Đề cương Văn hóa năm 1943 nền tảng sáng tạo và tổ chức hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương
Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 (Đề cương), là cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta về văn hóa. Đề cương đưa ra 3 nguyên tắc vận động của văn hóa Việt Nam trong giai đoạn này là “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” phù hợp với yêu cầu của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân. Nguyên tắc “Dân tộc hóa” là chống mọi ảnh hưởng nô dịch, thuộc địa, khiến cho văn hóa Việt Nam phát triển độc lập; khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự cường, chống tư tưởng tự ti và miệt thị văn hóa dân tộc.

Hình ảnh: Biểu diễn chương trình nghệ thuật của Đoàn ca múa nhạc dân tộc.
Nguyên tắc “Khoa học hóa” là đánh đổ mọi nhận thức sai lầm về con đường phát triển của xã hội, chống lại những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ, chống lại tư tưởng nô dịch, những quan niệm duy tâm, siêu hình đang đè nặng lên đời sống tinh thần của nhân dân; tính khoa học đã chỉ đường cho các hoạt động văn hóa hướng vào mục tiêu phát triển đất nước, con người; tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; kế thừa những giá trị nội sinh của văn hóa truyền thống, đồng thời xác lập giá trị văn hóa mới. Nguyên tắc “Đại chúng hóa” là chống lại mọi chủ trương, hành động làm cho văn hóa phản lại đại chúng hoặc xa đông đảo nhân dân; hướng mọi hoạt động văn hóa vào phục vụ đông đảo quần chúng nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của quần chúng, nhân dân, tạo sự phấn khởi, hăng hái thực hiện các nhiệm vụ cách mạng.
Đề cương văn hóa năm 1943 - Nền tảng định hướng hoạt động văn hóa - văn nghệ
80 năm qua, những tư tưởng chỉ đạo, những giá trị cốt lõi của Đề cương Văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị, soi đường, định hướng cho tiến trình phát triển của văn hóa Việt Nam. Qua các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, Đảng ta đã kế thừa sâu sắc những luận điểm trong Đề cương và phát triển những giá trị lý luận này lên một tầm cao mới; Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết khẳng định vai trò to lớn của văn hóa và chỉ rõ đường lối phát triển văn hóa, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước trong từng giai đoạn cách mạng. Riêng lĩnh vực hoạt động văn hóa - văn nghệ, Đảng ta cũng đưa ra những quan điểm chỉ đạo cụ thể như sau: “… văn hóa - văn nghệ là bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về Chân - Thiện - Mỹ. Nhiệm vụ trung tâm của văn hóa - văn nghệ nước ta là góp phần xây dựng con người Việt nam về trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, tình cảm, lối sống, có nhân cách tốt đẹp, có bản lĩnh vững vàng ngang tầm sự nghiệp đổi mới”, “Mọi hoạt động văn hóa - văn nghệ phải nhằm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho sự phát triển xã hội”, “Nâng cao tính chiến đấu của các loại hoạt động văn hóa - văn nghệ, khẳng định mạnh mẽ và sâu sắc những nhân tố mới, những giá trị cao đẹp của dân tộc ta, khắc phục những gì cản trở quá trình đi lên của đất nước”, “Bảo đảm dân chủ tự do cho mọi sáng tạo và hoạt động văn hóa - văn nghệ, vun đắp tài năng, đồng thời đề cao trách nhiệm của văn - nghệ sĩ trước công chúng, dân tộc và thời đại”, “Văn hóa - nghệ thuật là sự nghiệp của toàn xã hội. Phát triển các hoạt động văn hóa - nghệ thuật của Nhà nước, tập thể và cá nhân theo đường lối của Đảng và sự quản lý của Nhà nước. Khắc phục tình trạng hành chính hóa và xu hướng thương mại hóa trong lĩnh vực này”…
Bám sát định hướng “dân tộc, khoa học, Đại chúng” để sáng tạo, tổ chức hoạt động văn hóa - văn nghệ
Hòa trong dòng chảy hoạt động văn hóa - nghệ thuật của cả nước, Trung tâm Văn hóa tỉnh và Đoàn ca múa nhạc dân tộc Bình Dương trước đây và ngày nay là Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương luôn bám sát 3 nguyên tắc “dân tộc”, “khoa học”, “đại chúng” theo sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để sáng tạo nên nhiều giá trị nghệ thuật và tổ chức các hoạt động văn hóa - văn nghệ, phục vụ có hiệu quả đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn toàn tỉnh:

Tổ chức Hội thi Nghệ thuật quần chúng năm 2022
* Về hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật (Trung tâm) đã và đang từng bước đổi mới phương thức tổ chức hoạt động, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ và giao lưu văn hóa cho mọi lứa tuổi, tầng lớp nhân dân: Công tác cổ động trực quan được thực hiện qua nhiều hình thức panô, áp phích, khẩu hiệu, triển lãm…, kịp thời chuyển tải những thông tin thời sự đến với nhân dân. Đội Tuyên truyền lưu động với những tiểu phẩm được dàn dựng công phu, nội dung bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị cũng như thực tiễn cuộc sống nên đã phát huy hiệu quả, giúp người dân thông hiểu và nâng cao ý thức thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác, bài trừ hũ tục, mê tín dị đoan, tha hóa đạo đức, lối sống… góp phần xây dựng con người mới, nếp sống mới, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng do trung tâm tổ chức đã tạo ra sân chơi bổ ích cho mọi đối tượng công chúng, khơi gợi tính năng động, tham gia sáng tạo của cộng tác viên và hội viên các câu lạc bộ, đội nhóm; thông qua chủ đề của từng cuộc thi, nội dung tuyên truyền nhiệm vụ chính trị của đất nước, của địa phương được lồng ghép hiệu quả và công tác giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước cho các thế hệ cũng được phát huy…
* Về hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp: Hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp theo định hướng dân gian dân tộc, Trung tâm giao cho Đoàn ca múa nhạc dân tộc không ngừng nghiên cứu, sưu tầm nghệ thuật dân gian trong tỉnh để sáng tạo nên nhiều giá trị nghệ thuật; phát huy trực tuyến “dân tộc truyền thống”, đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới làm cho chương trình biểu diễn mang hơi thở thời đại và đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đội ngũ sáng tác (đạo diễn, biên đạo, nhạc sĩ…) của Trung tâm luôn giữ vững quan điểm “nghệ thuật vị nhân sinh”, hướng về công chúng đổi mới tư duy sáng tạo bằng những phương thức biểu đạt mới và tận dụng tối đa công nghệ hiện đại, khoa học để hình thành nên những tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, đặc biệt là những tác phẩm phản ánh cuộc sống chiến đấu, lao động của nhân dân nói chung, của đất và người Bình Dương nói riêng qua các thời kỳ lịch sử dân tộc. Trung tâm thường xuyên điều tra, nắm bắt nhu cầu tiếp nhận nghệ thuật của công chúng hiện tại và dự báo, dự liệu sự xuất hiện nhu cầu mới trong thời gian tiếp theo, làm cơ sở cho việc xây dựng chương trình tiết mục để chương trình biểu diễn sau đạt chất lượng cao hơn chương trình trước, đáp ứng đa dạng nhu cầu của nhiều đối tượng công chúng.
Đưa nghệ thuật đến với nhân dân và đưa nhân dân đến với nghệ thuật là mối quan hệ hai chiều, vừa kích thích sự sáng tạo nghệ thuật của nghệ sĩ diễn viên, vừa nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân; vì vậy, hoạt động biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc dân tộc không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn định hướng nhu cầu, sở thích thưởng thức nghệ thuật của công chúng hướng đến Chân - Thiện -Mỹ, đúng với đường lối văn hóa - văn nghệ của Đảng. Ngoài việc nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật, Trung tâm còn quan tâm đến việc giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ diễn viên để diễn viên có quan điểm nghệ thuật đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng, nhận thức được trọng trách thiêng liêng cao quí của mình đối với xã hội, bởi lẽ ở thời đại nào cũng vậy, nhân dân luôn yêu mến và dành cho nghệ sĩ những tình cảm đặc biệt, đồng thời họ cũng có quyền đòi hỏi cao ở nghệ sĩ về tài năng và trách nhiệm.
Thực hiện nhiệm vụ sáng tạo và tổ chức hoạt động văn hóa - nghệ thuật theo định hướng “dân tộc - khoa học - đại chúng” trong thời kỳ cách mạng 4.0, chuyển đổi số, tập thể viên chức, diễn viên, người lao động Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật quyết tâm nỗ lực đem hết khả năng, nhiệt huyết công tác tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, năng động, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, góp phần đưa sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật tỉnh Bình Dương không ngừng phát triển, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và nhân dân tỉnh nhà, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Văn hóa, văn nghệ là một mặt trận. Anh chị em văn nghệ sĩ là chiến sĩ trên mặt trận ấy”.
Với mục tiêu phấn đấu vươn lên tầm cao mới, Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật sẽ không ngừng phấn đấu để mỗi nội dung hoạt động, mỗi tác phẩm nghệ thuật, mỗi buổi biểu diễn đều đạt chất lượng cao, hướng công chúng đến những giá trị thẩm mỹ, góp phần xây dựng những chuẩn mực đạo đức để hình thành con người mới, nếp sống mới, trong xã hội văn minh, hiện đại, phù hợp với tình hình thực tế của Bình Dương./.
Trần Thanh Sơn