Dấu ấn của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật Bình Dương qua 03 chương trình tham gia Hội thi, Liên hoan, Hội diễn toàn quốc năm 2022
Thực hiện các chương trình Hội thi, Liên hoan, Hội diễn năm 2021, 2022 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương giao Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật xây dựng 03 chương trình nghệ thuật tham gia hội thi, liên hoan, hội diễn cấp quốc gia do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, gồm: Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử quốc gia lần thứ III - năm 2022 (từ ngày 06 đến ngày 11/4/2022 tại Cần Thơ); Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt II - năm 2021 (từ ngày 16 đến ngày 30/6/2022 tại Buôn Ma Thuột, do dịch bịnh Covid-19 đã lùi thời gian sang năm 2022); Hội diễn Tiếng hát Công nhân và Người lao động toàn quốc - năm 2022 (từ ngày 06 đến ngày 09/7/2022 tại Bắc Ninh), do Cục Văn hóa cơ sở và Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì.

Đoàn Bình Dương tại Liên hoan Đờn ca tài tử Quốc gia Lần thứ III – Cần Thơ năm 2022
Nhằm nâng cao hoạt động biểu diễn Nghệ thuật và tham gia các Hội thi đạt hiệu quả cao nhất. Ban lãnh đạo Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật tỉnh (Trung tâm) đã tập trung đầu tư xây dựng chương trình cùng với sự nỗ lực rất lớn của tập thể viên chức, đội ngũ diễn viên, cộng tác viên để tập luyện các tiết mục cho hội thi và song song đó Trung tâm còn triển khai tổ chức các cuộc biểu diễn phục vụ ở huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh theo chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong năm; đồng thời xây dựng nhiều chương trình nghệ thuật phục vụ các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị của địa phương như: “Kỷ niệm 25 năm Bình Dương phát triển”, “Kỷ niệm 47 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất Đất nước”, “Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”,… Tuy nhiên, với tinh thần say mê nghệ thuật, khắc phục khó khăn trong tình hình dịch bịnh Covid – 19 và cơ sở vật chất,… Nhưng để đáp ứng nhu cầu phục vụ Nhân dân hưởng thụ văn hóa, văn nghệ. Đội ngủ viên chức, diễn viên nhất là bộ phận sáng tác dàn dựng của Trung tâm đã tập trung trí tuệ, phát huy năng lực, cộng đồng trách nhiệm, quyết tâm đem đến các hội thi chương trình nghệ thuật đặc sắc, đặc trưng văn hóa địa phương và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Và sự nỗ lực của tập thể viên chức và đội ngũ cộng tác viên Trung tâm đã được đền bù xứng đáng. Qua tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc trong 6 tháng đầu năm 2022, các tiết mục của cả ba chương trình dự thi đã tạo được ấn tượng mạnh mẽ đối với Hội đồng Giám khảo và bạn bè đồng nghiệp, nhiều chuyên gia nghệ thuật đã đánh giá cao về sự sáng tạo và thủ pháp dàn dựng, cụ thể như:
Chương trình “Hội thi Nghệ thuật đờn ca tài tử quốc gia”, với chủ đề “Giai điệu phương Nam” Trung tâm đã thành công trong việc chọn lựa các bài bản ca 3 Nam, 6 Bắc của nghệ thuật đơn ca tài tử cải lương như: “Ngũ đối hạ”, “Tứ đại oán”, “Tây thi”, Liên khúc “Nam xuân, Nam ai, Nam đảo”, “Vọng cổ - nhịp 16”; đồng thời sáng tác lời mới để giới thiệu đến Hội thi một Bình Dương năng động, sáng tạo trong xây dựng quê hương từ một tỉnh thuần nông trở thành địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa cao của cả nước. Chương trình được ban tổ chức và hội đồng ban giám khảo đánh giá là một trong năm Đoàn xuất sắc, có định hướng tốt trong việc bảo tồn và phát triển nghệ thuật đờn ca tài tử cải lương.
Chương trình “Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc”, với chủ đề “Bình Dương - Đất ấm tình người”, đã khắc họa bức tranh sinh động của quê hương đất Thủ Dầu Một - Bình Dương từ khi khai hoang mở đất đến một Bình Dương năng động, phát triển vượt bậc như ngày nay và nổi bặc bởi nét đặc trưng văn hóa về nghể thủ công truyền thống đậm chất “Đất và Người”. Bằng thủ pháp kết cấu nonstop, kết hợp giữa nghệ thuật dân gian và đương đại, được thể hiện qua hình thức Broadway (nhạc kịch), chương trình đã tạo hiệu quả bất ngờ và gây tiếng vang lớn trong Hội diễn bởi nghệ thuật độc đáo và sức hấp dẫn của từng tiết mục. Đặc biệt, việc sử dụng dàn nhạc dân tộc với các nhạc cụ tự chế tác bằng các sản phẩm sinh hoạt đời thường và đặc trưng như tre nứa, các loại đồ gốm sứ (chén, lu, bình) để đệm cho các tiết mục ca và múa độc lập, đã đưa người xem từ ngạc nhiên này đến thú vị khác và được Hội đồng Giám khảo đánh giá là một “dấu ấn về sáng tạo nghệ thuật” bởi là sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật dân gian và đương đại trong Liên hoan lần này.
Chương trình Hội diễn “Tiếng hát Công nhân và Người lao động toàn quốc”, với chủ đề “Bình Dương - Thanh âm ngày mới” được xây dựng theo phong cách hiện đại, tiết tấu trẻ trung; các tiết mục được kết cấu liền mạch như một câu chuyện kể, phản ánh nhịp sống năng động của Bình Dương với những âm thanh ngày mới: Đó là nhịp bước rộn ràng của người lao động trên những công trình, nhà máy; là tiếng reo vui của thế hệ trẻ vào giảng đường, lớp học; là nhịp sống sôi động của các đô thị - người xe xuôi ngược… Tất cả là bản hòa ca tràn đầy sức sống, năng động của một Bình Dương trong xây dựng và phát triển theo công nghiệp hóa, hiện đại hóa, văn minh và nghĩa tình.
Theo Quy chế hội thi, liên hoan, hội diễn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì: Số lượng huy chương Vàng, Bạc được tặng cho tiết mục theo tỷ lệ không quá 35% trên tổng số tiết mục dự thi của các Đoàn. Nhưng qua tính chất chương trình và nhất là chất lượng nghệ thuật của 03 chương trình mà Trung tâm tham gia có những bức phá, sáng tạo mới lạ, đạt đến đỉnh điểm nghệ thuật nên đều được tặng thưởng Huy chương Vàng và các tiết mục dự thi trong mỗi chương trình đều đạt trên 50% số lượng huy chương vàng, bạc, cụ thể: Chương trình “Giai điệu phương Nam”, với 05 tiết mục dự thi được tặng thưởng Huy chương Vàng giải chương trình và 04 huy chương giải tiết mục (02 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc); Chương trình “Bình Dương - Đất ấm tình người”, với 12 tiết mục dự thi được tặng thưởng Huy chương Vàng giải chương trình và 06 huy chương giải tiết mục (03 Huy chương Vàng, 03 Huy chương Bạc); Chương trình “Bình Dương - Thanh âm ngày mới”: Với 06 tiết mục dự thi được tặng thưởng Huy chương Vàng giải chương trình và 04 huy chương giải tiết mục (02 Huy chương Vàng, 02 Huy chương Bạc).
Để đạt được kết quả nêu trên là do Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật đã có sự tập trung cao và chú trọng đầu tư sáng tạo nghệ thuật, phát huy nghệ thuật văn hóa truyền thống dân tộc, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa nghệ thuật của các nước trên thế giới,… làm cho các chương trình biểu diễn phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, phù hợp thời đại và sự biến đổi nhanh chóng của sân khấu ca múa nhạc. Qua ba lần tham gia hội thi, liên hoan, hội diễn toàn quốc đều đạt Huy chương Vàng giải chương trình, có thể khẳng định đây là một thành tích vượt bậc của Trung tâm, đặc biệt là Huy chương Vàng giải chương trình trong “Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc” được xem là một kỳ tích, vì đây là Huy chương vàng đầu tiên đạt được trong suốt quá trình tham gia cuộc thi chuyên nghiệp cấp quốc gia của Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh Bình Dương (nay thuộc Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh).
Qua kết quả đạt được của 03 cuộc hội thi, liên hoan, hội diễn lần này Trung tâm đã rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu, đó là: (1) Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, Uỷ ban nhân dân tỉnh; các sở, ban, ngành có liên quan và đặc biệt là lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch về định hướng trong hoạt động nghệ thuật phục vụ Nhân dân, thì việc tìm hướng đi đúng để nâng cao hiệu quả hoạt động, phát triển nghệ thuật trong cơ chế thị trường rất cần sự chung tay, nổ lực của tập thể viên chức, diễn viên trong đơn vị là điều kiện “cần” để đạt hiệu quả cao nhất; (2) Đội ngũ diễn viên yêu nghề, say mê công việc, lao động với tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm cao, tổ chức kỷ luật chặt chẽ và đoàn kết nội bộ là nhân tố thiết yếu cho sự tập trung trí tuệ dẫn đến sự thành công trong mọi hoạt động của Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật; (3) Đào tạo bồi dưỡng để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ thuật biểu diễn cho đội ngũ diễn viên không được xem là giải pháp tình thế mà phải là một việc làm liên tục và lâu dài; (4) “Thành tích như một quê diêm chỉ đốt lên và sáng được một lần”; vì vậy, hoạt động nghệ thuật không nên tự mãn với những kết quả đã đạt được mà phải luôn luôn tìm tòi, mạnh dạn đổi mới, tiếp thu gia trị truyền thống và sáng tạo nghệ thuật áp dụng công nghệ 4.0 để phù hợp và đáp ứng nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật ngày càng cao của các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn hóa - nghệ thuật trong thời kỳ mới” và Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của BCH TW Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước./.
Trần Thanh Sơn