Chấn hưng văn hóa dân tộc để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
Sáng 24-11, tại tại Phòng họp Diên Hồng, nhà Quốc hội (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh.
Trong phiên họp buổi sáng, hội nghị đã thông qua Báo cáo tóm tắt về việc "Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Các đại biểu đã cùng nhau điểm lại quá trình phát triển văn hóa của dân tộc qua phim tài liệu "Văn hóa soi đường quốc dân đi".

Các đại biểu tham dự Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại điểm cầu Bình Dương
Hội nghị đã tiếp nhận hơn 150 bài tham luận của các đại biểu trong cả nước. Tại phiên họp buổi sáng, các đại biểu đã lắng nghe bài tham luận về "Tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng" của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bài tham luận của các đại biểu đến từ Thủ đô Hà Nội, Thừa Thiên Huế, An Giang, các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ vai trò của văn hóa trong tiến trình phát triển của đất nước qua các thời kỳ lịch sử; đường lối, quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về phát triển sự nghiệp văn hóa. Qua đó, Tổng Bí thư khẳng định ý nghĩa đặc biệt của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần này, trong đó ghi nhận vị trí, vai trò rất quan trọng của văn hóa. Đồng thời nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hoá Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hoá vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.
Tuy nhiên, Tổng Bí thư cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực văn hóa, trong đó văn hoá chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc và chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị; chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hoá trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí. Thiếu những tác phẩm văn hoá, văn học, nghệ thuật lớn, tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp đổi mới, có tác dụng tích cực đối với việc xây dựng đất nước, xây dựng con người. Môi trường văn hoá vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực. Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hoá giữa các vùng, các miền còn lớn.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh 6 nhóm nhiệm vụ, 4 nhóm giải pháp cần phải tổ chức triển khai để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới. Trong đó, phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi"; phát huy giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Thế Thuật (VPS)