NHÌN LẠI CÔNG TÁC QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC LỄ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG QUA 5 NĂM TRIỂN KHAI THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH SỐ 110/2018/NĐ-CP
Ngày 29/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2018/NĐ-CP quy định về quản lý và tổ chức lễ hội. Trên cơ sở các nội dung của Nghị định, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Công văn số 984/SVHTTDL-QLVH ngày 30/10/2018 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của Chính phủ gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện. Ngoài ra, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của Cục VHCS về hoạt động lễ hội hàng năm, Sở ban hành các văn bản chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động lễ hội để chỉ đạo Phòng VHTT các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Hàng năm, để nắm tình hình quản lý, tổ chức lễ hội tại các địa phương, Sở ban hành Kế hoạch kiểm tra hoạt động lễ hội và hoạt động tín ngưỡng tại các địa phương có tổ chức lễ hội lớn như thành phố Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An và huyện Dầu Tiếng.
Để triển khai thực hiện có hiệu quả, kịp thời Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh công bố Bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, theo đó có 02 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp tỉnh, 02 thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền cấp huyện (thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội; thủ tục thông báo tổ chức lễ hội) và 01 thủ tục hành chính cấp xã (thủ tục đăng ký tổ chức lễ hội), đồng thời đã triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt Nghị định số 110/2018/NĐ-CP. Ngoài ra, ngành đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt với nhiều hình thức phong phú, sinh động như hội nghị, hệ thống loa Đài truyền thanh, pa-nô, băng rôn, lồng ghép vào các tiểu phẩm tuyên truyền của Đội Tuyên truyền lưu động tỉnh… nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh. Nội dung tập trung vào tuyên truyền các quy định nhà nước về tổ chức lễ hội; tuyên truyền, giới thiệu về nguồn gốc của lễ hội, di tích và các nhân vật được thờ phụng để người dân, người tham gia lễ hội hiểu về giá trị lịch sử, di tích, lễ hội; khơi dậy ý thức tự hào và truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm của dân tộc, ý thức trách nhiệm, tình yêu quê hương, đất nước của mỗi cá nhân khi tham gia lễ hội.
Kết quả đạt được
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có một số lễ hội có quy mô lớn như: Lễ hội Chùa Bà Thiên Hậu của cộng đồng người Hoa là lễ hội lớn và đặc trưng nhất được tổ chức tại các địa phương như: Phường Phú Cường và phường Tương Bình Hiệp, thành phố Thủ Dầu Một vào tháng Giêng (từ mùng 1 Tết Nguyên đán đến 15 tháng Giêng âm lịch); tại phường Hòa Phú, thành phố Thủ Dầu Một (mùng 9 tháng Giêng) thu hút đông đảo người dân trong và ngoải tỉnh đến tham dự; thị trấn Dầu Tiếng, huyện Dầu Tiếng (tập trung diễn ra vào ngày 11 tháng giêng); phường An Thạnh và phường Lái Thiêu, thành phố Thuận An (tập trung diễn ra từ ngày 12 đến ngày 15 tháng Giêng âm lịch), các lễ hội trên đều có chung nội dung là phần lễ cúng vía Bà Thiên Hậu tại nơi thờ tự, phần hội là lễ rước kiệu và linh vị Bà Thiên Hậu đi tuần du (diễu hành) trên một số tuyến đường trung tâm của thành phố, thị xã, thị trấn. Các lễ hội còn lại chủ yếu là lễ cúng Kỳ yên các đình thần thờ Thành hoàng bổn cảnh cầu “Quốc thái dân an” của nhân dân các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.
Một trong những điểm nổi bật trong hoạt động lễ hội tỉnh Bình Dương là hoạt động từ thiện. Hàng năm, một số tổ chức, cá nhân đăng ký tổ chức hoạt động từ thiện như: phát thức ăn, nước uống, khăn lạnh, giữ xe, khẩu trang,... để phục vụ miễn phí cho du khách dọc các tuyến đường dẫn vào khu vực tổ chức lễ hội, ngoài ra còn nhiều tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động từ thiện tại các tuyến đường xung quanh Miếu Bà. Các điểm hoạt động từ thiện đều có đăng ký với chính quyền địa phương và được bố trí khu vực hợp lý tránh tình trạng đứng tràn lan ra đường gây mất an ninh trật tự. Ngoài ra, tổ chức Đoàn thanh niên huy động đoàn viên thực hiện các công việc như gom rác dọc các tuyến đường chính quanh miếu Bà Thiên Hậu, đặt các trạm sơ cấp cứu, vá xe miễn phí, hướng dẫn đường, xe ôm,…để phục vụ nhân dân và được du khách gọi là “Lễ hội miễn phí” đã để lại nhiều ấn tượng tốt và được các cơ quan báo chí đánh giá cao. Ngoài ra, hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, trông giữ phương tiện giao thông; nhà vệ sinh công cộng, tổ chức thu gom rác thải, công tác giữ gìn an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy được chính quyền địa phương và Ban Tổ chức bố trí sắp xếp hợp lý; việc đặt hòm công đức tại các cơ sở tín ngưỡng được bố trí phù hợp nhằm tạo điều kiện để các tầng lớp nhân dân tự nguyện đóng góp công đức cho các cơ sở tín ngưỡng,…. Sau lễ hội, Ban Tổ chức có báo cáo công khai cho chính quyền địa phương nguồn thu và thống nhất chi cho các hoạt động từ thiện; xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa; giúp đỡ người nghèo, trao học bổng cho học sinh,…theo sự thống nhất của Ban trị sự.

Đoàn Kiểm tra của Sở VHTTDL làm việc với Ban Trị sự Miếu Bà Dầu Tiếng
Công tác thanh tra, kiểm tra được Sở chú trọng thực hiện, hằng năm Thanh tra Sở ban hành Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, đồng thời phối hợp với Phòng Văn hoá và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố kiểm tra thường xuyên đối với các hoạt động như lợi dụng việc tổ chức lễ hội để truyền bá mê tín dị đoan, lên đồng; các hoạt động mua bán văn hóa phẩm như tờ bướm tử vi, sách bói toán, truyện mê tín dị đoan và các ấn phẩm trái phép khác; đốt nhiều đồ mã; sử dụng đồng tiền hợp lý trong các hoạt động văn hóa, lễ hội, tín ngưỡng; kinh doanh băng-đĩa cấm lưu hành, hoặc chưa được phép lưu hành…diễn ra tại các cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh. Qua 05 năm, Thanh tra Sở phát hiện và tịch thu hàng nghìn tờ tử vi, sách bói toán và 200 đĩa phim không tem nhãn kiểm soát.
Qua 05 năm thực hiện Nghị định số 110/2018/NĐ-CP, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, các cấp và sự đồng thuận của nhân dân trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, do đó công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua được tăng cường và ngày càng tốt hơn, tạo được sự chuyển biến tích cực trong đời sống nhân dân và đi vào nề nếp. Các lễ hội khi tổ chức đều thông báo với Ủy ban nhân dân cấp huyện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban tổ chức lễ hội và chính quyền địa phương; có thành lập Ban Tổ chức lễ hội và chương trình lễ hội. Hoạt động lễ hội diễn ra phong phú, đa dạng, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn, tạo sự gắn kết trong cộng đồng, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc; việc thông báo, đăng ký lễ hội của các địa phương trong tỉnh được thực hiện đúng quy định, đồng thời các hoạt động trong lễ hội trên địa bàn tỉnh đã góp phần quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch và các giá trị văn hóa của địa phương.
Tồn tại, hạn chế
- Một là, công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho nhân dân hiểu rõ các giá trị truyền thống trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc trong công tác tổ chức lễ hội còn hạn chế.
- Hai là, các lễ hội thường tập trung số lượng lớn du khách đến di tích cùng thời gian, địa điểm, trong khi cơ sở hạ tầng, dịch vụ, các khu vệ sinh công cộng tại di tích có nơi vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu; việc đảm bảo an toàn, an ninh trật tự tại các di tích và nơi tổ chức lễ hội, nhất là lễ hội có quy mô lớn, tập trung đông người còn tình trạng móc túi, cướp giật.
- Ba là, ý thức của một bộ phận người dân trong thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội còn chưa cao, vẫn còn một bộ phận du khách mua sắm lễ vật, hàng mã lãng phí, không đúng với bản chất của lễ hội
- Bốn là, năng lực quản lý, hướng dẫn tổ chức hoạt động lễ hội của một số ít cán bộ văn hóa một số nơi và những người trực tiếp quản lý, điều hành lễ hội ít nhiều cũng còn hạn chế.
Giải pháp
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:
- Một là, tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị số 41-CT/TW ngày 05 tháng 02 năm 2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; Nghị định số 110/2018/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan cho cán bộ văn hóa các cấp và người dân trên địa bàn tỉnh.
- Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quản lý và tổ chức lễ hội nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân.
- Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh những vi phạm pháp luật về hoạt động lễ hội; tăng cường tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong hoạt động lễ hội; vận động nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội có ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ di tích…
- Bốn là, phối hợp với các Sở, ban ngành trong việc quản lý và tổ chức lễ hội, đảm bảo trật tự an toàn xã hội và thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội. Đảm bảo hoạt động lễ hội được tiến hành trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống và phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển.
- Năm là, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc cưới, việc tang và lễ hội. Chỉ đạo kiểm tra, nhất là công tác kiểm tra các sản phẩm văn hoá, xử lý nghiêm các cá nhân phát tán các sản phẩm độc hại mê tín, dị đoan. Định kỳ sơ kết, tổng kết, kịp thời chấn chỉnh những biểu hiện lệch lạc trong phong trào, đề ra các biện pháp thực hiện đạt hiệu quả.
CÔNG DUY-Phòng QLVHGĐ