất Tân Khánh Bà Trà xưa, một sự tri ân, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Trong thời gian tới cần thành lập Liên đoàn Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà; sự thành lập liên đoàn sẽ giúp Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà kiện toàn hệ thống, tạo sự kết nối giữa các câu lạc bộ ở các tỉnh, đồng thời tạo được sự thống nhất chương trình giảng dạy, hệ thống bài bản và từng bước nâng cao trình độ chuyên môn đội ngũ giảng dạy và học viên, góp phần quảng bá rộng rãi môn phái Võ Lâm Tân Khánh Bà Trà trong giới võ thuật./.

Trần Đức Thuận (Bảo tàng tỉnh Bình Dương)

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0