Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Dương phối hợp cùng Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội nghị tập huấn quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch năm 2022
Nhằm triển khai thực hiện các nội dung trong thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng Đông Nam Bộ, đồng thời bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ công chức, viên chức trong ngành du lịch và lãnh đạo quản lý các khu du lịch, điểm du lịch, các di tích văn hóa, lịch sử, khách sạn trên địa bàn tỉnh và các tỉnh/thành khu vực Đông Nam Bộ; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đã phối hợp cùng Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh và Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn tổ chức Hội nghị tập huấn về quản lý điểm đến và phát triển sản phẩm du lịch năm 2022. Hội nghị tập huấn được tổ chức từ ngày 19-21/7/2022, trong đó có 02 ngày học lý thuyết và 01 ngày thực hành thực tế tại điểm kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

ông Nguyễn Thanh Phong - PGĐ Sở VHTTDL Bình Dương phát biểu khai mạc Hội nghị
Đến dự hội nghị tập huấn có ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu – Phó giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sĩ Phan Bửu Toàn - Phó hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn. Đối tượng tham gia tập huấn là công chức, viên chức thuộc Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Xúc tiến Du lịch, phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã và thành phố, thuyết minh viên các di tích và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh và khu vực Đông Nam Bộ.
Như chúng ta đã biết, tài nguyên du lịch là một trong những yếu tố cơ bản nhất góp phần hình thành sản phẩm du lịch. Trong tỉnh, mặc dù nhiều tài nguyên có khả năng khai thác để hình thành nên sản phẩm tham quan thu hút khách: Quần thể di tích danh thắng núi Cậu – lòng hồ Dầu Tiếng - Suối Trúc - Chùa Thái Sơn có cảnh quan hết sức tuyệt đẹp, phong cảnh hữu tình, khí hậu trong lành được nhiều du khách tìm đến để hành hương, tham quan, vãn cảnh. Cảnh quan của đập thủy lợi Phước Hòa, Cầu Gãy Sông Bé, Suối Rạc ở Phú Giáo cũng hết sức ấn tượng và khác biệt. Các vườn cây ăn trái trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên như một Đà Lạt thu nhỏ. Bên cạnh đó là hệ thống các di tích lịch sử, các làng nghề thủ công truyền thống với bề dày văn hóa và nét truyền thống lâu đời,… Tuy nhiên những giá trị này vẫn chưa được khai thác hiệu quả để hình thành nên sản phẩm du lịch. Khách du lịch đến đây chủ yếu tự khám phá, trải nghiệm là chính, chưa được cung cấp dịch vụ bổ trợ như ăn uống, lưu trú, nghỉ dưỡng, phương tiện di chuyển, mua sắm hàng lưu niệm, cắm trại, kết nối với các điểm đến lân cận,…
Thông qua khóa tập huấn này, bằng những chia sẽ kiến thức và kinh nghiệm thực tế của đội ngủ giảng viên Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn, chúng tôi mong muốn góp phần trang bị những kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cơ quan quản lý nhà nước cũng như các đơn vị kinh doanh trong ngành du lịch để phát triển điểm đến của đơn vị mình theo một tiêu chuẩn đồng nhất. Góp phần xây dựng thêm các điểm đến, sản phẩm mới cho Du lịch Bình Dương cũng như du lịch trong vùng Đông Nam Bộ. Khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch sẵn có của Bình Dương hình thành nên sản phẩm du lịch thu hút khách.

Toàn cảnh Hội nghị
Ban tổ chức chọn Phương Nam Resort là một trong những điểm đến trong chương trình khảo sát thực tế của lớp. Đây là Resort được Tổng cục Du lịch công nhận hạng 4 sao với dịch vụ đa dạng gồm phòng nghỉ, nhà hàng, hội nghị tiệc cưới, hồ bơi, câu cá, sân chơi dành cho trẻ em, dịch vụ Spa, sân tennis,… chất lượng dịch vụ tận tâm, đội ngũ nhân viên có chuyên môn nghiệp vụ và tay nghề cao.
Trung tâm giới thiệu các sản phẩm du lịch Bình Dương do Hiệp Hội Du lịch tỉnh quản lý, là nơi trưng bày và bán các sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ của Bình Dương như sơn mài, gốm sứ, chạm trổ điêu khắc gỗ, sản phẩm từ mây tre lá,... Đây là điểm mua sắm hấp dẫn trong hành trình tham quan du lịch Bình Dương, đến đây du khách sẽ được thỏa sức lựa chọn các mặt hàng lưu niệm về làm quà cho gia đình, người thân, bạn bè./.
Thùy Linh (Phòng QLDL)