Thư viện tỉnh Bình Dương: Tích cực phổ biến pháp luật cho học sinh, sinh viên thông qua xe thư viện lưu động
Học sinh, sinh viên là đối tượng còn ít va chạm xã hội, ít kinh nghiệm sống và không kiểm soát được các hành vi của bản thân nên dễ vi phạm pháp luật. Chính vì vậy, công tác phổ biến và giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là rất cần thiết. Qua đó, nhằm cung cấp cho các em những kiến thức pháp luật, xây dựng thái độ tôn trọng và hành vi tích cực tuân thủ pháp luật cho các em trong cuộc sống hàng ngày.
Thực hiện
Quyết định số 1260/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành
Chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022 -2027, căn cứ các kế
hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật hàng năm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch
và của Ủy ban nhân dân tỉnh, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp
luật trong ngành được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm thực hiện. Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở, Thư viện tỉnh Bình Dương cũng có
một số hoạt động để phổ biến, tuyên truyền pháp luật như tổ chức triển lãm các
loại sách luật và các văn bản hướng dẫn thi hành theo chủ đề và thời điểm thích
hợp để giới thiệu với bạn đọc.
Triển lãm
sách pháp luật tại Thư viện tỉnh Bình Dương
Từ năm 2020, Thư viện tỉnh tổ chức xe sách lưu động kết hợp
với giáo dục kỹ năng cho học sinh, sinh viên thông qua các chuyên đề. Nội dung gắn liền với việc giới
thiệu những quyển sách bổ ích đang có tại Thư viện tỉnh, truyền tải những kiến
thức, kỹ năng từ sách để các em nắm bắt, đồng thời thư viện đã đưa thêm
nội dung phổ biến pháp luật vào chương trình nhằm trang bị cho các em những
kiến thức pháp luật cơ bản, góp phần cùng với các ngành chức năng đẩy mạnh công
tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong trường học.
Mô hình phổ biến pháp luật, giáo dục
kỹ năng sống và kết hợp phục vụ sách đã được các thầy cô giáo và các em học
sinh, sinh viên nhiệt tình hưởng ứng. Để thực hiện mô hình đạt hiệu quả và thu
hút sự chú ý của các em, thư viện đã phối hợp với các phòng chuyên môn của Công
an tỉnh như Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Phòng Cảnh sát phòng
cháy – chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn, Trung tâm Văn hóa tỉnh, Đội cảnh sát giao
thông các huyện, thành phố thực hiện các chuyên đề về Phòng chống ma túy trong
học đường, Kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích, đuối nước,
An toàn giao thông và văn hóa giao thông,.. Nội dung tuyên truyền tùy
thuộc vào từng chủ đề, tuyên truyền viên sẽ có kịch bản cụ thể, bao gồm: khái
quát về vấn đề cần nêu, giới thiệu nội dung chính của vấn đề, hướng dẫn cách
giải quyết vấn đề, nêu những hệ lụy của vấn đề, hướng dẫn cách phòng tránh, phổ
biến kiến thức pháp luật có liên quan với chủ đề cần tuyên truyền.
Tuyên
truyền chuyên đề “Phòng, chống bạo lực học đường” tại trường THCS Trần Bình
Trọng 1 (Thành phố Thủ Dầu Một)
Trong những năm
qua, mỗi năm Thư viện tỉnh tổ chức khoảng 50 buổi phục vụ sách lưu động, trong
đó, phục vụ cho đối tượng học sinh, sinh viên trên 30 buổi, mỗi buổi phục vụ có
từ 500 đến 1.200 em tham dự. Những luật được phổ biến trong các buổi phục vụ
sách lưu động gồm: Luật giao thông đường bộ, Luật Phòng cháy chữa cháy, Bộ luật
Hình sự, Bộ luật dân sự, Luật phòng chống ma túy, các nghị định của Chính phủ
về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và trong lĩnh vực an ninh
trật tự, an toàn xã hội, phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy, cứu
nạn, cứu hộ,... Bằng hình thức tuyên truyền gần gũi,
dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi, đưa ra ví dụ cụ thể từ các vụ án hình sự điển
hình do đối tượng là người vị thành niên thực hiện để các em học sinh, sinh
viên nhận thức rõ những đặc điểm cơ bản nhất của cấu thành tội phạm, giới hạn phải
chịu trách nhiệm hình sự và hậu quả pháp lý phải gánh chịu. Những câu chuyện kể
hấp dẫn được tuyển chọn từ sách và nhất là từ thực tế công tác của các tuyên
truyền viên là công an đã đặc biệt thu hút các em. Đó là những thông tin cụ thể
về tình hình hình chấp hành pháp luật trên địa bàn tỉnh, các tình huống vi phạm
và xử lý vi phạm do các tuyên truyền viên trực tiếp tham gia, các lần truy bắt
tội phạm, hay những câu chuyện về hoàn cảnh gia đình đã đưa đẩy các em vào con
đường phạm tội, phân tích những nguyên nhân, hậu quả của những hành vi mà các
em thực hiện do thiếu hiểu biết,.. lồng ghép vào đó là những chế tài của pháp
luật mà các đối tượng phải gánh chịu khi thực hiện hành vi phạm tội. Để thu hút sự chú ý
theo dõi của các em, các tuyên truyền viên của thư viện tỉnh còn thực hiện biểu
diễn một số tiểu phẩm ngắn nêu bật tình huống có liên quan đến chủ đề tuyên
truyền, đặt câu hỏi để các em trả lời và tặng quà khi các em trả lời đúng.
Thư
viện tỉnh Bình Dương phối hợp Công an tỉnh tổ chức tuyên truyền phòng chống ma
túy tại Trường Tiểu học Bình Quới (Thành phố Thuận An)
Một buổi hoạt động với nhiều cách
thức tuyên truyền được áp dụng như tuyên truyền miệng, văn nghệ cổ động, trưng
bày giới thiệu sách, tổ chức thi trả lời câu hỏi, các trò chơi có liên quan đến
sách,...đã đem đến cho các em học sinh, sinh viên những kiến thức về pháp luật
cần thiết cho cuộc sống, giúp các em nhận thức và hiểu biết về pháp luật đầy đủ
hơn, ý thức được những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm để điều chỉnh cho phù
hợp với lứa tuổi của mình và với môi trường học đường.
Tiếp xúc với các em học sinh tiểu học, chúng tôi nhận thấy các em đã có
hành vi đúng đắn khi tham gia giao thông như biết đội mũ bảo hiểm, chấp hành
hiệu lệnh của các biển báo, đèn giao thông; các em còn biết không nghe lời dụ
dỗ và không ăn quà, bánh của người lạ, biết được các số điện thoại cần thiết
khi gặp tình huống khẩn cấp,... Các em học sinh trung học cơ sở cũng đã nhận
thức được bạo lực học đường là hành vi vi phạm pháp luật; các em học sinh phổ
thông và sinh viên được trang bị kỹ năng để phân biệt các loại ma túy và các
chiêu trò dụ dỗ của các đối tượng nhằm đưa các em vào con đường nghiện ngập,
mua bán hàng cấm,... đa số các em đều biết cách phòng tránh khi gặp các tình
huống nguy hiểm. Kết quả đó là nhờ sự tích cực trong tuyên truyền, giáo dục của
các ngành, các cấp, của nhà trường, gia đình và có một phần đóng góp của thư
viện tỉnh.
Để công tác phổ biến pháp luật trong học sinh,
sinh viên đạt hiệu quả tốt hơn, ngành thư viện cần có những giải pháp cụ thể.
Trong đó, cần phát huy tối đa chức năng của xe thư viện lưu động và nhất là cần đảm bảo vốn đối ứng để xe thư viện lưu động hoạt động có
hiệu quả. Để chương trình hoạt động được phong phú, đa dạng và chuyên sâu, thư
viện cần mở rộng các chuyên đề, chủ điểm tuyên truyền phù hợp với tình hình
thực tế tại địa phương và cần có kế hoạch phối hợp với các cơ quan chuyên môn
trong công tác tuyên truyền, giáo dục như: Sở Tài nguyên và Môi trường (chuyên
đề Bảo vệ môi trường), Cảnh sát hình sự (chuyên đề phòng tránh xâm hại trẻ em),
Cảnh sát giao thông (chuyên đề an toàn giao thông và văn hóa giao thông), Sở
Thông tin và Truyền thông (chuyên đề về an ninh mạng),...Về nhân lực, thư viện
cũng cần một số tuyên truyền viên có kỹ năng thuyết
trình, biểu diễn tiểu phẩm, tổ chức các hoạt động hoạt náo, có kiến thức pháp
luật và một số kiến thức tổng hợp khác.
Có thể nói
rằng việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên là một yêu
cầu khách quan nhằm chuẩn bị một cách có hệ thống cho thế hệ trẻ vào đời, biết
sống và làm việc theo pháp luật, nhằm hướng tới sự hình thành ở các em động cơ, hành vi và thói
quen xử sự hợp pháp, tích cực. Vì vậy, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em
là việc cần làm thường xuyên, liên tục và luôn cần có sự phối kết hợp của nhà
trường, gia đình và toàn xã hội./.