DI TÍCH DANH LAM THẮNG CẢNH TỈNH BÌNH DƯƠNG ĐỊA THẾ HẤP DẪN PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI, TÂM LINH
Bình Dương, có địa hình nhấp nhô là nơi chuyển tiếp từ cao nguyên xuống đồng bằng, có ba con sông lớn chảy qua sông Đồng Nai, Sài Gòn và Sông Bé tạo nên địa thế hấp dẫn trong du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Từ lâu, Bình Dương có vùng cây trái Lái Thiêu nổi tiếng khắp Nam Bộ…. Đặc biệt, Bình Dương có hai thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp quốc gia Núi Châu Thới và di tích cấp tỉnh Núi Cậu - Lòng Hồ Dầu Tiếng.
Di tích danh lam thắng cảnh là cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp giữa cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị lịch sử, thẩm mỹ, khoa học. Danh lam thắng cảnh phải có một trong các tiêu chí sau đây: Cảnh quan thiên nhiên hoặc địa điểm có sự kết hợp cảnh quan thiên nhiên với công trình kiến trúc có giá trị thẩm mỹ tiêu biểu; Khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù hoặc khu vực thiên nhiên chứa đựng những dấu tích vật chất về các giai đoạn phát triển của Trái Đất.
Địa hình Bình Dương mang đặc trưng của vùng trung du tiếp giáp giữa vùng núi cao Nam Trường Sơn và đồng bằng – châu thổ thấp thuộc hạ lưu sông Đồng Nai, sông Cửu Long. Phần lớn địa hình tự nhiên trong tỉnh thuộc dạng “bán bình nguyên”, gồm những dãy đồi, gò với thế đất cao, những bình nguyên phẳng rộng, xen lẫn những đầm lầy, những thung lũng thấp trũng. Đặc biệt trên những dãy đồi thấp lượn sóng, hình thành một số ngọn núi có độ cao không lớn, đỉnh bằng, sườn dốc như: Núi Ông, núi Tha La, núi Đất, núi Châu Thới, núi Chùa… Các ngọn núi đơn độc nổi lên giữa bền mặt tương đối bằng phẳng tạo nên cảnh quan thiên nhiên khá thơ mộng.

Cổng chùa Châu Thới – Dĩ An (Nguồn: Tác giả - 2016)
Trên địa bàn tỉnh có ba con sông lớn: Sông Bé theo ranh giới phía bắc tỉnh, sông Đồng Nai theo ranh giới phía đông và sông Sài Gòn chảy xuôi theo hướng tây – bắc – đông nam theo ranh giới phía nam tỉnh. Ngoài ra còn có nhiều dòng chảy nhỏ, là chi lưu vực sông Bé, sông Đồng Nai, đưa nước ngọt đi khắp nơi như sông Thị Tính, các suối giai, suối cái, suối Mã Đà và nhiều rạch lớn, nhỏ. Gắn với sông Sài Gòn và sông Đồng Nai có các cù lao và dải đất màu mỡ ven sông là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, khí hậu mát mẻ hiền hòa… tạo nên địa thế hấp dẫn trong du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng lý tưởng.
Khí hậu Bình Dương cùng với các tỉnh khác khu vực Nam Bộ thuộc tính khí hậu cận xích đạo với đặc trưng là nhiệt độ cao, quanh năm nóng ẩm. Ngoài ra, Bình Dương cũng chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, với đặc trưng là sự phân chia khí hậu thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình khoảng 260C – 270C, độ ẩm khoảng 82%, lượng mưa trung bình khoảng 1.800mm – 2.000mm. Với khí hậu thuận lợi, từ lâu Bình Dương có vùng Lái Thiêu vườn trái cây nhiều chủng loại nổi tiếng khắp Nam Bộ.
Từ những nhân tố về vị trí địa lý, địa hình, khí hậu… Bình Dương với nhiều dạng địa hình khác nhau, đặc điểm đồi gò, núi thấp tạo nên những địa danh thắng cảnh đẹp được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh (Núi Châu Thới, núi Cậu - lòng hồ Dầu Tiếng)
Danh lam thắng cảnh Núi Châu Thới cao 82 mét, diện tích khoảng 25ha, nằm ở vùng đồng bằng gần khu dân cư của các tỉnh thành: Bình Dương, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh. Trên núi có chùa Hội Sơn - ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương (Bình An, Dĩ An, Bình Dương) được xây vào năm 1612, do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp lên đồi Châu Thới cất một thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới nằm trong khu vực danh thắng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử của tỉnh Bình Dương. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhờ vào địa thế hiểm trở tại đây nhiều người yêu nước đã ẩn náu, tụ hợp để hoạt động. Bước sang giai đoạn kháng chiến chống đế quốc Mỹ, chùa núi Châu Thới là nơi ẩn náu của nhiều cán bộ, chiến sĩ hoạt động cách mạng.

Danh thắng Núi Châu Thới - Dĩ An (Nguồn: Tác giả - 2016)
Chùa Núi Châu Thới là một quần thể kiến trúc đa dạng được xây dựng và tu bổ vào nhiều thời điểm khác nhau. Nét nổi bật về trang trí kiến trúc của chùa là dùng nhiều mảnh gốm sứ màu sắc gắn kết đắp thành hình con rồng dài đặt ở đầu đao của mái chùa và có chín hình rồng thế hướng về nhiều phía. Đến nay, chùa không còn lưu giữ được đầy đủ những long vị và Tháp của các vị thiền sư khai sơn mà chỉ thờ các tổ bằng tượng gỗ chạm và một số long vị của các hòa thượng từ thế hệ truyền thừa đời thứ 40 của phái Lâm Tế dòng Bổn Nguyên như: Hồng Kiềm (đời 40), Nhật Liên (đời 41), Nhật Tâm (đời 41), Lệ Thiên (đời 42), Lệ Huệ (đời 43). Núi Châu Thới được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là danh thắng cấp quốc gia theo Quyết định số 451VH/QĐ ngày 20/4/1989.
Núi cậu – lòng hồ Dầu Tiếng (ấp Tha La, xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương), di tích là cụm danh thắng đẹp của tỉnh Bình Dương, được kết hợp bởi sông nước - núi đồi tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình... Quần thể núi Cậu gồm 21 ngọn núi (7 ngọn lớn và 14 ngọn nhỏ) xếp thành hình chữ U. Ngọn núi cao nhất là Núi Cửa Ông cao 295m, Núi Ông cao 285m, Núi Tha La cao 198m và núi thấp nhất là Núi Chúa cao 63m. Bốn ngọn núi này gắn liền với nhau tạo thành một dãy núi nhấp nhô kéo dài. Đặc biệt, dãy núi Cậu có hình dáng như hai yên ngựa nên người dân địa phương còn gọi là Yên ngựa 1 (Núi Cửa Ông và Núi Ông), Yên ngựa 2 là (Núi Tha La). Vùng Núi Cậu có trữ lượng cao nên thảo mộc thiên nhiên trù phú và ở đây còn có các loại gỗ quý như: gõ, căm xe, gián hương, bằng lăng và nhiều loại thảo mộc khác… nơi sinh sống của nhiều loài động vật như: Nai, mễn, heo rừng,…. Khu vực núi Cậu còn có suối Trúc uốn lượn theo những triền đá. Trên đỉnh núi có ngôi miếu thờ “Cậu Bảy” và nhiều tảng đá tạo thành những hình tượng vô cùng hấp dẫn.
Lòng hồ Dầu Tiếng là một công trình thủy lợi với diện tích rộng trên 27.000ha, có sức chứa 1,5 tỷ mét khối nước. Hồ có khả năng tưới tiêu cho hàng trăm ngàn hecta hoa màu của các tỉnh: Tây Ninh, Bình Dương, Long An và Thành phố Hồ Chí Minh. Là khu vực có khả năng khai thác du lịch với nhiều thể loại như: nghỉ dưỡng, leo núi, cắm trại, du thuyền trên hồ, trong tổng cảnh quang đẹp ấy còn có chùa thuận tiện cho khách hành hương vãn cảnh chùa thanh tịnh viếng Phật, thưởng ngoạn ngôi Đại Tháp cao 36m có 09 tầng, tượng Quan Thế Âm cao 12m, chánh điện, điện ngọc cũng được xây dựng theo lối kiến trúc cổ lầu. Núi Cậu – Lòng Hồ Dầu Tiếng được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng di tích danh thắng cấp tỉnh tại Quyết định số 3566/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2007.
Dọc theo các dòng sông (Đồng Nai, Sài Gòn và Sông Bé), suối lớn hình thành các khu du lịch sinh thái như: Khu du lịch hồ Bình An, khu du lịch Thủy Châu (Dĩ An); Khu du lịch Thanh Cảnh, khu du lịch Phương Nam (Thuận An); Khu du lịch Hàn Tam Đẳng, khu du lịch Bạch Đằng (Tân Uyên); Làng tre Phú An (Bến Cát)... Đặc biệt, Bình Dương có khu du lịch Đại Nam - một khu du lịch nhân tạo có: Chùa, thành, biển, hồ, sông, núi, khu vui chơi giải trí... Tất cả làm toát lên vẻ đẹp, bề thế của một khu du lịch mang tầm cỡ quốc gia và khu vực.
Bảo tồn danh lam thắng là giữ gìn một cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái lý tưởng, một cảnh đẹp, khai thác du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng và giá trị tiềm năng khai thác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương.
Văn Thị Thùy Trang