Núi Châu Thới nằm ở vị trí gần quốc lộ 1K thuộc địa phận phường Bình An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương cách thành phố Thủ Dầu Một 20km về hướng Tây; nằm gần sông Đồng Nai và tiếp giáp với nhiều tuyến giao thông lớn đi Thành phố Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bà Rịa... Núi Châu Thới cao 85m, trên đỉnh có ngôi cổ tự uy nghi, quang cảnh cây cỏ quanh năm tươi tốt. Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức đã từng miêu tả: Núi Châu Thới là tấm bình phong che chắn các luồng “gió dữ”, nó còn điều hòa khí hậu cân bằng sinh thái cho cả một vùng đất và người dân xung quanh. Núi Châu Thới còn là một biểu tượng đẹp của vùng cư dân Biên Hòa xưa – Nay là tỉnh Bình Dương.
Theo các nguồn tư liệu khảo cứu, chùa Châu Thới được xây dựng vào khoảng năm 1612 do Thiền sư Khánh Long sáng lập từ một am tranh nhỏ, lúc bấy giờ chùa được mang tên là Hội Sơn Tự. Tuy nhiên, căn cứ vào lạc khoản còn lưu giữ ở chùa có ghi dòng chữ “Tân Dậu niên chánh nguyệt sơ kiến nhật”, có thể xác định chùa Châu Thới được xây dựng vào năm 1681 và là ngôi chùa được xây dựng sớm nhất tỉnh Bình Dương và thuộc nhóm lâu đời nhất Nam Bộ. Hơn 300 năm lịch sử, chùa Châu Thới đã trải qua 13 đời trụ trì; qua quá trình biến động lịch sử, chùa đã được tu tạo nhiều lần: Năm 1930, trùng tu lại nhà thờ Tổ và Giảng đường; năm 1971, đắp xi–măng 220 bậc thang lên núi; năm 1993, Chánh điện được trùng tu. Sau đó, các hạng mục khác như bảo tháp, đại hồng chung, tượng phật, rồng chầu…cũng được xây dựng, hoàn thiện.
Bên cạnh những giá trị lịch sử tôn giáo, chùa Châu Thới còn mang những giá trị lịch sử cách mạng của vùng đất Dĩ An. Trong kháng chiến chống Pháp, dựa vào thế núi và ngôi chùa Châu Thới là nơi trú ẩn, hội họp của các nhà hoạt động cách mạng. Với địa thế hiểm yếu lại có các vị sư yêu nước, do đó rất thuận lợi làm điểm hội họp, dừng chân, ẩn náu; chùa Châu Thới đã từng là nơi luyện tập võ nghệ của các hội viên “Thiên địa hội”, nơi dừng chân của quân Đào Tây Sơn và là nơi lánh nạn của các chiến sĩ cách mạng. Các nhân vật nổi tiếng lúc bấy giờ như Huỳnh Văn Nghệ, Huỳnh Tấn Phát cũng từng đến chùa và hoạt động tại đây. Trong suốt 2 cuộc kháng chiến, các chư tăng ở đây đã ủng hộ tiền, gạo, vải, thuốc cho bộ đội; lúc cần kíp chùa Châu Thới đã ủng hộ cả Đại Hồng Chung để công binh xưởng đúc đạn đánh giặc…
Chùa Châu Thới được liệt vào một trong những Danh lam cổ tự của Việt Nam; chùa, núi, quang cảnh xung quanh tạo nên một danh thắng phong thủy hữu tình, cảnh trí thơ mộng, xanh mát…các yếu tố kiến trúc hòa quyện, tạo điểm nhấn cho khung cảnh thiên nhiên, làm toát lên những giá trị văn hóa kiến trúc, văn hóa cảnh quan nổi bật. Chùa Châu Thới hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, trong đó có 3 pho tượng Phật được tạc cách đây hơn 300 năm; hệ thống tượng gỗ, tượng đất nung; đặc biệt chùa còn lưu giữ pho tượng Quan Thế Âm bằng gỗ mít trên 100 năm do chính Hòa thượng Thích Thiện Hóa chế tác. Tuy các hạng mục chính của chùa được xây bằng bê tông, cốt thép song được thể hiện bởi những bậc thợ tài hoa nên tổng thể chùa vẫn toát nên vẻ đẹp cổ kính, đậm màu sắc dân tộc. Quần thể chùa, điện trên núi Châu Thới gồm: Chánh điện, nhà Tổ, điện Thiên Thủ Thiên Nhãn, miếu Linh Sơn Thánh Mẫu, điện thờ Diêu Trì Kim Mẫu…một số hạng mục được trang trí bằng các mảnh gốm sứ rất đẹp mắt. Năm 1994, chùa đã vận động bà con đóng góp đúc 4 pho tượng đồng, mỗi tượng nặng trên 1 tấn, cao 2.5m do nhóm thợ kỳ cựu của xứ Huế, đây là những pho tượng đúc đồng đầu tiên tại tỉnh Bình Dương. Ngoài ra, chùa còn có tượng Quan Thế Âm cao 22,5m, cặp rồng lớn bao quanh, cách hàng chục km vẫn có thể nhìn thấy.
Chùa trên núi Châu Thới (nguồn: Phạm Nga)
Núi Châu Thới mang những giá trị cảnh quan rất đặc sắc – núi cao nằm giữa vùng bình địa bằng phẳng; dưới chân núi có những hồ nước trong vắt; xa xa về phía Đông là dòng sông Đồng Nai uốn lượn hiền hòa. Cây cối thảm thực vật trên núi phong phú, đa dạng, quanh năm xanh tốt che rợp những lối đi; vãn cảnh chùa mùa nào du khách cũng cảm nhận được bầu không khí mát mẻ, trong lành, tĩnh lặng…
Hàng năm, danh thắng Núi Châu Thới đón hàng chục ngàn lượt khách du lịch về chiêm bái, lễ Phật; đặc biệt vào dịp đầu năm và lễ Vu Lan báo hiếu du khách nhiều tỉnh lân cận như Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Miền Tây cũng tập trung về đây xin lộc, viếng chùa và tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện trao tặng quà cho bà con gặp khó khăn trong vùng. Cũng vào những dịp này Núi Châu Thới trở thành một điểm du lịch đặc biệt cuốn hút, khách vãn cảnh chùa đông đúc từ sáng tinh sương cho đến chiều tối muộn; các lối đi lên núi luôn nhộn nhịp bước chân; các gian hàng lưu niệm, các sạp đồ ăn nhanh, các đặc sản vùng miền đều được bày bán hai bên đường để phục vụ du khách tham quan.
Với những giá trị lịch sử, văn hóa, cảnh quan, núi Châu Thới trở thành một biểu tượng của ngành du lịch tỉnh Bình Dương, một danh thắng thiên nhiên giữa lòng phố thị. Hy vọng trong thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm xây dựng các đề án, chương trình gắn kết di tích núi Châu Thới vào “không gian phát triển du lịch phía Nam”, là điểm nhấn của các tour, tuyến du lịch tâm linh, du lịch kiến trúc truyền thống, du lịch về nguồn…để danh thắng núi Châu Thới phát huy hết những giá trị vốn có.
Trần Đức Thuận – Bảo tàng tỉnh Bình Dương