Nâng cao chất lượng công tác phục vụ bạn đọc cho đối tượng học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban chấp hành Trung ương đã nhấn mạnh mục tiêu chung là “Xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày nay, với sự bùng nổ mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã tác động không nhỏ đến văn hóa đọc của giới trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh và sinh viên. Thanh thiếu niên có cơ hội tiếp cận với một khối lượng tri thức khổng lồ nhưng bên cạnh đó lại tiềm ẩn một nguy cơ làm mai một thói quen đọc tuyền thống, bởi thói quen tìm hiểu kiến thức trên mạng internet đã trở nên phổ biến và dễ dàng, bên cạnh đó là sự lấn át của các phương tiện nghe nhìn quá nhiều, quá hấp dẫn khiến một bộ phận giới trẻ mất dần khả năng chủ động tư duy và làm suy giảm khả năng sáng tạo cá nhân.
Thói quen đến thư viện để đọc sách của đối tượng học sinh, sinh viên chưa được hình thành một cách vững chắc, thời gian dành cho việc đọc sách chưa nhiều, thời gian nhàn rỗi chủ yếu dành cho việc lướt web, tham gia các mạng xã hội, giải trí, chơi game, đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Phần lớn các em thiếu kỹ năng đọc sách, thông qua sách các em chưa vận dụng được những kiến thức cần thiết trong học tập và sinh hoạt.
Từ những thực trạng trên, việc tạo thói quen đọc sách, giúp cho đối tượng học sinh, sinh viên có nhận thức sâu sắc về giá trị, vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội, hướng tới xây dựng một xã hội học tập, góp phần mang lại hiệu quả hoạt động thư viện, nâng cao chất lượng phục vụ bạn đọc, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích lan tỏa thói quen đọc sách trong cộng đồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng của hệ thống thư viện công cộng, thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh.
Trong những năm gần đây, Thư viện luôn quan tâm đổi mới, sáng tạo cách làm trong công tác tuyên truyền và phục vụ bạn đọc, Thư viện không còn là nơi thụ động chờ bạn đọc tìm đến mà lan tỏa phương châm “Sách đi tìm người” khai thác tối đa vốn tài liệu trong thư viện đến tay người đọc, quan tâm hơn đến đối tượng học sinh, sinh viên. Mạnh dạn thay đổi việc đọc sách một cách thụ động nhàm chán bằng cách lồng ghép tổ chức các hoạt động như:
Thành lập Câu Lạc bộ “Cùng bạn đọc sách” biểu dương và tặng quà cho bạn đọc tích cực đọc sách, thăm và tặng quà bạn đọc cao tuổi nhất của Thư viện Bình Dương, tổ chức Hội sách chủ đề “Sách với tuổi teen”, tổ chức các trò chơi đồng đội có phần thưởng, triển lãm bản sách mới, sách hay các lĩnh vực tri thức, các tác phẩm viết về Bình Dương và báo - tạp chí các loại; Trưng bày gian hàng sách các nội dung kĩ năng sống, kỹ năng ứng xử đẹp dành cho tuổi vị thành niên, khơi dậy tiềm năng đi đến con đường thành công, hành trang vào đời, rèn luyện thói quen tốt, hạt giống tâm hồn dành cho tuổi mới lớn; Tổ chức đoàn xe diễu hành cổ động trực quan trên các tuyến đường trọng điểm của thành phố Thủ Dầu Một. Tổ chức tọa đàm “Kỹ năng đọc sách hiệu quả” hướng dẫn và chia sẻ đến đối tượng học sinh, sinh viên phương pháp, kỹ năng đọc sách hiệu quả để ứng dụng vào việc nghiên cứu, học tập, làm việc và giải trí lành mạnh.
Tổ chức các Hội thi Tuyên truyền giới thiệu sách, Giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi tỉnh Bình, Đại sứ Văn hóa đọc, Thiếu nhi kể chuyện theo sách tỉnh Bình Dương thu hút 8.228 em học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh tham gia dự thi. Kết quả Ban tổ chức đã trao tổng cộng 592 giải thưởng cho các cá nhân và tập thể. Thông qua việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các em có ý thức hơn trong việc đọc sách, biết chọn lọc kiến thức trong sách để nghiên cứu, tìm hiểu, viết bài và trả lời câu hỏi, nhà trường và phụ huynh quan tâm hơn đến việc đọc của các em, khuyến khích các em tham gia các hoạt động văn hóa đọc để phát triển kỹ năng viết bài, thuyết trình, mỹ thuật… từ đó phong trào xây dựng “Thư viện góc lớp”, “Thư viện lưu động”, “Thư viện thân thiện”, “Thư viện xanh” được hình thành tại các trường học.
Quan tâm đến không gian đọc và chất lượng vốn tài liệu cho đối tượng học sinh và sinh viên, Thư viện trang bị máy lạnh tại các phòng đọc sách, tạo không gian mở để bạn đọc tiếp cận trực tiếp với sách, báo. Vốn tài liệu được bổ sung định kỳ hàng năm trung bình trên 30.000 bản sách các loại với đa dạng phong phú chủ đề, chủng loại, kích cỡ để bạn đọc lựa chọn. Khi đến thư viện, các em có cơ hội rèn luyện kỹ năng sống, kỹ năng học tập, trau dồi kiến thức, từ đó làm chủ tốt cảm xúc, khả năng tự lập trong việc đọc và học thông qua sách báo.
Để nâng cao chất lượng công tác phục vục vụ bạn đọc trong đối tượng học sinh, sinh trên địa bàn tỉnh hiện nay cần thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Tăng cường thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, cộng đồng và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc phát triển văn hóa đọc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và định hướng đọc lành mạnh, bổ ích. Tổ chức các lớp tập huấn phát triển kỹ năng và văn hóa đọc cho đối tượng học sinh, sinh viên vào các tháng nghỉ hè, khuyến khích các em chia sẻ, viết các bình luận và cảm nhận của bản thân khi đọc sách bằng cách bình luận về nội dung của cuốn sách trên website của thư viện.
- Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc. Xây dựng chế độ khen thưởng rõ ràng, hợp lý nhằm khuyến khích và tác động hiệu quả đến những cá nhân học sinh, sinh viên tích cực đọc sách.
- Phát huy mô hình “Xe sách lưu động” để tạo điều kiện các học sinh, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận đến nguồn tài liệu. Bên cạnh đó, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động như kể chuyện, đọc sách và viết cảm nhận, đố vui về sách… Từ đó, giúp các em nâng cao văn hóa đọc và khả năng tự học, tự nghiên cứu.
- Đẩy mạnh hoạt động quảng bá cho các dịch vụ thư viện như tổ chức các câu lạc bộ bạn đọc, xây dựng đội ngũ cộng tác viên là các bạn cán bộ lớp hay những bạn thường xuyên lên thư viện. Hoặc thư viện có thể phối hợp với Ban giám hiệu trường trong những giờ sinh hoạt đầu tuần, tổ chức những cuộc thi về giới thiệu sách hay vẽ tranh theo chủ để của sách, tổ chức các chuyên đề nói chuyện sách gắn với những ngày sự kiện lớn... để thu hút sự chú ý của các em học sinh. Đây là một hoạt động thiết thực bởi nó khơi gợi cho các em sở thích đọc sách và thói quen đọc trong nhà trường.
- Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thư viện, xây dựng mô hình Thư viện thông minh, khuyến khích và tạo điều kiện để thư viện công cộng, thư viện trường học, các cơ sở giáo dục xây dựng mới, đầu tư trang thiết bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ đáp ứng được yêu cầu sử dụng trong giai đoạn hiện nay.
- Đối với trường học cần duy trì thực hiện giờ đọc sách, trong đó mỗi ngày học sinh, sinh viên có giờ đọc, mỗi tuần có 1 giờ giới thiệu sách hay, mỗi tháng có 1 buổi kể chuyện về đọc sách và quà tặng cho người đọc hay nhất; Khai thác hiệu quả và nhân rộng mô hình “Tủ sách lớp học”, “Thư viện thân thiện”, đồng thời xây dựng và lồng ghép với mô hình “Thư viện xanh”, xây dựng các tủ sách đặt ngoài trời, thiết kế và bố trí khu vực ghế ngồi phục vụ cho các tiết học ngoài trời và các giờ đọc sách hoặc giờ ra chơi của các em học sinh
- Quan tâm đến công tác xã hội hóa hoạt động thư viện, xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư cho hoạt động đọc, đặc biệt là đối với đối tượng học sinh, sinh viên; Khuyến khích phát triển mạnh thư viện các cơ quan, tổ chức, thư viện tư nhân, thư viện gia đình, tộc họ, tủ sách khuyến học có phục vụ cộng đồng.
-Xây dựng các dịch vụ trong thư viện chất lượng, vốn tài liệu ngày càng đa dạng, phong phú, nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thông tin của bạn đọc, của địa phương để sưu tập, bổ sung vốn tài liệu phù hợp; Củng cố, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ viên chức làm công tác thư viện, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của từng vị trí việc làm góp phần phát triển hoạt động thư viện trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
-Thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở “Phát triển Hệ thống thư viện công cộng tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Phát triển hệ thống Thư viện công cộng tỉnh Bình Dương và thư viện các trường học trên địa bàn tỉnh theo hướng hiện đại, thư viện điện tử, thư viện số phù hợp với nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của bạn đọc và phù hợp với chủ trương xây dựng “Thành phố thông minh” của địa phương.
Có thể nói, nâng cao chất lượng công tác phục vụ bạn đọc trong đối tượng học sinh, sinh viên là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, trong đó vai trò giáo dục ngoài nhà trường của hệ thống thư viện nói chung đã thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã xác định.
Lê Thị Phượng (Thư viện tỉnh)