image banner
Phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030
Cỡ chữ: A+ A A- In bài viết: 🔼Tăng tương phản 🔽Giảm tương phản
Lượt xem: 265

Trong đó, khu vực ven sông Sài Gòn có cảnh quan đẹp, với mặt nước sông rộng lớn cùng những miệt vườn cây trái xanh tốt, là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, du lịch sinh thái miệt vườn, các tour du lịch sông nước,…phục vụ du khách. Sông Đồng Nai là một tuyến sông lớn, ven bờ tạo thành những cù lao như: Cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông,… đây là điều kiện thuận lợi để khai thác quỹ đất ven sông, các cù lao nổi trên sông hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch sông nước. Sông Thị Tính tuy không lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, song khu vực hai bên bờ sông có cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn ven sông. Riêng sông Bé không thuận tiện cho việc giao thông đường thuỷ do có bờ dốc đứng, lòng sông nhiều đoạn có đá ngầm, lại có nhiều thác ghềnh, tàu thuyền không thể đi lại nhưng sông Bé có khả năng phát triển các khu, điểm du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông nhờ cảnh quan sông nước và khí hậu trong lành.

Nhằm khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến Bình Dương bằng đường sông, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh. Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Nghị quyết số 92/NQ-CP ngày 08/12/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới; Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy Bình Dương về Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 5822/KH-UBND ngày 21/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Triển khai thực hiện Kế hoạch số 33-KH/TU ngày 26/6/2017 của Tỉnh ủy; Quyết định số 2303/QĐ-UBND, ngày 15/8/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Quy hoạch phát triển du lịch Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng, bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, và tầm nhìn đến năm 2030 được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 1733/QĐ-UBND, ngày 28/6/2018. Trên cơ sở đó, ngày 28/8/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4352/KH-UBND “Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Theo Kế hoạch được ban hành, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông như: Thị xã Thuận An có bến Thọ An, bến Hưng Định, bến Đình Phú Long, bến Bình Nhâm, bến Rạch Sơn; Thành phố Thủ Dầu Một có bến chợ Phú Cường, bến Yến Bay, bến Đại Nam, bến Chánh Mỹ, bến Cảng Bà Lụa; Thị xã Bến Cát có bến Rạch Bắp, bến Đại học Thủ Dầu Một; Huyện Dầu Tiếng có bến Thanh Tuyền, bến Dầu Tiếng; Thị xã Tân Uyên có  bến Bạch Đằng và Thạnh Hội. Song song với việc đầu tư các bến hành khách phải kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan,…. Các sản phẩm du lịch chính kết hợp với tuyến du lịch đường sông tập trung ở 3 không gian theo Quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gồm:

Không gian phía Nam (thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và khu vực phía Nam thị xã Bến Cát): Tập trung phát triển các loại hình du lịch du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn tham quan các vườn cây ăn trái ven sông Sài Gòn và sông Thị Tính như vườn cây ăn trái Lái Thiêu (Thuận An), vườn cây ăn trái Phú Thọ, Tương Bình Hiệp, Tân An (Thủ Dầu Một), vườn cây ăn trái Phú An (Bến Cát); Du lịch tham quan các di sản văn hóa như đình Phú Long, chiến khu Thuận An Hòa, nhà cổ ông Trần Văn Hổ, nhà cổ ông Trần Công Vàng, chợ Thủ Dầu Một, Miếu Bà Thiên Hậu, nhà thờ Chánh toà Phú Cường, chùa Hội Khánh, nhà tù Phú Lợi, nhà cổ ông Nguyễn Tri Quan, Đình Tân An, Địa đạo Tam Giác Sắt, làng tre Phú An,…; Du lịch tham quan làng nghề truyền thống như nghề gốm sứ, sơn mài Tương Bình Hiệp, chạm trỗ và điêu khắc gỗ, lò lu Đại Hưng, làm heo đất, làm guốc, làm thớt,…; Du lịch thể thao cao cấp (đánh golf) kết hợp tham quan các khu, điểm du lịch trong không gian này như khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam, Phương Nam Resort, An Lâm Sài Gòn River, Du lịch Xanh Dìn Ký,… Trong thời gian tới phát triển một số loại hình như du lịch sự kiện, du lịch mua sắm, du lịch kết hợp khám chữa bệnh, du lịch đô thị, du lịch tham quan theo chuyên đề,…

Không gian phía Tây Bắc (khu vực phía Bắc thị xã Bến Cát, hồ Dầu Tiếng – núi Cậu, hành lang ven sông Sài Gon khu vực Dầu Tiếng): Tập trung phát triển du lịch sinh thái ở khu vực núi Cậu, du lịch sông nước, du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần ở hồ Dầu Tiếng, hồ Than Thở, hồ Cần Nôm; Du lịch sinh thái miệt vườn tham quan vườn trái cây ở xã Thanh Tuyền; Du lịch văn hóa tín ngưỡng ở chùa Thái Sơn Núi Cậu, Miếu Bà Thiên Hậu Dầu Tiếng; Tham quan các di sản văn hóa như Di tích lịch sử rừng Kiến An, Sở Chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh, bia tưởng niệm Thanh niên xung phong Thanh An, di tích chiến thắng Suối Dứa, vườn cao su thời Pháp thuộc, Địa đạo Củ Chi mở rộng sang phần đất xã Thanh Tuyền; Kết hợp tham quan các khu điểm du lịch như Đọt Cham Pa, dự án trồng mới, khoanh nuôi, bảo vệ rứng kết hợp phát triển tổ hợp du lịch, phát triển vườn thú bán hoang dã tại khu vực rừng phòng hộ Núi Cậu và bán đảo Tha La.

Không gian phía Đông (thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo): Tập trung phát triển du lịch sông nước trên sông Đồng Nai và kết hợp tham quan các cù lao nổi trên sông như cù lao Rùa, cù lao Bạch Đằng, hồ Đá Bàn; Du lịch sinh thái miệt vườn tham quan các trang trại, các vườn cây ăn trái có múi như bưởi, cam, quít để phục vụ khách đến tham quan thưởng ngoạn và thưởng thức các loại trái cây; Du lịch văn hóa tham quan các di sản văn hoá như công trình kiến trúc cổ nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa, Đình Trân Trạch, Di tích khảo cổ Dốc Chùa, Chiến khu Đ, Chiến khu Vĩnh Lợi; Du lịch tham quan làng nghề truyền thống như làng gốm sứ Tân Phước Khánh, nghề mây tre đan; Du lịch thể thao cao cấp đánh golf ở sân Golf MêKông và kết hợp tham quan các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành, ngành du lịch Bình Dương sẽ tăng cường phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố triển khai một số nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Kế hoạch như: Phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch trên địa bàn tỉnh; xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, kêu gọi xã hội hóa trong lĩnh vực du lịch; bố trí kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch; tăng cường công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch; Tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ lao động phục vụ trong ngành du lịch; Phối hợp, liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh lữ hành của các tỉnh/thành để hình thành tuyến du lịch đường sông; Bảo vệ môi trường sinh thái ven sông xanh - sạch - đẹp theo hướng phát triển bền vững.

Tải văn bản

Thùy Linh (QLDL)

Đánh giá - Nhận xét

  • 0
  • 0
  • 0
  • 0
  • 0

  image advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisementimage advertisement

image advertisement

image advertisement

image advertisement
image advertisement

image advertisement

image advertisement
                     
    
Thống kê truy cập
  • Đang online: 0
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 0
  • Tất cả: 0