Luật Thư viện được Quốc hội hóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21/11/2019. Theo đó, Luật gồm 6 chương, 52 điều quy định về thành lập, hoạt động thư viện; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động thư viện; quản lý nhà nước về thư viện,... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Cùng với Luật, Chính phủ và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã ban hành nhiều văn bản quy định, hướng dẫn thi hành. Luật Thư viện được thông qua đã có những tác động rất lớn đến văn hóa đọc trong các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Với những điểm mới khác biệt và cập nhật sát với yêu cầu của thực tiễn, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang xâm nhập mạnh mẽ vào tất cả các mặt của cuộc sống. Đối với ngành thư viện, Luật ra đời như một động lực lớn, giúp thúc đẩy sự phát triển văn hóa đọc, mở ra những hướng mới cho ngành trong tương lai sắp tới.
Thư
viện tỉnh Bình Dương tổ chức nhiều hoạt động nhân Ngày "Sách và Văn hóa đọc
Việt Nam"
(Trong ảnh: Bạn đọc thiếu nhi tham quan triển lãm sách)
Tại
tỉnh Bình Dương, ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã
ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, Ủy ban Nhân dân các huyện, thành
phố trên địa bàn tổ chức triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, Hội đồng Nhân dân tỉnh
đã ban hành một văn bản quy phạm pháp luật, Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành 12
văn bản chỉ đạo, điều hành; các sở, ngành và các huyện, thành đã ban hành 14 kế
hoạch, chương trình, văn bản hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, các cơ quan, ban
ngành đã tích cực tuyên truyền phổ biến luật đến cán bộ, công chức, viên chức
và Nhân dân trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên website và tổ chức
tuyên truyền trực tiếp tại các buổi sinh hoạt chuyên đề pháp luật hàng tháng của
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thư viện tỉnh.
Có
thể nói, từ khi có Luật Thư viện, hoạt động của hệ thống thư viện công cộng
trên địa bàn tỉnh Bình Dương có nhiều khởi sắc. Các dịch vụ được nâng dần chất
lượng, hoạt động ngoài thư viện được mở rộng, ứng dụng công nghệ thông tin vào
hoạt động thư viện ngày càng hiệu quả. Theo thống kê, đến nay hệ thống thư viện
công cộng tỉnh Bình Dương gồm có 01 thư viện tỉnh, 09 thư viện huyện, thành phố,
07 thư viện xã với tổng số 40 viên chức (riêng cấp xã không có biên chế mà do
nhân viên phụ trách Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Học tập cộng đồng kiêm nhiệm).
Ngoài ra, tỉnh còn có 38 phòng đọc cơ sở và không gian đọc, 02 thư viện tư nhân
có phục vụ cộng đồng. Đối với thư viện cấp tỉnh, huyện, hàng năm Ủy ban Nhân dân tỉnh đều có ban hành kế hoạch
giao chỉ tiêu bổ sung sách, trên cơ sở đó các đơn vị thực hiện bổ sung nguồn tài
liệu đạt từ 100% trở lên. Năm năm qua đã bổ sung trên 276.000 bản sách, nâng tổng
số bản sách hiện có lên gần 1.237.000 bản. Để xây dựng cơ sở dữ liệu theo kế hoạch
chuyển đổi số, các thư viện công cộng đã tích cực số hóa tài liệu, đến nay đã
có trên 30.000 tài liệu điện tử được số hóa. Ngoài ra hàng năm, thư viện tỉnh
còn mua quyền truy cập cơ sở dữ liệu từ nguồn tài liệu số TaiLieu.VN và nguồn sách nói
Voiz FM để phục vụ cho nhu cầu đọc sách điện tử của bạn đọc. Ngoài vốn tài liệu
sách - báo, thư viện tỉnh còn đa dạng hóa sản phẩm thông tin giúp người sử dụng
thư viện có nhiều nguồn tài liệu để tra cứu như in và phát hành tập tranh “Nét
cọ tuổi thơ”, các thư mục chuyên đề, sưu tầm các luận văn, đề tài để đưa vào phục
vụ độc giả nghiên cứu.
Trong
công tác phục vụ bạn đọc, các thư viện công cộng tổ chức tốt không gian đọc,
khu vực đọc, các kho sách mở để cung cấp dịch vụ phù hợp cho từng đối tượng. Từ
sau khi Luật Thư viện được thực thi, thư viện tỉnh đã tăng cường và đẩy mạnh
công tác phục vụ ra ngoài thư viện, quan tâm đến đối tượng thiếu nhi (trong đó,
có trẻ em mồ côi và khuyết tật), người cao tuổi, người khiếm thị, những địa bàn
vùng xa nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin, học tập, nghiên cứu, giải trí của mọi tầng
lớp Nhân dân trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, thư viện mở cửa tất cả các ngày
trong tuần, thường xuyên hướng dẫn bạn đọc cách thức sử dụng thư viện, tra cứu
thông tin và sử dụng các dịch vụ của thư viện.
Ngày
hội đọc sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023
Các
dịch vụ triển khai tại các thư viện công cộng chủ yếu gồm: Dịch vụ cung cấp tài
nguyên thông tin, dịch vụ tổ chức hội nghị, tọa đàm, triển lãm, truyền thông,
phổ biến tài nguyên thông tin và dịch vụ cung cấp sản phẩm thông tin. Trong đó,
dịch vụ cung cấp tài nguyên thông tin bao gồm dịch vụ phục vụ tại thư viện và
phục vụ ngoài thư viện thông qua các hình thức đọc tại chỗ, mượn về nhà, phục vụ
xe thư viện lưu động và luân chuyển tài nguyên thông tin là hoạt động nổi bật của
hệ thống thư viện công cộng từ khi có Luật Thư viện đến nay. Thông qua xe thư
viện lưu động, thư viện đã cung cấp nhiều tài liệu có nội dung tuyên truyền phù
hợp cho lãnh đạo, đại biểu, cán bộ đoàn, đội, hội, nhân dân và các em thiếu
nhi. Song song đó,thư viện còn phối hợp luân chuyển tài nguyên thông tin đến 26
điểm, gồm trường phổ thông, đại học, cao đẳng đào tạo nghề, bưu điện huyện,
trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thanh, trung tâm nuôi dưỡng người già neo
đơn và trẻ em khuyết tật, các trại giam, trại tạm giam, trại cai nghiện,…theo định
kỳ luân chuyển 03 tháng/lần, với số lượng luân chuyển từ 300 - 4.000 bản
sách/điểm nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nâng cao kiến thức, thông tin và giải
trí cho người dân. Kết quả sau 5 năm, Thư viện tỉnh cấp 26.418 thẻ thư viện, phục vụ được 1,5 triệu lượt người sử dụng,
luân chuyển trên 5,8 triệu lượt tài liệu. Thư
viện cấp huyện phục vụ được 748.640 lượt người sử dụng,
luân chuyển trên 1,6 triệu lượt tài liệu.
Trên tiến trình chuyển đổi
số, thư viện tỉnh đã và đang từng bước xây dựng mô hình thư viện điện tử, thư viện số phục vụ bạn đọc khai thác thông tin. Trong đó, thư viện đã xây
dựng trang thông tin điện tử, sử dụng các trang mạng xã hội như
facebook, youtube, zalo để quảng bá, xây dựng thói quen đọc sách, phát triển
văn hóa đọc và phục vụ bạn đọc khai thác tài liệu số, sách nói mọi lúc mọi nơi qua môi trường
internet. Năm 2024, bạn đọc truy cập vào website đạt gần 4 triệu lượt, fanpage
thu hút 6.200 lượt người thích và theo dõi. Ngoài ra, thư
viện tỉnh cũng đã triển khai có hiệu quả các mô hình như: Cấp thẻ bạn đọc theo
hộ gia đình, trường học; mô
hình khuyến đọc thông qua việc phục vụ đọc sách kết hợp sinh hoạt chuyên đề và
các trò chơi dân gian; thành lập câu lạc bộ “Gia đình đọc sách”, “Cùng bạn đọc
sách” để nhân rộng niềm đam mê đọc sách đến mọi người dân nhằm lan tỏa và phát
triển văn hóa đọc.
Thời gian qua, hệ thống thư viện công cộng
từ tỉnh đến huyện được sự quan tâm, phối hợp của các ngành, đoàn thể, doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó một số đơn vị tài trợ cho các hoạt động của thư viện như Quỹ Châu Á và Tổ chức Pháp ngữ, Tập đoàn
Vingroup (Quỹ Thiện Tâm), Trường Đại học Thủ Dầu Một, Công ty TNHH Minh Long
I,.... Tuy vậy, hệ thống thư viện vẫn còn nhiều khó khăn trong hoạt động. Trong
đó, đáng quan tâm nhất là cơ sở vật chất của thư viện tỉnh hiện nay đã xuống cấp,
chật hẹp do các kho sách đều quá tải, không gian đọc dành cho độc giả ngày càng
bị thu hẹp; 7/9 thư viện cấp huyện còn ghép chung với trụ sở làm việc của Trung tâm Văn hóa, Thông tin - Thể thao/Trung tâm Văn hóa, Thể thao và Truyền thanh, cơ sở vật chất hạn
chế, vị trí không thuận lợi, nhân sự thiếu,... vì vậy khó triển khai các hoạt động
phát triển văn hóa đọc có quy mô, nhất là việc triển khai kế hoạch chuyển đổi số
trong ngành thư viện.
Để tiếp tục triển khai Luật Thư viện và
phát triển văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, tỉnh Bình Dương cần đầu
tư xây dựng mới thư viện tỉnh với đầy đủ các chức năng đáp ứng yêu cầu hoạt động
trong tình hình mới; triển khai có hiệu quả đề tài “Nghiên cứu, phát triển hệ
thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương theo hướng hiện đại, văn minh” sau khi
được nghiệm thu; triển khai thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin xây dựng
thư viện thông minh giai đoạn 2020-2025”; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại
chỗ để nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, phục vụ tốt hoạt động thư viện trong tiến
trình chuyển đổi số; xây dựng nguổn dữ liệu số, thực hiện liên thông, chia sẻ dữ
liệu với các thư viện; khuyến khích thành lập thư viện tư nhân có phục vụ cộng
đồng; bên cạnh đó, cũng cần tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động
thư viện,... Đối với thư viện cấp huyện cần nâng cao chất lượng dịch vụ, mở rộng
các kho sách, hướng hoạt động về cơ sở để đưa sách đến với mọi người dân./.