image banner

Giá trị đặc sắc Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An

Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 1032

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một lễ hội truyền thống lâu đời, chứa đựng nhiều giá trị đặc sắc về lịch sử, văn hóa; là yếu tố cố kết cộng đồng, sợi chỉ đỏ kết nối truyền thống và hiện tại. Với những giá trị to lớn đó, ngày 2 tháng 2 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch đã ký Quyết định số 150/QĐ-BVHTTDL đưa Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…

Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đây là một ngôi đình cổ, có giá trị nổi bật về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp quốc gia về kiến trúc nghệ thuật năm 2019 và là nét văn hóa cổ truyền đặc sắc, điểm nhấn trong đời sống văn hóa tín ngưỡng của người dân thành phố Dĩ An. 

Theo nguồn sử liệu cũ, Đình Dĩ An được xây dựng vào khoảng nửa đầu thế kỷ XIX, năm 1852 được vua Tự Đức ban sắc phong. Năm 1910, ông Trịnh Văn Bồi và ông Bùi Văn Lố đã hiến đất, cúng tiền để xây dựng ngôi đình bề thế bằng gỗ quý, lợp ngói âm dương trên mảnh đất 17.000m2 ở vị trí như hiện nay. Sau đó, các năm 1932, 1998, 2006, 2007, đình Dĩ An tiếp tục được bà con dân làng quyên góp để tu bổ, xây dựng thêm các hạng mục.

Hiện nay, đình Dĩ An là một trong những ngôi đình có quy mô kết cấu lớn bậc nhất khu vực Đông Nam Bộ với đầy đủ các hạng mục thờ tự, phía trong nội điện được chế tác chủ yếu bằng gỗ quý, trang trí uy nghi, lộng lẫy; các bàn hương án, bao lam, hệ thống hoành phi, liễn đối được chạm trổ một cách tinh xảo, sơn son, thếp vàng…

Hàng năm, đình Dĩ An có nhiều lễ cúng như: Lễ khai ấn (7/1), Rằm Tháng Giêng (15/1), Tết Đoan Ngọ (5/5), Lễ cúng Tiên Sư (16/6), Rằm Tháng Bảy (15/7), Lễ cúng Anh Hùng Liệt Sỹ (27/7), Rằm Tháng Mười (15/10), Lễ Kỳ yên (15/11, 16/11), Lễ khép ấn (25/11)…Trong đó, Lễ Kỳ yên là nghi lễ lớn nhất, quan trọng nhất; nếu là năm cúng thường lễ diễn ra trong 2 ngày 15, 16 tháng 11; năm đáo lệ, tổ chức hát bội, lễ diễn ra từ 3 đến 4 ngày từ ngày 15 đến ngày 18 tháng 11 âm lịch…

Các đình làng, lễ hội đình làng ở Bình Dương luôn chứa đựng những giá trị tư liệu quý giá, là nguồn vốn văn hóa dân gian của chính mảnh đất này, được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Vì vậy, đình và lễ hội đình làng mang những giá trị lịch sử, văn hóa, xã hội sâu sắc. Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một trường hợp như thế:

Giá trị lịch sử: Trước hết, Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An phản ánh sâu sắc gốc tích tộc người, quá trình định cư tộc người Việt trên mảnh đất Nam Bộ. Đó là quá trình định cư, mở đất; quá trình dựng ấp, lập làng; xây miếu, dựng đình và quan trọng hơn đó là việc triều đình nhà Nguyễn ban sắc phong, thừa nhận những vị Thần Thành Hoàng bảo trợ cho con dân xứ sở; đó là những minh chứng lịch sử quan trọng, xác thực quá trình người Việt làm chủ mảnh đất này. Lễ hội cúng đình, lễ nghinh sắc phong…không đơn thuần là những nghi lễ tín ngưỡng dân gian, nó còn mang những giá trị lịch sử thể hiện quyền lực nhà Nguyễn đã được thiết lập và chi phối; vùng đất phía Nam mới mẻ loạn lạc nay đã được bình ổn và được quản lý.

Gắn liền với những hoạt động lễ hội ở đình là những thần tích, thần phả, truyện kể về những đối tượng được thờ phượng, sâu xa là gốc tích của vị Thần, gần hơn là lai lịch của các bậc Tiền Hiền, Hậu Hiền những người có công với làng, với nước. Đó là những đóng góp đất đai của dòng họ Trịnh, vật lực, tiền bạc của dòng họ Bùi, vai trò của ông Đình Sầy, ông Cả Sây hay các nghi thức cúng Tiên Sư lại mang đến cho chúng ta những thông tin lịch sử chân thực về khía cạnh văn hóa, lao động sản xuất, các ngành nghề, thủ công truyền thống đã tồn tại và phát triển nơi đây…

Như vậy, Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An phản ánh những giá trị sâu sắc về quá trình lịch sử vùng đất, quá trình xác lập dấu ấn chính quyền, những đặc điểm đời sống xã hội và đời sống tinh thần của người xưa.

Giá trị văn hóa: Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng dân gian, nhằm thỏa mãn thỏa mãn nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng và giải trí, làm phong phú thêm cho đời sống văn hóa của địa phương. Trong tâm thức của nhân dân, thần Thành Hoàng làng là những người có công lao to lớn, nên khi khi họ mất đi được đón nhận sự kính ngưỡng của nhân dân, được nhân dân phong thần và được thờ phụng, hương khói. Thần Thành Hoàng đại diện cho cõi trên, cho cõi tâm linh; lễ hội Kỳ yên hướng tới thần Thành Hoàng vì vậy nó cũng là hoạt động mang trong mình giá trị tâm linh. Nó là hoạt động phản ánh niềm tin của con người vào tín ngưỡng, thông qua hình tượng thần Thành Hoàng. 

Cư dân Bình Dương nói riêng, cư dân Nam bộ nói chung có nguồn gốc từ những di dân miền Ngũ Quảng. Tới vùng đất mới với hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ, con người chỉ biết bám víu vào tâm linh, vào tín ngưỡng để làm chỗ dựa tinh thần. Các miếu, đình vì vậy mà được dựng lên, để là nơi thờ phụng các bậc thần linh, là chỗ dựa tinh thần cho con người. Lễ hội tổ chức tại các ngôi đình với đối tượng hướng tới là thần Thành Hoàng là cách để con người hiện thực niềm tin của mình vào tín ngưỡng thông qua các hoạt động cụ thể, trong thời gian cụ thể.

Lễ hội Kỳ yên là dịp để người dân thể hiện lòng biết ơn đối với các bậc tiền nhân, về mặt lý luận, lễ hội truyền thống nói chung, lễ hội Kỳ yên nói riêng là một hệ thống biểu tượng nhằm hiện thực hoá thế giới ý niệm về đời sống tâm linh bằng các nghi thức và thông qua các hoạt động này con người thể hiện lòng biết ơn, sự kính ngưỡng, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” với thần linh bằng hoạt động đáp tạ cụ thể. Đáp tạ thần linh, trong tâm thức đó là sự kính ngưỡng, ngượng vọng hướng về thần. Hoạt động cụ thể đó là một loạt các hành động được nghi thức hoá: Lễ Nghinh sắc, Lễ Thỉnh sanh, lễ Túc yết, Lễ Đàn cả, Xây chầu.... trong một không gian đặc biệt đã được biến đổi từ không gian thường thành không gian thiêng. Lễ vật mà người dân dâng lên Thần là những sản vật mà con người chăn nuôi, trồng cấy được, những sản vât mà thần Thành Hoàng đã bảo trợ, ban cho họ trong một năm lao động vất vả: heo - đại diện cho chăn nuôi và xôi - đại diện cho trồng cấy. 

Giá trị cố kết cộng đồng: Lễ hội Kỳ yên là hoạt động mang tính tập thể của cả cộng đồng, đó là cộng đồng cư dân phường Dĩ An và các vùng lân cận, trong ngày lễ tất cả các thành viên của cộng đồng mỗi người một việc lo cho lễ Kỳ yên được thành công trọn vẹn: Ban quý tế có trách nhiệm tổ chức lễ hội, cử hành nghi thức cúng Thần, đón tiếp khách từ các đình miếu bạn; ban hậu cần lo việc nấu nướng phục vụ nhu cầu ăn uống; bà con dân làng cùng nhau tề tựu mua sắm lễ vật dâng lên Thần, cúng tiền để ban quý tế lo các công việc trong năm tới của đình. 

Từ lúc chuẩn bị, thực hành nghi lễ đến khi kết thúc, mỗi người dân trong làng đều thể hiện và được thể hiện vai trò của mình, cùng gắn kết với nhau trong hoạt động chung. Từ hoạt động chung đó nó xây dựng mối cộng cảm của những con người có thân phận khác nhau, mà ngày thường có một khoảng cách vô hình nào đó ngăn cách. Ở đây, mỗi giá trị của con người đều được thể hiện như nhau, mọi người đều bình đẳng trước thần Thành Hoàng, không có sự phân biệt giàu nghèo, mọi người đều ngồi chung mâm, ăn chung, uống chung làm tăng thêm mối cộng cảm của các thành phần dân cư. Mọi người dân đều có trách nhiệm và tự nguyện đóng góp tiền bạc, lễ vật để dâng cho thần linh, tham gia chuẩn bị lễ hội và cùng hưởng thụ những sản vật ấy.

Đặc biệt trong xã hội ngày càng hiện đại, khi mối quan hệ của con người vượt ra ngoài tầm của làng, của tỉnh, của quốc gia thì mối quan hệ trong làng ngày càng lỏng lẻo. Sự phân cấp giàu - nghèo trong xã hội cũng ngày càng trở nên rộng hơn; tham gia vào trong lễ hội là cách để xoá mờ khoảng cách trong thực tại, giúp con người gần gũi với nhau hơn. Lễ hội Kỳ yên là dịp để các thế hệ gặp gỡ nhau, để những người đi làm ăn xa có dịp trở về, gặp gỡ người trong làng, để nhớ về quê hương nguồn cội. Lễ hội là sự gắn kết nhiều chiều giữa làng và nước (luôn cầu cho quốc thái dân an), giữa cá nhân và cộng đồng, giữa quá khứ và hiện tại, giữa thực và ảo, giữa thiêng liêng và trần tục.

Trong các lễ hội, con người được thư giãn bù cho những ngày lao động mệt nhọc. Ở đó, khi con người tham gia lễ hội được hoà mình với cộng đồng, được giải toả các áp lực và quan trọng hơn là cố kết cộng đồng. Trong các buổi tối, các đình chật cứng những người tới xem biểu diễn lân sư rồng, hát bóng rỗi, múa tạp kỹ và xem diễn tuồng, quên đi những lo toan mệt mỏi thường ngày. Đó chính là giá trị thẩm mỹ, giá trị nâng đỡ tinh thần mà lễ hội Kỳ yên đem lại.

- Phản ánh tính cách con người Bình Dương: Đó là sự phóng khoáng, thực tế, không khắt khe câu nệ; nên nếu ở miền Bắc, đình làng là thế giới của nam giới, chỉ có nam giới mới được đặt chân vào Chánh Điện, chỉ có nam giới lo công việc ở đình thì ở Bình Dương, phụ nữ hầu như tham gia vào mọi việc của đình làng, từ công việc bếp núc, mua sắm, tham gia tiếp khách, đi cúng đình bạn đến việc là học trò lễ tham gia tế tự. 

Tính cách phóng khoáng của người dân Bình Dương thể hiện trong cuộc sống ở vùng đất mới, những quan niệm Nho giáo truyền thống đã sớm bị coi nhẹ. Những người di dân mở cõi lại là tầng lớp bình dân, ít học, nhiều khi thô lỗ, ngang tàng, ngay từ đầu đã ít bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quan niệm Nho giáo, thêm tính cách nổi loạn, không chịu ràng buộc nên từ trong bản năng, từ trong cuộc sống họ đã sớm loại trừ những quan niệm khắt khe về nam - nữ của Nho giáo. Thực tế cuộc sống nơi đây cần những người giỏi giang, được việc, không phân biệt đó là công việc của phụ nữ hay nam giới, bất kỳ ai có khả năng đều có thể đảm nhiệm. Vì vậy ở Nam Bộ đã sớm hình thành những ông bóng nam giới hát, múa bóng rỗi phục vụ cho Nữ thần và có ban học trò lễ là nữ giới thực hành nghi thức tế ở đình miếu. 

Nam bộ là vùng đất sớm tiếp xúc với nền văn hoá phương Tây nơi vai trò, vị trí của phụ nữ được coi trọng, khả năng được đánh giá bằng thực lực. Những điều kiện trên đã đưa đến hiện tượng đình Thần không phải là thế giới riêng của nam giới như trong những ngôi đình miền Bắc mà đó là thế giới của cộng đồng, của tất cả mọi người cùng chung tay, vừa thể hiện tính cách Nam bộ phóng khoáng và vừa thể hiện tinh thần đoàn kết gắn bó vì công việc chung cũng được hình thành từ thực tế cuộc sống của người Nam bộ.

Vì có tâm lý phóng khoáng nên mặc dù nghi thức trong lễ Kỳ yên là những nghi thức mô phỏng đậm chất nho giáo, là sự xác lập của chính quyền phong kiến lên cuộc sống của người dân, nó không đơn thuần là lễ hội mà phần nhiều là lễ, là các nghi thức được thể chế hoá, mặc dù ngay cả ở phần mang nhiều tính chất “hội” hơn như đại bội; các tuồng tích cũng gắn với vấn đề chính danh, với tiết nghĩa người quân tử, đặc biệt là lễ tôn vương khẳng định ngôi vị của nhà Nguyễn đối với chính quyền và thần quyền. 

- Phản ánh sự giao lưu, hội tụ văn hóa: Lễ hội kỳ yên đình Dĩ An là minh chứng xác đáng nhất cho sự giao lưu, tiếp biến văn hóa của vùng đất này. Các phong tục, tập quán của người miền Bắc, các nghi lễ của người miền Trung, tính cách, đặc trưng văn hóa của người miền Nam đều được thể hiện rõ trong lễ hội. Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An còn có sự hiện diện văn hóa của người Hoa qua các điệu múa lốt, văn hóa người Chăm qua các tín ngưỡng thờ Bà hay những sự tham dự của các thành viên đạo Cao Đài, tất thảy đều thể hiện một sự giao lưu, hội tụ trên mảnh đất có nhiều thành phần tộc người định cư sinh sống…

Lễ hội Kỳ yên đình Dĩ An là một trong số ít các lễ hội cúng đình ở Bình Dương còn giữ được đầy đủ các giá trị truyền thống, đó là sự chỉn chu bài bản trong quy trình thực hành, sự lan tỏa trong đời sống xã hội và các nghi thức được trao truyền, gìn giữ vững chắc qua nhiều thế hệ.

Sắc Thần đình Dĩ An

anh tin bai

Nghi thức đọc chúc văn (văn cúng) đình Dĩ An

anh tin bai

Lễ nghinh Ông (nghinh Sắc)

anh tin bai

Người dân tham gia lễ hội

                                                           

Trần Đức Thuận – Bảo tàng tỉnh

Đánh giá - Nhận xét

3
2 Nhận xét
  • 1
  • 0
  • 0
  • 0
  • 1

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1