Năm 2023, Bảo tàng Bình Dương triển khai thực hiện chương trình kiểm kê,
lập danh mục di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn học dân
gian các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Qua kiểm kê, khảo sát
37/91 xã/phường/thị trấn, kết quả kiểm kê cho thấy, toàn tỉnh Bình Dương hiện
nay có 266 cá nhân nắm giữ, thực hành dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn học dân
gian các dân tộc thiểu số. Trong đó tập trung đông nhất tại Thủ Dầu Một (103
người), Thuận An (62 người) và Phú Giáo (51 người). Đây là những địa phương có
cộng đồng người Hoa, người Khmer cư trú đông và tập trung vì vậy còn gìn giữ, bảo
lưu được các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc, trong đó có dân ca, dân
vũ, dân nhạc và văn học dân gian.
Toàn tỉnh hiện nay có 12 đội, nhóm dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào
các dân tộc thiểu số. Trong đó có 3 đội/nhóm hát Then tại thị trấn Phước Vĩnh,
xã An Linh, xã Tân Hiệp đều thuộc huyện Phú Giáo; 01 đội múa Tắc Xình của người
Sán Chỉ tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo; 01 đội văn nghệ đồng bào Khmer tại phường
Bình Hòa, thành phố Thuận An; 05 đội múa Hẩu của người Hoa; 01 đội Lân Sư Rồng
của người Hoa và 02 đội nhạc lễ Triều Châu của người Hoa tại phường Lái Thiêu
(Thuận An) và phường Phú Cường (Thủ Dầu Một). Bên cạnh đó, có 8 dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh Bình Dương hiện nay có người biết và thực hành các làn điệu
dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống, bao gồm: dân tộc Khmer, Sán Chỉ, Mường,
Tày, Thái, Nùng, Hoa và Thổ. Trong đó dân tộc Hoa hiện nay có nhiều người thực
hành nhất với 140 người, 07 đội, lưu giữ được cả ba loại hình là dân ca, dân
vũ, dân nhạc truyền thống. Riêng văn học dân gian, chỉ có cộng đồng người Hoa tại
Thủ Dầu Một, Lái Thiêu gìn giữ và lưu truyền các truyền thuyết, câu chuyện kể về
các vị thần, thánh bảo hộ của cộng đồng.
Căn cứ vào kết quả kiểm kê trên, ngày 04/04/2025, Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tỉnh Bình Dương đã ban hành Quyết định số 190/QĐ-SVHTTDL về việc phê
duyệt, công bố Danh mục kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân
nhạc và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Dương
(tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2024). Danh mục bao gồm 6 di sản văn hóa phi vật
thể, trong đó có 2 di sản thuộc loại hình Ngữ văn dân gian gồm: 1. Dân ca truyền
thống của cộng đồng người Khmer xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương; 2.
Văn học dân gian của cộng đồng người Hoa tỉnh Bình Dương và 3 di sản thuộc loại
hình Nghệ thuật trình diễn dân gian gồm: 1. Nghệ thuật hát Then của người Tày,
Thái, Nùng tỉnh Bình Dương; 2. Nghệ thuật múa Hẩu của người Hoa tỉnh Bình
Dương; 3. Nghệ thuật múa Tắc Xình của người Sán Chỉ tỉnh Bình Dương; 4. Nhạc lễ
Triều Châu của người Hoa tỉnh Bình Dương.
Một bài trình
diễn của đội múa Hẩu - Ảnh: Tác giả
Dân ca truyền thống của cộng đồng người Khmer xã An Bình, huyện Phú
Giáo, tỉnh Bình Dương.
Thuộc loại hình Ngữ văn dân gian, là di sản văn hóa phi vật thể gắn liền
với đời sống của cộng đồng người Khmer cư trú tại xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh
Bình Dương. Nhóm dân tộc thiểu số Khmer tại xã An Bình, cùng với dân tộc Stiêng, Mạ là những dân tộc bản
địa của Bình Dương, cư trú chủ
yếu trong rừng, men dọc theo những con suối lên mãi tới những vạt rừng suối thuộc
địa phận xã Tân Lập, huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước ngày nay. Đến năm 1959, nhằm
tách các nhóm dân tộc ít người ra khỏi địa bàn cư trú truyền
thống của họ là rừng núi, cắt đứt sự liên hệ, tiếp tế của đồng
bào dân tộc với cơ sở cách mạng, chính quyền Sài Gòn đã di cư cộng đồng người
Khmer từ Tân Lập (Đồng Phú, Bình Phước) xuống Nước Vàng, hiện thuộc xã An Bình, huyện Phú Giáo ngày nay.
Là cộng đồng sống tập trung và có truyền thống lâu đời,
các loại hình dân ca, dân vũ, dân nhạc của người Khmer trước đây khá phong phú, vừa gắn với cộng đồng, với
nghi lễ vòng đời, vừa gắn với lao động sản xuất. Với những khó khăn trong thời
gian chiến tranh, do những tiếp biến văn hóa khi sống cùng người Kinh và thiếu
môi trường thực hành trong một thời gian dài, nhiều thể loại dân ca, dân vũ,
dân nhạc, văn học dân gian của người Khmer đã bị mai một và chỉ còn tồn tại
trong ký ức của những người lớn tuổi. Qua quá trình khảo sát, những thể loại có
thể khôi phục thực hành được như Hát ru con gồm những bài hát ứng tác với
giai điệu nhẹ nhàng xen những tiếng à ơi để dỗ đưa em bé vào giấc ngủ; Hát đối đáp cũng là loại hình ứng tác từ làn điệu cho tới câu từ,
thường được thực hành trong lao động sản xuất, trong các cuộc vui, khi hội hè,
đình đám, nhất là trong những dịp thanh niên nam nữ tập trung đông đảo; Hát làm mai do ông mai thực hiện khi nhà trai tới rước dâu tại nhà gái, ông mai sẽ hát những bài hát với nội
dung cơ bản là những lời hay ý đẹp, chúc cho hai gia đình được dâu hiền rể quý,
sớm sinh được con trai, con gái... Ông mai sẽ hát đến khi nào nhà gái thấy đủ
hay, đủ ý nghĩa thì sẽ mở cửa cho nhà trai đi vào đón dâu; Hát đám cưới do đội hát hát những bài mang ý nghĩa đẹp, chúc cho hôn nhân bền chặt, hạnh
phúc dài lâu theo các đợt
cột chỉ tay mà người tới
dự đám cưới cột cho cô dâu chú rể. Đặc biệt nhất
là loại hình Hát tiễn linh hồn người chết: Khi gia đình có người từ 15 tuổi trở lên mất những người biết hát trong làng tập trung tại nhà cùng hát bài hát tiễn linh hồn người đã
khuất. Nội dung bài hát kể về những câu chuyện và sự kiện liên quan đến người mất,
vì vậy cách hát vừa kể vừa hờ, vừa dùng dao cùn gõ với nhau để
giữ nhịp. Thời điểm hát vào các buổi tối, trong khoảng 3-5 ngày, từ khi liệm
cho tới động quan thì thôi. Trước khi bắt đầu hát, người trong đội sẽ thắp 1
cây nhang và hát cho đến lúc nhang tàn. Những người tới viếng người chết cũng
thường cúng một bài hát. Họ sẽ bỏ tiền cho đội hát và đội hát sẽ hát trong thời
gian một cây nhang.
Văn học dân gian của cộng đồng người Hoa, tỉnh Bình Dương
Thuộc loại hình Ngữ văn dân gian, chủ thể văn
hóa là cộng đồng người Hoa tỉnh Bình Dương. Cũng như một số loại hình di sản
văn hóa khác, văn học dân gian của người Hoa tỉnh Bình Dương có nguồn gốc tại cố
hương Trung Quốc. Sau khi di cư tới Bình Dương vào những năm cuối đời Minh Mạng,
đầu thời Thiệu Trị, những ký ức về các loại hình văn học dân gian tại quê hương
được cộng đồng truyền lại cho thế hệ sau.
Qua quá trình tụ cư và phát triển, các giá trị
truyền thống của người Hoa tại Bình Dương gắn liền với các thiết chế tín ngưỡng.
Cùng với các cơ sở thờ tự Thiên Hậu Thánh Mẫu, ông Bổn, Quan Thánh Đế Quân… là
truyền thuyết về các vị thánh này cũng được
bảo lưu, gìn giữ, truyền tụng. Các truyền thuyết trên được phổ biến rộng rãi trong cộng
đồng thông qua phương thức truyền miệng và lưu trữ bằng văn bản trong các bài
viết, công trình nghiên cứu. Không có không gian cố định; các câu chuyện có thể
được kể bất kỳ lúc nào, bất kỳ người trưởng thành nào trong cộng đồng người Hoa
đều nắm về các truyền thuyết này. Ngoài ra, trong các bài viết, các công trình
tìm hiểu về người Hoa và văn hóa người Hoa ở Bình Dương đều đề cập đến các
truyền thuyết trên như công trình “Người Hoa ở Bình Dương” do TS. Huỳnh Ngọc
Đáng chủ biên, NXB Chính trị Quốc gia xuất bản năm 2012.
Nghệ thuật hát Then
của người Tày, Thái, Nùng tỉnh Bình Dương
Thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian,
xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, gắn liền với cộng đồng người Tày,
Nùng, Thái cư trú ở các tỉnh miền núi phía Bắc và được UNESCO ghi danh là di sản
văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013. Khi di cư tới Bình
Dương từ khoảng những năm 1950 tới nay, một bộ phận người Tày, Nùng, Thái yêu
thích bộ môn này đã tập hợp thành những nhóm, đội cùng thực hành và tham gia biểu
diễn trong các chương trình văn nghệ quần chúng, văn nghệ các dân tộc thiểu số.
Then vừa là loại hình văn nghệ, vừa là một biểu
hiện của tín ngưỡng dân gian. Tuy nhiên khi thực hành tại Bình Dương, Then đơn
thuần là một loại hình văn nghệ, được thực hành trong những dịp lễ hội, gặp mặt,
giao lưu, biểu diễn. Các
làn điệu Then cổ mang tính trường ca, là những câu thơ trữ tình giàu tính nhạc hiện
nay cũng được cải biên là những bài hát ca ngợi quê hương đất nước, ca ngợi Đảng,
Bác Hồ để phù hợp với cuộc sống và văn hóa hiện đại. Ngoài Then, các đội còn thực
hành Lượn là hình thức hát giao duyên đối đáp của người Tày, Nùng và hát
Phong slư – bức thư
tình được viết theo thất ngôn trường thiên bằng tiếng Tày và đôi câu Hán
tự, Hán Nôm lẫn với Nôm Tày, nội dung bày tỏ tình yêu của nam, nữ viết cho nhau. Cùng với nhạc cụ không thể thiếu trong hát Then là
đàn Tính (vì vậy thường gọi là hát Then – đàn Tính) và trang phục truyền thống áo dài đen, hát Then đã tạo được dấu ấn và trở
thành một trong những loại hình dân ca, dân nhạc đặc trưng của cộng đồng người
Tày, Thái, Nùng tại các xã ở huyện Phú Giáo. Hiện nay toàn tỉnh có 3 đội với hơn 20 người hoạt động và đều thuộc huyên
Phú Giáo gồm đội Kết nối yêu thương tại xã Tân Hiệp, đội hát Then thị trấn Phước
Vĩnh, và nhóm hát Then xã An Linh. Các đội hoạt động tự phát, khá ổn định song
chưa nhận được nhiều sự quan tâm của chính quyền địa phương.
Nghệ thuật múa Hẩu của người Hoa tỉnh Bình Dương
Thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, do cộng đồng người Hoa nắm
giữ, thực hành và là một trong những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên sự khác biệt
của cộng đồng người Hoa tỉnh Bình Dương với cộng đồng người Hoa ở các tỉnh
thành khác. Về nguồn gốc, hiện chưa rõ Hẩu xuất hiện từ bao giờ tại cố hương
Trung Quốc. Chỉ biết khi người Hoa di cư tới Bình Dương từ khoảng năm 1840, múa
Hẩu cũng đã được đem tới và được cộng đồng thực hành liên tục, phục vụ nhu cầu
tín ngưỡng và thưởng thức văn hóa của cộng đồng.
Múa Hẩu là nghệ thuật múa lốt đặc trưng của người Hoa nhóm ngôn ngữ Phước
Kiến. Theo thời gian, nghệ thuật này không những bị mai một mà còn được phát
triển ngày một rộng rãi. Hiện nay toàn tỉnh có ít nhất 5 đội Hẩu với trên 151 đội viên chính thức
bên cạnh các đội tư nhân, tự phát. Hẩu đặc biệt từ truyền thuyết, tên gọi, cách
làm, phong cách biểu diễn và chức năng… Không như những linh vật đem đến điềm
lành, Hẩu là thú dữ được Phước Đức Chánh Thần thu phục (theo lý giải của họ
Lý), là Quy – Xà tướng quân đắc lực của Huyền Thiên Thượng Đế (theo truyền thuyết
của họ Vương), là linh vật trừ tà và chỉ xuất hiện để phục vụ nghi lễ, không phải
loại hình phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí. Các động tác múa của Hẩu được mô phỏng từ động tác và tập tính của loài Hổ:
dáng đi khoan thai hùng dũng; lăn, trườn, phóng chứ không leo trèo; gặp con mồi
sẽ di chuyển, áp sát và vờn đến khi con thịt kiệt sức… Điểm đặc biệt của múa Hẩu đó là do mặt Hẩu dẹt,
người múa không thể dùng đầu đỡ một phần trọng lượng mà phải hoàn toàn dùng tay
nâng mặt Hẩu do đó tạo được uy thế từ trên cao nhìn xuống rất trấn áp, uy dũng
khác thường.
Là linh vật trừ tà, múa Hẩu hầu như chỉ được thực hiện trong các nghi lễ
như lễ hội rằm tháng Giêng tại Chùa Bà, hộ tống cộ Bà tuần du quanh khu vực chợ
Thủ Dầu Một; lễ hội chùa Ông Bổn, lễ cúng Tổ… Múa Hẩu là di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu cho cộng đồng người Hoa
nhóm ngôn ngữ Phước Kiến tại Bình Dương. Mặc dù nhóm ngôn ngữ Phước Kiến cư trú
ở khá nhiều tình thành như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai… song không duy trì
được loại hình nghệ thuật này. Vì vậy, Hẩu tạo nên nét đặc trưng và sự khác biệt
của văn hóa nhóm với các nhóm ngôn ngữ khác của người Hoa ở trong tỉnh và văn
hóa người Hoa ở Bình Dương với người Hoa ở các tỉnh thành khác trong khu vực.
Nghệ thuật múa Tắc Xình của người Sán Chỉ[2]
tỉnh Bình Dương
Thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian do cộng đồng người Sán Chỉ,
Cao Lan thuộc xã Tam Lập, huyện Phú Giáo nắm giữ và thực hành. Về nguồn gốc,
nghệ thuật múa Tắc Xình gắn liền với cộng đồng người Sán Chay cư trú tại một số
tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Thái Nguyên. Ông La Văn Bình là người có
công dẫn dắt anh em, làng xóm từ xã Đồng Tâm, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên
tới định cư tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương từ sau năm 1990 và
cũng là người khởi xướng việc duy trì các nếp sinh hoạt văn hóa tại quê hương tại
vùng đất mới, trong đó có việc thực hành điệu múa Tắc Xình trong nghi lễ cầu
mùa tổ chức vào đầu năm mới.
Múa Tắc Xình có 9 động tác là 9
“hoạt cảnh” mô phỏng đời sống của người Sán Chỉ để thấy được quá trình tìm kiếm
miền đất hứa, dựng làng và những công việc trong đời sống lao động, sản xuất, sinh hoạt của người Sán Chỉ. So với điệu múa tại quê hương, điệu múa Tắc Xình tại
Tam Lập có một số biến đổi và giản lược phù hợp với hoàn cảnh thực tế. Khi có
hiệu lệnh, người gõ tay trái cầm ống tre, tay phải cầm thanh tre nhỏ gõ ngang
hai lần liên tiếp vào thân ống tạo nên âm “tắc, tắc”, rồi gióng mạnh ống tre xuống
đất phát ra tiếng kêu “xình”. Tiếng nhạc gõ liên tục không ngừng nghỉ tạo thành
nhịp điệu của bước nhảy và âm thanh tạo thành chuỗi “Tắc-tắc-xình, tắc-tắc-xình…”
Trong vòng âm thanh liên hồi đó, những người nhảy thể hiện động tác khỏe mạnh,
nhịp nhàng mô phỏng động tác trong các hoạt động sản xuất lao động của người
Sán Chỉ.
Nhạc lễ Triều Châu của người Hoa tỉnh Bình Dương
Thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, do cộng đồng người Hoa tỉnh
Bình Dương nắm giữ và thực hành. Là cộng đồng có dân số đông thứ hai ở tỉnh
Bình Dương, sống tập trung và có cách thức gìn giữ văn hóa độc đáo, người Hoa
lưu giữ được nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể có nguồn gốc từ cố hương
Trung Quốc, trong đó có Nhạc lễ Triều Châu.
Nhạc lễ Triều Châu là nghệ thuật trình diễn dân gian dân nhạc đặc trưng của
người Hoa nhóm ngôn ngữ Triều Châu. Đây là hình thức dùng tiếng nhạc để ca ngợi
công tích và gửi những lời mong ước của người dân lên các vị thần linh. Nhạc lễ Triều Châu có nguồn gốc từ Nhã nhạc – loại
nhạc vũ mà các vị đế vương của Trung Hoa cổ đại dùng để tế tự trời đất, tổ tiên
và trong các dịp triều hạ, yến thưởng. Ngay từ thời Thương, Chu, tư tưởng “dĩ nhạc trị quốc” của Nho gia đã rất
thịnh hành, ý nghĩa chủ yếu của “nhạc” chính là công cụ giáo hóa con người và
thống trị con người. Nhã nhạc là loại hình “trung chính hòa bình”, “khúc nhã
thuần chính” nên được lấy làm điển phạm của âm nhạc[3].
Sau mấy ngàn năm phát triển, Nhã nhạc có nhiều trường phái, trong đó có trường
phái Triều Châu. Bài Liễu Thanh Nương (柳青娘) tuy
không thuộc thập đại danh khúc nhưng cũng là một trong những bài nổi tiếng, phổ
biến trong dòng cổ nhạc Trung Hoa.
Đúng như tên gọi, nhạc lễ Triều
Châu chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, là một phần của nghi lễ, để phục vụ
thánh thần. Nhạc lễ Triều Châu không phải là âm nhạc làm nền được tấu lên khi
thực hành nghi lễ mà nó là tiết mục riêng, thường được cử hành vào đầu nghi lễ,
kéo dài từ 30 phút – 60 phút. Hiện nay
trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3 đội nhạc lễ Triều Châu với gần khoảng 70 người
thực hành, trong đó có 01 đội nhạc lễ do người Kinh thực hành tại phường Tân
Phước Khánh (Tân Uyên), còn lại 02 đội là đội Cổ nhạc Triều Châu của nhóm cộng
đồng Triều Châu tại Thủ Dầu Một với 40 thành viên và Ban nhạc lễ chùa Bà Lái
Thiêu (Thuận An) với 12 thành viên. Hàng năm, đội Cổ nhạc Triều Châu thường thực
hành vào các buổi lễ: lễ hội rằm Tháng Giêng tại các cơ sở thờ tự Thiên Hậu
Thánh Mẫu và được một số đình của người Kinh mời tấu trong lễ Kỳ yên như đình
Dĩ An (Dĩ An), đình Phú Long (Thuận An), đình thần Phú Cường (Thủ Dầu Một)… Loại
hình này được duy trì ổn định, không có nguy cơ mai một.
Công bố Danh mục kiểm kê Di sản văn hóa phi vật thể
dân ca, dân vũ, dân nhạc và văn học dân gian của các dân tộc thiểu số
trên địa bàn tỉnh Bình Dương là một trong những bước quan trọng để nhận diện,
xác định giá trị các di sản văn hóa phi vật thể về dân ca, dân vũ, dân nhạc,
văn học dân gian của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình
Dương, làm cơ sở để định hướng bảo tồn, phát huy các di sản này trong thời gian
tới, phục vụ tốt hơn cho Kế hoạch số 3856/KH-UBND ngày 29/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
Bình Dương về việc thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ,
dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2022 –
2030 trên địa bàn tỉnh Bình Dương”, đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học
dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030” của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du
lịch. Đây cũng là cơ sở để lập hồ sơ những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu
đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trong những năm sắp tới.
[2] Sán Chỉ và Cao Lan là hai
nhóm dân tộc thuộc Sán Chay. Theo biến âm của thổ ngữ khác nhau, các tên gọi
Sán Chí, Sán Chỉ, Sán Chay đều có nghĩa là “người núi” (sơn tử). Ở đây, vì cộng
đồng tự nhận là người Sán Chỉ nên lấy tên dân tộc theo cách gọi của cộng đồng.