ĐÌNH THẦN BÌNH DƯƠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ TU BỔ DI TÍCH
Đình thần là một thiết chế văn hóa cổ truyền của người Việt Nam, hình thành vào khoảng đầu thế kỷ thứ XV và sớm phổ biến ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Theo dấu chân của những người khai hoang lập ấp, đình thần xuất hiện tại Bình Dương vào khoảng cuối thể kỷ XVII và tồn tại, phát triển cho đến ngày nay. Để bảo lưu những giá trị di sản văn hóa tín ngưỡng dân gian truyền thống trong các ngôi đình thần (di tích) ở Bình Dương được tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững thì việc tu bổ, phục hồi di tích hiện nay rất cần được sự quan tâm của các cấp ngành, đặc biệt là những người làm công tác chuyên môn, đầu tư công sức cho việc nghiên cứu khoa học một cách hệ thống, lưu giữ đầy đủ các tư liệu lịch sử, kiến trúc,… nhằm bảo tồn những giá trị di sản văn hóa quý của dân tộc trong hội nhập và phát triển.
Công tác Tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa là hoạt động có tính đặc thù chuyên ngành, không chỉ đơn giản là khôi phục lại như mới một công trình kiến trúc cổ truyền, mà là sự tổng hợp của nhiều mặt hoạt động phức tạp có quan hệ qua lại rất chặt chẽ như: Nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật và quá trình thi công, sản xuất v.v... Công tác tu bổ di tích phải giữ lại tối đa những yếu tố nguyên gốc của di tích; trên cơ sở khoa học đáng tin cậy... trả lại cho di tích hình dáng vốn có của nó; làm cho di tích có độ bền vững, để tồn tại lâu dài trước tác động của điều kiện khí hậu và thời gian[1]. Như vậy, muốn đạt được mục tiêu tu bổ di tích cần phải xác định chính xác giá trị của di tích về các mặt lịch sử, văn hoá, khoa học... tìm biện pháp bảo tồn nguyên trạng di tích để phát huy giá trị bền lâu, phục vụ những nhu cầu do xã hội ngày càng phát triển bền vững.
Một số hình thức tu bổ di tích như: Tu bổ quy mô lớn, Tu bổ mang tính chất sửa chữa nhỏ, Bảo quản cấp thiết, Bảo quản phòng ngừa bằng biện pháp kỹ thuật, Tính nguyên gốc của di tích. Trong đó, tính nguyên gốc là các nguyên tắc khoa học, mục tiêu tu bổ cũng như cải tạo bổ sung công năng mới cho di tích, phục vụ nhu cầu xã hội. Và một điều quan trọng là không được để tính nguyên gốc trở thành vật cản trở sự cần thiết phải cải thiện, nâng cao chất lượng sống cho con người. Sự khác biệt giữa thiết kế và thi công tu bổ di tích với việc xây dựng một công trình mới là xác định chính xác các yếu tố nguyên gốc của di tích và áp dụng tất cả các phương tiện kỹ thuật và phương án tu bổ tối ưu để giữ gìn lâu dài các yếu tố nguyên gốc.

Gian thờ chánh điện di tích Kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia đình thần Dĩ An
(ảnh Tác giả - 2020)
1. Những ngôi đình thần làng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Bình Dương là một tỉnh có vị trí địa lý thuận lợi, lịch sử hình thành vùng đất hơn 300 năm phát triển. Vào thế kỷ thứ XVI - XVII, một bộ phận dân cư người Việt từ Ngũ Quảng đã đến vùng đất này khai dựng lập làng. Trong suốt chiều dài lịch sử ấy, lưu dân người Việt và các cộng đồng cư dân khác cùng chung sống, có sự giao thoa văn hoá nhiều miền, đặc trưng và đa dạng góp phần làm nên những giá trị văn hóa mang đậm nét văn hóa vùng, cộng cư cùng phát triển rất hài hòa.
Một trong những giá trị văn hóa còn hiện tồn đến nay ở Bình Dương, đặc biệt qua các ngôi đình làng – một cơ sở tín ngưỡng văn hóa dân gian định hình và lưu truyền trong suốt chiều dài hình thành và phát triển vùng đất Thủ Dầu Một – Bình Dương, góp phần làm nên nét đẹp văn hóa truyền thống phong phú, đa dạng in đậm dấu ấn của từng giai đoạn lịch sử địa phương. Ngoài tính chất tín ngưỡng chung như đình của cả nước, đình thần ở Bình Dương còn là cơ sở hoạt động cách mạng, nơi hội họp, trú ẩn của cán bộ, chiến sĩ…qua hai thời kỳ kháng chiến chống xâm lược.
Theo số liệu kiểm kê của Bảo tàng, hiện nay toàn tỉnh có 125 ngôi đình (di tích), phân bố trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố: thành phố Thủ Dầu Một (16), Thuận An (19), Dĩ An (17); thị xã Tân Uyên (41), Bến Cát (19); huyện Bắc Tân Uyên (3), huyện Bàu Bàng (2), huyện Phú Giáo (4), huyện Dầu Tiếng (4). Đặc biệt, riêng xã Bạch Đằng, thị xã Tân Uyên có 6 ngôi đình. Đình thần Bình Dương đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa của cộng đồng cư dân địa phương. Đình là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, điểm sinh hoạt văn hóa, nơi giáo dục truyền thống và duy trì thuần phong mỹ tục của người Việt Nam.
Hiện nay, trước sự thay đổi nhanh trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh Bình Dương phần nào làm cho hệ thống cơ sở tín ngưỡng có nhiều thay đổi theo xu thế chung của xã hội. Nhất là thay đổi về các hình thức trong việc tu bổ, phục hồi di tích ngày càng xa rời với chất liệu, kỹ thuật truyền thống; nhiều lễ hội tổ chức tùy tiện hoặc đơn giản hóa làm thất truyền, mai một các giá trị văn hóa phi vật thể; việc nghiên cứu khoa học, tư liệu hóa cho các đình thần còn quá chậm; chính sách bảo tồn và phát huy di tích đình thần ở Bình Dương bước đầu có những chuyển biến đáng kể, song chưa tương xứng với số lượng 125 ngôi đình hiện đang tồn tại trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
2. Công tác bảo tồn và phát huy di tích đình thần ở Bình Dương.
Những di tích ở Bình Dương trong suốt quá trình hình thành và tồn tại cho đến nay, đình làng luôn được nhân dân đầu tư xây dựng và bảo vệ, duy tu, bảo dưỡng khá tốt. Việc tu bổ tùy vào khả năng và mức độ tài chính và quá trình xuống cấp của các di tích đình làng, ở mỗi giai đoạn lịch sử có những chuyển biến khác nhau, những ngôi đình vẫn luôn được bảo vệ với nhiều ý nghĩa nhân văn gắn với cộng đồng dân cư của địa phương.
Từ sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng và thống nhất Đất nước năm 1975, đặc biệt từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998) về “xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc”, các di sản văn hóa được chú trọng nhiều hơn, việc lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích nhất là những ngôi đình. Cùng với nguồn ngân sách nhà nước, nhân dân tiếp tục tham gia đóng góp bảo quản, tu bổ tốt cho các ngôi đình làng. Sự đóng góp của nhân dân luôn có vai trò và ý nghĩa cho việc kéo dài tuổi thọ của di tích, kể cả nhưng ngôi đình chưa xếp hạng, đây là một truyền thống tốt đẹp của cộng đồng cư dân đã được hình thành từ quá khứ, và được duy trì phát huy tới ngày nay. Cụ thể qua khảo sát, điều tra tại các ngôi đình[2], cho thấy số liệu nhiều lần trùng tu, bảo quản, tu bổ của các ngôi đình làng được thể hiện rất rõ qua các lạc khoản của các liễn đối, hoành phi... bằng chữ Hán Nôm được bày trí trong đình.
Để thực hiện nghiêm chỉnh Luật Di sản Văn hóa và thực hiện tốt công tác quản lý các di tích trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt đề án “Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Bình Dương đến năm 2010 và định hướng đến 2020” và “Ban hành quy chế về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh Bình Dương”[3]. Trong đó, có 14/125 ngôi đình đã xếp hạng di tích, (02 ngôi đình cấp quốc gia (Đình Phú Long, đình Tân An); 12 ngôi đình xếp hạng di tích cấp tỉnh (đình Phú Cường, Tương Bình Hiệp - Thủ Dầu Một), đình An Sơn - Thuận An), Đình thần - Dinh ông Ngãi thắng, đình Bình An, đình Dĩ An - Dĩ An, đình Tân Trạch, đình Dư Khách, đình Bưng Cù, đình Vĩnh Phước, đình Nhựt Thạnh - Tx.Tân Uyên, đình Dầu Tiếng - Dầu Tiếng), chiếm một tỷ lệ rất nhỏ là 11,2%.
Các ngôi đình thần xếp hạng di tích, đã thành lập các Ban (Tổ) quản lý (Tổ bảo vệ)[4] di tích chịu sự chỉ đạo và quản lý trực tiếp của UBDN xã/phường, thị trấn; chịu sự hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị, thành phố và Ban quản lý Di tích và Danh thắng tỉnh Bình Dương (thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Các ngôi đình xếp hạng di tích đã và đang được sự quan tâm các cấp ngành đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi gìn giữ công trình tồn tại khá nguyên vẹn. Kinh phí thực hiện từ nguồn ngân sách của tỉnh (đình Phú Long, đình Tân An, An Sơn, Đình thần - Dinh ông Ngãi Thắng, đình Phú Cường, đình Tương Bình Hiệp...); những ngôi đình được tu bổ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa như Bình An, đình Dĩ An, đình Bưng Cù, Vĩnh Phước,... góp phần gìn giữ di tích và tạo cảnh quan xanh – sạch – đẹp cho đình; một số ngôi đình hiện đang đầu tư tu bổ như: đình Tân Trạch, đình Dầu Tiếng (xã hội hóa),… Những ngôi đình chưa xếp hạng, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, các Ban quý tế, nhân dân địa phương và các mạnh thường quân cùng nhau duy tu bảo dưỡng, góp phần kéo dài tuổi thọ cho các ngôi đình thần.
3. Một số hạn chế trong tu bổ di tích (đình)
Công tác tu bổ theo quy trình, quy mô và chất lượng khoa học và đầu tư kinh phí là rất lớn với tình trạng hiện đang xuống cấp rất nhanh tại một số ngôi đình đã tồn tại trên 100 năm – vì các công trình này đa phần là kiến trúc gỗ, ảnh hưởng tác động của khí hậu, môi trường rất lớn; Công việc nghiên cứu, tư liệu hóa cho loại hình di tích này còn chậm; đầu tư kinh phí cho công tác tu bổ còn hạn chế, chủ yếu gia cố, duy tu, bảo dưỡng,...; thời gian thực hiện thẩm định, thi công quá chậm, có công trình từ khi tiến hàng khảo sát thực tế đến thi công mất 5 năm, thậm chí 10 chưa triển khai được,...; tình trạng mất cổ vật, di vật (sắc thần, tượng gốm, đồ đồng...) (đình Tương Bình Hiệp, đình Tân An, đình Vĩnh Phước, đình Phú Long,...); đưa các linh vật không mang giá trị truyền thống văn hóa Việt Nam vào di tích; sự phối thờ các nữ thần vào trong chánh điện của đình (Thánh Mẫu, Quan Âm, Địa mẫu...)
Tu bổ di tích là một trong những lĩnh vực chuyên môn đặc thù, khác với xây dựng cơ bản. Qua khảo sát thực tế các ngôi đình cho thấy trước khi xếp hạng di tích, việc tu bổ đình thường được sự ủng hộ của người dân, các mạnh thường quân,...do đại diện các Ban quý tế, chủ cơ sở đứng ra chủ trì thực hiện theo nhu cầu cấp thiết công trình. Do đó, có một số hạn chế nhất định như: Đưa chất liệu mới, hiện đại vào di tích cổ (màu sơn sáng đẹp, nhũ kim tuyến óng ánh, hệ thống đèn điện trang trí chiếu sáng đủ màu sắc,... Phương pháp tu bổ còn hạn chế về tay nghề, kỹ thuật cộng với chấp liệu hiện đại nên tiến hành tu bổ di tích cũng có phần làm mất đi tính mỹ thuật truyền thống như: che khuất hoặc mất nét chữ Hán Nôm (nhất là chữ hán trên các lạc khoản (là mất đi niên đại – một cứ liệu lịch sử quan trọng cho di tích)…
4. Một số kiến nghị giải pháp thực hiện trong thời gian tới.
Việc đầu tư tu bổ, phục hồi di tích đình cần có những giải pháp thiết thực, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Gìn giữ tính nguyên gốc về toàn bộ các yếu tố vật thể và phi vật từ kiến trúc, văn hóa chữ Hán Nôm, sắc phong, thần tích/thần phả của các vị thần được thờ tự trong đình; các lễ hội tổ chức, nghi thức cúng, văn cúng, các hình thức diễn xướng, ảnh tư liệu... bảo lưu giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của bao thế hệ đi trước, giới thiệu, quảng bá, nâng cao nhận thức về lịch sử, văn hóa cho thế hệ trẻ; góp phần bảo tồn và khai thác những sản phẩm đa dạng về văn hóa tín ngưỡng truyền thống, phát triển du lịch của địa phương.
Một số ngôi đình có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật sớm lập hồ sơ xếp hạng di tích đưa vào danh mục tu bổ nhằm bảo quản, duy trì tuổi thọ. Bảo quản và giữ gìn những di sản văn hóa trong thờ tự ở đình: cốt tượng gỗ, những di vật đồ đồng, những đồ gốm có ký hiệu niên đại và chữ Hán, các bao lam, phù điêu, liễn đối, hoành phi,... có niên đại cao và đạt trình độ kỹ thuật, mỹ thuật…
Về di sản văn hóa Hán Nôm được thiết trí trong đình, chứa đựng nhiều nội dung phong phú về tinh thần, tư tưởng, tình cảm của người Bình Dương đối với những người có công với nước được sắc phong là thành hoàng bản cảnh. Cần được sao chép, dập bản lưu, phiên âm, dịch nghĩa, lưu trữ hồ sơ. Khi tu bổ cần đối chiếu bản gốc, tránh mất chữ, mất nét dẫn đến sai về ngữ nghĩa. Đặc biệt, các lạc khoản ở các hoành phi, liễn đối do người dân phụng cúng đình với những đặc điểm về vùng đất, con người nơi đình tọa lạc và tuổi thọ có giá trị lịch sử của các ngôi đình cần được bảo quản, tu bổ cẩn thận.
Tăng cường và phát huy vai trò của địa phương, ban/tổ quản lý di tích, Ban quý tế phối hợp với nhà trường tuyên truyền, kết nối cộng đồng cùng chung tay bảo vệ, gìn giữ di sản đình thần, thực hiện tốt chương trình “ trường học thân thiện, học sinh tích cựu” tổ chức cho các em tìm hiểu di sản văn hóa địa phương qua các đình làng, nâng cao ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.
Cuộc sống ngày càng phát triển, nhu cầu hưởng thụ văn hóa cũng phát sinh nhiều yếu tố mới, nhất là lễ hội tín ngưỡng dân gian. Cần thiết nên cho xây dựng quy chế hoạt động lễ hội, nhằm hướng hoạt động này vào sự bảo lưu tính truyền thống, lễ hội đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh, vui chơi giải trí lành mạnh. Đồng thời cũng cần hạn chế, loại trừ các hủ tục mê tín dị đoan, tục lệ đốt giấy tiền vàng bạc, đồ mã gây lãng phí,... và nhất là việc khuyến khích người dân chú trọng việc bảo quản, tu bổ, phục hồi các cơ sở tín ngưỡng dân gian như đình làng.
Bình Dương là vùng đất của hào khí Miền Đông trong các cuộc chiến chống xâm lược. Kinh tế luôn tăng trưởng nhanh và ổn định, phát triển theo hướng công nghiệp hiện đại. Tu bổ, gìn giữ những giá trị gốc của các ngôi đình thần sẽ góp phần quan trọng trong việc phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch bền vững, đa dạng sản phẩm du lịch tìm về cội nguồn - hướng đến tương lai mang nhiều ý nghĩa nhân văn cao.
[2] Thực hiện công trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh, đề tài: Tìm hiểu liễn, đối Hán – Nôm trong các đình, chùa, miếu ở Bình Dương, do TS. Huỳnh Ngọc Đáng làm chủ nhiệm, năm 2014 – 2015.
[3] Theo Quyết định số 5979/QĐ – UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương; và Quyết định số 74/2007/QĐ-UBND, ngày 26/07/2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương..
[4] Thành phần tham gia Tổ quản lý (Tổ bảo vệ) di tích, gồm những người kiêm nhiệm: Chủ tịch/phó chủ tịch xã/phường – Tổ trưởng; Chủ tịch UBMTTQ xã/phường – Tổ phó; Chủ sở hữu/ban cai quản/ban quý tế/trụ trì chùa – thành viên; Chủ tịch Hội người cao tuổi xã/phường – thành viên; Công chức văn hóa xã hội xã/phường – thành viên; Bí thư đoàn thanh niên xã/phường – thành viên; Trưởng ban điều hành khu phố/ấp – thành viên.