Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương tỏa sáng trong Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II năm 2021
Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc được tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lắk theo thông lệ 3 năm một lần, chia thành 2 đợt. Nếu như đợt I chỉ có 19 đơn vị nghệ thuật tham gia (trong đó chỉ có 01 Nhà hát Trung ương, 02 Nhà hát cấp tỉnh), thì lần này lên đến 22 đơn vị nghệ thuật của 03 miền Bắc - Trung - Nam (trong đó có đến 04 Nhà hát Trung ương và 05 Nhà hát cấp tỉnh), do đó muốn đạt được thành tích cao quả là một điều vô cùng khó khăn đối với Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Bình Dương. Nhưng với tinh thần vượt khó của cán bộ, diễn viên, nhất là bộ phận sáng tác, dàn dựng, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã tập trung trí tuệ, phát huy năng lực và cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm đem đến Hội diễn một chương trình dự thi mang tính nghệ thuật cao, đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Chương trình được xây dựng với chủ đề “Bình Dương - Đất ấm tình người” với 12 tiết mục, gồm: 01 Nhạc múa mở màn; 04 múa độc lập; 01 hòa tấu nhạc cụ; 02 đơn ca; 01 tam ca, 01 tốp ca, 01 hợp ca và 01 hát múa kết thúc. Bằng chất liệu nghệ thuật dân gian đặc trưng của quê hương Bình Dương, kết hợp với nghệ thuật đương đại và hiện đại Việt Nam; chương trình đã khắc họa vùng đất Bình Dương từ khi khai hoang mở đất đến một Bình Dương hôm nay trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển: “Bình Dương - Vùng đất không chỉ nổi tiếng về những vườn trái cây và các làng nghề Gốm sứ, Sơn mài, Tạc tượng ... mà còn được biết đến với những khu công nghiệp, đô thị thông minh hiện đại. Bình Dương hôm nay đã đổi thay vượt bậc nhưng ký ức về một thời khai hoang, mở đất, đổ mồ hôi công sức, vun xới đắp bồi, xây dựng quê hương từ những ngày đầu vẫn được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; đó chính là truyền thống đầy tự hào về Đất và Người Bình Dương - Miền đất yêu thương, thấm đượm tình người”. Các tiết mục trước đây được xây dựng chủ yếu là chất liệu dân gian dân tộc thì lần này bên cạnh chất liệu dân gian ấy, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã mạnh dạn đưa vào chất liệu múa đương đại với những động tác và kỹ thuật nhào lộn, bê đỡ để thể hiện nội dung trong các tiết mục múa “Bước chân mở đất”, “Thấu đất”, “Trên xa lộ”; khai thác hiệu ứng đạo cụ và sử dụng các tuyến múa mới với động tác hiện đại trong tiết mục múa “Sắc Gốm”, hát múa “Bình Dương ngày mới”, đặc biệt là áp dụng hình thức Broadway (nhạc kịch) trong tiết mục múa “Xóm trọ” và hát múa “Chào ngày mới”...

Sự nỗ lực của tập thể cán bộ diễn viên Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh đã được đền bù xứng đáng: qua buổi tổng duyệt, Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thể hiện niềm tin đối với chất lượng nghệ thuật của từng tiết mục và tổng thể chương trình. Đặc biệt sáng ngày 27/6/2022, chương trình thi diễn của Trung tâm đã thực sự gây tiếng vang lớn trong Hội diễn. Nhiều khán giả có mặt trong khán phòng liên tục vỗ tay tán thưởng cho từng tiết mục và chương trình đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với Hội đồng Giám khảo và bạn bè đồng nghiệp cũng như công chúng thành phố Buôn Ma Thuột, trong đó có những ý kiến nhận xét khách quan, chận thật về nội dung và chất lượng chương trình nghệ thuật của Bình Dương như: NSND Thu Hiền - Thành viên Hội đồng Giám khảo “Chương trình biểu diễn của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương đã đem đến cho người xem nhiều bất ngờ thú vị; tuy là những điệu múa dân gian, song các biên đạo và diễn viên đã thực sự thành công trong việc thổi vào đó sự trẻ trung, làm bật lên sức sống hiện đại, cuốn hút người xem”; NSND Anh Phương - Thành viên Hội đồng Giám khảo nhận xét “Chương trình có chủ đề xuyên suốt, biết khai thác chất liệu dân gian của địa phương kết hợp với phong cách hiện đại hết sức nhuần nhuyễn, đẹp mắt; thiết kế sân khấu đơn giản nhưng sang trọng và hiệu quả; các tiết mục múa thật sự thuyết phục”; hay như nhận xét của NSƯT Thanh Xuân - Trưởng phòng Nghệ thuật Cục Nghệ thuật biểu diễn “Với tư cách khán giả, tôi thật sự bị chinh phục bởi nghệ thuật độc đáo và sức hấp dẫn của chương trình; các tiết mục được dàn dựng tinh tế, hấp dẫn người xem”,…

Theo Quy chế của Hội diễn, số lượng Huy chương Vàng, Bạc được tặng cho tiết mục theo tỷ lệ 35% trên tổng số tiết mục dự thi của chương trình. Kết quả Hội diễn, chương trình “Bình Dương đất ấm tình người” với 12 tiết mục đã đạt Huy chương Vàng giải chương trình và 06 huy chương tiết mục gồm (04 vàng, 03 Bạc - đạt tỷ lệ 50%), cụ thể: Huy chương Vàng giải chương trình; Huy chương Vàng tiết mục múa “Thấu đất”; Huy chương Vàng tiết mục múa “Sắc Gốm”; Huy chương Vàng tiết mục múa “Trên xa lộ”; Huy chương Bạc tiết mục nhạc múa “Bước chân mở đất”; Huy chương Bạc tiết mục đơn ca “Kỳ yên Bái” và Huy chương Bạc tiết mục hòa tấu nhạc cụ “Ngẫu hứng chợ Thủ”.
Thành tích trên là kết quả không ngừng phấn đấu của Ban Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh và tập thể cán bộ, diễn viên Đoàn ca múa nhạc dân tộc đã miệt mài tập luyện với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”, là kết quả tư duy, đổi mới sáng tạo của các nhạc sĩ, biên đạo, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật đã cố gắng hết mình trong việc dàn dựng chương trình và đó được xem như một kỳ tích khi Huy chương vàng giải chương trình lần đầu đạt được trong các kỳ tham gia, liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương./.
Đoàn Quốc Linh (TTVHNT)