TP. THUẬN AN: Đẩy mạnh việc xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
Phát triển văn hóa, văn minh đô thị và giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống xây dựng nếp sống văn minh trong mỗi khu phố, ấp, mỗi gia đình, trong từng con người là rất quan trọng. Văn hóa là sự thể hiện trong tất cả các lĩnh vực trong đời sống hàng ngày và bằng những việc làm cụ thể, trong đó chung tay vì cộng đồng như: Đóng góp ủng hộ người nghèo, thiên tai, bão lụt, bảo vệ môi trường,….; chấp hành luật an toàn giao thông; tuyệt đối không lấn chiếm lòng, lề đường, các công trình công cộng để sinh hoạt, kinh doanh…. Với xu hướng tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh chóng vì thế việc xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh - sạch đẹp - an toàn là cần thiết đối với mỗi đô thị. Nếp sống văn hóa văn minh là nếp sống theo các giá trị chuẩn mực của văn hóa dân tộc và đáp ứng yêu cầu tổ chức cuộc sống tốt đẹp của cộng đồng trong môi trường sinh hoạt, công nghiệp phát triển.
Thành phố Thuận An là địa bàn trọng điểm phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương. Trên địa bàn thành phố hiện có các khu, cụm công nghiệp như: VSIP, Việt Hương, Đồng An, 03 cụm công nghiệp (Bình Chuẩn, An Thạnh, Tân Thành) và nhiều doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư với lực lượng lao động khoảng 326 ngàn người. Trong những năm qua, Thuận An luôn xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị góp phần quan trọng phát triển kinh tế xã hội — an ninh quốc phòng trên toàn thành phố, đây là việc khó, nhưng cần thiết nhằm góp phần chuyển đổi nhận thức của nhân dân cùng chính quyền xây dựng những giá trị chuẩn mực của văn hóa, văn minh đô thị hướng đến cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.
Nhận thức được tầm quan trọng trong việc xây dựng “Nếp sống văn minh đô thị” (NSVHVMĐT), năm 2017 UBND thị xã Thuận An đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện “Nếp sống văn hóa – văn minh đô thị” trên địa bàn Thuận An giai đoạn 2017 – 2020 (nay là thành phố). Kế hoạch xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng nếp sống văn minh đô thị trên địa bàn nhằm góp phần chuyển đổi nhận thức của nhân dân cùng chính quyền thông qua triển khai các chương trình, các mô hình như: Khu phố, ấp không rác, tuyến đường văn minh đô thị, chợ văn minh thương mại... Qua 4 năm triển khai thực hiện bộ mặt đô thị Thuận An đã có bước phát triển khá tốt và tương đối đồng bộ, nhiều công trình chỉnh trang được đầu tư làm thay đổi diện mạo thành phố, ý thức người dân có chuyển biến rõ nét, tích cực tham gia cải thiện môi trường sống, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị ở từng địa phương, đơn vị, toàn thành phố có 11/56 “khu phố, ấp không rác”, 3 phường Vĩnh Phú, Hưng Định, Bình Chuẩn đạt các tiêu chí“Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” trên 9 phường và xã An Sơn đạt “xã đạt chuẩn nông thôn mới”, Chợ Bình Chuẩn đạt tiêu chí “Chợ văn minh thương mại” trên tổng số 22 chợ.
Đến nay Phong trào xây dựng NSVHVMĐT đã có sức lan toả đến các địa phương và một lần nữa nhận định tầm quan trọng của việc xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị là yếu tố tất yếu trong việc phát triển quy hoạch của thành phố. Kế thừa và phát huy những thành quả của Phong trào đã đạt được trong thời gian qua, sau thời gian lấy ý kiến của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Thuận An đã tổ chức lấy ý kiến và triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị trên địa bàn thành phố Thuận An giai đoạn 2022-2025” để thể hiện sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị đặc biệt là chính quyền của các địa phương trong công tác này, quyết tâm xây dựng nếp sống văn hoá và thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị Thuận An. Cùng với sự vận động, tuyên truyền, kết hợp với việc Nhà nước và nhân dân cùng làm sẽ tiếp tục nâng cao nhận thức và ý thức của người dân, công chức, viên chức người lao động trong việc xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh, văn minh, mang đến sự chuyển biến rõ nét, tích cực để chính quyền cùng nhân dân tham gia cải thiện môi trường sống, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.Để đề án đi vào chiều sâu và thực sự có ý nghĩa trong thời gian tới, thành phố Thuận An sẽ tập trung thực hiện các nội dung như sau:
Một là Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện Nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn minh đô thị, phát huy tính cần cù sáng tạo, tinh thần thi đua yêu nước trong nhân dân và cộng đồng dân cư bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu biết đầy đủ và nhận thức sâu sắc về chủ trương thực hiện xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị; tạo thành một phong trào sâu rộng để người dân trực tiếp cùng tham gia và xác định đây là nghĩa vụ đồng thời là trách nhiệm của mọi người dân, đặc biệt là tính tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong việc tham gia xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hai là Đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung của Đề án “Xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025” gắn với nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình về xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị như: mô hình “Khu phố, ấp không rác”, “Chợ văn minh thương mại”, “Tuyến đường văn minh đô thị”, “Tuyến rạch sạch, xanh, thông thoáng, an toàn” gắn với thực hiện 9 tiêu chí xây dựng thành phố trực thuộc tỉnh đạt chuẩn đô thị văn minh; phường đạt chuẩn đô thị văn minh theo Quyết định 04/2020/QĐ-TTg ngày 18/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ba là Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị cần có nội dung chương trình, kế hoạch thực hiện và lộ trình cụ thể gắn với thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trong đó cần tập trung thực hiện các tiêu chí xây dựng đô thị văn minh như: Quy hoạch đô thị, Giao thông đô thị, Môi trường đô thị, An toàn thực phẩm đô thị, An ninh trật tự đô thị, Thông tin - truyền thông đô thị, Văn hóa - thể thao đô thị; Y tế, giáo dục đô thị; Hệ thống chính trị và trách nhiệm của chính quyền đô thị. Quá trình phát triển đô thị phải coi trọng bảo tồn và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hoá, các công trình kiến trúc của địa phương, phát triển đô thị theo kiến trúc hiện đại kết hợp với kiến trúc truyền thống.
Bốn là UBND thành phố tăng cường chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát nhằm kịp thời chấn chỉnh, ngăn ngừa và kiên quyết xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, các hành vi thiếu văn hoá, vi phạm nếp sống văn hóa - văn minh đô thị, vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường, trật tự xây dựng, an toàn giao thông. Chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về đặt, đổi tên các tuyến đường, cấp số nhà phù hợp quy hoạch phát triển đô thị. Rà soát, chấn chỉnh công tác quảng cáo đảm bảo phù hợp quy hoạch của Tỉnh. Từng bước hạ ngầm, bó cáp, bọc nhựa cáp viễn thông đảm bảo an toàn, mỹ quan đô thị. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, vận động nhân dân tổ chức tang lễ không quá 3 ngày, hạn chế và tiến đến không rải vàng mã trên đường đưa tang, treo cờ Tổ quốc đúng quy định. Xây dựng Kế hoạch triển khai Đề án phát triển “Đô thị xanh - Thông minh” của tỉnh Bình Dương gắn với chương trình thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 19/5/2022 của BTV Tỉnh ủy về chuyển đối số tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng 2030.
Năm là Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố thực hiện tốt vai trò chủ trì phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội phát huy tính sáng tạo, đa dạng các phong trào thi đua của tổ chức, xây dựng chương trình kế hoạch phối hợp thực hiện. Đồng thời phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội, tập hợp ý kiến của nhân dân đề xuất cấp ủy, chính quyền triển khai có hiệu quả công tác xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị trên địa bàn thành phố.
Sáu là Thống nhất chọn phường Lái Thiêu là đơn vị làm điểm xây dựng của thành phố về “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”.
Có thể thấy rằng, muốn giữ được nền nếp văn hóa, xây dựng một lối sống văn minh cần phải xây dựng từ nền tảng từ gia đình, giáo dục ý thức thế hệ trẻ để nếp sống văn hóa, văn minh được lan tỏa rộng khắp các gia đình, các trường học, các doanh nghiệp và hướng tới sống đẹp, sống theo pháp luật, sống vì cộng đồng và sự chung tay đồng sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đẩy mạnh hơn nữa các giải pháp ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn, hành vi bạo lực, tôn vinh các giá trị truyền thống dân tộc đến mỗi thế hệ thì chúng ta cần cổ vũ cái đẹp, phê phán cái xấu. Cổ vũ bằng cách tuyên dương những hành động mang nhiều lợi ích đến cộng đồng, những hành động đóng góp phát triển và xây dựng văn minh, văn hóa trong cộng đồng và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho sự phát triển chung của đô thị. Điều này góp phần xây dựng đời sống văn hóa - văn minh, cư xử nhân ái, hòa nhịp cùng tiến bộ của nhân loại, nhằm góp phần xây dựng phát triển thành phố Thuận An ngày văn minh, sạch đẹp và nghĩa tình./.
NHẬT KHÁNH (PHÒNG VHTT THUẬN AN)