Hoạt động văn hóa, văn nghệ tỉnh Bình Dương -Những đóng góp tích cực Năm 2019
Bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh Bình Dương, hướng dẫn của Trung ương, trong năm 2019 công tác văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh Bình Dương được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, tích cực cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc nỗ lực phấn đấu hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời cụ thể hóa đường lối của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ, nhất là triển khai thực hiện các nội dung trọng tâm của Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; kế hoạch thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” năm 2019. Tổ chức điều tra xã hội học về kết quả sau 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết của Trung ương về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trên địa bàn toàn tỉnh... Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong tình hình mới.
Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phục vụ nhiệm vụ chính trị được tổ chức thường xuyên, đa dạng về hình thức, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
Hoạt động sưu tầm và tổ chức các lễ hội đảm bảo theo đúng quy định. Trong năm, đã tổ chức 27 lễ hội dân gian; 03 lớp truyền dạy Đờn ca tài tử hơn 140 học viên tham gia; Sưu tầm 46 hiện vật dân tộc, 09 hiện vật trong lòng đất, đưa tổng số hiện vật sưu tầm toàn tỉnh lên 31.143 hiện vật, 60 di tích (trong đó có 13 di tích quốc gia, 47 di tích cấp tỉnh). Biểu diễn nghệ thuật 147/140 buổi đạt 105% theo kế hoạch, thu hút 95.000 lượt người xem; Phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh biểu diễn phục vụ công nhân xa quê tại các khu công nghiệp dịp xuân Kỷ Hợi, tổ chức hội thi hội diễn như: Hội hoa xuân Kỷ Hợi, Hội thi Người dẫn chương trình; Hội thi Tuyên truyền lưu động tỉnh Bình Dương lần 1; Liên hoan Gia đình Văn hóa tiêu biểu tỉnh Bình Dương; Hội thi Đờn ca tài tử và Chặp cải lương năm 2019; Hội diễn nghệ thuật quần chúng “Hát về người chiến sĩ” tỉnh Bình Dương…
Cấp ủy, chính quyền các cấp và ngành chức năng quan tâm hơn đến việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở được quan tâm triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức, lồng ghép với các phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Đến nay, toàn tỉnh có 52 thiết chế văn hóa; 82% hộ gia đình, khu phố, 93% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu văn hóa; 90% hộ gia đình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Hoạt động văn học, nghệ thuật trên địa bàn tỉnh tiếp tục có nhiều đổi mới, thu hút sự hưởng ứng tham gia của đông đảo văn nghệ sỹ, nghệ nhân. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có 01 nghệ nhân nhân dân , 13 nghệ nhân ưu tú, 151 hội viên đờn ca tài tử, hoạt động ở 09 chi hội các huyện, thị xã, thành phố; Tích cực triển khai, tham gia các phong trào sáng tác hưởng ứng các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng của tỉnh; Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức trại sáng tác thường xuyên giúp các chi hội cùng các chi hội viên có dịp giao lưu, sáng tác nhiều tác phẩm, tham gia các Hội thi như “Đất và người Bình Dương” hằng năm, “Giải thưởng Huỳnh Văn Nghệ” định kỳ 5 năm tổ chức một lần.
Bên cạnh những kết quả tích cực, hoạt động văn hóa, văn nghệ của tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: công tác tổ chức xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở chưa đi vào chiều sâu; một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa đời sống văn hóa tinh thần còn nhiều hạn chế; chưa khai thác các tiềm năng, lợi thế của thiết chế văn hóa truyền thống phục vụ phát triển du lịch; xã hội hóa hoạt động văn hóa, văn nghệ còn hạn chế…
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, văn nghệ trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo, thiết nghĩ cấp ủy, chính quyền các cấp cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, Nghị quyết 23-NQ/TW và Chỉ thị 38-CT/TU về xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, qua đó góp phần nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc trong tỉnh về vai trò của văn học, nghệ thuật, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội, vì sự phát triển văn hóa bền vững toàn diện của con người.
Triển khai thực hiện có hiệu quả, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hóa, văn nghệ; gắn việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Xây dựng và phát triển các phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, khuyến khích quần chúng tham gia sáng tạo, bảo tồn, truyền dạy văn học, nghệ thuật truyền thống của dân tộc.
Quan tâm đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hóa; phát huy hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho văn hóa, văn nghệ; có cơ chế thu hút, khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật, nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn các loại hình văn hóa, nghệ thuật dân gian; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng những người có năng khiếu, tài năng sáng tạo văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện cho các văn nghệ sỹ, nghệ nhân cao tuổi có nhiều kinh nghiệm hướng dẫn, trao truyền cho đội ngũ trẻ kế cận; tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi, hội thảo, triển lãm, các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn. Tích cực tham gia Giải thưởng sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2018 - 2020, thiết thực chào mừng các sự kiện lịch sử của tỉnh trong năm./.
Vy Thảo (phòng QLVHDS&GĐ)