image banner
Lễ hội Kỳ Yên đình Tân An – di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ở tỉnh Bình Dương
0:00 / 0:00
Giọng nữ Ngọc Hoa
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 89
Đình Tân An tọa lạc tại khu phố 1, phường Tân An, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia theo Quyết định số 1261/QĐ - BVHTTDL ngày 26/4/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ngày 12/1/2022, Lễ hội Kỳ yên đình Tân An được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Quyết định số 60/QĐ-BVHTTDL).

“Tới đây xứ sở lạ lùng,

Chim kêu cũng sợ, cá vùng cũng ghê”

 Đó là câu ca dao miêu tả tâm trạng lo sợ của những người khai hoang trên vùng đất mới - Nam bộ. Trước thiên nhiên hoang sơ, rừng rậm bạt ngàn, thú dữ rình rập, tứ bề hiu quạnh…, con người cảm thấy bất an, cần dựa vào đấng siêu nhiên để ổn định tinh thần. Vì vậy, cứ định cư ở đâu, người Việt đều lập đình, miếu ở đó để mong cầu sự bình yên, may mắn trong cuộc sống.

Bình Dương hiện có 126 ngôi đình, phân bố rải rác trên địa bàn 9 huyện, thành phố. Trong hệ thống đình thần Bình Dương, đình Tân An là một trong số ít ngôi đình còn giữ lại kiến trúc ban đầu của thời kỳ khai phá lập làng. Từ thuở khai cơ trên vùng đất mới, lưu dân cúng đình để cầu mong cuộc sống yên lành, đến khi cuộc sống ổn định, người dân đến đình còn để gửi gắm mong ước mưa thuận gió hòa, đất đai tươi tốt, mùa màng bội thu, nước mạnh, dân yên, nhà nhà no đủ…

anh tin bai

Toàn cảnh ngôi đình Tân An

Đình Tân An ngày xưa có tên gọi Tương An miếu –ngôi miếu ở thôn Tương An. Theo tư liệu lịch sử, thôn Tương An hình thành từ thời nhà Nguyễn. Dưới triều Thiệu Trị, Tự Đức, thôn Tương An thuộc tổng Bình Thổ, huyện Bình An, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa. Ngày 5/1/1876, thôn Tương An chuyển đổi thành làng Tương An thuộc hạt tham biện Thủ Dầu Một. Lúc này, làng Tương An có 4 ấp (Ấp 1,2,3,4). Ngày 11/12/1876, chính quyền địa phương tách địa phận Ấp 3, Ấp 4 của làng Tương An lập thành làng Tương Hiệp, Tương Hòa. Ngày 16/01/1877, chính quyền địa phương tiếp tục tách địa phận Ấp 2 lập thành làng Tương Bình. Theo đó, địa bàn Tương An dần thu gọn lại trong phạm vi Ấp 1. Đến ngày 01/01/1927, làng Tương An sáp nhập với làng An Phú lập thành làng Tân An Xã, thuộc tổng Bình Phú, quận Châu Thành, tỉnh Thủ Dầu Một. Theo Sắc lệnh số 143-NV ngày 20/10/1956 của chính quyền Sài Gòn, Thủ Dầu Một chia tách thành 3 tỉnh mới (Bình Dương, Bình Long và Phước Long) và đổi tên gọi đơn vị hành chính cấp làng thành xã, đối với các làng có chữ “xã” ở phía sau địa danh, thì bỏ chữ ấy. Theo đó, làng Tân An Xã đổi thành xã Tân An thuộc tổng Bình Phú, quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương. Trải qua nhiều lần tách nhập, thay đổi đơn vị hành chính, hiện nay, Tân An là một trong 14 phường thuộc thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tương An miếu nằm trên địa bàn Tân An, dần chuyển sang tên gọi là đình Tân An. Ngôi đình này nằm gần bến thu thuế của xã, nên dân gian còn gọi đình Bến Thế (đọc chệch từ “thuế” sang “thế”).

anh tin bai

Cổng chính đình Tân An

Lễ hội Kỳ yên (Cầu an) có nguồn gốc từ tín ngưỡng thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh của người Việt, có ý nghĩa cầu mưa thuận gió hóa, đất đai tươi tốt, nước mạnh dân yên. Khi người Việt vào đất phương Nam khẩn ấp lập làng, đối diện với muôn vàn hiểm nguy từ thiên nhiên khắc nghiệt, những cơ sở thờ tự ra đời. Đình làng là một trong những nơi mà người Việt gửi vào đó tất cả niềm mong ước được thần Thành Hoàng bảo vệ cuộc sống. Những người lao động quanh năm với cuộc sống mưu sinh, họ luôn khao khát được bình yên, khỏe mạnh và họ đã dựa vào đấng siêu nhiên, những vị thần linh mà họ tôn kính. Từ đó, ở Nam Bộ, lễ hội Kỳ yên (tức Cầu an xưa) trở thành đại lễ, lễ chính ở các ngôi đình, trong đó có Lễ hội Kỳ yên Đình Tân An.

Đình Tân An tổ chức lễ hội Kỳ yên vào tháng 11 âm lịch. Lễ hội Kỳ yên thường niên (vào các năm Sửu, Dần, Thìn, Tỵ, Mùi, Thân, Tuất, Hợi), đình Tân An tổ chức lễ hội kỳ yên với quy mô nhỏ, diễn ra trong 1 ngày (15 tháng 11). Sau 3 năm đáo lệ (vào các năm Tý, Mão, Ngọ, Dậu), đình Tân An tổ chức lễ hội với quy mô lớn, kéo dài trong 3 ngày, có mời đoàn hát Bội về biểu diễn. Về cơ bản, các nghi thức cúng tế trong Lễ hội Kỳ yên thường niên cũng thực hành như các năm đáo lệ, nhưng chỉ thực hiện nghi lễ Thỉnh sắc, Cúng thần an vị, tế Hậu Bối -Chiến sĩ và Đưa sắc; không thực hiện nghi lễ Thỉnh sanh, Túc yết, Đàn cả, Xây chầu, Đại bội, Tôn vương, Hồi chầu và diễn tuồng hát Bội như các năm đáo lệ, nên thời gian tổ chức ngắn hơn. 

 

CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI KỲ YÊN ĐÌNH TÂN AN

Kỳ yên thường niên

Kỳ yên đáo lệ

* Ngày 15 tháng 11

-  6h30: Lễ Thỉnh sắc

- 7h30:   Lễ Cúng an vị

- 9h00:  Tế hậu bối - chiến sĩ

- 14h00: Lễ Đưa sắc

* Ngày 14 tháng 11

         -  6h30:       Lễ Thỉnh sắc

         - 7h30:        Lễ Cúng an vị

         - 14h00:      Lễ Thỉnh sanh

         - 19h00:      Lễ Túc yết

         - 21h00:      Xây chầu, Đại bội

* Ngày 15 tháng 11

         - 8h00:        Diễn tuồng hát Bội

         - 9h00:        Tế hậu bối và chiến sĩ

         - 19h00:      Lễ Đàn cả

         - 20h00:      Diễn tuồng hát Bội

* Ngày 16 tháng 11

         - 9h00:      Diễn tuồng hát Bội, 

                           Tôn vương

         - 14h00:      Lễ Đưa sắc

Nghi thức cúng tế ở đình Tân An diễn ra bài bản, quy củ, kính cẩn, trang nghiêm ; được người dân bảo lưu gần như nguyên vẹn tục cúng đình xưa. Với họ, việc thực hành nghi thức cúng bái đúng bài bản, tuân theo lệ xưa cũng là cách thể hiện niềm tin sâu sắc và sự kính trọng dành cho các vị thần trong đình. Trong suốt 03 ngày tổ chức lễ hội, bên cạnh các nghi thức cúng tế, ban Quý tế đình còn mời Đoàn hát Bội về biểu diễn, một mặt là để dâng lên Thần, mặt khác là phục vụ người dân địa phương. Trong lễ hội kỳ yên, chính quyền địa phương còn tổ chức các trò chơi dân gian, giải bóng chuyền nhằm thu hút giới trẻ tham gia cúng đình, tạo không khí vui tươi, hội hè cho lễ hội. Các trò chơi dân gian vừa truyền thống vừa hiện đại, có sự giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc.

anh tin bai

 Lễ cúng Thần an vị

anh tin bai

Lễ Túc yết

anh tin bai

  Lễ Đàn cả

 

anh tin bai

Lễ Xây chầu 

Lễ hội kỳ yên đình Tân An là minh chứng quan trọng về lịch sử định cư của người dân địa phương, là cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai; góp phần bảo lưu nét văn hóa cổ truyền của dân tộc; làm thỏa mãn nhu cầu tâm linh, giải trí, củng cố niềm tin cho người dân địa phương. Đến với lễ hội kỳ yên, người dân tạm quên đi những nhọc nhằn trong cuộc sống, hòa mình vào không gian linh thiêng, cổ kính của ngôi đình, hòa mình vào không gian hát Bội ồn ào, náo nhiệt và thử sức mình với các trò chơi dân gian. Lễ hội kỳ yên đình Tân An đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương và trở thành di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc.

anh tin bai

 Lễ Tôn vương

Đình Tân An là nơi bảo lưu được nhiều nét văn hóa điển hình của khu vực, nơi giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể không bị mai một trước sự tàn phá của chiến tranh, hay trước làn sóng đô thị hóa – hiện đại hóa của đất nước. Trải qua hơn 200 hình thành và phát triển, với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, các nghi lễ cúng đình vẫn được người dân địa phương gìn giữ, lưu truyền và thực hành thường xuyên theo đúng truyền thống. Bên cạnh việc thỏa mãn nhu cầu tâm linh, lễ hội kỳ yên còn có giá trị cố kết cộng đồng, thể hiện tính thẩm mỹ và phản ánh tính cách của người dân Nam Bộ.

Lễ hội Kỳ yên Đình Tân An được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một sự kiện trọng đại đối với địa phương, thể hiện sự ghi nhận, tôn vinh của nhà nước đối với loại hình di sản văn hóa phi vật thể có giá trị của dân tộc, của đất nước. 

                                                                     

Lê Thị Hòe (Phòng Quản lý Văn hóa và Gia đình)

Đánh giá - Nhận xét

5
1 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0