Kết quả 09 năm thi hành Luật quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đất nước, hoạt động truyên truyền cổ động trực quan phục vụ các nhiệm vụ chính trị và hoạt động quảng cáo thương mại ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có những bước phát triển mạnh mẽ cả về chất và lượng. Trung bình mỗi năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp nhận trên 700 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn và đoàn người thực hiện quảng cáo với hàng nghìn pa nô và băng rôn quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tập trung nhiều nhất là thành phố thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An, các thị xã như Bến Cát, Tân Uyên…Hiện nay, Bình Dương có trên 200 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ quảng cáo với nhiều hình thức quảng cáo như: Quảng cáo pa nô tấm lớn (200m2), biển hiệu, bảng điện tử, băng rôn, màn hình Led…

Pa - nô quảng cáo thương mại trên đại lộ Bình Dương,thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
Qua 09 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 21 tháng 6 năm 2012, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2013, tỉnh Bình Dương đã nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh như: Quyết định số 3100/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 39/2016/QĐ-UBND ngày 07/10/2016 về việc ban hành Quy định về hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Quyết định số 2029/QĐ-UBND ngày 18/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện đúng theo quy định của pháp luật; Việc chấp hành các quy định về hoạt động quảng cáo được các tổ chức, cá nhân ngày càng thực hiện tốt, tuân thủ đúng các quy định của Luật Quảng cáo và các văn bản có liên quan. Để kịp thời triển khai thực hiện Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu ban hành văn bản hướng dẫn về trình tự thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn cho các tổ chức, cá nhân và chỉ đạo bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo theo đúng quy định của Luật Quảng cáo. Việc tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo thông qua Trung tâm hành chính công tỉnh, các thủ tục hành chính đều được kiểm soát chặt chẽ và niêm yết công khai thủ tục hành chính về thực hiện quảng cáo trên cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh Bình Dương; Thường xuyên rà soát quy định TTHC để đánh giá, kiến nghị giảm về thời gian, đơn giản hóa điều kiện, thành phần hồ sơ khi thực hiện TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở gắn với việc công khai, minh bạch các TTHC và quy trình giải quyết TTHC theo chỉ đạo của UBND tỉnh nhằm giúp tổ chức, cá nhân thực hiện TTHC ngày càng thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI); Công khai hóa tất cả các TTHC lĩnh vực quảng cáo lên Trang thông tin điện tử Hành chính công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia để tổ chức, cá nhân thuận lợi trong việc giám sát và thực hiện các TTHC; Đồng thời, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông phát huy hiệu quả hoạt động hệ thống đường dây nóng 1022 của tỉnh thông qua việc cập nhật, bổ sung bộ câu hỏi và trả lời các phản ánh và kiến nghị của tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các TTHC lĩnh vực quảng cáo; Hướng dẫn tổ chức và cá nhân tăng cường sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong việc thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn.
Tính từ năm 2013 đến nay, việc tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo và băng rôn và đoàn người thực hiện quảng cáo thông qua Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tiếp nhận và giải quyết 6.350 hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn và đoàn người thực hiện quảng cáo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, trong đó 3.100 hồ sơ thông báo quảng cáo trên băng-rôn, 2.890 hồ sơ thông báo quảng cáo trên bảng quảng, còn lại là hồ sơ thông báo quảng cáo trên phương tiện đoàn người thực hiện quảng cáo.
Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo được Thanh tra Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hết sức chú trọng. Từ năm 2013 đến nay, Thanh tra Sở đã tổ chức kiểm tra 464 cơ sở hoạt động, kinh doanh dịch vụ quảng cáo trên địa bàn tỉnh, qua đó lập biên bản và ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 71 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 275.850.000 đồng và buộc tháo dỡ hàng ngàn băng rôn và bảng quảng cáo ngoài trời lắp đặt không đúng quy định. Ngoài ra, xác định công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm là nhiệm vụ trọng tâm, hàng năm Thanh tra Sở đã chủ động phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thị xã, thành phố và thanh tra chuyên ngành của các Sở, ngành chức năng tiến hành các cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý nhiều đơn vị vi phạm về hoạt động quảng cáo pa nô tấm lớn ngoài trời; Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và các sản phẩm tương tự trên địa bàn quản lý; Xử lý các hành vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; Quảng cáo khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng nội dung đã được xác nhận; Quảng cáo không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Pa - nô tuyên truyền chính trị trên đại lộ Bình Dương, thuộc địa bàn thành phố Thủ Dầu Một.
Nhìn chung, qua 09 năm triển khai thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo số 16/2012/QH13 ngày 21 tháng 6 năm 2012 tình hình hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, đi vào nề nếp, đảm bảo mỹ quan đô thị; Các phương tiện quảng cáo ngày càng phát triển mạnh mẽ với nhiều loại hình mới, đa dạng, hiện đại đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và thực thi pháp luật về quảng cáo trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng còn bộc lộ một số bất cập như:
- Một số quy định về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành vẫn được quy định tại nhiều văn bản Luật Thương mại, Luật Dược,...Vì vậy, việc áp dụng các quy định về hoạt động quảng cáo gặp nhiều khó khăn, nhất là trong trường hợp các văn bản Luật có quy định chưa đồng nhất với Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn có liên quan.
Thực tiễn phát sinh nhiều vấn đề mới chưa được Luật Quảng cáo chưa quy định về hành vi quảng cáo so sánh; Quảng cáo thiếu thẩm mỹ, trái với truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam; Quảng cáo tạo cho trẻ em có suy nghĩ, lời nói, hành động trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục; Gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn hoặc sự phát triển bình thường của trẻ em.
- Một số quy định trong Luật Quảng cáo còn chung chung khó thực hiện như: Chưa quy định cụ thể thời gian thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đoàn người thực hiện quảng cáo; Chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức, cá nhân thực hiện quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo ngoài trời.
- Việc tiếp nhận và trả lời hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn và đoàn người quảng cáo của các tổ chức, cá nhân trong 01 năm rất nhiều chi phí của cơ quan quản lý nhà nước, tuy nhiên Luật Quảng cáo không quy định về việc thu phí đối với hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo đối với các tổ chức, cá nhân. Bên cạnh đó, việc quy định tổ chức, cá nhân khi thực hiện quảng cáo phải thông báo đến cơ quan có thẩm quyền trước 15 ngày thực hiện quảng cáo cũng gây ra rất nhiều khó khăn cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp khi thực hiện thông báo sản phẩm quảng cáo.
- Việc chấp hành các quy định về hoạt động quảng cáo của các tổ chức, cá nhân vẫn chưa được nghiêm túc, các lỗi vi phạm về quảng cáo chủ yếu tập trung ở một số hành vi như: Treo, dựng, đặt, gắn bảng quảng cáo, băng rôn không đúng vị trí đã quy hoạch hoặc vị trí đã được cơ quan quản lý chấp thuận; không ghi rõ tên, địa chỉ của đơn vị thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn; Quảng cáo vượt quá diện tích quy định; Đặt biểu trưng, lô-gô, nhãn hiệu hàng hóa của người quảng cáo không đúng vị trí quy định trên băng rôn có nội dung tuyên truyền cổ động chính trị, chính sách xã hội; Treo băng rôn trên cột điện dùng để treo, mắc dây dẫn điện còn khá phổ biến và khó xử lý.
- Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm đối với các hoạt động quảng cáo ở một số địa phương chưa thường xuyên, kịp thời. Ngoài ra, hiện tượng dán quảng cáo rao vặt và phát tờ rơi vẫn còn xuất hiện trên các cột điện, tường nhà, góc cây và các công trình công cộng trên các tuyến đường trung tâm các huyện, thị xã, thành phố nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
- Việc vận dụng và cụ thể hóa chính sách xã hội hóa các hoạt động văn hóa trong đó có lĩnh vực tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo thương mại của tỉnh còn nhiều hạn chế, chưa thu hút và huy động được nhiều nguồn vốn của xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp đầu tư thực hiện công tác tuyên truyền, quảng cáo.
Những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quảng cáo nêu trên chủ yếu là do các nguyên nhân sau: Một số văn bản quy định quy phạm pháp luật về quảng cáo trong các lĩnh vực chuyên ngành thiếu sự đồng bộ, ban hành chậm nên đã ảnh hưởng đến việc quản lý hoạt động quảng cáo. Do ý thức chấp hành pháp luật về quảng cáo của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp còn chưa cao. Công tác tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật Quảng cáo chưa sâu rộng, có hiệu quả đến các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp; Công tác thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên, công tác xử lý vi phạm chưa cương quyết; Cơ chế phối hợp giữa các Sở, ban, ngành, địa phương trong xử lý những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quảng cáo có lúc, có nơi chưa được cương quyết; Một số huyện, thị xã, thành phố việc triển khai tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về hoạt động quảng cáo chưa được tiến hành thường xuyên do lực lượng cán bộ thanh tra còn thiếu, vì vậy đã dẫn đến tình trạng một số vi phạm về quảng cáo chưa được chấn chỉnh, xử lý kịp thời.
Để tập trung triển khai thực hiện các quy định của Luật Quảng cáo và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo thương mại trong thời gian tới, cần tập trung thực hiện đồng bộ những giải pháp sau:
Một là, kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể về những quy định của Luật Quảng cáo, những văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Quảng cáo cần quy định phù hợp với thực tế như: Quy định về thời gian thực hiện quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn, đoàn người quảng cáo và màn hình chuyên quảng cáo; Bỏ quy định Quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng địa điểm quảng cáo đối với băng-rôn, bản phối cảnh vị trí đặt bảng quảng cáo (Đối với biển hiệu, bảng quảng cáo tấm nhỏ tại các cửa hàng, đại lý) quy định tại khoản 6 , khoản 7, Điều 29 của Luật Quảng cáo; Sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo quy định việc thu phí đối với các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng rôn.
Hai là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản pháp luật quy định về hoạt động quảng cáo bằng nhiều hình thức, phong phú, đa dạng đến với Nhân dân, nhất là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động quảng cáo trong sự phát triển kinh tế, xã hội trật tự, an toàn xã hội và mỹ quan đô thị.
Ba là, thường xuyên phối hợp với các Sở, ban ngành, các đơn vị có liên quan trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo, nhằm chấn chỉnh các hoạt động quảng cáo và tuyên truyền gắn với quảng cáo thương mại chưa đúng quy định; Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tư pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc triển khai thực hiện Quy hoạch quảng cáo ngoài trời trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bốn là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động tuyên truyền cổ động trực quan và quảng cáo thương mại trên các phương tiện bảng, biển, pa nô, băng rôn, các hành vi vi phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra phải cương quyết xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; Tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với cấp huyện trong tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hoạt động quảng cáo.
Hy vọng và tin tưởng rằng với những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan và quảng cáo thương mại nêu trên, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các Sở, ban ngành và các đơn vị địa phương sẽ đảm bảo cho hoạt động tuyên truyền, cổ động trực quan và quảng cáo thương mại trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng đi vào nề nếp, đảm bảo mỹ quan đô thị và góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Nguyễn Thành Nghĩa – PTP. QLVHGĐ.