Tổ chức khảo sát các điểm du lịch Phú Giáo, xây dựng điểm đến cho du lịch xanh
Hưởng ứng Chương trình phát động năm du lịch Việt Nam 2022 của Chính phủ. Với mong muốn chung sức phát triển du lịch tỉnh nhà Bình Dương, cùng vượt qua khó khăn để phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới, Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Phú Giáo tham mưu UBND huyện Phú Giáo tổ chức khảo sát các điểm du lịch và tọa đàm đóng góp ý kiến hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch hiện có trên địa bàn huyện theo kế hoạch 104/KH-UBND ngày 25/5/2022 của Ủy ban nhân dân huyện. Chương trình được tổ chức nhằm giới thiệu các điểm đến du lịch trên địa bàn huyện Phú Giáo đến với các chuyên gia du lịch, các công ty lữ hành và các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh; tạo điều kiện cho các điểm du lịch giới thiệu về các sản phẩm, dịch vụ hiện có của đơn vị mình và tìm ra các giải pháp hoàn thiện sản phẩm du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác, kết nối tour, tuyến thu hút du khách đến với Phú Giáo trong thời gian tới.
Tham dự đoàn khảo sát có hơn 40 đại biểu đến từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du, các công ty lữ hành, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài tỉnh… cùng các thầy cô giáo giảng dạy trong các khoa du lịch thuộc các Trường Đại học, Trung cấp trong tỉnh.
Trong 2 ngày 14-15/6/2022, đoàn đã tiến hành tham quan, khảo sát 6 điểm bao gồm Di tích lịch sử Cầu Sông Bé, Đập thuỷ lợi Phước Hoà, Khu nông nghiệp Công nghệ U&I, Trang trại Chiến Thắng, Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, Dinh tỉnh trưởng Phước Thành và tham gia tọa đàm đóng góp ý kiến đối với các sản phẩm dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện Phú Giáo do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân huyện chủ trì.

Đoàn khảo sát tham quan Di tích lịch sử Dinh tỉnh trưởng Phước Thành
(Nhà truyền thống huyện Phú Giáo). Ảnh: TTXTDL
Nội dung chương trình khảo sát, bên cạnh việc đảm bảo cấu trúc về tuyến điểm, giới thiệu về di tích lịch sử, địa chỉ tôn giáo tín ngưỡng… Chương trình khảo sát tập trung các điểm du lịch thắng cảnh, du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, du lịch trang trại, trải nghiệm một đêm ngủ lều tại trang trại, giao lưu với đồng bào dân tộc thiểu số Sán Chỉ… Các điểm và nội dung trong chương trình là những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn và gắn liền với đặc thù phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương.
Điểm đầu tiên khảo sát là Di tích lịch sử Cầu Sông Bé - Một địa chỉ đỏ cho du lịch về nguồn của du khách. Tại đây, đoàn được nghe thuyết minh giới thiệu về lịch sử hình thành và tồn tại của Cầu Sông Bé. Cầu Sông Bé thuộc địa phận của 2 xã Phước Hoà và xã Vĩnh Hoà của huyện Phú Giáo. Cầu do người Pháp xây dựng vào năm 1925 để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa tại Việt Nam. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Cầu Sông Bé là nơi chứng kiến rất nhiều đồng bào bị sát hại và trở thành “huyệt mộ” của chiến sĩ cách mạng không may rơi vào tay của địch. Năm 1975, để ngăn chặn cuộc hành quân của quân giải phóng tiến công vào Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh, quân đội Mỹ đã cho đánh sập cầu Sông Bé. Cầu gãy Sông Bé được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012. Ngày nay, sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, hai bên bờ Sông Bé đã phủ lên một màu xanh bạt ngàn của những cánh rừng cao su, những bãi ngô đồng mùa nào cũng có, những nồi bắp - ngô luôn nghi ngút khói mời gọi lữ khách khi đi ngang qua ngang khu vực cầu gãy Sông Bé.
Điểm đến thứ 2 trong hành trình là Đập thuỷ lợi Phước Hoà (xã An Thái), đập được khởi công xây dựng năm 2008 và hoàn thành năm 2011, là công trình xây dựng phục vụ cho việc điều tiết lượng nước đổ về của sông Bé, giảm tình trạng ngập lụt vào mùa mưa, tích trữ và cung cấp nước phục vụ tưới tiêu để phát triển nông nghiệp vào mùa khô trên địa bàn huyện. Là công trình nhân tạo, nhưng kiến trúc xây dựng và cấu tạo của dòng chảy đã tạo nên một thắng cảnh đẹp cho huyện Phú Giáo, là nơi có rất nhiều bạn trẻ chọn để tham quan và chụp ảnh.
Cũng trong khu vực xã An Thái, đoàn được tham quan Khu nông nghiệp Công nghệ U&I với diện tích hơn 400 hecta, là thủ phủ của những vườn chuối và dưa lưới. Với quy trình trồng trọt theo tiêu chuẩn Châu Âu, du khách vừa được tham quan quy trình trồng và chăm sóc cây, vừa được thưởng thức sản phẩm nông nghiệp sạch, ngon và an toàn cho sức khoẻ. Điều thú vị tại Khu nông nghiệp Công nghệ U&I là du khách sẽ được trải nghiệm di chuyển bằng phương tiện máy kéo (cải tiến từ máy cày) một loại phương tiện rất riêng và ấn tượng trong hành trình khảo sát. Bên cạnh đó, với vai trò là đơn vị tiên phong tại địa phương trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Khu nông nghiệp Công nghệ U&I định hướng phát triển du lịch tri thức nông nghiệp, mở cửa trang trại để đón tiếp các đoàn khách tham quan là học sinh, sinh viên, các chuyên gia nghiên cứu về nông nghiệp và các đoàn khách du lịch khi đến học tập, làm việc và du lịch tại huyện Phú Giáo.
Là một huyện phía Bắc của tỉnh Bình Dương, giáp ranh với tỉnh Bình Phước lại nằm trên trục giao thông huyết mạch với các tỉnh Tây Nguyên. Phú Giáo đã tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đến nay trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều khu nông nghiệp, trang trại đảm bảo cung ứng sản phẩm nông nghiệp sạch cho thị trường trong nước và nước ngoài. Trong thời gian qua, song song với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, các trang trại trở thành điểm đến du lịch xanh, du lịch nông trại của nhiều du khách, và điều đó cũng nằm trong chủ trương phát triển du lịch nông trại của huyện Phú Giáo.
Trang trại Chiến Thắng có diện tích khoảng 300 hecta, với mô hình vườn cây rừng tự nhiên, vườn cây ăn trái, hồ nước lớn kết hợp chuồng trại... đây là một khu vực có không gian đẹp, yên tĩnh và thơ mộng. Đoàn khảo sát được trải nghiệm cắm trại, ngủ qua đêm tại trang trại với các chương trình: thưởng thức ẩm thực đặc sản của Phú Giáo, đốt lửa trại và giao lưu văn nghệ với đồng bào dân tộc thiểu số Sán Chỉ… đặc biệt là được ngắm mặt trời mọc, nghe tiếng gà gáy và tiếng chim kêu lúc bình minh - một trải nghiệm tuyệt vời của đoàn khảo sát.

Đoàn khảo sát tham quan Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên ( xã Tam Lập) Ảnh: TTXTDL
Điểm đến thứ 5 trong hành trình là Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, là ngôi thiền viện đầu tiên của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử tại tỉnh Bình Dương. Tọa lạc tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập, cách đường ĐT 741 khoảng 6km. Với diện tích hơn 10 hecta, được khánh thành vào năm 2013. Thiền viện là nơi sinh hoạt tu tập theo thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là địa chỉ tôn giáo tính ngưỡng với quần thể kiến trúc đa dạng về phong cách (bắc, trung, nam) tạo nên một bức tranh khá đầy đủ trong phong cách kiến trúc nghệ thuật của Thiền viện. Đặc biệt, đến đây có dịp được hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ; tịnh tâm tìm lại cân bằng trong cuộc sống sau những lo toan vất vả.
Điểm cuối trong hành trình là Di tích lịch sử Dinh tỉnh trưởng Phước Thành (Nhà truyền thống huyện Phú Giáo). Đến đây đoàn được nghe thuyết minh về Chiến thắng Phước Thành - lần đầu tiên bộ đội chủ lực của ta đã phối hợp với nhân dân Phước Thành tấn công và tiêu diệt hoàn toàn bộ máy của địch tại một tỉnh lỵ, mở đầu cho những thắng lợi của ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ngoài ra, đoàn còn được tham quan phòng trưng bày với hơn 200 ảnh, tư liệu, hiện vật tái hiện lại lịch sử đấu tranh giữ nước của quân và dân Phước Thành, quá trình khắc phục hậu quả chiến tranh và kiến thiết đất nước, xây dựng một Phú Giáo phát triển như hôm nay.
Sau khi khảo sát và trải nghiệm tại các điểm, đoàn đã tham dự buổi tọa đàm đóng góp ý hoàn thiện các sản phẩm dịch vụ du lịch của huyện Phú Giáo. Với rất nhiều ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch được trình bày tại tọa đàm, nhìn chung hầu hết các ý kiến đều cho rằng huyện Phú Giáo đang sở hữu nguồn tài nguyên rất lớn về du lịch nông nghiệp công nghệ cao, du lịch trang trại phù hợp với chủ trương phát triển hiện nay của ngành du lịch tại địa phương. Các đại biểu tham dự cho rằng việc phát triển du lịch nông nghiệp công nghệ cao là hướng đi rất sáng tạo và có khả năng phát triển của huyện Phú Giáo - phát triển du lịch dựa trên thế mạnh đặc trưng của địa phương. Các điểm du lịch của huyện Phú Giáo cũng là những sản phẩm du lịch mới và không trùng lắp với các sản phẩm du lịch của các địa phương khác trong tỉnh. Hơn nữa, sản phẩm du lịch của huyện còn được đánh giá đầy đủ về các loại hình (di sản, tín ngưỡng, thắng cảnh, nông trại, nông nghiệp công nghệ cao…)
Bên cạnh việc nêu bật các giá trị, tiềm năng của các điểm du lịch, các đại biểu cũng mạnh dạn chỉ rõ những khó khăn đang tồn tại ở các điểm như: tình trạng thiếu quầy dịch vụ (ẩm thực, đồ lưu niệm…) phục vụ nhu cầu khách tham quan, hay cần tăng cường các biện pháp an toàn dành cho du khách tại khu vực đập thuỷ lợi Phước Hoà. Ngoài ra, vấn đề lưu trú dành cho các đoàn khách có số lượng lớn cũng cần được quan tâm; hay cần bổ sung thêm các hoạt động vui chơi phù hợp tại các điểm đến…
Kết thúc chương trình toạ đàm, Bà Trần Hồng Dung - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Phú Giáo ghi nhận và tiếp thu các ý kiến đóng góp của đại biểu. Trên cơ sở đó, huyện sẽ xúc tiến ban hành các chủ trương kêu gọi đầu tư dịch vụ, trang thiết bị, cơ sở vật chất để tiếp tục hoàn thiện các phẩm du lịch hiện có trên địa bàn huyện. Đồng thời kêu gọi sự chung tay của các nhà khoa học, các đơn vị quản lý về lĩnh vực du lịch, các công ty lữ hành tiếp tục đồng hành cùng huyện Phú Giáo để xây dựng điểm đến du lịch xanh - du lịch nông nghiệp công nghệ cao.
Trung tâm Xúc tiến Du lịch