image banner
Phong trào Bơi tại Bình Dương và những lợi ích từ hoạt động Bơi
0:00 / 0:00
Giọng nam miền Nam
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 233
Hiện nay, tai nạn đuối nước là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho trẻ em từ 5 đến 14 tuổi, với những nguyên nhân cơ bản như: Người không biết bơi bị ngã xuống nước, lặn quá sâu nhưng ngoi lên không kịp và bị ngạt nước, bơi quá mệt, chuột rút, mất nhiệt do nước lạnh,… Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trong thập kỷ vừa qua đuối nước đã cướp đi sinh mạng của hơn 2,5 triệu người. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tử vong ở trẻ em từ 5-14 tuổi trên thế giới. Hơn 90% các trường hợp đuối nước xảy ra ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, đặc biệt ở các vùng nông thôn. Đó là sự tổn thất vô cùng lớn đối với mỗi quốc gia, mỗi cộng đồng và gia đình, hơn nữa còn để lại sự xót thương, những nỗi đau không thể bù đắp cho cha mẹ, người thân của nạn nhân. Với sự thể hiện trách nhiệm chung của toàn thể cộng đồng, vào năm 2021 lần đầu tiên trong lịch sử Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết về vấn đề đuối nước toàn cầu và lựa chọn ngày 25 tháng 7 hàng năm là Ngày Thế giới Phòng, chống đuối nước.

Mặc dù số trẻ em tử vong do đuối nước liên tục giảm qua các năm, nhưng tỷ lệ này vẫn còn cao. Trong 10 năm qua, từ năm 2010 tỷ suất trẻ tử vong do đuối nước là 12,7/100.000 trẻ, đến năm 2019, tỷ suất này còn 6,8/100.000 trẻ. Tỷ suất này cao hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á. Thực trạng hiện nay dẫn đến các vụ đuối nước là do sự quản lý chưa chặt chẽ của các gia đình, sự thiếu nhận biết, kỹ năng của chính các cá nhân. Một nguyên nhân nữa là do nguồn lực thực hiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em còn thiếu, nhiều địa phương hoạt động này được thực hiện chủ yếu lồng ghép trong các chương trình khác nhau. Đặc biệt, việc tổ chức rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước tại các địa phương còn tương đối hình thức, chưa có chiều sâu, chưa mang hiệu quả cao.

Vấn đề liên quan đến an toàn khi tiếp xúc với môi trường nước đang trở thành mối quan tâm của rất nhiều người và xã hội. Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, giai đoạn năm 2015 – 2020 ở nước ta trung bình mỗi năm có khoảng 2000 trẻ em tử vong do đuối nước. Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 với các mục tiêu giảm 20% số trẻ tử vong do đuối nước, dạy kỹ năng an toàn, dạy bơi cho trẻ em. Đến năm 2022, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Công điện đôn đốc, chỉ đạo các bộ ngành, chính quyền địa phương tích cực hành động, triển khai các giải pháp cụ thể để giảm thiểu đuối nước cho trẻ em. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Phòng, chống đuối nước trẻ em là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Việt Nam, nhằm đảm bảo quyền sống còn, an toàn sinh mạng của trẻ em, cùng với hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống đuối nước trẻ em ngày càng hoàn thiện.

Bình Dương với địa hình tương đối bằng phẳng và tài nguyên thiên nhiên phong phú, đặc biệt các con sông lớn chảy qua địa bàn tỉnh như sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và sông Bé và nhiều sông, suối, kênh rạch, ao hồ…. Chính vì thế, việc phát triển phong trào bơi, góp phần phòng, chống đuối nước là vấn đề cần thiết và nhận được sự chú trọng, quan tâm rất nhiều trong cộng đồng xã hội. Hoạt động này nhằm duy trì, rèn luyện sức khỏe và quan trọng hơn hết trong việc giảm tỷ tệ tử vong do đuối nước có thể xảy ra.

Thời gian qua, công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, đặc biệt là tử vong do đuối nước vẫn còn diễn ra có tính chất thường xuyên hơn. Hàng năm, UBND tỉnh Bình Dương chủ động ban hành nhiều kế hoạch, chỉ thị về tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh. Các trường học và câu lạc bộ thể dục thể thao cũng có những đóng góp đáng kể trong việc phát triển phong trào bơi và tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước.Các cấp, các ngành tỉnh Bình Dương đã thúc đẩy việc đưa môn bơi vào chương trình giảng dạy của các trường học, nhằm nâng cao kỹ năng bơi và ý thức về an toàn nước cho học sinh để tự bảo vệ bản thân. Hàng năm, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động phát động phong trào toàn dân tập luyện môn bơi trên phạm vi toàn tỉnh, tổ chức nhiều hoạt động bơi lội. Qua đó đã tạo được sự hưởng ứng tích cực từ tầng lớp nhân dân, nhất là thanh thiếu nhi.

anh tin bai

Phong trào toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước trẻ em luôn được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương thường xuyên tổ chức

Theo thống kê từ năm 2022 đến nay, Bình Dương có sự gia tăngđáng kể về số lượng hồ bơi. Có 22 hồ bơi được xây dựng trên khắp địa bàn tỉnh, trong đó8 hồ bơi với quy mô lớn xây dựng tại các khu nghỉ dưỡng, khu đô thị mới; 14 hồ bơi còn lại xây dựng với quy mô nhỏ hơn chủ yếu nằm ở các khu dân cư, khu công nghiệp và một số trung tâm thể thao cộng đồng, thậm chí các trường học tạo dựng hồ bơi nhân tạo và tổ chức cho học sinh được học bơi ngay tại trong nhà trường. Các hồ bơi xây dựng đều đáp ứng đủ các tiêu chí về cơ sở vật chất, kích thước hồ bơi, chất lượng nước và nhân sự cứu hộ để đảm bảo sự an toàn trong suốt quá trình vận hành.

Trên cơ sở đó, việc phát triển phong trào dạy bơi và tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tại tỉnh Bình Dương đã mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Hoạt động này không chỉ cung cấp cho mọi người kỹ năng bơi cần thiết và sự tự tin khi tiếp xúc với nước, mà còn giúp giảm tỷ lệ đuối nước và tăng cường an toàn cho cả trẻ em và người lớn khi tiếp xúc với môi trường có nước; đồng thời, còn tạo ra cơ hội du lịch và phát triển kinh tế địa phương tỉnh Bình Dương. Trong một bài nghiên cứu về lợi ích của bơi lội đối với cơ thể của những người bị viêm khớp, được đăng tải trên trang Web của Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ – NIH năm 2016, cho biết: những người bị viêm xương khớp sau một khoảng thời gian ngắn bơi lội, các triệu chứng đau khớp, cứng khớp đã được cải thiện rõ rệt. Tạp chí khoa học – Physiological Reports, nhận định rằng: “những người tham gia bơi trong 20 phút với cường độ vừa phải và sau đó thực hiện bài các kiểm tra nhận thức ngay trước và ngay sau khi bơi. Kết quả cho thấy, khả năng xử lý thông tin và khả năng phản ứng của họ đã tăng lên so với ban đầu”.

anh tin bai

Phong trào tập luyện môn bơi ở tỉnh Bình Dương có sự phát triển nhanh trong thời gian qua

Thực tế cho thấy, việc học bơi không chỉ mang lại lợi ích cá nhân, gia đình, xã hội mà còn đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước. Đầu tiên, bơi là một hình thức tập thể dục toàn diện giúp cải thiện vóc dáng, sức khỏe tim mạch của mỗi người, đồng thời làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, cải thiện hệ hô hấp. Song song đó, học bơi còn giúp cải thiện cơ bắp và tăng cường sức mạnh. Khi bơi, nước có tác dụng giúp cơ thể chúng ta thoải mái và giảm căng thẳng, tạo nên trạng thái thư giãn. Bơi cũng là một hoạt động có hiệu suất cao trong việc đốt cháy những phần năng lượng thừa trong cơ thể. Điều này có thể giúp chúng ta giảm cân hoặc duy trì cân nặng lành mạnh. Vì khi bơi không tạo ra áp lực và không có tác động mạnh lên các khớp, xương so với nhiều hoạt động khác, đây là một hoạt động an toàn và giúp giảm nguy cơ chấn thương về xương. Đối với gia đình, bơi là một hoạt động mà cả gia đình có thể tham gia cùng nhau, học bơi và tham gia các hoạt động bơi cùng nhau giúp gia đình tạo ra gắn kết với nhau hơn, giúp các thành viên trong gia đình có kỹ năng an toàn trong nước, đặc biệt là trẻ nhỏ. Học bơi không chỉ cung cấp cho cá nhân kỹ năng bơi mà còn cung cấp các kỹ năng sống quan trọng như sự tự tin, kỷ luật, kiên nhẫn và quyết tâm. Những kỹ năng này sẽ góp phần vào sự phát triển trong cuộc sống mỗi cá nhân và xã hội. Mặc khác điều này có tác động tích cực đến tỷ lệ tử vong và chấn thương liên quan đến nước, từ đó giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và gia đình. Đối với ngành du lịch và giải trí, bơi là một hoạt động phổ biến và có thể tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh trong ngành du lịch và giải trí. Các khu nghỉ dưỡng, bể bơi công cộng, câu lạc bộ bơi và trung tâm thể dục có thể thu hút du khách có thể mang lại doanh thu cho địa phương từ việc tổ chức các lớp bơi, các hoạt động bơi lội,... Việc tổ chức các hoạt động bơi cũng có thể tạo ra cơ hội việc làm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Cụ thể: các trường học, câu lạc bộ bơi và tổ chức thể dục thể thao có thể cung cấp các khóa học bơi và tuyển dụng nhân viên giảng dạy bơi. Bơi là một môn thể thao phổ biến và có tiềm năng kinh tế. Các vận động viên bơi có năng khiếu, xuất sắc sẽ có cơ hội được tuyển vào các đội tuyển tỉnh, thậm chí đội tuyển quốc gia, có thể tham gia các giải đấu cấp quốc gia, quốc tế, có cơ hội mang vinh quang về cho địa phương, đất nước.

anh tin bai

Trẻ em tham gia học bơi tại hồ bơi Tiên Phong thuộc phường An Thạnh, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương

Tuy nhiên, để phát triển phong trào bơi và tập luyện môn bơi phòng, chống đuối nước tại tỉnh Bình Dương đạt hiệu quả hơn, góp phần cải thiện vóc dáng, sức khỏe, giảm gánh nặng cho hệ thống y tế và gia đình, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong thời gian tới, tỉnh Bình Dương xác định đẩy mạnh đổi mới phương thức quản lý nhà nước về thể dục thể thao, chuyển một phần công việc của nhà nước cho Nhân dân và các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội cùng thực hiện, đồng thời cần tập trung thực hiện một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về phòng, chống đuối nước trẻ em cho trẻ em, gia đình, trường học, cộng đồng và xã hội. Thông qua đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể, gia đình, nhà trường và toàn xã hội về ý nghĩa, tác dụng của tập luyện môn bơi để giúp trẻ em biết bơi, rèn luyện kỹ năng an toàn phòng, chống tai nạn đuối nước, nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc, nghị lực và ‎‎ý chí cho trẻ em.

Thứ hai, xây dựng và nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên về phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước trẻ em. Thông qua các tài liệu, video clip, tranh ảnh, tờ rơi hướng dẫn về các kỹ thuật bơi cơ bản, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng cứu đuối an toàn; thường xuyên cập nhật, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy kiến thức và kỹ năng bơi an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Định kỳ tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức và nâng cao năng lực chuyên môn về phương pháp dạy bơi an toàn phòng, chống đuối nước trẻ em đối với đội ngũ công chức, viên chức, huấn luyện viên, cộng tác viên, hướng dẫn viên các ngành, đoàn thể liên quan và các tổ chức, cá nhân hoạt động bơi, lặn, vui chơi giải trí dưới nước,...

Thứ ba, đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác quản lý, chỉ đạo, tổ chức các hoạt động dạy bơi và phòng, chống tai nạn đuối nước trẻ em. Thường xuyên phối hợp tổ chức phát động phong trào trẻ em học bơi và hướng dẫn các đơn vị, cơ sở tổ chức dạy bơi, dạy kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Thứ , thường xuyên, kịp thời kiện toàn và phát triển mạng lưới dịch vụ đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường nước. Bố trí quỹ đất, huy động các nguồn lực xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ luyện tập bơi tại các khu dân cư, các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em được tập luyện. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, đơn vị, trường học để tạo điều kiện cho trẻ em, học sinh được học bơi và tập luyện bơi, đảm bảo thực hiện các quy định về chuyên môn, vệ sinh, an toàn tại các điểm dạy và học bơi, lặn cho trẻ em.

Thứ năm, kịp thời biểu dương, giới thiệu những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến cũng như nhân rộng các mô hình hay, cách làm hiệu quả về dạy bơi, dạy kiến thức kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em và cộng đồng nhằm khuyến khích, động viên phong trào tập luyện bơi, phòng, chống đuối nước ngày càng được lan rộng.

Với việc chung tay, tinh thần trách nhiệm của toàn ngành, toàn xã hội phong trào bơi, phòng chống đuối nước trên địa bản tỉnh nói riêng, cả nước nói chung sẽ góp phần hạn chế tối đa nguy cơ tai nạn tử vong từ việc đuối nước xảy ra, tạo giá trị kinh tế, ổn định xã hội... Từ đó, góp phần xây dựng mỗi gia đình, xã hội an toàn, ấm no, xã hội phần vinh, hạnh phúc.

                                                                                                           

Tài liệu tham khảo:

1. Lê Đức Long, (2020) “Nghiên cứu xây dựng chương trình bơi ban đầu cho trẻ em 7-8 tuổi các tỉnh miền Bắc”, trường Đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh;

2. Nghị quyết 08-TW/NQ ngày 01/12/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, tạo bước phát triển mạnh mẽ về thể dục thể thao đến năm 2020”;

3. Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 07/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030;

4. Quyết định số 1248/QĐ-TTg ngày 19/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030;

5. Quyết định số 641/QĐ-TTg ngày 28/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011-2030;

6. Công điện số 398/CĐ-TTg ngày 02/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng, chống đuối nước trẻ em;

7. J Exerc Rehabil, Effect of regular swimming exercise on the physical composition, strength, and blood lipid of middle-aged women, 2015;

8. Cherri Rosimini, Benefits of swim training for children and adolescents with asthma, 2003;

9. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26773104/Improved Function and Reduced Pain after Swimming and Cycling Training in Patients with Osteoarthritis;

10.https://www.researchgate.net/publication/336719130_Swimming-related_effects_on_cerebrovascular_and_cognitive_function;

11. https://journals.lww.com/menopausejournal/Abstract/2019/06000/The effects of swimming training on arterial function, muscular strength, and cardiorespiratory capacity in postmenopausal women with stage 2 hypertension;

Lê Chiến

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0