Tình hình thi hành Luật Du lịch số 09/2017/QH14 trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Trong những năm qua, ngành du lịch tỉnh Bình Dương đang từng bước phát triển, sản phẩm dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu vui chơi giải trí cho nhân dân và du khách khi đến Bình Dương. Có thể thấy, Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đã tác động tích cực đến quá trình phát triển du lịch của Bình Dương. Nhờ sự hỗ trợ của khung pháp lý, giúp cơ quan quản lý nhà nước phát huy vai trò lãnh đạo, các doanh nghiệp hiểu và thực hiện đúng quy định trong quá trình kinh doanh, bảo vệ quyền lợi của du khách.
Công tác
triển khai thực hiện Luật Du lịch
Sau khi Luật Du lịch số 09/2017/QH14 có hiệu
lực thi hành từ ngày 01/01/2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp
với địa phương tổ chức các hội nghị phổ biến Luật Du lịch đến cán bộ, công chức
làm công tác quản lý nhà nước về du lịch và các tổ chức, cá nhân kinh doanh du
lịch trên địa bàn tỉnh. Thông qua công tác tuyên truyền pháp luật, Sở đã kịp
thời phổ biến rộng rãi quy định của Luật Du lịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên
quan cho các đơn vị kinh doanh du lịch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả của
công tác quản lý nhà nước về du lịch,tạo cầu nối giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch với cơ
quan quản lý nhà
nước.
Ông Nguyễn Thanh
Phong - PGĐ Sở VHTTDL phát biểu tại Hội nghị triển khai VB QPPL lĩnh vực du
lịch năm 2023
Hội nghị tiếp
xúc doanh nghiệp du lịch năm 2024
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc thực
thi nghiêm chỉnh luật Du lịch, Sở cũng chú trọng đến công tác thanh tra, kiểm
tra hoạt động của các đơn vị kinh doanh du lịch gồm doanh nghiệp lữ hành, cơ sở
lưu trú du lịch và các khu điểm du lịch. Qua các đợt thanh kiểm tra, kịp thời
phát hiện xử lý vi phạm của các doanh nghiệp, qua đó nâng cao ý thức tuân thủ
quy định pháp luật, góp phần đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch trên địa bàn.
Kết quả đạt
được
Luật Du lịch năm 2017 được ban
hành đã đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa chủ trương phát triển du lịch của Đảng
tải những nội dung có tính định hướng và tinh thần của Nghị quyết 08 của Bộ
Chính trị, để đưa ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đáp
ứng được nhu cầu phát triển và hội nhập của Việt Nam nói chung và tỉnh Bình
Dương nói riêng. Các kế hoạch, chính sách phát
triển du lịch của tỉnh được xây dựng dựa trên những quy định của Luật Du lịch
và các văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, Kế hoạch 33-KH/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy
Bình Dương về thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát
triển du lịch trở
thành ngành kinh tế mũi nhọn, Kế hoạch số 5822/KH-UBND ngày 21/12/2017 triển khai thực hiện Kế hoạch số 33-KH/TU, Quyết định số
2823/QĐ-UBND ngày 09/12/2021 về phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2025
và tầm nhìn đến năm 2030 là một trong những định hướng quan trọng để khai thác
tiềm năng du lịch của tỉnh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quyết định số 31/2018/QĐ-UBND, ngày 12/12/2018 Quy định quản lý khu,
điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, đảm
bảo pháp lý quản lý, sử dụng và khai thác có hiệu quả các tài nguyên du
lịch phù hợp với quy hoạch du lịch của tỉnh.
Đoàn kiểm
tra Bộ VHTTDL kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật tại khách sạn Bexamex
Công tác kiểm tra và giám sát việc thực thi các quy
định của Luật Du lịch được triển khai nghiêm túc.
Sở VHTTDL thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra để đánh
giá tình hình tuân thủ luật tại các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, và các khu, điểm du lịch... Thông qua công tác kiểm tra, theo dõi sát sao, các cơ sở kinh
doanh du lịch đã nâng cao ý thức tuân thủ các quy định của pháp luật, góp phần
cải thiện chất lượng dịch vụ và hình ảnh du lịch của địa phương. Trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 9
năm 2024, Thanh tra Sở tổ chức
thực hiện thanh tra, kiểm tra 229 cơ sở hoạt động kinh
doanh dịch vụ du lịch, phát hiện 52 trường hợp vi phạm, lập biên bản vi
phạm hành chính và ban hành quyết định xử phạt với tổng số tiền: 181.000.000 đồng. Công tác kiểm tra điều kiện
tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật dịch vụ của các đơn vị kinh doanh lưu trú
du lịch trên địa bàn tỉnh cũng được triển khai thực hiện hàng năm. Từ 2019 đến nay,
Sở đã phối hợp với phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thành phố trên địa bàn
tỉnh tổ chức kiểm tra được 126 đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch. Qua quá trình
kiểm tra, kịp thời phát hiện, nhắc nhở các đơn vị chưa thực hiện đúng quy định
của pháp luật trong hoạt động kinh doanh lưu trú và hướng dẫn đơn vị thực hiện
nghiêm việc báo cáo thống kê du lịch theo quy định.
Công tác quản lý tài nguyên du lịch: các văn bản hướng dẫn của
Trung ương, của tỉnh về việc phát huy và bảo về các giá trị nguồn tài nguyên
luôn được quan tâm và thực hiện đúng theo quy định, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành Đề án phát triển du lịch tỉnh Bình Dương; phối hợp tham mưu
tích hợp quy hoạch phát triển du lịch vào quy hoạch tỉnh Bình Dương
thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Công tác bảo vệ và phát huy giá trị
của các di tích lịch sử, các di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh,… được quan tâm thực
hiện thường xuyên đúng theo quy định.
Công tác quản lý khu du lịch, điểm du lịch: sau khi Luật Du lịch được ban
hành và có hiệu lực, Sở đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số
31/2018/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 Quy định quản lý khu, điểm du lịch trên địa bàn
tỉnh Bình Dương. Hiện trên địa bàn tỉnh có Khu di tích Chiến khu Vĩnh Lợi được
Ủy ban nhân dân ban hành Quyết định công nhận điểm du lịch và Trung tâm Thương mại Vincom Plaza Dĩ An được cấp biển hiệu đạt tiêu
chuẩn phục vụ khách du lịch. Các điểm tham quan khác như khu du lịch văn hóa,
thể thao Đại Nam, Du lịch Thủy Châu, Sol Retreat Farm,… được quản lý về hoạt
động kinh doanh, môi trường, an ninh trật tự, phòng cháy
chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ sở hạ tầng và chất lượng dịch vụ. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường
kiểm tra, giám sát hoạt động tại các khu, điểm du lịch nhằm đảm bảo các tiêu chí
về an toàn, vệ sinh môi trường, cũng như quyền lợi của khách du lịch.
Công tác quản lý đơn
vị kinh doanh lưu trú du lịch: So với Luật du lịch năm 2005 thì một số quy định
của Luật Du lịch năm 2017 trong công tác quản lý kinh doanh lưu trú đơn giản
hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc xếp hạng chất lượng
dịch vụ. Từ khi áp dụng Luật du lịch năm 2017, trên địa bàn tỉnh có 32 khách
sạn xếp hạng từ 1 đến 5 sao được công nhận hạng (1 khách sạn 5 sao, 3 khách sạn
4 sao, 7 khách sạn xếp hạng 3 sao và 21 khách sạn xếp hạng 1-2 sao).
Công tác quản lý đơn
vị kinh doanh du lịch lữ hành: từ khi áp dụng Luật Du lịch 2017, trên địa bàn
tỉnh Bình Dương có 50 đơn vị kinh doanh lữ hành được cấp phép, trong đó có 19
giấy phép lữ hành quốc tế và 31 giấy phép lứ hành nội địa. Đến nay, còn hoạt
động 44 đơn
vị hoạt động kinh doanh lữ hành (15 đơn vị lữ hành quốc tế và 29 đơn vị lữ hành nội
địa).
Quản lý hướng dẫn viên du lịch: Công tác cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa và quốc tế được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng theo quy định. Tính đến
tháng nay có
90 thẻ hướng dẫn viên du lịch còn hạn sử dụng (42 thẻ quốc tế, 48 thẻ nội địa). Năm 2024, phối hợp trường Đại học
Bình Dương tổ chức khóa cập nhật kiến thức cho hướng dẫn viên du lịch, kết quả
có 147 hướng dẫn viên tham gia khóa học và đủ điều kiện được cấp Giấy chứng
nhận.
Khó khăn trong quản lý nhà nước theo luật du lich
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành,
liên vùng và xã hội hóa cao. Quản lý nhà nước trong lĩnh vực du lịch có liên
quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực khác như văn hóa, giao thông,
tài nguyên môi trường, quốc phòng, an ninh, nông nghiệp, thương mại... Tuy nhiên, Luật Du lịch 2017
có một số quy định pháp luật liên
quan chưa thực sự đồng bộ với các văn bản pháp luật khác, như Luật Đất đai,
Luật Bảo vệ Môi trường, hay các quy định về xây dựng, bảo tồn di sản... Điều này dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các
dự án du lịch, đặc biệt là các dự án du lịch sinh thái, du lịch vườn trên đất nông nghiệp.
Từ khi thực hiện Luật Du lịch 2017 cơ quan quản
lý du lịch ở tỉnh gặp nhiều khó khăn vì không thực hiện tiền kiểm, chỉ thực
hiện hậu kiểm sau khi cơ sở lưu trú du lịch đã đi vào hoạt động. Nhiều cơ sở
không đăng ký xếp hạng, không thông báo hoạt động, không báo cáo kết quả kinh
doanh cũng gây khó khăn cho việc quản lý. Cụ thể: Luật Du lịch năm 2017 cho
phép các “tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú được tự nguyện đăng ký xếp hạng”, chỉ cần thông báo trước khi đi vào hoạt động,
đảm bảo điều kiện tối thiểu, điều này góp phần tạo thuận
lợi, đơn giản hóa thủ tục cho đơn vị kinh doanh; tuy nhiên quy định này đã tạo
ra nhiều bất cập gây khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát
chất lượng cơ sở lưu trú, dẫn đến việc cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn
vị kinh doanh và đảm bảo quyền lợi khách du lịch. Hiện nay, có rất nhiều đơn vị kinh doanh lưu trú tự quảng cáo hạng
sao để chào bán trên các sàn thương mại điện tử. Tại
Bình Dương, số lượng đơn vị kinh
doanh lưu trú tương đối nhiều (theo thống kê đến 9 tháng/2024 trên địa bàn tỉnh có 255 đơn vị kinh doanh lưu trú
du lịch hoạt động theo loại hình tổ chức, với 7.669 phòng và 547 đơn vị hoạt
động theo loại hình hộ kinh doanh với 6.977 phòng). Tuy nhiên phần lớn các đơn
vị kinh doanh lưu trú với quy mô nhỏ, mang tính chất hộ gia đình, các đơn vị
này mặc dù được thống kê là cơ sở lưu trú du lịch nhưng chất lượng dịch vụ
thấp, chủ yếu phục vụ khách vãng lai, khách nghỉ theo giờ chưa đáp ứng được yêu
cầu của khách du lịch.
Đối với kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định về Cấp phép kinh doanh dịch vụ lữ hành thành
phần hồ sơ còn khá đơn giản, mức tiền ký quỹ thấp, chưa đảm bảo cho quyền và
lợi ích của khách du lịch khi có sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, chưa có quy định về thông báo hoạt động
nên gây khó khăn trong việc quản lý cũng như hướng dẫn các đơn vị tuân thủ các
quy định của pháp luật.
Luật Du lịch 2017 chưa điều chỉnh đối với các
đơn vị kinh doanh theo mô hình khu, điểm du lịch chỉ hướng dẫn thủ tục công
nhận, tuy nhiên trên thực tế thì không phải đơn vị nào kinh doanh theo loại
hình này cũng thực hiện việc công nhận xếp loại. Nhiều
loại hình kinh doanh phức hợp bao gồm ăn uống, vui chơi giải trí, câu cá,
cắm trại, tham quan vườn... chưa được pháp luật điều chỉnh, gây hạn chế trong việc quản lý nhà nước.
Sở VHTTDL khảo sát Cầu Đôi Camping
Luật Du lịch 2017 chưa quy định về phân cấp
quản lý nhà nước về du lịch cho UBND và cơ quan chuyên môn cấp huyện cũng gây
hạn chế trong công tác quản lý nhà nước. Chưa có quy định điều chỉnh cho hoạt động cá nhân tự đứng ra thuê xe, hoặc
chủ các nhà xe tổ chức tour và bán vé cho khách tham quan trong nước (hoạt động
theo hình thức lữ hành) nhưng không có Giấy phép lữ hành, không có hướng dẫn
viên, không có hợp đồng, bảo hiểm với khác tham quan,... điều nay gây nên tình
trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các đơn vị lữ hành, khó khăn trong công
tác quản lý nhà nước.
Một số kiến nghị những nội dung sửa đổi,
bổ sung Luật Du lịch năm 2017
Cần thay đổi quy định biện pháp
quản lý đơn vị kinh doanh lưu trú du lịch chặt chẽ hơn, nâng cao các tiêu chí
quy định về điều kiện tối thiểu của cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch. Thực hiện
việc phân cấp quản lý ở cấp huyện đối với các đơn vị kinh doanh lưu trú quy mô
nhỏ.
Bổ sung các quy định điều chỉnh hành vi đối với
các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch như: thông báo về thời điểm bắt đầu
kinh doanh đối với các đơn vị kinh doanh khu, điểm du lịch. Quy định đối với
các đơn vị kinh doanh mô hình khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà nghỉ du lịch
khi chưa đề nghị công nhận. Điều chỉnh về điều kiện công nhận khu du lịch cấp tỉnh phù hợp với tình
hình thực tế, để khuyến khích doanh nghiệp đăng ký công nhận.
Đối với quy định tổ chức khóa cập
nhật kiến thức dành cho hướng dẫn viên du lịch: một số địa phương khi tổ chức
khóa cập nhật kiến thức chỉ nhận học viên do địa phương mình cấp thẻ, làm hạn
chế đối tượng tham gia khóa học. Trong khi các địa phương khác với số lượng cấp
thẻ hàng năm ít, chưa đủ điều kiện để định kỳ tổ chức lớp hàng năm (Giấy chứng
nhận Cập nhật kiến thức chỉ có giá trị trong 1 năm), đã gây khó khăn cho hướng dẫn viên du lịch
khi hết hạn thẻ muốn tiếp tục làm việc mà chưa tham gia được khóa học. Đề nghị
xem xét lại quy định này, nhằm tạo điều kiện cho hướng dẫn viên du lịch an tâm
công tác.
Cần có quy định để quản lý đối
với trường hợp cá nhân tự đứng ra thuê xe, hoặc chủ các nhà xe tổ chức tour và
bán vé cho khách tham quan trong nước (hoạt động theo hình thức lữ hành) nhưng
không có đăng ký kinh doanh, giấy phép lữ hành, hướng dẫn viên, hợp đồng, bảo
hiểm với khách,...
Có thể thấy, Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản
quy phạm pháp luật liên quan đã tác động tích cực đến quá trình phát triển
du lịch của Bình Dương nói chung và cả nước nói riêng. Luật đã đưa ra những quy định về tài nguyên du lịch, phát triển sản phẩm
du lịch và hoạt động
du lịch; quyền, nghĩa vụ của khách du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch… Tính pháp lý rõ ràng, thủ tục hành
chính đơn giản tạo điều kiện cho các tổ chức và cá nhân hoạt động trong ngành
du lịch được thuận lợi, thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh và
nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch. Bằng các biện pháp chế tài,
giúp cơ
quan quản lý nhà nước kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh nhằm bảo vệ quyền lợi của
khách du lịch, góp phần xây dựng môi trường du lịch lành mạnh và chuyên nghiệp
hướng đến chất lượng dịch vụ. Để ngành du lịch phát
triển bền vững và đáp ứng yêu cầu của thị trường, cần có những giải pháp phù
hợp và kịp thời điều chỉnh, sửa đổi những quy định pháp luật về du lịch chưa
phù hợp, tạo chặc chẽ trong công tác quản lý nhà nước, thuận lợi trong hoạt
động của doanh nghiệp và ưu tiên đảm bảo quyền lợi của du khách./.