Phát huy hiệu quả mô hình xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao tại Bình Dương
Cùng với các lĩnh vực khác, xã hội hóa (XHH) lĩnh vực thể dục thể thao (TDTT) là một trong những chủ trương của Đảng và Nhà nước nhằm huy động sự chung tay của toàn xã hội trong việc phát triển, mở rộng, nâng cao chất lượng các hoạt động TDTT, bao gồm cả thể thao thành tích cao và thể dục thể thao cho mọi người. Công tác xã hội hóa TDTT đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì, phát triển, nâng cao các hoạt động TDTT trong quần chúng nhân dân, tạo chuyển biến tích cực và là nguồn động lực để thúc đẩy phong trào tập luyện TDTT trên địa bàn tỉnh. Nhiều cá nhân, tổ chức tham gia tài trợ các hoạt động TDTT, đầu tư cơ sở vật chất, sân bãi, góp phần thúc đẩy phong trào TDTT phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Xã hội hoá thể dục thể thao là một
chủ trương phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và
hội nhập quốc tế hiện nay, nhằm huy động các nguồn lực trong xã hội đẩy mạnh
phát triển sự nghiệp thể dục thể thao, nâng cao sức khoẻ cho nhân dân. Thực
hiện sự chỉ đạo của Trung ương, trong những năm qua, xã hội hoá thể dục thể
thao là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào các Nghị quyết, chỉ
thị, chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh để tập trung
lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. UBND tỉnh Bình Dương đã ban các kế hoạch,
đề án về thực hiện Nghị quyết số 05/2005/NQ - CP của Chính phủ về đẩy mạnh xã
hội hoá các hoạt động thể dục thể thao.
Trong
thời gian qua, Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ động tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và tích cực phối hợp với các Sở,
ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp và các
huyện, thành phố thực hiện công tác xã hội hoá với các nhiệm vụ, mục tiêu và
giải pháp cụ thể. Nhiều địa phương có chủ trương, biện pháp, cơ chế chính sách
khuyến khích xã hội hoá thể dục thể thao như: quan tâm quy hoạch đất đai; tạo
điều kiện thành lập các CLB thể dục thể thao; khuyến khích và khen thưởng kịp
thời các tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng sân thể thao và các hoạt động thể
dục thể thao phục vụ cộng đồng. .. Nhờ vậy, công tác xã hội hoá thể dục thể
thao trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hàng năm Ngành đã
phối hợp tổ
chức nhiều giải thể thao phong trào quy mô lớn, thu hút đông đảo người dân
trong tỉnh và các tỉnh, thành trong khu vực tham gia, đồng thời đã sử dụng hiệu
quả nguồn ngân sách nhà nước kết hợp với nguồn lực xã hội hóa trong việc triển
khai, tổ chức các hoạt động thể thao nổi bật như: giải Việt dã “Chào năm mới”;
giải xe đạp phong trào Truyền hình Bình Dương; các giải đua xe mô tô, đua chó,
đua ngựa và võ thuật, nhân kỷ niệm các ngày lễ trong năm; giải bóng đá Thành phố
mới Bình Dương cúp Becamex IDC; Giải half Marathon Bình Dương; giải chạy đường
dài “Ultra Road - Bình Dương 2023; Giải vô địch bóng đá Công nhân toàn quốc; giải
chạy Run for Green; giải vô địch Taekwondo tỉnh Bình Dương - Cúp Ngôi Sao Việt,.....
Mặt khác, tính đến nay Bình Dương có 13
tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh, là những tổ chức xã hội đã có nhiều
đóng góp tích cực cùng với ngành tổ chức quản lý hiệu quả các hoạt động thể dục
thể thao, góp phần đẩy mạnh phát triển sự nghiệp TDTT trong thời gian qua, điển
hình như: Liên đoàn bóng đá, Liên đoàn xe đạp-mô tô thể thao, Liên đoàn
Taekwondo, Liên đoàn Karate, Hội TDDS,... Song song đó, có nhiều hình thức Câu
lạc bộ thể thao được thành lập tại các xã, phường, thị trấn góp phần rất lớn
trong việc hướng dẫn và luyện tập thể dục thể thao trong nhân dân như Câu lạc bộ
chạy bộ, bóng rổ, cầu lông, yoga,.... Các huyện, thành phố cũng đã đẩy mạnh xã
hội hoá, kêu gọi được sự ủng hộ, tài trợ kinh phí của các doanh nghiệp để tổ chức
các giải thể thao ở địa phương và tham gia thi đấu các giải thể thao do tỉnh tổ
chức cùng như thi đấu giao lưu với các tỉnh, thành lân cận.
Giải Half Marathon
tỉnh Bình Dương năm 2023
Công
tác xã hội hóa đào tạo, huấn luyện và tổ chức thi đấu thể thao thành tích cao
có nhiều chuyển biến tích cực. Với việc vận động, kêu gọi được nguồn lực xã hội
hoá trong cộng đồng, cùng chung tay đóng góp vào công tác phát triển thể thao
thành tích cao, từ đó thể thao thành tích cao tỉnh Bình Dươn đã đạt được những
kết quả nổi bật.
-
Trong công tác tổ chức các giải thể thao: Ngành đã và đang cùng với các đơn vị
doanh nghiệp, Đài PTTH, các Hội, Liên đoàn thể thao tổ chức thành công và duy
trì hàng năm nhiều giải thể thao quy mô lớn bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, điển
hình như: Giải đua xe đạp nữ quốc tế Bình Dương Cúp Biwase; Giải Billiards Carom
3 băng quốc tế; giải Việt dã truyền thống chào năm mới, đã được đưa vào hệ thống
thi đấu chính thức hàng năm; các giải Quần vợt quốc tế các lứa tuổi ITF Men
Future,…
Giải Billiards Carom
3 băng quốc tế Bình Dương
-
Công tác đầu tư các đội tuyển thể thao thành tích cao tiếp tục được các doanh
nghiệp quan tâm đầu tư, hoạt động khá ổn định và hiệu quả như: (1)
Công ty cổ phần Câu lạc bộ bóng đá Becamex Bình Dương đầu tư đội tuyển bóng đá
Becamex Bình Dương, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đang là một trong những đội
bóng đá mạnh của quốc gia; đồng thời hiện đang triển khai đào tạo, huấn luyện
các tuyến bóng đá năng khiếu, trẻ để bổ sung cho đội tuyển (gồm tuyến U13, U15,
U17, U19). (2) Công ty Cổ phần – Tổng Công ty Nước–Môi trường Bình Dương đầu
tư môn Xe đạp nữ. Hiện nay, đội xe đạp nữ đang là 01 trong 03 đội xe đạp mạnh của
quốc gia, đã đạt nhiều thành tích cao tại các giải quốc gia, quốc tế, đóng góp
nhiều vật động xuất sắc cho đội tuyển quốc gia, đóng góp tích cực vào thành
tích chung của thể thao Bình Dương trên đấu trường quốc gia, quốc tế. (3)
Công ty Vật liệu Xây dựng Bình Dương đầu tư môn Bóng chuyền. (4)
Quần vợt đang được Công ty Cổ phần Kinh doanh thể thao đầu tư môn. Quần vợt
Bình Dương là một trong những địa phương phong trào quần vợt mạnh trong cả nước,
đã đào tạo ra những tay vợt giỏi của quốc gia; có hệ thống đào tạo tài năng trẻ
bài bản. (5) Xe đạp nam do Công ty Cổ phần Nhựa Bình Minh tài trợ. Bên cạnh
đó, các môn thể thao khác như: thể hình, võ thuật, cờ, billards, bowling, khiêu
vũ thể thao cũng được xây dựng, phát triển từ nền tảng xã hội hóa, xuất phát từ
niềm đam mê, tâm huyết mãnh liệt của những tập thể, cá nhân và hiện đang được
thực hiện theo hình thức xã hội hóa một phần.
Giải
xe đạp nữ Quốc tế Bình Dương - Cúp Biwase
-
Công tác tham dự các giải thể thao thành tích cao: Được sự quan tâm hỗ trợ từ
phía các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; hàng năm Ngành đã cử nhiều đoàn thể
thao tham dự các giải thể thao trên tất cả các đấu trường trong và ngoài nước, đạt
kết quả cao. Điển hình như trong năm 2023 và 8 tháng đầu năm 2024, Ngành VHTTDL
đã cử tham gia tổng cộng 261 giải trong và ngoài nước, với hàng ngàn lượt vận động
viên tham gia, kết quả đạt được 960 huy chương các loại. Theo đó, các vận động
viên của Bình Dương đã đạt được 6 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 2 huy
chương đồng tại các giải vô địch thế giới; 1 huy chương bạc, 1 huy chương đồng
tại Đại hội Thể thao Châu Á (Asiad) lần thứ 19; 1 huy chương vàng, 2 huy chương
đồng tại Giải Vô địch Châu Á và Giải Vô địch Đông Nam Á. Đặc biệt, 5 chức vô địch
thế giới của các vận động viên: Bao Phương Vinh môn Bida; vận động viên Lại Lý
Huynh môn Cờ tướng; vận động viên Hồ Huy Bình môn Thể hình; vận động viên Trịnh
Thị Kim Thanh và vận động viên Trần Thị Diễm Trang môn Bi sắt; vận động viên
Dương Đức Bảo môn Muay, đây là 5 danh hiệu cao quý mà thể thao Bình Dương đạt
được lần đầu tiên trong lịch sử. Đây cũng là lần đầu tiên thể thao Việt Nam đạt
được chức vô địch thế giới ở các môn Bida, Cờ tướng và Bi sắt. Trong đó, một số
vận động viên đi thi đấu các giải quốc tế từ nguồn kinh phí xã hội hoá.
VĐV Dương Đức Bảo
(Bình Dương) đạt HCV tại Giải Vô địch Muay Châu Á năm 2023
Việc huy động các doanh nghiệp, các
đơn vị kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng cơ sở vật chất được thực
hiện khá tốt. Kết quả ban đầu cho thấy, nhiều sân bãi tập luyện, hồ bơi đã được
đầu tư xây dựng có quy mô tại các khu dân cư, trong khuôn viên các công sở, trường
học, đặc biệt là sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã được hình thành khá phổ biến từ
thành thị cho đến vùng nông thôn, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao sức khỏe
cho các tầng lớp nhân dân, nhất là đối tượng thanh niên, thiếu niên và nhi đồng.
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 1399 cơ sở kinh doanh, câu lạc bộ TDTT cơ sở (võ thuật,
bida, bóng đá mini, thể dục thể hình, thể dục thẩm mỹ, khiêu vũ thể thao, bơi lội,
yoga,...), cơ bản đã đáp ứng nhu cầu tập luyện thể thao của nhân dân.
Bên
cạnh đó, trong thời gian qua, các doanh nghiệp lớn, Khu công nghiệp tiếp tục đầu
tư xây dựng mới và cải tạo sữa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, công trình thể
thao phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu của công nhân lao động. Đặc biệt, đối với
các công trình thể thao quy mô lớn đã hình thành, tiếp tục hoạt động hiệu quả,
điển hình như: Sân Golf Sông Bé; Sân golf Twin Doves, Sân golf Tân Thành và sân
golf Mê Kông, tất cả các Sân đều đạt tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu quy định
tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp. Trung tâm Thể dục thể thao cộng đồng thành
phố mới Bình Dương với 9 sân quần vợt, 02 hồ bơi đạt tiêu chuẩn, 01 nhà tập cầu
lông, 03 sân bóng đá mini, sân bóng rổ, sân bóng chuyền. Trung tâm Thể dục thể
thao khu công nghiệp Mỹ Phước 1 với 6 sân bóng đá 11 người, 4 sân quần vợt. Khu
thể thao Khu công nghiệp VSIP 1 với 01 sân bóng đá 11 người, 02 sân bóng đá
mini cỏ nhân tạo, sân quần vợt. 02 cụm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo với 8 sân tại
Khu công nghiệp Bàu Bàng đã khánh thành và đi vào hoạt động phục vụ công nhân
lao động, nhân dân trên địa bàn. Tại Khu Công nghiệp VSIP III đã xây dựng mới
01 hồ bơi 500m, phòng tập thể hình, nhà quần vợt (3 sân), sân bóng đá mini.
Đáng
chú ý, tại Trường đua Đại Nam tiếp tục được Công ty Cổ phần Đại Nam đẩy mạnh hoạt
động phục vụ người dân, khách du lịch đến tham quan, nhân dịp Lễ, Tết hàng năm.
Đây là một trong những công trình trọng điểm của khu du lịch Đại Nam, được thiết
kế, xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng diện tích 60ha. Đây cũng là trường
đua phức hợp, có quy mô lớn nhất Việt Nam, có sự kết hợp của 5 loại hình đua gồm
đua ngựa, đua chó, đua xe mô tô, đua xe go-kart, biểu diễn jetski và flyboard.
Trong đó, đường đua ngựa có chiều dài 1,6km, rộng 16m trên bề mặt cát mịn. Đường
đua xe mô tô và go-kart có chiều dài 2,2km, được xây dựng theo chuẩn quốc tế.
Đường đua chó với tổng chiều dài 500m, bề mặt được phủ cát vàng theo chuẩn của
Hiệp hội Đua chó Quốc tế quy định. Hồ nước rộng hơn 10.000 mét vuông phục vụ
cho các show biểu diễn jetski, flyboard, tương lai sẽ là nơi tập luyện các bộ
môn bơi lội dưới nước. Bao xung quanh khu vực đường đua là khán đài lắp ghép có
sức chứa khoảng 20.000 chỗ ngồi, cùng 3 màn hình Led hiện đại, dàn đèn công suất
cao, các máy quay hiện đại nhất hiện nay và được đặt xung quanh đường đua, để
ghi lại các góc độ một cách chính xác nhất. Hệ thống camera tiêu chuẩn 4K sẽ
dùng cho truyền hình trực tiếp đảm bảo phục vụ khán giả đến thưởng thức các giải
đua vào dịp cuối tuần.
Giải đua xe Mô tô tổ
chức tại Trường đua Đại Nam
Ngoài
ra, cơ sở vật chất, công trình thể thao tại các Trung tâm Văn hóa thể thao, Nhà
thi đấu đa năng, hồ bơi, Nhà Văn hóa,
sân bóng đá, bóng chuyền, quần vợt,… được các doanh nghiệp đầu tư và tiếp
tục được khai thác hiệu quả, phục vụ tốt nhu cầu rèn luyện thể thao nâng cao sức
khỏe của công nhân lao động và nhân dân trên địa bàn như: Tổng Công ty Becamex
IDC, Công ty Becamex-Tokyu, Cao su Dầu Tiếng, Cao su Phước Hòa, Vật liệu và Xây
dựng Bình Dương, Công ty CP-Tổng Công ty Nước-Môi trường Bình Dương và một số
doanh nghiệp ở các Khu công nghiệp cũng quan tâm và chủ động đầu tư xây dựng
các thiết chế văn hóa, thể thao như hội trường đa năng có sân khấu để biểu diễn
văn nghệ, sân chơi một số môn thể thao phổ thông (bóng đá, bóng chuyền) để làm
nơi cho công nhân sinh hoạt vui chơi, giải trí.
Bên
cạnh những kết quả đạt được như trên, trong công tác xã hội hóa còn gặp những
khó khăn nhất định. Nhận thức chung tuy đã có nhiều
chuyển biến, song nhiều nơi, nhiều cấp còn có quan niệm chưa đầy đủ về chủ
trương xã hội hóa. Hệ thống văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện
còn chưa đồng bộ; cơ sở vật chất chung tuy được đầu tư cơ bản nhưng vẫn
chưa đáp ứng nhu cầu.
Nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn, góp phần nâng cao chất
lượng hiệu quả
công tác xã hội hóa TDTT trong thời gian tới, cần phải chú trọng, tập trung vào
một số nhiệm vụ cơ bản như sau:
Một là, đẩy mạnh công tác
tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức xã hội hóa về thể dục, thể thao.
Phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng mô hình điểm về xã hội
hóa thể dục, thể thao.
Hai là, từng bước hoàn
thiện thiết chế quản lý Nhà nước; cơ chế phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước
và các tổ chức xã hội về thể dục thể thao; cơ chế phối hợp hoạt động giữa ngành
Thể dục Thể thao với các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội, các doanh nghiệp
để phát triển thể dục thể thao.
Ba là, tập trung và từng
bước dịch chuyển cơ chế hoạt động thể dục thể thao theo hướng cung ứng dịch vụ.
Đồng thời tiếp tục phát triển hệ thống các tổ chức xã hội, nghề nghiệp về thể dục
thể thao. Chuyển giao dần một số công việc mà các cơ quan Nhà nước đang thực hiện
cho các tổ chức xã hội nghề nghiệp về thể dục thể thao. Khuyến khích cho các tổ
chức cá nhân đa dạng hóa các loại hình hoạt động thể dục thể thao. Song song
đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
việc thực hiện pháp luật và các quy định, chính sách của ngành.
Bốn
là,
đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực thể dục thể thao theo
hướng tập trung vào những lĩnh vực như đầu tư cho các công trình thể thao trọng
điểm các cấp; đầu tư cho các cơ sở công lập nhằm bảo đảm khu vực này tiếp tục
giữ vai trò nòng cốt trong cung ứng các dịch vụ thể dục thể thao.
Năm là, xây dựng các cơ
chế chính sách đặc thù, cần thiết để thu hút nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách
Nhà nước và chính sách thu hút nguồn nhân lực về thể dục thể thao.
Tài liệu tham khảo:
1.
GS.TS Lâm Quang Thành (2024), Một số gợi
ý về định hướng phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương đến năm 2030. Tọa
đàm khoa học “Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030, kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra”.
2.
PGS.TS Lê Thiết Can (2024), Xã hội hóa thể
dục thể thao – Nhiệm vụ, giải pháp và ý nghĩa giá trị. Tọa đàm khoa học “Đề
án phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2025, định hướng
đến năm 2030, kết quả bước đầu và những vấn đề đặt ra”.
3.
Nguyễn Hồng Minh (2024), Một số vấn đề lý
luận và phương pháp quản lý phát triển thể thao thành tích cao – thể thao
chuyên nghiệp. Tọa đàm khoa học “Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh
Bình Dương giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kết quả bước đầu và
những vấn đề đặt ra”.
4.
PGS.TS Bùi Ngọc (2024), Mô hình và giải
pháp phát triển thể dục thể thao quần chúng khu vực nông thôn mới tỉnh Bình
Dương. Tọa đàm khoa học “Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh Bình Dương
giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kết quả bước đầu và những vấn
đề đặt ra”.
5.
PGS.TS Trần Hiếu, Nguyễn Thị Thúy Hà (2024), Thực trạng phong trào thê dục thể thao của công nhân lao động một số
khu công nghiệp tỉnh Bình Dương. Tọa đàm khoa học “Đề án phát triển thể dục
thể thao tỉnh Bình Dương giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kết
quả bước đầu và những vấn đề đặt ra”.
6.
TS Đào Văn Thâu (2024), Thực trạng và đề
xuất một số giải pháp phát triển khoa học công nghệ cho thể thao thành tích cao
tại tỉnh Bình Dương. Tọa đàm khoa học “Đề án phát triển thể dục thể thao tỉnh
Bình Dương giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, kết quả bước đầu và
những vấn đề đặt ra”.
7.
https://www.tuyengiao.vn/xa-hoi-hoa-the-duc-the-thao-tai-binh-duong-ket-qua-va-giai-phap-150334
8.
https://baovanhoa.vn/the-thao/qua-ngot-trong-cong-tac-xa-hoi-hoa-tdtt-tai-binh-duong-66358.html
9.https://baovanhoa.vn/the-thao/tim-giai-phap-hien-thuc-hoa-khat-vong-dua-the-thao-viet-nam-vuon-tam-chau-luc-va-the-gioi-65933.html