image banner
Kỷ niệm 65 năm Ngày “Phú Lợi căm thù” (01/12/1958 – 01/12/2023): “PHÚ LỢI CĂM THÙ” - SỰ KIỆN LỊCH SỬ MÃI ÂM VANG
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 391
Cách đây 65 năm, vào những ngày cuối năm 1958, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã thực hiện vụ đầu độc tù nhân chính trị nhà tù Phú Lợi, gây ra bao nỗi đau thương, mất mát cho đồng bào, chiến sĩ của ta ở khắp mọi miền của đất nước. Biến căm thù thành sức mạnh, những người yêu nước đã tham gia hành động nhằm vạch trần âm mưu và hành động đẫm máu của chế độ Mỹ – Diệm. Cả đất nước hướng về Phú Lợi đau thương và miền Nam ruột thịt, trở thành sự kiện lịch sử nổi bật lúc bấy giờ: Sự kiện “Phú Lợi căm thù”.

Giữa năm 1957, đế quốc Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm đã xây dựng trại giam Phú Lợi tại xã Phú Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một [1] để phục vụ cho quốc sách “tố cộng” và “diệt cộng”. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian gần 8 năm (1957 – 1964), nơi đây thật sự trở thành “địa ngục trần gian” của những chiến sĩ cộng sản và người yêu nước. Chính quyền Mỹ – Diệm đã thực hiện chế độ lao tù vô cùng hà khắc: Ăn uống kham khổ, thiếu vệ sinh, sức lực bị bào mòn, tra tấn tù nhân một cách man rợ. Tội ác chính quyền Mỹ - Diệm gây ra thực sự lên đến đỉnh điểm khi vụ đầu độc xảy ra tại trại giam Phú Lợi vào những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1958, tàn sát hơn 1.000 đồng bào yêu nước. Sự kiện đã gây nên làn sóng căm thù, phẫn nộ đối với Nhân dân cả nước và thế giới. Chỉ sau một tháng vụ đầu độc, ta nhận được nhiều bức điện của các tổ chức quốc tế: Liên hiệp Công đoàn thế giới, Hội Liên hiệp học sinh thế giới, Hội Luật gia thế giới… Ở trong nước, hưởng ứng lời kêu gọi Tuần lễ thi đua vì Phú Lợi và miền Nam ruột thịt của Ủy ban đấu tranh Trung ương chống vụ đầu độc, khắp nơi đã dấy lên phong trào thi đua trên công xưởng, nông trường, hợp tác xã, thao trường, thông tin đại chúng và sáng tác văn nghệ. Nhiều cơ quan, đơn vị, tác phẩm,… ra đời mang danh gắn liền với sự kiện “Phú Lợi căm thù”.

Tiểu đoàn Phú Lợi – Đơn vị vũ trang chủ lực của tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập trong bối cảnh “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ và chính quyền Sài Gòn bước vào giai đoạn thất bại, chuẩn bị tiến hành chiến tranh kiểu mới “Chiến tranh cục bộ”. Buổi lễ chính thức ra mắt Tiểu đoàn Phú Lợi đã diễn ra vào lúc 19 giờ ngày 5 tháng 6 năm 1965 tại xóm Vườn Trầu, ấp Hố Mên, xã Long Nguyên, huyện Bến Cát (nay thuộc huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương), do đồng chí Phạm Văn Thuấn làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Trần Văn Châu làm Chính trị viên. Về ý nghĩa tên gọi của tiểu đoàn, xuất phát từ sự kiện Mỹ - Diệm đầu độc hàng ngàn chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước tại nhà tù Phú Lợi. Quân dân tỉnh nhà mãi khắc ghi mối thù “trời không dung, đất không tha, người người đều căm giận”. Tiểu đoàn vinh dự mang danh hiệu Phú Lợi cũng là gánh vác trách nhiệm phải trả cho được mối thù này, góp phần cùng quân dân của tỉnh tiêu diệt hết quân địch, giải phóng quê hương [2].

Ngay khi vụ đầu độc tại trại giam Phú Lợi xảy ra, những tin tức về sự kiện nhanh chóng được thông tin kịp thời đến dư luận trong và ngoài nước, thể hiện vai trò tích cực của đội ngũ anh chị em làm công tác báo chí, tuyên truyền. Tại Thủ Dầu Một, một đợt tuyên truyền đột xuất chống vụ đầu độc ở nhà tù Phú Lợi được phát động và tiến hành sâu rộng trong toàn tỉnh. Tỉnh ủy chủ trương xuất bản tờ tin đặc biệt, lấy tên Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi. Tờ tin ra hàng tuần, phản ánh tin tức về cuộc đấu tranh của Nhân dân cả nước và những tin tức thế giới liên quan đến sự kiện Phú Lợi. Tờ tin đã góp phần làm dấy lên lòng căm thù sâu sắc đối với bè lũ sát nhân Mỹ - Diệm trong các giới đồng bào, khuấy động phong trào đấu tranh chống những hành động dã man của chúng đối với tù nhân chính trị trong khắp các nhà tù ở miền Nam Việt Nam [3]. Tờ tin Đấu tranh chống vụ thảm sát Phú Lợi dừng phát hành sau ba tháng. Đến năm 1963, để đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, tờ báo Phú Lợi ra đời trên cơ sở nâng cấp từ tờ Tin tức [4] để khắc ghi sự kiện đầu độc những người yêu nước tại nhà tù Phú Lợi, đồng thời khơi gợi tinh thần yêu nước, căm thù giặc trong Nhân dân. Báo Phú Lợi vinh dự là một trong những tờ báo địa phương được Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được tặng Huân chương Giải phóng hạng ba tại Đại hội lần thứ nhất Hội Nhà báo yêu nước và dân chủ miền Nam Việt Nam tổ chức vào ngày 20/3/1963.

Tem thư ““Căm thù Phú Lợi” (Nguồn: Phan Thị Mến)

Đồng sức, đồng lòng cùng dân tộc hướng về Phú Lợi đau thương và miền Nam ruột thịt, những người làm công tác văn học nghệ thuật ngày ấy hưởng ứng lời kêu gọi của Ban chấp hành Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam đóng góp bằng những khả năng sáng tác, biểu diễn và lời nói đưa vụ đầu độc trên ra trước ánh sáng của chân lý và hòa bình. Những băng rôn, biểu ngữ, tranh, áp phích cùng Nhân dân cả nước xuống đường biểu tình phản đối tội ác của đế quốc Mỹ - Diệm đối với đồng bào, chiến sĩ ta trong nhà tù Phú Lợi. Tiêu biểu trong số đó là bức tranh “Căm thù Phú Lợi” của họa sĩ Lê Nguyên Lợi – Bùi Trang Chước, đã được in thành bộ tem thư phát hành vào ngày 15/5/1959 với hai mệnh giá 12 xu và 20 xu, kích thước 41x 49mm, được thiết kế trên nền các màu chủ đạo (đen, ghi, trắng, đỏ), hình ảnh trung tâm là hai tù nhân, người nữ trong tư thế nằm, bị thương, người nam trong tư thế đứng, tay trái làm loa kêu cứu, tay phải giơ cao biểu trưng cho đấu tranh; xung quanh tái hiện hình ảnh các nhà giam với việc các tù nhân phá nóc nhà giam, kêu cứu bên ngoài. Phía trên bức tem ghi tên nước “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, bên dưới là dòng chữ đậm nét “Tội ác Mỹ - Diệm”, “Phú Lợi 1-12-1958”. Với lối vẽ sắc nét, giản dị, tác giả đã làm nổi bật chủ đề của tem thư, qua đó tố cáo tội ác của chính quyền Mỹ - Diệm cũng như kêu gọi tinh thần đấu tranh của Nhân dân trong nước và quốc tế đối với sự kiện này.

 
 

 Tượng đài “Phú Lợi căm thù” tại di tích Nhà tù Phú Lợi (Nguồn: Phan Thị Mến)


Ở lĩnh vực điêu khắc, bức tượng “Phú Lợi căm thù” được tác giả Diệp Minh Châu sáng tác vào ngày 02/12/1958 được đánh giá cao về nghệ thuật, “không chỉ đạt ở nội dung, ở linh hồn của tượng, mà nó còn biểu hiện một tài nghệ tuyệt vời, linh hoạt, phóng khoáng với những đường nét, cơ bắp uyển chuyển, vừa gân guốc – cứng rắn của người đàn ông, vừa nhẹ nhàng mềm mại trong cái chết của người phụ nữ. Nó toát lên một khí phách kiên cường, bất khuất với kẻ thù, một tình thương, một tấm lòng với đồng chí, đồng bào của người cộng sản” [5]. Tác phẩm vinh dự nhận được Huy chương vàng triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Năm 1995, tỉnh Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương) thực hiện công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Nhà tù Phú Lợi vào dịp kỷ niệm 37 năm ngày đoàn kết, bất khuất đấu tranh chống vụ đầu độc tù nhân Phú Lợi. Một bức tượng “Phú Lợi căm thù” bằng đồng cao 3,5m của tác giả điêu khắc Diệp Minh Châu được xây dựng tại di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi thể hiện sự đau thương trong ngày xảy ra vụ đầu độc, đồng thời tái hiện lịch sử nêu cao tinh thần đấu tranh bất khuất của tù nhân Phú Lợi năm xưa.

Hơn nửa thế kỷ đã đi qua nhưng sự kiện “Phú Lợi căm thù” vẫn còn mãi khắc ghi trong tâm thức của Nhân dân Việt Nam. Và tên tuổi của những đơn vị, tác phẩm gắn liền với sự kiện “Phú Lợi căm thù” sẽ trở thành thông điệp lịch sử, giúp ta khơi gợi về một quá khứ hào hùng của các thế hệ cha ông đã chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Đó sẽ là những minh chứng lịch sử sinh động góp phần giới thiệu đến du khách khi đến tham quan, học tập, về nguồn tại di tích lịch sử quốc gia Nhà tù Phú Lợi, thuộc phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

ThS. Phan Thị Mến – Bảo tàng tỉnh Bình Dương

 

 

 [1] Chính quyền Ngô Đình Diệm đặt tên tỉnh Bình Dương, được thành lập vào năm 1956, nay thuộc phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

[2] Cao Hùng (1990), Tiểu đoàn Phú Lợi những năm tháng chiến đấu oanh liệt và chiến thắng vẻ vang, Nhà xuất bản Tổng hợp Sông Bé, tr.34.

[3] Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Bình Dương (Huỳnh Ngọc Đáng chủ biên) (2020), Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Bình Dương (1930 – 2017), NXB Chính trị Quốc gia Sự Thật, Hà Nội, tr.105 – 106.

[4] Tờ Tin tức ra số đầu tiên vào giữa năm 1961, một năm sau đó được nâng cấp thành Báo Phú Lợi.

[5] Trang Phượng (1995), Tác giả tượng Phú Lợi căm thù”, Báo Sông Bé, số 1322 ngày 08/12/1995, tr.6.

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0