Kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW tại huyện Phú Giáo
Thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, qua 10 năm thực hiện, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa của Nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy, nhiều chuẩn mực văn hóa, đạo đức mới được hình thành, trở thành nền tảng quan trọng, tăng cường đồng thuận và tiếp bước phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Ngay từ khi ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW, Huyện ủy Phú
Giáo đã ban hành Kế hoạch 75-KH/HU ngày 08/10/2014 và tổ chức quán triệt được 15 đợt, có trên 96% cán bộ, đảng viên, công chức,
viên chức tham gia học tập. Nội dung
nghị quyết được chuyển tải rõ ràng, sâu sát tới tất cả cán bộ, đảng viên và
nhân dân. Qua học tập, tuyên truyền và
triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW và các Chỉ thị, Nghị quyết của
Trung ương, các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, Huyện ủy, nhận thức về tầm
quan trọng của văn hóa trong phát triển bền vững ngày càng nâng lên, tạo chuyển biến mạnh mẽ, sâu rộng trong việc tu
dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, chất lượng, hiệu quả công tác, trở
thành công việc thường xuyên hàng ngày của mỗi cán bộ, đảng viên và của mỗi cơ
quan, đơn vị, góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị của
Đảng bộ huyện.
Ông Lê Văn Thái, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương và bà Trần Hồng Dung, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện trao Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch” cho 2 cá nhân tại Hội nghị Tổng kết ngành VHTT huyện Phú Giáo năm 2024
Ông Phan Hữu Trí, Trưởng phòng VH&TT cho biết, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, huyện Phú
Giáo đã khai thác tốt tiềm năng văn hóa để đáp ứng các yêu cầu phát triển bền
vững. Các phong trào văn hóa - nghệ thuật, thể thao không chỉ mang lại những
giá trị tinh thần, mà còn góp phần thu hút du lịch, tăng cường giao lưu kinh
tế, văn hóa giữa các địa phương. Nhà truyền thống, các di tích lịch sử, các
hoạt động giao lưu nghệ thuật đã trở thành những điểm nhấn góp phần xây dựng
thương hiệu văn hóa Phú Giáo. Các hoạt động tuyên truyền trực quan như pano,
băng rôn, khẩu hiệu và hệ thống màn hình điện tử được sử dụng hiệu quả để quảng
bá các giá trị văn hóa và truyền tải thông tin quan trọng. Qua đó, huyện đã tập
trung tuyên truyền sâu rộng các sự kiện chính trị, các ngày lễ lớn và các nhiệm
vụ trọng tâm, tạo động lực mạnh mẽ trong phong trào thi đua yêu nước.
Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa được quan
tâm đặc biệt. Huyện hiện có 3 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, bao gồm: Dinh
Tỉnh trưởng Phước Thành, Cầu gãy Sông Bé và Chùa Bửu Phước.
Các di tích được trùng tu, bảo quản để đón khách tham quan, giáo dục truyền
thống cho thế hệ trẻ. Bên
cạnh đó, vào ngày mùng 6 tháng 1 âm lịch
hàng năm, đồng bào dân tộc Sán Chỉ xã Tam Lập tổ chức lễ hội cầu mùa - lễ
hội đặc trưng của đồng bào dân tộc Sán Chỉ và cũng là lễ hội duy nhất của đồng
bào dân tộc huyện Phú Giáo được duy trì tổ chức thường xuyên, nhằm giáo dục con
cháu các thế hệ trong cộng đồng dân tộc người Sán Chỉ luôn nhớ về cội nguồn, nhớ
đến những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Đối với chế độ đãi
ngộ các văn nghệ sĩ, trong những năm gần đây, huyện Phú Giáo đã nhiều lần mời
các nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh và Hội Văn học nghệ thuật tỉnh
Bình Dương, đến giao lưu, sáng tác và cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc
viết về quê hương Phú Giáo, đến nay đã đi vào lòng người như các tác phẩm: Phú
Giáo mùa xuân về của nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phước Thành xưa Phú Giáo hôm nay của
nhạc sĩ Nguyễn Tôn Nghiêm, Phú Giáo quê tôi của nhạc sĩ Thế Hiển, Phú Giáo ngày
mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên … thông qua các tác phẩm ấy đã góp phần quảng
bá hình ảnh của Phú Giáo đến công chúng nhân dân, giúp mọi người hiểu rõ hơn về
trang sử hào hùng của quê hương Phú Giáo.
Nghệ sỹ nhân dân Thu Hồng, Chi hội chi Hội Sân khấu Việt Nam tỉnh Bình Dương và Nhạc sỹ Phan Hữu Trí, Trưởng phòng VH&TT huyện Phú Giáo tặng hoa cho đại diện các đơn vị tham gia chương trình giao lưu
Song song đó, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn
hóa, thể thao trong thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm đầu và nâng
cấp, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập và tổ chức các hoạt động văn hóa,
văn nghệ - thể dục thể thao của ngành văn hóa thông tin, phục vụ hiệu quả các
nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa,
tinh thần của nhân dân. Đặc biệt, thư viện huyện đã phục
vụ hơn 37.000 lượt độc giả mỗi năm, tổ chức 20 chương trình triển lãm sách và
văn hóa đọc, hình thành thói quen văn hóa đọc trong cộng đồng.
Đại diện Ban dân vận và ngành, đoàn thể huyện huyện Phú Giáo, cùng xã Tân Hiệp tham quan tuyến đường cờ Tổ quốc trên đường Tân Hiệp 21, ấp 1
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn
hóa" được triển khai sâu rộng. Ngoài ra, phong trào “Xây dựng gia đình ít con, no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc
và phát triển bền vững”
cũng được triển khai, góp phần thực hiện chiến
lược phát triển gia đình Việt Nam. Đến
cuối năm 2024, tỷ lệ hộ gia đình văn hóa đạt 98,18%, 100% khu phố, ấp đạt danh hiệu văn hóa.
Quy tắc ứng xử văn hóa nơi công sở, nơi công cộng được đẩy
mạnh, đóng góp xây dựng phong cách sống tiến bộ, lành mạnh trong cộng đồng. Việc triển khai thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội theo tinh thần Kết luận
số 51-KL/TW của Bộ Chính trị khoá X về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 27-CT/TW ngày
12/01/1998 của Bộ Chính trị (khoá VIII) đạt nhiều kết quả quan trọng. Việc cưới
đã được tổ chức tiết kiệm, lành mạnh. Việc tang bước đầu đã dần xóa bỏ các hủ tục
lạc hậu, mê tín dị đoan. Các lễ hội dân gian cơ bản được tổ chức đảm bảo đúng
nghi lễ giữa phần lễ và phần hội, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống tốt
đẹp của dân tộc. Tập trung đổi mới nếp sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh
đô thị. Tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển các loại hình hoạt động văn hóa
nghệ thuật lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; đi đôi với việc tiếp
thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Ông Ngô Thế Huy, Giám đốc Trung
tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện cho biết, thời gian qua các
hoạt động văn hóa, thể dục - thể thao của địa phương có nhiều chuyển biến tích
cực, từng bước đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của
nhân dân. Công tác tuyên truyền có nhiều đổi mới, đảm bảo đúng định hướng, kịp
thời chuyển tải các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến với cán bộ
và nhân dân. Huyện đã trang trí hơn 6.880m cờ
dây, 4.306 lá cờ Tổ quốc và 3.078m2 pano tuyên truyền, tạo không khí
phấn khởi trong các sự kiện văn hóa, chính trị. Hệ thống truyền thanh phát sóng
912 giờ trong năm 2024, đảm bảo thông tin đến từng khu vực, kể cả vùng sâu,
vùng xa. Phòng trào văn hóa văn nghệ ngày càng phát triển; các câu lạc bộ, đội
nhóm văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao được duy trì có hiệu quả; đặc biệt Đội
Văn nghệ quần chúng huyện tập hợp hơn 50 văn, nghệ sỹ, cộng tác viên hoạt động tích cực, hiệu quả, phục vụ nhiệm
vụ chính trị của địa phương. Phong
trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại" tiếp tục
phát triển, địa phương xây dựng Ngày chạy Olympic trở thành một hoạt động truyền
thống hàng năm, thu hút 43,4% người dân tham gia
luyện tập thể thao thường xuyên. Trong 10 năm qua, huyện đã tổ chức thành công
2 đại hội TDTT, hơn 50 giải thể thao cấp huyện và tham gia 26 giải cấp tỉnh,
quốc gia, đạt 48 HCV, 25 HCB và 41 HCĐ, khẳng định sự vươn lên của thể thao Phú
Giáo.
Các vận động viên Giải Việt dã truyền thống huyện Phú Giáo năm 2024.
Phong
trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã góp phần bảo tồn, phát huy các giá
trị văn hóa truyền thống; tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt chủ
trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cổ vũ, động viên mọi người
hăng hái thực hiện các phong trào thi đua, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh; tạo tiền đề quan trọng để Phú Giáo tiếp tục vươn lên trong
công cuộc phát triển bền vững.
Ông Lý Thành
Vinh, Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin cho biết thêm, thực hiện chủ trương chuyển đổi số, huyện Phú Giáo đã đẩy
mạnh ứng dụng công nghệ trong quản lý văn hóa và thông tin. Trung tâm Giám sát
và Điều hành thông minh đi vào hoạt động, hỗ trợ hiệu quả việc quản lý, theo
dõi các hoạt động văn hóa. Hệ thống truyền thanh thông minh được đầu tư, nâng
cấp, đảm bảo truyền tải thông tin chính xác, kịp thời đến các vùng sâu, vùng
xa. Cổng thông tin điện tử huyện và các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook
được sử dụng để tăng cường tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa, lịch sử
địa phương. Nhờ đó, người dân có cơ hội tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận
tiện, góp phần nâng cao nhận thức và sự tham gia tích cực vào các hoạt động văn
hóa – xã hội.
Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Huyện đã đạt được
những kết quả quan trọng, góp phần hoàn thiện các chuẩn mực giá trị
văn hóa và con người Việt Nam nói chung, Phú Giáo nói riêng; Xây dựng
môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với bối cảnh
phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội
nhập quốc tế; Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được còn
có những hạn chế như: công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 33 trên lĩnh
vực văn hoá có lúc, có nơi còn chưa thường xuyên; phong trào xây dựng khu phố,
ấp văn hoá, gia đình, cơ quan trường học đạt chuẩn văn hoá ở một số địa phương
còn mang tính hình thức; một số bộ phận thanh niên chưa chú trọng đến giá trị
văn hoá cộng đồng, còn những biểu hiện lệch lạc trong suy nghĩ và lối sống; đội
ngũ cán bộ hoạt động trên lĩnh vực văn hoá còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu
nhiệm vụ trong tình hình mới. Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 33-NQ/TW của BCH Trung
ương, thời gian tới huyện Phú Giáo xác định các nhiệm vụ
trọng tâm sau:
1. Tiếp tục quán triệt, triển khai
thực hiện đồng bộ, sáng tạo, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp theo tinh thần
Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Kết luận
số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị
quyết số 33-NQ/TW. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, nâng cao
hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị
- xã hội về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh
đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hoá từ
trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo
tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tập trung quán triệt, thực hiện
nghiêm túc, hiệu quả Quy định số 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của Ban Chấp hành
Trung ương Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai
đoạn mới.
2. Đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ
tầng văn hóa, hoàn thiện hệ thống thiết chế văn
hóa cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, khuyến khích xã hội hóa,
huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư cho lĩnh vực văn hóa.
3. Tập trung xây dựng con người Phú Giáo phát triển toàn diện, có đầy đủ những phẩm
chất tốt đẹp của con người Việt Nam.
Đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện về đạo đức, trí tuệ, thể chất và thẩm
mỹ, đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển.
4. Nâng cao chất
lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận
động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, xây dựng nếp
sống văn minh, văn hóa tiến bộ và giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền
thống, thuần phong mỹ tục của gia đình, dòng họ, địa phương.
Thực hiện các giải pháp xây dựng môi trường
văn hóa lành mạnh, nếp sống văn minh trong gia đình, dòng họ, địa phương, cộng
đồng, cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp; văn hóa trong chính trị và
kinh tế, văn hóa nơi công cộng.
5. Thường xuyên
chăm lo xây dựng, phát triển, nâng cao trình độ, năng lực, phẩm chất đội ngũ
cán bộ, công chức, viên chức trong lĩnh vực văn hóa, văn học - nghệ thuật, đáp
ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
6. Phát triển văn hóa gắn với
chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng công nghệ vào
quản lý và hoạt động văn hóa, ưu tiên số hóa di sản văn hóa, tư liệu lịch sử và
phát triển hệ thống thư viện thông minh.
Sau 10 năm triển khai Nghị quyết 33-NQ/TW, huyện Phú Giáo đã
gặt hái những thành tựu quan trọng trong lĩnh
vực văn hóa, con người và xã hội. Những kết quả này khẳng định vai trò của văn
hóa trong sự nghiệp phát triển bền vững. Với quyết tâm và sự đồng lòng của cả
hệ thống chính trị và nhân dân, Phú Giáo sẽ tiếp tục phát huy các giá trị văn
hóa truyền thống, xây dựng một môi trường sống văn minh, hiện đại và đậm đà bản
sắc dân tộc./.