image banner
Xây dựng và phát triển văn hóa số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành VHTT&DL tỉnh Bình Dương
0:00 / 0:00
Giọng nam miền Nam
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 196
Phát triển văn hóa số được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có ngành VHTT&DL nhằm xây dựng chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; đồng thời, giúp công chức, viên chức, người lao động (CCVC, NLĐ) có môi trường làm việc năng động và chuyên nghiệp dựa trên ứng dụng công nghệ số. Tuy vậy, phát triển văn hóa số phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó CCVC, NLĐ đóng vai trò quyết định, dẫn tới thành công hay không thành công trong từng cơ quan, đơn vị. Bài viết nêu rõ những đặc trưng cơ bản của văn hóa số, thực trạng và những yêu cầu đặt ra, trên cơ sở đó đề xuất một số giải pháp để phát triển văn hóa số trong hoạt động của ngành VHTT&DL trong thời gian tới.
anh tin bai

Ảnh: Nguồn odclick.com  

Văn hóa số và đặc trưng của văn hóa số

Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới - World Economic Forum (WEF): “Văn hóa số là văn hóa sử dụng công nghệ số và thấu hiểu sâu sắc việc dựa trên dữ liệu để ra quyết định, thúc đẩy hợp tác và đổi mới bên trong tổ chức”. Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra khái niệm: “Văn hóa số là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của con người trong môi trường số” (1). Thuật ngữ văn hóa số còn được sử dụng trong các văn bản chính trị, pháp lý, cụ thể: Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị có nêu rõ: “Đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hoá số trong cộng đồng”. Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định: “Hình thành văn hóa số gắn với bảo vệ văn hóa, giá trị đạo đức căn bản của con người và chủ quyền số quốc gia (2). Đặc biệt, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong đó Tổng Bí thư đã nhấn mạnh: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (3).

Trong hoạt động quản lý nhà nước, văn hóa số và văn hóa công vụ có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Theo Quyết định số 1847/QĐ-TTg ngày 27/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ, trong đó xác định rõ mục tiêu: “Nâng cao văn hóa công vụ, góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ”. Gần đây nhất, trong Quy định 144-QĐ/TW ngày 09/5/2024 của BCH TW về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, trong đó xác định: Chủ động nâng cao kiến thức, kỹ năng; năng lực công tác, làm việc trong môi trường quốc tế (4).   

Như vậy, giữa văn hóa số với văn hóa công vụ có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, đó chính là các quy tắc ứng xử, chuẩn mực đạo đức của CCVC, NLĐ trong việc chủ động, tích cực tương tác với công nghệ số phục vụ quá trình tác nghiệp trong thực thi nhiệm vụ, công vụ. Với cách tiếp cận này, có thể nhận diện một số đặc trưng của văn hóa số đó là: (1) Văn hóa số là sự đổi mới sáng tạo, tư duy đột phá bởi những ý tưởng mới của CBCC,VC được tạo ra trong quá trình xử lý, giải quyết công việc trên môi trường số; (2) Văn hóa số mang tính liên kết, hợp tác để tối ưu hóa các nhiệm vụ, thúc đẩy các cá nhân chủ động, tích cực trong công việc, mang lại hiệu suất cao hơn. Việc phân công, ủy quyền được coi trọng, mức độ hoàn thành công việc cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn; (3) Văn hóa số thường gắn với hành động thực tiễn, phản ứng nhanh, kịp thời, kể cả việc lập kế hoạch và ra quyết định; giúp CCVC, NLĐ linh hoạt, nhạy bén, nâng cao khả năng ứng phó với những thách thức, yêu cầu mới; (4) Văn hóa số coi trọng việc chia sẻ cơ sở dữ liệu giữa các cá nhân, bộ phận, tổ chức để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của các chủ thể quản lý nhà nước được thuận lợi, thành công.

Kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra

Thực hiện các chủ trương, chính sách chuyển đổi số của Trung ương và của Tỉnh, thời gian qua Sở VHTT&DL, Ban Chỉ đạo CĐS đã xây dựng và ban hành nhiều văn bản nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng và tổ chức triển khai các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số đã được các cấp thầm quyền phê duyệt. Nhiều hoạt động chuyển đổi số phục vụ công tác cải cách hành chính được tích cực tổ chức triển khai như: tiếp nhận hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần đạt tỷ lệ 100%; tiếp nhận và xử lý kịp thời các phản ánh, kiến nghị trên hệ thống đường dây nóng 1022; thông tin, dữ liệu của ngành được cập nhật thường xuyên trên Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh của tỉnh; nâng cấp phần mềm QLVB, Trang thông tin điện tử với phiên bản mới có nhiều tính năng ưu việt hơn,… qua đó giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành được thuận lợi, thông suốt và đồng bộ.

Tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền bằng hệ thống màn hình LED, ứng dụng công nghệ số trong biểu diễn nghệ thuật, số hóa 1.117 trang tài liệu Địa chí Bình Dương; hoàn thành số hóa dữ liệu hồ sơ của 133 HLV và 822 VĐV các tuyến thể thao; phát triển App Du lịch Bình Dương, số hoá gần 50 địa điểm du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh,… Bên cạnh đó, nhiều đơn vị của ngành tại các địa phương cũng tích cực triển khai nhiều mô hình tiêu biểu như: Thành phố Thủ Dầu Một tích hợp mã QR về Thông tin nhân vật, sự kiện lịch sử trên các bảng tên đường; Thành phố Dĩ An triển khai số hóa 3D Mô hình "Không gian di sản văn hóa Dĩ An"; Huyện Phú giáo số hóa 3D các di tích lịch sử: Dinh tỉnh trưởng tỉnh Phước Thành, Di tích cầu Sông Bé, Di tích chùa Bửu Phước; Huyện Bàu Bàng đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý phong trào “Toàn dân đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa” và phòng chống, bạo lực gia đình,... nhằm góp phần xây dựng và phát triển xã hội số, văn hóa số trong cộng đồng. 

Tuy đạt được những kết quả, song quá trình xây dựng và phát triển văn hóa số của ngành cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức và đặt ra những yêu cầu mới. Thực tế cho thấy, chuyển đổi số không chỉ là công nghệ số mà còn là sự chuyển đổi nhận thức, tư duy, dám chấp nhận cái mới. Đó là sự chủ động, tích cực của mỗi CCVC, NLĐ để tiếp cận, tham gia vận dụng, ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại. Những hạn chế về kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số cũng đang là khó khăn, trở ngại cho việc triển khai các ứng dụng; nguồn nhân lực phụ trách, chuyên trách về CNTT chủ yếu là kiêm nhiệm; cơ chế, chính sách thu hút, hỗ trợ tuy được thực hiện nhưng vẫn còn những bất cập. Việc đầu tư phát triển hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số đòi hỏi nguồn vốn lớn, trong khi ngân sách nhà nước bố trí đầu tư còn ít so với nhu cầu. Các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cũng đang đặt ra những thách thức đối với việc xây dựng chính quyền số nói chung và văn hóa số nói riêng.

Đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển văn hóa số

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức, trình độ CNTT thông qua việc đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về chuyển đổi số, phát triển chính quyền số cho CCVC, NLĐ của ngành. Do vậy, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức cần có sự quyết tâm của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và từng đảng viên, CCVC,NLĐ với những yêu cầu, mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác truyền thông về chuyển đổi số của ngành đến người dân và doanh nghiệp, từ đó giúp cho các chính sách chuyển đổi số của ngành đi vào thực tiễn đời sống.

Thứ hai, trên cơ sở nắm vững, vận dụng và triển khai có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, chính sách của Trung ương, của Tỉnh về chuyển đổi số, từng cơ quan, đơn vị trong ngành cần xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về kiểm tra, giám sát, đánh giá, động viên, khuyến khích phát triển văn hóa số gắn với thực hiện văn hóa công vụ. Đồng thời, góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025, trong đó có xác định: “Xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số ở Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn 2045(5).

Thứ ba, xây dựng văn hóa số góp phần thúc đẩy phát triển chính quyền số, hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại, minh bạch và chuyên nghiệp “vì nhân dân phục vụ”. Vì vậy, xây dựng và phát triển văn hóa số cần được tiến hành song song với việc tham mưu rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Thứ tư, tiếp tục đầu tư mới, nâng cấp hạ tầng CNTT phục vụ chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu tác nghiệp của CCVC, NLĐ. Quan tâm, chú trọng việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu số của ngành, xác định đây là việc làm đầu tiên và cần thiết của quá trình thực hiện chuyển đổi số. Theo đó, từng cơ quan, đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cần xác định rõ những hồ sơ, tài liệu cần ưu tiên số hóa nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước, chia sẻ cơ sở dữ liệu.   

Thứ năm, hệ thống thông tin dữ liệu của ngành cần phải thường xuyên được kiểm tra, xử lý nhằm bảo đảm an ninh, an toàn thông tin theo quy định, đây cũng là căn cứ quan trọng để xác định và bố trí nguồn lực triển khai cũng như đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật về an toàn thông tin mạng theo từng cấp độ.

Như vậy, việc xây dựng và phát triển văn hóa số trong hoạt động của ngành VHTT&DL vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu nhằm thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động sự nghiệp, nhất là phục vụ công tác cải cách hành chính,  góp xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Bên cạnh đó, văn hóa số sẽ giúp đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo, thay đổi lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là công cụ đột phá để các lĩnh vực của ngành có cơ hội để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới./.

Chú thích:

  1. Bộ Thông tin và Truyền thông: Cẩm nang Chuyển đổi số, Nxb.Thông tin và Truyền thông, Hà Nội, 2021, tr.74.
  2. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030".
  3.  Hồng Minh, Văn hóa số giúp môi trường số phát triển lành mạnh, truy xuất https://baophapluat.vn/van-hoa-so-giup-moi-truong-so-phat-trien-lanh-manh , Chủ nhật ngày 03/07/2022 07:33.
  4.  Quy định 144-QĐ/TW ngày 9/5/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới.
  5.  Quyết định số 515/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chương trình tổng thể về phát triển văn hóa Việt Nam giai đoạn 2023 - 2025.

 

Thế Thuật - VPS

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0