image banner
Huyện Bàu Bàng - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và công tác Gia đình
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 132
Trong nhưng năm qua, Huyện luôn quan tâm, chú trọng đến công tác Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở” và công tác gia đình. Theo đó, Huyện xác định việc đầu tư cho công tác Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình là đầu tư cho phát triển văn hóa bền vững; Phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, gia đình và cộng đồng trong phong trào văn hóa cơ sở và phòng, chống bạo lực gia đình.

 

Thực hiện các nhiệm vụ đã được xác định trong Kế hoạch triển khai thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình huyện năm 2024 với mục tiêu gắn kết và phát huy vai trò của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, phát triển văn hóa, du lịch, nông nghiệp, nông thôn; xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa việc xây dựng các thiết chế văn hóa và hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội góp phần xây dựng huyện Bàu Bàng phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh hiện đại. Huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể huyện và cơ sở tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy công tác xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình đi đúng hướng. Các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở đồng loạt triển khai nhiều mô hình văn hóa tiêu biểu, không chỉ giúp cho củng cố mội trường sống nề nếp, văn minh mà còn gắn kết tình làng nghĩa xóm, nâng cao đời sống tinh thần cho cộng đồng dân cư. Sự lớn mạnh không ngừng của các mô hình còn cho thấy công tác tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa cơ sở đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân trong việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, qua đó lan tỏa, tạo hiệu ứng, góp phần khắc phục vấn đề còn tồn tại.

Năm 2023, thông qua số liệu thống kê, kết quả tuyên truyền, vận động đăng ký thực hiện xây dựng các danh hiệu văn hóa đạt kết quả cao, khẳng định hiệu quả trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện phong trào ở cơ sở. Cụ thể: 17.320/17.638 hộ gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 98,2%; 361/362 khu nhà trọ đạt “Khu nhà trọ văn hóa”. Đạt tỷ lệ 99,72%; 43/43 khu dân cư đạt Khu dân cư văn hóa, đạt tỷ lệ 100%. Có thể thấy, thời gian qua nhiều mô hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả được triển khai ở cấp huyện, xã, thị trấn, nhiều mô hình đã được các địa phương triển khai đồng loạt cùng với hoạt động của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Các địa phương quan tâm phát triển chiều sâu các mô hình câu lạc bộ ở cấp xã, thị trấn về văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, xây dựng gia đình văn hóa hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình… để người dân phát huy tính tự chủ, tự nguyện và trách nhiệm trong xây dựng văn hóa cơ sở.

Các hình thức truyền thông về xây dựng và phát triển Phong trào, Phòng, chống bạo lực gia đình được huyện xác định là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, gia đình và toàn xã hội, thực hiện tuyên truyền thông qua các hình thức cổ động trực quan: treo băng rôn, áp phích tại cơ quan, đơn vị, khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, chợ, nơi tập trung đông dân cư... Tổ chức hội thi, hội thảo, hội diễn, tọa đàm, nói chuyện chuyên đề về xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình trên Đài Truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, cổng thông tin điện tử của cơ quan, đơn vị, địa phương… Thông qua đó, một số địa phương đã phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa ngành Văn hóa và Thông tin với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương cùng xây dựng, ký kết và tổ chức triển khai các mô hình như: “Xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, “Xanh - Sạch - Đẹp - An toàn vệ sinh lao động”, “Cán bộ công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”, “Cán bộ công chức, viên chức nói không với tiêu cực”, “Ngày vì người nghèo”; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; xây dựng văn hóa giao thông; Câu lạc bộ Thơ ca… Một số mô hình không chỉ dừng lại ở việc duy trì và phát triển phong trào mà còn góp phần phát triển kinh tế, thu hút xã hội hóa, nhiều mô hình xây dựng thành điểm đến văn hóa du lịch của địa phương như: (1) “Bảo tồn, phát huy giá trị di tích văn hóa lịch sử”; (2) Khu du lịch Cầu Đôi Camping, ấp Cầu Đôi, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng…

Đặc biệt, Huyện đã nghiên cứu và thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình, cụ thể đã xây dựng và đưa vào sử dụng “Phần mềm quản lý danh hiệu văn hóa và công tác gia đình” nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, mang lại sự tiện lợi cho tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và xét, công nhận, quản lý danh hiệu văn hóa, đô thị văn minh… góp phần vào việc xây dựng chính quyền số, Huyện đã đầu tư, triển khai phần mềm quản lý danh hiệu văn hóa và Công tác gia đình để giúp cho việc: (1) Quản lý dữ liệu về lĩnh vực gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, thị trấn đô thị văn minh, xã nông thôn mới…; (2) Thay thế việc bình xét trực tiếp bằng giấy đối với các danh hiệu văn hóa, vì các hộ gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức, cá nhân, nhất là đối với người dân đi làm ăn xa, không có mặt thường xuyên ở địa bàn khu dân cư; (3) Giảm chi phí in ấn, thời gian phát, thu thập phiếu đánh giá, bình xét danh hiệu. (4) Hỗ trợ công tác tổng hợp dữ liệu để ra quyết định xét tặng giấy khen Gia đình văn hóa, Khu dân cư văn hóa hàng năm… Ngoài ra, Huyện còn đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý trong các lĩnh vực bảo tàng, văn hóa cụ thể là: “Ứng dụng hệ thống tương tác thông minh trong quản lý di tích lịch sử văn hóa huyện Bàu Bàng”; phần mềm quản lý xử phạt vi phạm hành chính (lĩnh vực văn hóa); phần mềm quản lý khu nhà trọ, cơ sở lưu trú trên địa bàn…

Ngày nay, chúng ta đang xây dựng cuộc sống văn minh, tiến bộ, gia đình hạnh phúc thì vấn đề phòng, chống bạo lực gia đình đang nhận được rất nhiều sự quan tâm. Vậy trách nhiệm trong Công tác phòng, chống bạo lực gia đính nói riêng và công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nói chung là rất quan trọng và cần thiết. Như chúng ta đã biết, Gia đình là tế bào của xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc là một trong các mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của mọi gia đình trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Vì vậy, Huyện đã quan tâm, đề nghị các Ban, ngành, đoàn thể trong huyện, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn căn cứ nội dung, mục tiêu, thời gian và tình hình thực tế lựa chọn hình thức phù hợp để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả, sâu rộng trên địa bàn huyện. Lựa chọn hình thức phù hợp để thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thực hiện phong trào, phòng, chống bạo lực gia đình đến toàn thể cán bộ, công chức, người lao động trong cơ quan, đơn vị và nhân dân trong huyện. Chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền xây dựng chuyên trang, chuyên mục, câu chuyên truyền thanh: “Phụ nữ ngày mới”, “Đời sống Văn hóa cơ sở”… định kỳ 01 lần/ tuần với thời lượng 08 phút/ câu chuyện, lồng ghép trong chương trình thời sự hàng ngày nội dung về phong trào, công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Thực hiện in ấn và cấp phát về cơ sở 5.530 tờ gấp tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; 7.050 tờ gấp về tuyên truyền “Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. Phát triển phong trào văn hóa cơ sở thông qua các mô hình luân chuyển sách sách để phục vụ tốt nhu cầu của người dân; trưng bày sách theo chuyên đề, tuyên truyền, hướng dẫn về phương pháp đọc sách, phục vụ sách tại chỗ, các cuộc thi tìm hiểu về sách, đại sứ văn hóa đọc…

Ngoài ra, Huyện đã tổ chức nhiều lớp tập huấn về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình, cụ thể đã tổ chức 03 lớp tập huấn hướng dẫn cơ sở tổ chức, triển khai, thực hiện có hiệu quả các hoạt động, nội dung quản lý nhà nước về Phong trào và công tác gia đình nhằm góp phần bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ các cấp trực tiếp làm công tác gia đình, đảm bảo cho việc chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn huyện cho các đối tượng: Thành viên Ban Chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Công tác Gia đình huyện, xã, thị trấn; người trực tiếp phụ trách Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình, Trưởng khu phố, ấp và Tổ trưởng, tổ phó của các Tổ thuộc khu phố, ấp. Kết quả đã thu hút hơn 731 lượt người tham dự.

Một trong những mô hình hoạt động có hiệu quả gắn liền với nhiệm vụ xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình có thể kể đến là Câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình (các cặp gia đình là thành viên CLB) đã phát huy vai trò nòng cốt trong việc vận động cộng đồng dân cư tích cực gương mẫu thực hiện tốt việc xây dựng gia đình văn hóa, số thành viên Câu lạc bộ ngày càng đông. Đến nay, toàn huyện có 43 Câu lạc bộ (129 thành viên), 43 nhóm phòng, chống bạo lực (215 thành viên) và 43 tổ hòa giải (301 thành viên). Kết quả trong 06 tháng đầu năm 2024, trên địa bàn huyện không xảy vụ việc nào liên quan đến bạo lực gia đình phải xử lý hành chính.

Mặt khác, Huyện luôn chú trọng đầu tư cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, hiện nay toàn huyện có 05/07 trung tâm Văn hóa, thể thao và Học tập cộng đồng các xã, thị trấn; 01 Trung tâm Văn hóa, thể thao huyện và 43/43 văn phòng khu phố, ấp. Việc đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các thiết chế văn hóa thể thao được thực hiện thường xuyên, chú trọng công tác xã hội hóa các thiết chế văn hóa, thể thao (sân bóng đá, cầu lông, sân tennis, bida, hồ bơi…) và các hoạt động văn hóa, thể thao góp phần tạo sân chơi lành mạnh người dân.

Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối kết hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở, sự đồng tình hưởng ứng của nhân dân, phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Công tác Gia đình huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ trong thời quan qua, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân. Song song đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng phong trào văn hóa cơ sở như:

  • Một số thiết chế văn hóa, thể thao đầu tư chưa được đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tiễn. Thiết chế văn hóa phục vụ Nhân dân, công nhân và người lao động trong khu công nghiệp chưa có nhiều, chỉ mới dừng lại ở chương trình văn nghệ ngoài trời hàng tháng do huyện tổ chức... Công tác xã hội hóa cũng còn hạn chế do việc đầu tư xã hội hóa còn gặp nhiều bất cập trong quy trình làm thủ tục hồ sơ dẫn đến các tổ chức, cá nhân chưa dám mạnh dạn để đầu tư.

- Thực trạng đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình ở cơ sở thường xuyên thay đổi do luân chuyển công tác, nghĩ việc, đa số là cán bộ kiêm nhiệm nền thời gian và năng lực còn hạn chế đạ ảnh hưởng rất nhiều đến hiệu quản công việc.

- Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành nhất là ở cơ sở chưa chặt chẽ, đồng bộ. Công tác thu thập báo cáo, thông tin số liệu về gia đình và phòng chống bạo lực gia đình ở một số địa phương chưa tốt, dẫn dến việc số liệu giữa các ngành và địa phương có sự khác biệt, chưa được thống nhất.

Xây dựng Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình là một nhiệm vụ quan trọng nhưng có nhiều khó khăn, thách thức. Từ các mô hình tiêu biểu, hiệu quả trong thời gian qua, để tiếp tục phát huy trong thời gian tới cần có các giải pháp đồng bộ, toàn diện như sau:

Một là,kịp thời đầu tư các thiết chế văn hóa còn thiếu cho địa phương và tu bổ các hạng mục cho các Trung tâm, để tổ chức các hoạt động thu hút người dân đến tham gia sinh hoạt, sáng tạo các giá trị văn hóa. Việc đầu tư phải bài bản và đạt chuẩn theo quy định để khai thác, sử dụng hết công năng tránh lãng phí tài nguyên. Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, đầu tư phát triển văn hóa lành mạnh để nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nhân dân.

Hai là, tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm huy động nguồn lực của các cá nhân, tổ chức trong và ngoài huyện để đầu tư, tài trợ cho phát triển văn hóa và xây dựng con người. Đầu tư các điểm vui chơi, giải trí, nhất là đầu tư các thiết chế văn hóa trong các Trung tâm Văn hóa, thể thao từ huyện đến cơ sở (ở các hạng mục như hồ bơi, dụng cụ thể thao...) góp phần tạo mội trường văn hóa lành mạnh, tạo sân chơi, nơi luyện tập thể dục thể thao cho người dân.

Ba là, tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức, tổ chức hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Kế hoạch đưa ra. Đảm bảo quản lý và theo dõi tiến độ thực hiện các mục tiêu, các văn bản chỉ đạo, đồng thời có trách nhiệm theo dõi kiểm tra, giám sát các hoạt động của kế hoạch.

Bốn là, thực hiện lồng ghép nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và công tác gia đình trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tiếp tục lồng ghép triển khai hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và công tác gia đình” với các cuộc vận động, phong trào khác như: Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị; Quy chế dân chủ; Ngày vì người nghèo; Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; phổ cập giáo dục; phòng chống bạo lực gia đình, chiến lược bình đẳng giới; Đề án “Công tác dân vận tham gia xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh”... để tạo sức mạnh tổng hợp, ngày càng nâng cao chất lượng phong trào.

Năm là, đa dạng hóa hình thức, đối tượng tuyên truyền trong công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức, chuyển biến hành động trong chấp hành pháp luật của các tầng lớp nhân dân, chú trọng tuyên truyền đi vào chiều sâu từng đối tượng, từng gia đình. Đồng thời, tổ chức tốt các sự kiện văn hóa, hoạt động nghiệp vụ về xây dựng môi trường văn hóa cơ sở trong phạm vi quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Sáu là, Tiếp tục triển khai, nhân rộng việc thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong Phong trào và công tác gia đình đảm bảo tiến độ, chất lượng, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa góp phần vào việc xây dựng chính quyền số, giúp cho việc triển khai thực hiện thu thập số liệu về gia đình; phòng, chống bạo lực gia đình và công tác chấm điểm, bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa: “Gia đình văn hóa”, “Khu phố, ấp văn hóa”, “Xã, thị trấn tiêu biểu”; “Thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh” năm 2024 và trong thời gian tới đạt hiệu quả cao./.

Nguyễn Thị Nhất - Phòng VH&TT huyện

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0