Du lịch Bình Dương hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch MICE và du lịch thể thao cao cấp
Bình Dương là một tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phía Nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía Bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Đông giáp tỉnh Đồng Nai, phía Tây giáp tỉnh Tây Ninh và thành phố Hồ Chí Minh. Với vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư hấp dẫn, thủ tục hành chính nhanh chóng và hệ thống hạ tầng kỹ thuật phát triển tương đối đồng bộ, Bình Dương trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, phát triển công nhiệp năng động của cả nước; công nghiệp phát triển sẽ là tiền đề thuận lợi cho ngành dịch vụ phát triển, trong đó có du lịch.
Bình Dương tuy không được thiên nhiên ưu đãi trong quá trình hình thành các vùng tự nhiên có giá trị cao trong khai thác phát triển du lịch như bãi biển, các vùng khí hậu đặc trưng,… nhưng tài nguyên thiên nhiên cũng có sự đa dạng tương đối so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với hệ thống các sông như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Thị Tính cùng với hồ Dầu Tiếng, hồ Than Thở, hồ Cần Nôm, hồ Đá Bàn, hồ Phước Hoà và các kênh rạch đã tạo ra tiềm năng phát triển du lịch nhờ hệ thống cảnh quan sông nước cùng miệt vườn cây trái xanh tốt có khả năng đầu tư phát triển các loại hình du lịch sinh thái miệt vườn, nghỉ dưỡng cuối tuần và các tour du lịch sông nước,… Bên cạnh đó, Bình Dương còn là vùng đất chiến trường xưa với nhiều địa danh đã đi vào lịch sử như Phú Lợi, Bàu Bàng, Bến Súc, Lai Khê, Nhà Đỏ, Tây Nam Bến Cát, Vĩnh Lợi,… cùng những làng nghề truyền thống đã có từ rất sớm và phát triển mạnh ở vùng “đất Thủ” như: Làng gốm sứ Chánh Nghĩa, Lái Thiêu, Tân Phước Khánh hay làng sơn mài Tương Bình Hiệp, làng chạm khắc gỗ Phú Thọ,…
Trên cơ sở tiềm năng và lợi thế đó, Bình Dương đã và đang khai thác các sản phẩm du lịch chủ yếu để phục vụ du khách đến tham quan như du lịch sinh thái miệt vườn; văn hóa lịch sử, tham quan làng nghề truyền thống kết hợp mua sắm; du lịch thể thao cao cấp; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và vui chơi, giải trí ở một số khu, điểm du lịch trên địa bàn như: Khu du lịch văn hoá, thể thao Đại Nam; Khu Phương Nam Resort; Khu du lịch Xanh Dìn Ký; An Lâm Sài Gòn River; Sài Gòn Park Resort; Khu du lịch Thuỷ Châu; Khu giải trí Đọt Chămpa, Làng tre Phú An, Bảo tàng dược cổ truyền Việt Nam (Fito Museum) – Chi nhánh Bình Dương… Từ các sản phẩm du lịch nêu trên, Du lịch Bình Dương hướng đến phát triển các sản phẩm du lịch đường sông, du lịch MICE, du lịch thể thao cao cấp như sau:
- Du lịch đường sông

Bình Dương có 4 con sông lớn chảy qua (sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông Bé và sông Thị Tính) với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp cùng những vườn cây trái xanh mướt, đây là điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư, khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái ven sông. Trong đó, khu vực ven sông Sài Gòn có cảnh quan đẹp, với mặt nước sông rộng lớn cùng những miệt vườn cây trái xanh tốt, là điều kiện thuận lợi để phát triển các khu nghỉ dưỡng cuối tuần ven sông, du lịch sinh thái miệt vườn, các tour du lịch sông nước,…phục vụ du khách. Sông Đồng Nai là một tuyến sông lớn, ven bờ tạo thành những cù lao như: cù lao Bạch Đằng, cù lao Rùa, các bãi bồi ven sông,…đây là điều kiện thuận lợi để khai thác quỹ đất ven sông, các cù lao nổi trên sông hình thành các khu du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, tham quan du lịch sinh thái vườn và các tour du lịch sông nước. Sông Thị Tính tuy không lớn, song khu vực hai bên bờ sông có cảnh quan đẹp, có khả năng khai thác du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn ven sông.
Trong thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Du lịch Tp. Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành tổ chức khảo sát tuyến du lịch tầm trung (tuyến Sài Gòn- Bình Dương- Củ chi TP.HCM) trên sông Sài Gòn với chiều dài 80 km có rất nhiều điểm đến, điểm dừng chân (khu vực ven sông và gần sông Sài Gòn) như trên địa bàn Bình Dương có Nhà hàng Dìn Ký – Chi nhánh Bình Nhâm, thị xã Thuận An; Thủ Dầu Một có nhà cổ Trần Văn Hổ, Trần Công Vàng, chùa Hội Khánh, Làng nghề Sơn mài Tương Bình Hiệp, Khu du lịch Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến,…và một số điểm đến ở địa bàn huyện Củ chi Tp. Hồ Chí Minh, để khai thác trong thời gian tới khi cầu Bình Lợi và cầu Phú Long đã được nâng cao và dở bỏ.
Với những lợi thế trên, ngày 28/8/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 4352/KH-UBND “Kế hoạch phát triển tuyến và các sản phẩm du lịch đường sông trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, là điều kiện thuận lợi để khai thác những lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, các vườn cây ăn trái ven sông kết hợp khai thác các di sản văn hóa, làng nghề truyền thống phục vụ du khách đến bằng đường sông, hình thành các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn đáp ứng nhu cầu tham quan, vui chơi giải trí của du khách trong và ngoài tỉnh. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2030, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng các bến hành khách phục vụ phát triển tuyến du lịch đường sông như: Bến Thọ An, bến Hưng Định, bến Đình Phú Long, bến Bình Nhâm, bến Rạch Sơn (thị xã Thuận An); Bến chợ Phú Cường, bến Yến Bay, bến Đại Nam, bến Chánh Mỹ, bến Cảng Bà Lụa (thành phố Thủ Dầu Một); bến Rạch Bắp, bến Đại học Thủ Dầu Một (thị xã Bến Cát); Bến Thanh Tuyền, bến Dầu Tiếng (huyện Dầu Tiếng); bến Bạch Đằng và Thạnh Hội (thị xã Tân Uyên). Song song với việc đầu tư các bến hành khách thì chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh còn kết hợp xây dựng các nhà chờ, bến đỗ xe, phương tiện trung chuyển hành khách tham quan,….
Các sản phẩm du lịch chính kết hợp với tuyến du lịch đường sông tập trung ở 3 không gian sau: (1) Không gian phía Nam (thị xã Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một và khu vực phía Nam thị xã Bến Cát); (2) Không gian phía Tây Bắc (khu vực phía Bắc thị xã Bến Cát, hồ Dầu Tiếng – núi Cậu, hành lang ven sông Sài Gòn khu vực Dầu Tiếng); (3) Không gian phía Đông (thị xã Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo). Trong đó, các sản phẩm du lịch chính phục vụ khách bao gồm: Du lịch sông nước, du lịch sinh thái miệt vườn tham quan các vườn cây ăn trái ven sông (vườn cây ăn trái Lái Thiêu, vườn cây ăn trái Phú Thọ, Tương Bình Hiệp, Tân An, Phú An, Thanh Tuyền, vườn cây ăn trái có múi như ở Tân Uyên và Bắc Tân Uyên,…); Du lịch văn hóa tham quan các di sản văn hóa (Đình Phú Long, nhà cổ ông trần Văn Hổ, nhà cổ ông Trần Công Vàng, nhà cổ ông Nguyễn Tri Quan, chợ Thủ Dầu Một, miếu Bà Thiên Hậu, chùa Hội Khánh, nhà tù Phú Lợi, Đình Tân An, địa đạo Tam Giác Sắt, chúa Thái Sơn – Núi Cậu, chùa Bà Thiên Hậu – Dầu Tiếng, di tích khảo cổ Dốc Chùa, chiến khu Đ, chiến khu Vĩnh Lợi, nhà cổ ông Đỗ Cao Thứa, Đình Tân Trạch, Rừng Kiến An, Sở Chỉ huy tiền phương chiến dịch Hồ Chí Minh, vườn cao su thời Pháp Thuộc,…); Du lịch tham quan các làng nghề truyền thống (nghề gốm sứ, nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, nghề chạm điêu khắc gỗ, lò lu Đại Hưng, làm thớt, làm guốc, làm heo đất,…); Du lịch thể thao cao cấp (đánh golf) kết hợp tham quan các khu, điểm du lịch như Khu du lịch văn hóa, thể thao Đại Nam, Phương Nam Resort, Dìn Ký, An Lâm Sài Gòn River,…
- Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng, sự kiện): Đây được xem là loại hình du lịch mang lại giá trị doanh thu cao. Bình Dương với nhiều thuận lợi, là tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, gần thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, thương mại, văn hóa lớn nhất nước, gần sân bay và có hệ thống cơ sở hạ tầng về giao thông thuận lợi, có cơ sở vật chất thuận lợi cho tổ chức nhiều sự kiện lớn như Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh, khách sạn Becamex The Mira, Đại Nam, Phương Nam resort… là điểm đến hấp dẫn về mặt đầu tư, do đó khách du lịch, doanh nhân đi du lịch kết hợp công việc, hội nghị, hội thảo là một trong những lượng khách quan trọng của tỉnh, là điều kiện thuận lợi để khai thác các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, du lịch thể thao cao cấp, du lịch MICE.
- Du lịch Thể thao cao cấp là một loại hình du lịch nổi bật của Bình Dương, trong những năm gần đây đã phát triển mạnh mẽ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch cao cấp gồm các doanh nhân sống và làm việc tại Bình Dương, dân cư có thu nhập cao ở TP. HCM và các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam bộ. Sản phẩm du lịch chính là chơi Golf, Bình Dương hiện nay có 04 sân golf là: Sông Bé, Sân golf Twin Doves Phú Mỹ, Mekong golf & Villas và Hamornie golf Park (Sân golf Tân Thành – đang vận hành thử), trong đó 03 sân golf đã và đang hoạt động, thu hút lượt khách tăng dần qua từng năm, trong đó khách quốc tế chiếm khoảng 75%, trong năm 2020 lượt khách đến chơi golf ước đạt 160.000 lượt (khách quốc tế 125.000 lượt). Nổi tiếng và lâu đời là sân golf Sông Bé (thị xã Thuận An) là một trong những sân golf đầu tiên đạt chuẩn quốc tế được công nhận bởi Hiệp hội những người chơi golf của Mỹ và Singapore; kế đến là sân golf Twin Doves Phú Mỹ ở Trung tâm Thành phố mới Bình Dương, nằm trong top 10 các sân golf Việt Nam, năm 2011 được Hiệp hội golf Việt Nam bình chọn là một trong những sân golf lớn của khu vực Đông Nam Á, được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao giấy chứng nhận và trao kỷ niệm chương sân gôn phục vụ khách du lịch tốt nhất Việt Nam năm 2019;
Với những sản phẩm định hướng phát triển trên, Du lịch Bình Dương cần tăng cường thực hiện chủ trương xã hội hoá trong quảng bá, xúc tiến du lịch trong nước và từng bước quảng bá xúc tiến ra nước ngoài, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN. Xây dựng và phát triển thương hiệu du lịch gắn với hình ảnh con người Bình Dương thân thiện mến khách; đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành trên cả nước để thu hút du khách đến Bình Dương, triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thực hiện hiệu quả chương trình phối hợp tổ chức các hoạt động hợp tác phát triển du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Đông Nam giai đoạn 2020 – 2025. Trên cơ sở đó phát huy các tiềm năng thế mạnh về du lịch để khai thác tốt các nguồn lực phát triển du lịch Bình Dương trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Tăng cường quảng bá du lịch trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Đài Truyền hình Việt Nam và khu vực, trên mạng xã hội, xây dựng App Du lịch Bình Dương, các ấn phẩm báo chí trong nước, bản đồ du lịch, làm phim tư liệu về du lịch Bình Dương… tổ chức các hội thảo, hội nghị chuyên đề, các sự kiện, hội chợ về du lịch trong nước và quốc tế.
Ngoài ra, để du lịch Bình Dương phát triển trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương trong thời gian tới theo Kế hoạch số 5822/KH-UBND ngày 21/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Du lịch Bình Dương cần đổi mới nhận thức về phát triển du lịch; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, hình thành một số sản phẩm du lịch đặc thù để phát triển bền vững; tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển du lịch; đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch; tăng cường hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư phát triển du lịch; đào tạo, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch.
QLDL