image banner
Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Nhà cổ ông Trần Công Vàng
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 740
Nhà cổ ông Trần Công Vàng toạ lạc tại số 21, đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây được coi là ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất, kiến trúc đẹp nhất, lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nhất và được bảo quản tốt nhất tỉnh Bình Dương. Với những giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là về kiến trúc, ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993 theo Quyết định số 43VH/QĐ ngày 07/01/1993.

      Một phần nội thất bên trong thể hiện sự lộng lẫy của ngôi nhà   Ảnh: Tác giả

Nhà cổ ông Trần Công Vàng toạ lạc tại số 21, đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Đây được coi là ngôi nhà có tuổi đời lâu nhất, kiến trúc đẹp nhất, lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị nhất và được bảo quản tốt nhất tỉnh Bình Dương. Với những giá trị về nhiều mặt, đặc biệt là về kiến trúc, ngôi nhà đã được Bộ Văn hoá – Thông tin công nhận là Di tích kiến trúc - Nghệ thuật cấp Quốc gia vào năm 1993 theo Quyết định số 43VH/QĐ ngày 07/01/1993.

Được biết đến rộng rãi với tên gọi Nhà cổ ông Trần Công Vàng song chủ nhân đầu tiên, người xây dựng nhà là ông Trần Công/Văn Long. Ông Long sinh năm Quý Mão (1843), mất vào tháng Giêng năm Giáp Thìn (2/1904 dương lịch), là con trai thứ hai trong một gia đình thuộc dòng họ Trần nổi tiếng giàu có ở đất Thủ.

Dòng họ Trần ở Thủ Dầu Một có nguồn gốc từ Quảng Nam, từ thế kỷ 17 đã di cư vào vùng đất này và dần trở lên giàu có nhờ công việc khai thác, cưa xẻ, buôn bán gỗ. Đến thế hệ của ông Trần Công Long, với điều kiện kinh tế sung túc và sự thuận lợi về nguồn nguyên liệu gỗ cùng tấm lòng hướng nhớ cội nguồn, các ông đã thuê thợ ở miền Trung, đưa vào Thủ Dầu Một để dựng nhà theo lối truyền thống ở quê hương. Trong đó, nhà của ông Trần Công Long được dựng đầu tiên, từ năm 1889 đến năm 1892 hoàn thành. Những năm đầu thế kỷ 20 khi dân cư khu vực này còn thưa thớt, ba ngôi nhà gỗ vàng son lộng lẫy, quy mô bề thế nổi bật trên bờ Bắc của bến Bạch Đằng là cảnh đẹp nổi tiếng vùng đất Thủ đã khiến bao người phải trầm trồ mỗi khi đi qua.

Giá trị của nhà cổ Trần Công Vàng thể hiện trước hết là về mặt kiến trúc, trong đó mỗi một chi tiết đều có những ý nghĩa nhất định: Hòn non bộ đặt trước mặt tiền nhà vừa mang tính mỹ thuật vừa là yếu tố phong thuỷ giúp ổn định cuộc đất và cũng là tấm bình phong che chắn cho ngôi nhà khỏi sự xâm nhập của tà hoả cùng khí độc. Cái trấn hình bát quái đặt trên đường bờ nóc, tưởng chừng chỉ là vật trang trí song nó còn có tác dụng trấn trạch, bảo vệ sự bình yên của mọi thành viên trong gia đình. Hai khối gỗ tròn tại bao lam giữa cũng là “mắt cửa”, là nơi trú ngụ của các vị Thần trông coi cho ngôi nhà… Càng đi sâu vào bên trong, các đồ án kiến trúc càng đậm đặc, giàu tính biểu tượng và mang nhiều tầng lớp ý nghĩa.

Ngôi nhà có lối kiến trúc chữ Đinh nghịch, trong đó nhà trên/nhà ngang là nơi tiếp khách và thờ tự, nhà dưới/nhà dọc là nơi sinh hoạt thường xuyên. Giữa hai nhà là thiên tỉnh giúp lấy ánh sáng và không khí cùng nhà cầu nhỏ làm lối đi và chia sân thành hai phần, là nhịp chuyển duyên dáng giữa hai kết cấu lớn.

Nhà trên mang đậm phong cách nhà gỗ truyền thống với kiểu nhà rường Huế, mái lợp ngói âm dương rộng bản đặc trưng của Nam kỳ. Hệ cửa ra vào được làm theo lối thượng song hạ bản, là một trong những sáng tạo phù hợp với môi trường sống nắng ẩm, mưa nhiều của miền Nam. Nó giúp ánh sáng và không khí tràn vào nhà tạo sự mát mẻ mà mà vẫn có được riêng tư vì chỉ có người bên trong mới dễ dàng nhìn ra bên ngoài trong khi nếu đứng ngoài rất khó nhìn được phía trong nhà. Bên cạnh đó, bậu cửa cùng với mái nhà hạ xuống rất thấp làm cho bất kỳ ai đều phải hạ thấp chiều cao và nhìn xuống dưới, tạo thành động tác cúi người tự nhiên, khiêm tốn khi bước vào nhà.

Điểm nổi bật tạo nên giá trị độc đáo cho ngôi nhà là không gian giàu tính trang trí, cầu kỳ và quý phái nơi nội thất. Bộ khung nhà hoàn toàn bằng gỗ, nâng đỡ những bộ liên ba chạm trổ cầu kỳ, các bộ vì kèo được gia công bóng loáng và là giá đỡ cho những tấm hoành phi, câu đối tinh xảo. Lòng nhà sâu, rộng gồm ba gian, hai chái képphân chia không gian trong nhà thành gian tiếp khách nằm ngoài cùng, gian giữa là gian thờ và sau cùng là nơi ngủ nghỉ của gia chủ. Đồ nội thất gồm những bộ ghế xuân, đôn gốm, bình hoa, đèn treo, bát đĩa cổ… được trang trí, sắp đặt hợp lý trong nhà tạo ấn tượng về sự sung túc và gu thẩm mỹ của chủ nhà.

Ấn tượng hơn cả là hệ thống các đồ án hoa văn được chạm lộng, chạm thủng, cẩn xà cừ xuất hiện dày đặc ở tất cả các vị trí trong ngôi nhà. Mỗi một đồ án hoa văn đều mang một đề tài và ý nghĩa riêng: đào, lựu, lê… tượng trưng cho nhiều con; dơi ngậm tiền chỉ ý nghĩa tài – phúc; cá thể hiện ước vọng về sự giàu có… Bên cạnh những đề tài truyền thống theo quy điển chung được lựa chọn chu đáo, thể hiện ước vọng, khí chất và cả điều kiện kinh tế của gia chủ còn có những đồ án thể hiện các tích truyện biến đổi, phá cách, kết hợp theo ý hướng của chủ nhà để tạo thành những điểm nhấn độc đáo. Đó là các hoạ tiết Mẫu đơn, chim Trĩ độc lập hay đứng chung được lặp đi lặp lại nhiều lần ở nhiều nơi thể hiện vị trí, sự tôn vinh đối với nữ chủ nhân và ca ngợi tình yêu đôi lứa. Đặc biệt hoạ tiết Nai sinh sản là một trong những đề tài khác lạ trong trang trí truyền thống, thể hiện ước vọng con cháu đầy đàn và phúc lộc đầy nhà.

Không chỉ đặc sắc ở đề tài, ý nghĩa, các mảng chạm còn gây ấn tượng bởi màu sắc, chất liệu và kỹ thuật. Màu ốc xà cừ, màu sơn trên gỗ được phản chiếu tốt hơn trong ánh sáng lập loè tạo ra nhịp điệu của các hoạ tiết. Các phù điêu được chạm thành nhiều lớp. Kỹ thuật phù điêu cao đẩy các mảng chạm cao khỏi mặt phẳng nền, tạo hiệu ứng ba chiều cho chủ thể. Phần nền được lộng các dạng hình học tạo ra độ thoáng, mở. Sự khéo léo trong kỹ thuật đan cài giữa khoảng đặc và khoảng rỗng giúp các chạm khắc được “thở” trong khi vẫn hướng tới sự cầu kỳ, lộng lẫy tạo hiệu ứng chiều sâu và độ thông thoáng cho không gian của ngôi nhà.

Ngoài kiến trúc, mỹ thuật, điểm đặc sắc thứ ba tạo nên giá trị của ngôi nhà chính là nghệ thuật thư pháp và nội dung các di văn Hán Nôm được chạm khắc, cẩn xà cừ trên 20 hoành phi, liễn đối và trang thờ. Chữ Hán được chạm theo lối chữ Khải chân phương, chữ Thảo bay bướm, chữ Triện trang trọng, phù hợp với từng vị trí đặt chữ. Nghệ thuật nhất là những tấm liễn theo lối “nhất thi nhất hoạ”, “nhất tự nhất hoạ”, ở đó mỗi bài thơ hay mỗi chữ đại tự được trang trí kèm theo một bức tranh vừa thể hiện, vừa hô ứng theo ngữ nghĩa của chữ. Đặc biệt nhất là hai tấm liễn đặt tại vị trí gian thờ: nghệ thuật thư pháp được đẩy lên đỉnh cao với mỗi một chữ là một bức hoạ về cỏ, cây, hoa, lá thể hiện trình độ Hán học của người cho chữ và kỹ thuật cẩn xà cừ của nghệ nhân cẩn chữ.

Nội dung của được đề cập đến trong các hoành phi, liễn đối Hán Nôm, ngoài một số câu viết về cảnh đẹp của thiên nhiên còn lại chủ yếu là những lời răn dạy con cháu về đức tính khiêm nhường, luôn luôn phải biết tự sửa mình, có hiếu đối với cha mẹ, ông bà và phải luôn phấn đấu học hành, nối tiếp truyền thống thư hương của gia đình. Trong đó, nội dung trung tâm, thể hiện dấu ấn của gia chủ (ở đây là ông Trần Công Long - người xây dựng ngôi nhà) chính là bức đại tự 正中 - Chánh Trung – tên tự của ông và cặp liễn: 正 心 為 先 明 德 肇 基 傳 世 遠/中 立 不 倚 聖 言 垂 訓 暦 年 新 (Chánh tâm vi tiên minh đức triệu cơ truyền thế viễn/Trung lập bất ỷ thánh ngôn thùy huấn lịch niên tân - Ngay thẳng làm đầu, đức rạng xây nền truyền vạn thuở/ Lòng trung chẳng lệch, Thánh hiền răn dạy mới bao năm). Đây chính là lối sống ông luôn răn mình và là những điều tâm huyết ông muốn truyền lại cho con cháu.

Trải qua hơn 100 năm với 5 đời con cháu và nhiều thay đổi của thời cuộc, ngôi nhà vẫn được gìn giữ, bảo quản nguyên vẹn và ngày càng được bồi đắp thêm những hiện vật mang dấu ấn của các thế hệ. Ngôi nhà là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh, của những nhà nghiên cứu tìm hiểu về kiến trúc truyền thống dân gian, là bối cảnh của nhiều bộ phim về xã hội Nam Bộ thời Pháp thuộc trở về trước. Tuy nhiên trong thời gian tới, cơ quan quản lý, đơn vị chuyên môn và các cấp chính quyền cần có những giải pháp cụ thể để bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị đặc sắc của ngôi nhà./.
Đỗ Thanh (Bảo tàng tỉnh)

Đánh giá - Nhận xét

3
2 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0