Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương (Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ngoài các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn, công tác xây dựng và phát triển các mô hình câu lạc bộ tại chỗ luôn được đơn vị quan tâm chú trọng, chủ yếu là các câu lạc bộ sở thích hoặc các câu lạc bộ mang tính xã hội. Hiện nay Trung tâm có 12 câu lạc bộ với gần 700 hội viên tham gia sinh hoạt, bao gồm các câu lạc bộ: Đờn ca tài tử, Thơ ca, Thơ Việt Nam, Dân ca Như Nguyệt, Kinh Bắc, Khiêu vũ, Bóng rổ, Vovinam, Taewkondo, Võ thuật cổ truyền Thiếu Lâm Long Phi, Ảo thuật, Lân sư rồng.
Từ hoạt động câu lạc bộ đã tạo không gian văn hóa lành mạnh đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe và hưởng thụ văn hóa của quần chúng nhân dân trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung, góp phần bảo tồn và truyền dạy các loại hình văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Trong số các câu lạc bộ do Trung tâm quản lý, có những câu lạc bộ đã được thành lập gần 30 năm và có bề dày hoạt động như:
Câu lạc bộ võ thuật cổ truyền thiếu lâm Long phi: Được thành lập từ năm 1996 đến nay đã được 27 năm do Võ sư Nguyễn Minh Trí làm chủ nhiệm, hiện nay CLB có số hội viên, cộng tác viên giao động từ 50 -150 người thường xuyên tham gia sinh hoạt vào các buổi tối 2,4,6 trong tuần. Ngoài hoạt động tập các bài quyền để nâng cao sức khỏe, câu lạc bộ thường xuyên tham gia biểu diễn các hoạt động Đại hội TDTT của tỉnh, lễ giỗ tổ Hùng Vương, các chương trình văn nghệ, các sự kiện của Ngành khi có yêu cầu; CLB thường xuyên cử các huấn luyện viên tham gia tập huấn nâng cao nghiệp vụ trong và ngoài tỉnh; tổ chức cho học viên câu lạc bộ thi thăng đai; cọ sát giao lưu thi đấu các giải trong và ngoài tỉnh tổ chức đạt được nhiều huy chương các loại.

(Ra mắt câu lạc bộ võ thuật cổ truyền Thiếu Lâm Long Phi
tại Phòng họp Nhà Văn hóa tỉnh Sông Bé năm 1996)
Câu lạc bộ Đờn ca tài tử: Được thành lập từ năm 1997, khi đó do cố Nghệ sĩ ưu tú Tư Còn làm chủ nhiệm, câu lạc bộ thu hút gần 50 tài tử trong toàn tỉnh về tham gia sinh hoạt. Hiện nay chủ nhiệm câu lạc bộ là nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Sáng với 20 nghệ nhân sinh hoạt định kỳ. Trong những năm vừa qua câu lạc bộ Đờn ca tài tử đã được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn cử tham gia nhiều cuộc hội thi Đờn ca tài tử cấp Quốc gia và cấp khu vực, gặt hái được nhiều huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các cuộc thi Đờn ca tài tử các cấp. Bên cạnh đó, câu lạc bộ đã truyền dạy được nhiều thế hệ nghệ nhân trong các buổi sinh hoạt tại câu lạc bộ góp phần trong công tác giữ gìn, bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2013.

(CLB Đờn ca tài tử tại Hội thi nghệ thuật ĐCTT cấp quốc gia lần III năm 2022)
Câu lạc bộ Thơ ca: Được thành lập từ năm 2003 do bà Nguyễn Thị Việt Nhân làm chủ nhiệm, sau 20 năm thành lập và đi vào hoạt động, hiện CLB thu hút từ 60 đến 100 hội viên là các cô chú hưu trí và những người yêu mến thơ ca trong toàn tỉnh tham gia sinh hoạt. Ngoài giao lưu sáng tác thơ - ca hát, câu lạc bộ thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội từ thiện thăm và tặng quà các trại trẻ mồ côi, người già neo đơn… Tổ chức kỷ niệm ngày Thơ Nguyên tiêu hàng năm; các chương trình dã ngoại, tham quan học hỏi kinh nghiệm; thăm hỏi động viên nhau trong cuộc sống,... Hoạt động ý nghĩa của câu lạc bộ Thơ Ca đã lan tỏa và tạo được mô hình hoạt động hiệu quả cho các câu lạc bộ khác học tập và noi theo.

(Câu lạc bộ Thơ Ca trong chương trình Thơ Nguyên tiêu năm 2023)
Câu lạc bộ bóng rổ học đường: Là một câu lạc bộ trẻ, mới được thành lập năm 2017, thời gian đầu mới thành lập, điều kiện CLB còn nhiều khó khăn về sân bãi, dụng cụ,… Mặc dù vậy, các thành viên với tình yêu và niềm đam mê dành cho bóng rổ đã chung tay đóng góp, phát triển thành bộ môn không còn xa lạ với học sinh và thanh thiếu niên trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một. Hiện nay câu lạc bộ đã thu hút đông đảo học viên thuộc lứa tuổi thanh thiếu niên tham gia sinh hoạt vào các buổi từ thứ 2 đến chủ nhật hàng tuần. Sau sáu năm thành lập, câu lạc bộ bóng rổ đã trở thành sân chơi thú vị, bổ ích cho những người yêu thích môn thể thao này. Đây không chỉ là nơi hội tụ những người chung niềm đam mê bóng rổ, tìm kiếm giờ phút giải trí, gắn kết tình bạn mà còn là môi trường rèn luyện tinh thần đoàn kết và sức khỏe.

(Câu lạc bộ bóng rổ học đường trong một buổi tập luyện)
Ngoài những câu lạc bộ kể trên đang hoạt động mạnh tại Trung tâm, còn có các câu lạc bộ trực thuộc khác như: Câu lạc bộ múa lân sư rồng Gia Thắng đường (50 hội viên), câu lạc bộ Dân ca Như Nguyệt (20 hội viên), câu lạc bộ ảo thuật (15 hội viên), câu lạc bộ Vovinam (30 hội viên),…đã tạo ra một sân chơi lành mạnh, bổ ích và ý nghĩa cho mọi đối tượng quần chúng nhân dân tham gia sinh hoạt vào các ngày trong tuần.
Nhìn lại tổng thể hoạt động của các Câu lạc bộ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh trong thời gian qua có thể nhận thấy bật lên một sức sống mới trong các phong trào văn hóa quần chúng, của thanh thiếu niên nhi đồng trên địa bàn thành phố Thủ Dầu Một nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung, góp phần nâng cao sức khỏe, đời sống văn hóa tinh thần cho người dân, tạo mối quan hệ đoàn kết, chung sức, vận động, tuyên truyền thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kết quả đó góp phần cùng Ngành xây dựng và thực hiện tốt phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở theo tinh thần Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2014, Hội nghị lần thứ 9 BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc quản lý và phát triển câu lạc bộ hiện nay tại Trung tâm Văn hóa tỉnh còn một số khó khăn, hạn chế như: (1) Cơ sở vật chất của Trung tâm được xây dựng từ lâu, đã xuống cấp nên điều kiện sắp xếp phòng sinh hoạt cho các câu lạc bộ còn gặp nhiều khó khăn, một số câu lạc bộ đan xen sinh hoạt chung một phòng, không gian chật hẹp nên chưa phát huy hết được hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ. (2) Các câu lạc bộ được thành lập trên nhu cầu có chung sở thích và tự nguyện, kinh phí hoạt động chủ yếu do hội viên tự đóng góp, Trung tâm chỉ hỗ trợ phần nào về địa điểm sinh hoạt, hội trường hội họp giao ban định kỳ, chưa thu hút được hoạt động xã hội hóa để phục vụ cho việc phát triển bền vững của các CLB nên hoạt động chỉ dừng ở mức duy trì. (3) Những năm gần đây do tình hình dịch Covid-19 kéo dài nên hoạt động các câu lạc bộ tại Trung tâm phải tạm dừng để phòng dịch, nhiều hội viên không tiếp tục duy trì hoạt động tại câu lạc bộ. Bên cạnh đó vì điều kiện cuộc sống một số câu lạc bộ khó quy tụ hội viên duy trì sinh hoạt định kỳ, thường xuyên,… Từ đó chất lượng sinh hoạt chưa đảm bảo. (4) Ban chủ nhiệm một số câu lạc bộ chưa được trang bị đầy đủ về kỹ năng điều hành câu lạc bộ, trong quá trình hoạt động còn tự phát, chưa thống nhất trong việc sử dụng mộc dấu của câu lạc bộ, chưa theo hướng dẫn của Trung tâm. (5) Chưa có những chính sách động viên khen thưởng kịp thời cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động của các CLB; công tác phát hiện các tài năng thông qua hoạt động của CLB chưa được quan tâm và động viên kịp thời. (6) Tài liệu hướng dẫn hoạt động Câu lạc bộ còn ít và cũ; chưa có các lớp tập huấn quy mô hướng dẫn về mảng hoạt động này, ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của các CLB.
Từ những khó khăn hạn chế trên, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các câu lạc bộ, Trung tâm Văn hóa tỉnh đề xuất một số giải pháp như sau: (1) Tổ chức điều tra, nắm bắt nhu cầu hoạt động của quần chúng từ đó đề xuất, khuyến khích thành lập các loại hình CLB mới theo sở thích nhu cầu; nghiên cứu tìm tòi, thử nghiệm xây dựng các mô hình, mẫu hình hoạt động của CLB. (2) Thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn, hội thi, hội diễn giữa các CLB, giữa các huyện, thị, thành phố và các tỉnh thành trong khu vực để trao đổi học tập, kinh nghiệm lẫn nhau. (3) Trang bị kỹ năng cho Ban chủ nhiệm các câu lạc bộ. Đồng thời tăng cường công tác hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra, giám sát các hoạt động, đưa hoạt động của các CLB đúng tôn chỉ mục đích và quy định của pháp luật. (4) Đề xuất động viên khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong hoạt động của các CLB. (5) Biên soạn và ban hành tài liệu hướng dẫn hoạt động câu lạc bộ thuộc thiết chế văn hóa cơ sở trong toàn tỉnh; tham mưu tổ chức hội thảo chuyên đề công tác hướng dẫn và quản lý hoạt động các câu lạc bộ thuộc thiết chế văn hóa cơ sở từ tỉnh đến huyện, thị, thành phố và xã phường, thị trấn, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý chặt chẽ đối với các câu lạc bộ, đội nhóm thuộc thiết chế văn hóa cơ sở.
Trần Thị Hương(Trung tâm Văn hóa tỉnh Bình Dương).