Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương: Trao bằng xếp hạng đình Bình Nhâm di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp tỉnh
Sáng ngày 31 tháng 3 năm 2022, tại đình Bình Nhâm, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương, Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An tổ chức lễ đón nhận bằng xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Bình Nhâm. Tham dự buổi lễ có ông Lê Văn Thái – Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Thuận An; lãnh đạo Phường Lái Thiêu cùng đông đảo bà con nhân dân trên địa bàn và đại diện Ban quý tế các đình lân cận.
Đình Bình Nhâm tọa lạc tại khu phố Bình Đức 1, phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương là công trình mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật có niên đại hàng trăm năm. Về tổng thể, đình Bình Nhâm được thiết kế theo kiểu kiến trúc “Nội tam ngoại quốc” khép kín với chánh điện (gồm tiền điện, trung điện và hậu điện) nằm trên một trục dọc, hai bên là Đông lang và Tây lang, phía sau là Nhà túc. Ở sân đình còn có cổng đình, miếu thờ Ông Hổ, ban thờ Bạch Mã và miếu thờ Quan Công.
Dựa vào các nguồn sử liệu và sắc phong của đình Bình Nhâm, có thể xác định đình do cư dân người Việt ở thôn Bình Nhan Thượng, huyện Bình An xây dựng vào khoảng thời gian trước năm 1853 (năm vua Tự Đức ban sắc phong cho đình), làm nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh của làng và các bậc tiền nhân đã có công khai hoang mở đất và tạo lập làng xã. Trong quá trình tồn tại, đình Bình Nhâm trải qua nhiều thế hệ bảo quản giữ gìn và tu bổ, nhưng vẫn giữ được nét kiến trúc cổ xưa của ngôi đình làng người Việt, thực sự là nơi sinh hoạt cộng đồng, văn hóa tâm linh của làng Bình Nhâm qua các thế hệ, là địa chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử - văn hóa của làng.

Đình Bình Nhâm được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương ký Quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa số 200/QĐ-UBND ngày 18 tháng 01 năm 2022. Như vậy, xếp hạng di tích đình Bình Nhâm nâng tổng số di tích của tỉnh được xếp hạng lên 63 di tích (13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh). Đây là cơ sở pháp lý tạo điều kiện cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của di tích của tỉnh./.
Thanh Dân – Bảo tàng Bình Dương