Khai thác tiềm năng phát triển du lịch góp phần xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP. Tân Uyên
Tiềm năng phát
triển du lịch của xã Bạch Đằng
Xã Bạch
Đằng có diện tích hơn 1.090 ha, là một xã cù lao điển hình trong xây dựng nông thôn mới từ cuối năm 2013. Đây là số ít những làng quê còn giữ được không gian yên bình,
không có nhà máy sản xuất và nước thải công nghiệp. Được bao bọc bởi dòng sông
Đồng Nai, được thiên nhiên ban tặng những nét đẹp hài hòa tự nhiên trở thành một
trong những địa phương có nhiều tiềm năng phát triển du lịch trên địa bàn thành
phố Tân Uyên nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung. Với những vườn bưởi trĩu
quả, những đồng lúa xanh mát cùng hệ thống di tích lịch sử văn hóa đa dạng nếu
khai thác tốt sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách du lịch khi đến với Bình
Dương. Và đặc biệt là địa phương có nhiều điều kiện phù hợp về vị trí, đất đai, khí hậu, hạ
tầng… xã đã được lựa chọn làm một trong những địa phương đầu tiên của tỉnh để
thí điểm xây dựng mô hình làng thông minh. Từ năm 2020, tỉnh Bình Dương triển
khai đề án xây dựng làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, thành phố Tân
Uyên, hướng tới trở thành nơi tập trung nhiều sáng kiến liên quan đến công
nghệ, nông nghiệp, việc làm, cải thiện đời sống người dân và xây dựng thương
hiệu du lịch xã Bạch Đằng. Tỉnh cũng tập trung các giải pháp vừa phát triển
nông nghiệp thông minh vừa phát triển du lịch sinh thái để xã Bạch Đằng trở
thành một biểu tượng xanh của tỉnh. Nếu xây dựng thành công mô hình làng thông minh Bạch
Đằng, đây là điều kiện để kết hợp khai thác các loại hình du lịch như: Du
lịch trải nghiệm công nghệ: Một điểm đặc biệt của làng thông minh là ứng dụng
công nghệ trong đời sống và sản xuất. Du khách có thể trải nghiệm các công nghệ
tiên tiến như tự động hóa trong nông nghiệp, hệ thống quản lý thông minh, hay
các thiết bị IoT (Internet of Things) [1]dùng
trong việc giám sát và điều khiển các hoạt động trong làng. Đây là một điểm thu
hút du khách trẻ, yêu thích công nghệ và muốn tìm hiểu về các mô hình
"sống thông minh"; Du lịch sinh thái và cộng đồng: làng thông minh có
thể kết hợp du lịch sinh thái với các hoạt động cộng đồng. Du khách có thể tham
gia vào các hoạt động ngoài trời như trồng cây, thu hoạch nông sản, hoặc tham
gia các lớp học nông nghiệp hữu cơ, làm vườn, hoặc làm đồ thủ công tại các cơ
sở trong làng; Du lịch gắn với giáo dục và sáng tạo: Làng Thông Minh cũng có
thể phát triển các chương trình giáo dục về công nghệ, nông nghiệp sạch, và bền
vững cho học sinh, sinh viên và các nhóm du khách yêu thích việc tìm hiểu kiến
thức. Các lớp học hoặc chương trình workshop[2]
về cách sử dụng công nghệ trong sản xuất, bảo vệ môi trường, và phát triển cộng
đồng sẽ là điểm thu hút du khách.
Các giá trị văn hóa để phát triển loại hình du lịch văn hóa
- Đình Tân Trạch: được UBND tỉnh Bình Dương công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa ngày
30/10/2007 là nơi ghi dấu của một vùng đất có quá trình phát triển lâu
dài, gắn liền với cư dân nơi đây từ buổi đầu khai hoang lập ấp. Đình xây dựng
theo kiến trúc kiểu chữ Đinh, mái lợp ngói âm dương với toàn bộ khung sườn từ
kèo, cột, xuyên trính đều được làm bằng các loại gỗ quý của đất rừng Bình
Dương. Hiện nay, tại di tích đình Tân Trạch vẫn duy trì hình thức lễ hội truyền
thống từ xưa đến nay, đó là lễ Kỳ Yên.
- Nhà cổ Đỗ Cao Thứa: được UBND tỉnh Bình Dương công
nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh có diện tích khoảng 500 m2 được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, xây dựng
theo phong cách kiến trúc chữ Đinh, mái lợp ngói âm dương mang dáng dấp nhà
vườn Nam Bộ xưa.
- Nhà cổ Dương Văn Hổ được UBND tỉnh Bình Dương công
nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh được xây dựng và đưa vào sử dụng vào năm
1914. Điểm nổi bật và giá trị trong kiến trúc nhà cổ Dương Văn Hổ đó là toàn bộ
kết cấu ngôi nhà đều bằng gỗ, với nhiều loại gỗ quý. Ngôi nhà vừa là công trình
kiến trúc tài hoa, vừa chứa đựng những tác phẩm điêu khắc mang đậm dấu ấn mỹ
thuật Nam bộ. Các họa tiết trang trí trong nhà đều được thể hiện rất tinh xảo.
Đến nay, nhà cổ Dương Văn Hổ đã tồn tại hơn 100 năm trên vùng đất cù lao Bạch
Đằng, qua nhiều thăng trầm của lịch sử ngôi nhà vẫn được gìn giữ, bảo quản
tương đối tốt, trở thành một trong những di tích nhà cổ có lối kiến trúc gỗ độc
đáo, hiếm hoi còn bảo tồn tương đối nguyên vẹn, thu hút khá nhiều khách nước
ngoài đến tham quan tìm hiểu.
Tiềm năng phát triển du lịch sinh thái
Ngoài những tiềm năng để phát triển loại hình du lịch
văn hóa, xã Bạch Đằng còn có nhiều tiềm năng để phát triển loại hình du lịch
sinh thái. Có vị trí được bao bọc bởi sông Đồng Nai, là một vùng đất cù lao dôi
ra sông có khí hậu tương đối mát mẻ của vùng sinh thái ven sông cùng với những
đồng lúa, những vùng nông nghiệp và hơn 450 ha các vườn bưởi trĩu cành là đặc
sản ngon nổi tiếng đã mang lại cho du khách một không gian du lịch sinh thái
thú vị. Từ trái bưởi ngọt lành nơi đây, người dân địa phương còn chế biến thành
những món ăn, thức uống đặc sản, như: Gỏi bưởi, nem bưởi, mứt bưởi, rượu bưởi,
tinh dầu bưởi... phục vụ nhu cầu của nhân dân cũng như khách tham quan.
Một số công việc trong phạm vi quản lý của ngành văn hóa, thể
thao và du lịch đã triển khai góp phần
hỗ trợ xây dựng thí điểm Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng, TP. Tân
Uyên
Trên cơ sở các nhiệm vụ được phân công trong
kế hoạch
thí điểm xây dựng Làng thông minh trên địa bàn xã Bạch Đằng. Thời gian qua, Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã triển khai các chương trình, hoạt
động về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, truyền thống địa phương
cũng như tăng cường các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch hỗ trợ kết nối,
phát triển tour, tuyến du lịch đến với xã Bạch Đằng, cụ thể như sau:
-
Tổ chức chương trình khảo sát, xây dựng phương án bảo tồn phát triển các giá trị văn
hóa, truyền thống địa phương: tu bổ di tích, xây dựng các công trình, tôn tạo,
bảo vệ cảnh quan cùng các hoạt động khảo sát, đánh giá hiện trạng nhằm phục vụ
cho việc bảo tồn, phát triển di tích, đáp ứng yêu cầu của điểm đến để phục vụ,
đón khách tham quan. Đối với di sản văn hóa phi vật thể, việc thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị
nghệ thuật Đờn ca tài tử theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê
duyệt tại Quyết định số 2539/QĐ-UBND ngày 08/11/2021. Trong năm 2023, Sở tiếp tục
triển khai xây dựng Đề tài “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn
hóa và danh lam thắng cảnh trong bối cảnh đô thị hóa và cách mạng 4.0 ở tỉnh
Bình Dương” trong đó có nghiên cứu phương án Bảo tồn phát huy các giá trị văn
hóa trên địa bàn xã Bạch Đằng.
- Về công tác quảng bá, hỗ
trợ phát triển du lịch địa phương ở xã Bạch Đằng[3]: Gắn việc khai
thác tiềm năng, thế mạnh hiện có của các địa phương trong việc xây dựng, phát
triển đa dạng các sản phẩm du lịch của tỉnh, công tác thông tin quảng bá về du
lịch Làng thông minh xã Bạch Đằng được thực hiện trên các trang thông tin điện
tử do Sở quản lý như: sovhttdl.binhduong.gov.vn, dulichbinhduong.org.vn, ứng dụng
(App) du lịch Bình Dương và các trang mạng xã hội (zalo, facebook, youtube) do
ngành phụ trách, quản lý. Ứng dụng công nghệ số trong quảng bá, giới thiệu địa
điểm du lịch ở xã Bạch Đằng, ngành đã thực hiện số hóa hình ảnh 360 độ về 04 điểm đến tiêu biểu của địa phương (Nhà cổ
Đỗ Cao Thứa, và 03 vườn bưởi,..). Ngoài ra, trên các trục đường chính của tỉnh,
ngành đã lắp đặt các sơ đồ tour, tuyến du lịch có tích hợp mã QR, kết nối các
điểm đến trên địa bàn tỉnh, trong đó có tuyến điểm kết nối với xã Bạch Đằng,
thành phố Tân Uyên thông qua tuyến đường ĐT 746. Bên cạnh đó, thường xuyên phối
hợp với các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh (VTV, HTV, Báo Bình Dương,
Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Dương, Tạp chí Du lịch,…) thực hiện các tin,
bài, phóng sự giới thiệu về các điểm đến, các sản phẩm du lịch sinh thái ở xã Bạch
Đằng, thành phố Tân Uyên. Thông qua việc xây dựng cơ sở dữ liệu, hệ thống ấn phẩm
thông tin về du lịch Bình Dương, các sản phẩm du lịch, các điểm đến, đặc sản của
xã Bạch Đằng đều được quảng bá rộng rãi trong nội dung các ấn phẩm thông tin du
lịch Bình Dương. Hằng năm, thông qua việc tổ chức các chương trình, sự kiện,
các cuộc thi về quảng bá du lịch Bình Dương, đã thu hút được sự tham gia, tìm
hiểu thông tin về các điểm đến tiêu biểu của tỉnh nói chung và các điểm du lịch
tiêu biểu tại xã Bạch Đằng.
- Việc thông tin, quảng
bá về các sản phẩm, dịch vụ, kết nối tour, tuyến đến xã Bạch Đằng được kết hợp quảng
bá, xúc tiến tại các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch trong và ngoài tỉnh (Du Xuân Bình Dương, Ngày hội du lịch
thành phố Hồ Chí Minh, Hội chợ Du lịch Quốc tế ITE – TP. Hồ Chí Minh và các sự
kiện khác diễn ra tại các tỉnh, thành trong khu vực Đông Nam Bộ và các địa
phương khác trong nước…). Đồng thời, ngành đã xây dựng nhiều chương trình
tour, tuyến tham quan trải nghiệm các vườn trồng bưởi, các điểm đến tiêu biểu tại
xã Bạch Đằng giới thiệu đến người dân, du khách. Kết nối, giới thiệu với các
công ty lữ hành trong và ngoài tỉnh tổ chức khảo sát, đưa khách đến tham quan,
trải nghiệm. Trong khuôn khổ các hoạt động lớn của những chương trình, sự kiện
quy mô Quốc gia và Quốc tế ((WTA, Horasis,...) do tỉnh tổ chức, ngành cũng đã
phối hợp với các công ty lữ hành xây dựng, tổ chức các chương trình tham quan
du lịch tại các điểm đến, các vườn bưởi tại xã Bạch Đằng dành cho khách du lịch,
các đoàn đại biểu tham dự. Tháng 12/2023 vừa qua, ngành đã phối hợp với Sở Du lịch
thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành và các đơn vị có
liên quan tổ chức nhiều chương trình khảo sát các điểm đến mới, các điểm đến
theo tuyến đường sông trên địa bàn tỉnh, trong đó có các điểm đến dọc theo tuyến
sông Đồng Nai tại xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên.
Trong
các hoạt động giới
thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Bình Dương nói chung và du lịch làng thông
minh xã Bạch Đằng nói riêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện thông
qua các sự kiện được tổ chức trong và ngoài tỉnh cũng như các cuộc thi, các hoạt
động khảo sát kết nối tour tuyến du lịch,… đều được triển khai kịp thời, mang lại
các hiệu ứng tích cực trong việc giới thiệu, truyền tải các thông tin về tiềm
năng, lợi thế và các điểm sáng trong kế hoạch phát triển Làng thông minh xã Bạch
Đằng. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện theo kế hoạch phân công
của UBND tỉnh, Sở đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ các Sở, ngành, địa phương
và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Hơn nữa, với
sự phát triển của công nghệ truyền thông, thông qua các kênh tuyên truyền, các phương
tiện truyền thông hay ứng dụng (App) du lịch, các điểm đến ở xã Bạch Đằng thu
hút được sự quan tâm, tìm hiểu của du khách. Bước đầu tạo được sự kết nối tour,
tuyến của các đơn vị lữ hành đưa khách đến trong thời gian qua.
Mặc
dù, xã Bạch Đằng có nhiều tiềm năng, thuận lợi để phát triển du lịch. Tuy nhiên
theo khảo sát, đánh giá hiện này thì hệ thống cơ sở vật
chất kỹ thuật và dịch vụ để đáp ứng cho các hoạt động phát triển du lịch ở địa phương còn tương đối hạn
chế: các dịch vụ phục vụ kinh doanh dịch vụ du lịch đa số qui mô nhỏ, sản phẩm
chưa đa dạng, chất lượng chưa cao, các cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống còn hạn
chế,… đều này phần nào ảnh hưởng đến hoạt động quảng bá, giới thiệu các điểm đến
cũng như việc xây dựng, kết nối tour, tuyến thu hút khách du lịch đến địa
phương.
Một số đề xuất định
hướng
Việc
hình thành và phát triển mô hình làng thông minh gắn với phát triển du lịch trên
địa bàn xã Bạch Đằng, thành phố Tân Uyên sẽ là nhân tố quan trọng thúc đầy sự
phát triển du lịch của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung, tạo công ăn
việc làm, đem lại doanh thu cho cộng đồng dân cư và chủ các hộ nhà vườn trên địa
bàn xã Bạch Đằng. Qua đó góp phần giữ gìn, phát huy giá trị về tự nhiên, về lịch
sử, văn hóa của địa phương. Đây được xem là hướng đi mới trong việc hình thành,
phát triển du lịch bền vững trên địa bàn xã Bạch Đằng. Để triển khai thực hiện
cần có những giải pháp đồng bộ về quy hoạch, đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tiện
ích phục vụ du lịch, đào tạo phát triển nguồn nhân lực,… cùng sự phối hợp, tham
gia của các Sở, ngành, địa phương, của các doanh nghiệp và sự chung tay góp sức
của cộng đồng dân cư.
Trong
thời gian tới, ngoài việc định hướng phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng
đồng cho các hộ nhà vườn trên địa bàn xã Bạch Đằng; Sở sẽ lồng ghép thực hiện
các Kế hoạch, đề án phát triển du lịch đã được tỉnh phê duyệt. Trong đó Kế hoạch
số 113/KH-UBND ngày 11/01/2023 về Triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch
tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch 893/KH-UBND
ngày 28/02/2023 triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn
trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương;
Kế hoạch 3472/KH-UBND ngày 11/7/2023 triển khai thực hiện Đề án ứng dụng công
nghệ của công nghiệp 4.0 để phát triển du lịch thông minh trên địa bàn tỉnh
Bình Dương. Kế hoạch 4421/KH-UBND ngày 28/8/2023 triển khai thực hiện Nghị quyết
số 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Trên
cơ sở đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị
và địa phương nghiên cứu khai thác tiềm năng về văn hóa, sinh thái, mô hình thí
điểm đặc trưng của tỉnh phát triển du lịch tại Làng Thông Minh ở xã Bạch Đằng,
thành phố Tân Uyên là một hướng đi rất khả thi và có tiềm năng lớn. Việc kết hợp
công nghệ với du lịch cộng đồng, nông nghiệp thông minh, và du lịch trải nghiệm
sẽ tạo ra một mô hình du lịch độc đáo và bền vững, thu hút du khách trong và
ngoài nước, đồng thời góp phần nâng cao đời sống và phát triển kinh tế cho địa
phương./.
[1] IoT (Internet of Things) nghĩa là Internet vạn vật
[2]Workshop được hiểu là một buổi hội thảo bao gồm các hoạt động
gặp gỡ, thảo luận và trao đổi kiến thức, phương pháp cũng như kỹ năng giữa những
người có cùng mối quan tâm về một lĩnh vực.
[3] Báo cáo của Trung tâm Xúc tiến Du
lịch tỉnh Bình Dương