ĐÔI NÉT VỀ TÍN NGƯỠNG THỜ MẪU TAM PHỦ Ở BÌNH DƯƠNG
Năm 2016,“Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” tại 21 tỉnh thành của Việt Nam (các tỉnh từ Thừa Thiên Huế trở ra và thành phố Hồ Chí Minh) chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” (giai đoạn 2017 - 2022) vào ngày 25/7/2017 đến các tỉnh thành có loại hình di sản này nhằm bảo vệ và phát huy thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ tại địa phương.
Bình Dương vốn là một trong những vùng đất Gia Định xưa, trong quá trình lịch sử phát triển từ cuối thế kỷ XVI đầu thế kỷ XVII, lưu dân người Việt đã đến vùng đất này lập nghiệp. Họ mang theo dấu ấn của nền văn minh sông Hồng với những đặc trưng văn hóa vùng miền.

Cổng đền Bảo Hà Linh Từ (ảnh: Đỗ Thị Thanh)
Tôn giáo, tín ngưỡng được du nhập vào vùng đất Bình Dương từ khá sớm như tín ngưỡng dân gian thờ Nam thần, Nữ thần, thần Thành hoàng,.. gắn liền với quá trình khai phá lập làng. Cùng với toàn cảnh bức tranh tín ngưỡng thờ Nữ thần, Mẫu thần ở Nam bộ nói chung và Bình Dương nói riêng đã cho thấy được sự phát triển, giao lưu và tiếp biến văn hóa đan xen giữa các cộng đồng người Việt - Hoa – Chăm – Khme. Song song đó, là sự du nhập của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ hiện diện trên vùng đất này vào khoảng đầu thế kỷ XX. Dù có một thời gian dài bị cấm đoán, cho là mê tín dị đoạn… nhưng tín ngưỡng Tam phủ vẫn tồn tại và duy trì thực hành đời sống văn hóa tâm linh của người Việt từ miền Bắc di cư vào Nam.
Mẫu Tam phủ, một loại hình tín ngưỡng dân gian chứa đựng những nhân tố về một hệ thống vũ trụ luận nguyên sơ, thống nhất chia thành bốn miền do hóa thân bốn vị thánh Mẫu cai quản[1]. Đó là miền trời (Mẫu Thiên), miền đất (Mẫu Địa), miền sông nước (Mẫu Thoải) và miền núi rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Trong đó, đa số các Mẫu có nguồn gốc nhân thần đều là những người khi còn sống rất tài giỏi, có công lao với dân với nước, khi mất đi thì hiển linh và được suy tôn là Quốc Mẫu, Vương Mẫu.

Hệ thống thờ tự Mẫu Tam phủ đền Bảo Hà Linh Từ (ảnh: Đỗ Thị Thanh)
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ra đời ở một đất nước nông nghiệp mà ở đó nền canh tác lúa nước và xã hội mang tàn tích mẫu hệ có dấu ấn to lớn của vai trò người phụ nữ. Từ xa xưa, vai trò của người phụ nữ Việt Nam đã được đánh giá cao đến mức tôn sùng. Mẫu là đại diện của sự che chở, bao bọc, Mẫu cũng là đại diện của sự sinh sôi, nảy nở, trù phú. Bởi thế, mỗi khi con người cảm thấy cô đơn, thấy bơ vơ, không có nơi nương tựa, họ tìm về Mẫu để nhận được sự quan tâm, cứu giúp của “ngài” như một phản ứng rất đỗi tự nhiên.
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ có một hệ thống thờ cúng trong các đền phủ, những nghi lễ đã được chuẩn hóa trong đó nghi lễ không thể thiếu được chính là hầu bóng (lên đồng) và hát văn. Nghi lễ hầu đồng chứa đựng yếu tố ma thuật dân gian nên dẫn dụ con người bước vào một thế giới tâm linh với nhiều sắc thái biểu cảm khác nhau. Vị thần chủ của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ là Thánh Liễu Hạnh - một vị thánh của Việt Nam nằm trong danh sách bốn vị Thánh Bất tử.
Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, và thành phố Hồ Chí Minh… Nam Định là trung tâm với gần 400 điểm thờ cúng Thánh Mẫu. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội. Sức mạnh và ý nghĩa của Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ chính là đáp ứng nhu cầu và khát vọng của đời sống thường nhật của con người, cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe[2].
Việc tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ du nhập vào Nam bộ là một tất yếu của lịch sử. Tuy nhiên sự phát triển của nó vẫn còn co cụm trong một số người cộng đồng Việt từ Bắc di cư vào Nam và chưa được nhiều người biết đến. Có rất nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu nhất có lẽ là một thời bị chính quyền địa phương cấm đoán, coi nghi lễ hầu đồng được cho là mê tín dị đoan nên các ông, bà đồng khi hầu Thánh đều kín cổng cao tường, số lượng người tham dự rất hạn chế, chủ yếu là người thân quen. Do vậy, đa phần người dân ở Bình Dương hiểu tín ngưỡng thờ Tam phủ như là một hình thức lên đồng nhập hồn rồi phán. Có khi họ còn đồng nhất việc lên đồng với việc nhập hồn người chết để phán truyền, coi bói... Nhìn chung, đa phần người dân Bình Dương chưa có điều kiện để hiểu sâu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, mặc dù trong những năm gần đây tín ngưỡng này có xu hướng phát triển hơn.
Bình Dương là một tỉnh tiếp giáp với thành phố Hồ Chì Minh, nên tín ngưỡng Mẫu Tam phủ có nhiều ảnh hưởng và phát triển, Sự phân bố của các cơ sở tín ngưỡng này khá quần tụ, hiện toàn tỉnh có 23 đền, điện hoạt động thường xuyên, tập trung ở năm địa bàn chính: huyện Dầu Tiếng (6 đền), thị xã Tân Uyên (2 điện), huyện Phú Giáo (1 đền), huyện Bàu Bàng (1 đền và 3 điện) và đặc biệt thành phố Dĩ An có 10 đền. Những ngôi đền, điện đều phân bố gần nhau, có khi là xây lưng hoặc đối diện nhau và khoanh thành từng cụm: cụm Cộng đồng Bắc Lệ, đền Chầu Lục, đền Tuần Quán; cụm đền Quan Đệ Nhị, đền Bảo Hà, đền Mẫu Thượng ở thành phố Dĩ An; cụm Phủ Linh Ứng, Phủ Linh Sơn…ở huyện Dầu Tiếng; đền Thánh Mẫu ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng... Tất cả các đền ở đây đều là đền tư nhân không phải cộng đồng như ở ngoài miền Bắc. Sở dĩ, họ lập đền để phục vụ cho việc hầu Thánh được thuận tiện. Bởi theo quan niệm, khi đã trình đồng thì một năm phải có ít nhất một lần hầu Thánh. Vì cuộc sống mưu sinh phải xa xứ nếu trở về quê hương bản quán thì quá tốn kém. Để thuận cho cả đôi đường, họ thường mở điện, phủ, đền để thực hành nghi lễ hầu đồng. Những đồng đền ở Bình Dương đều là những người có kinh tế khá giả.
Tính đến thời gian hiện tại, nhận thức đúng nhằm bảo tồn và phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là một việc làm rất thiết thực. Thực tế không thể phủ nhận là tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ nói chung và nghi lễ hầu đồng, hát văn nói riêng là một hình thức diễn xướng nghi lễ dân gian có nhiều giá trị văn hóa xã hội – Một di sản văn hóa phi vật thể. Như vậy, vấn đề đặt ra là cách quản lý, thực hành di sản như thế nào để nghi lễ thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không bị thương mại hóa, bị lợi dụng để biến tướng “mê tín dị đoan”. Do vậy, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để mọi người hiểu và trân trọng di sản tín ngưỡng, đặc biệt là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng này trong việc ca ngợi những điều tốt và lên án những hành vi làm biến dạng, trục lợi, ứng dụng phát huy giá trị của nó trong đời sống nghệ thuật. Góp phần quảng bá các giá trị văn hoá nghệ thuật cổ truyền của người Việt, nhằm bảo tồn và phát huy di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” ở địa phương trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.
Ths Nguyễn Thị Lan
[1] Ngô Đức Thịnh (2012), Đạo Mẫu Việt Nam, Nxb: Thế giới, Hà Nội, tr.37