Bình Dương: Phong trào tập luyện thể dục thể thao ngày càng phát triển
Thể dục thể thao (TDTT) quần chúng được xác định là đòn bẩy, là tiền đề cho sự phát triển thể thao thành tích cao. Chính vì vậy, trong những năm qua, được sự quan tâm và chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, Ngành TDTT đã không ngừng nỗ lực trong việc đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, lợi ích, tác dụng của việc tập luyện TDTT đối với sức khỏe.
Với nhiều nội dung, hình thức phong phú, các hoạt động TDTT quần chúng được tổ chức thường xuyên, trong đó, điển hình là phong trào "Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại", "khoẻ để lập nghiệp, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc"... các hoạt động đó đã diễn ra sôi nổi, thu hút hàng triệu người tham gia; các chỉ tiêu về hoạt động TDTT tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thể hiện rõ nét ở số lượng người tham gia thường xuyên ở mỗi lần tổ chức. Nổi bật có câu lạc bộ Chạy bộ tỉnh Bình Dương, đã thu hút trên dưới 1000 hội viên đến từ các cơ quan, tổ chức tham gia tập luyện. Qua tổng kết Chiến lược, Quy hoạch phát triển TDTT đến năm 2020; công tác TDTT của tỉnh Bình Dương đã đạt được những kết quả quan trọng cả về TDTT quần chúng lẫn thể thao thành tích cao. Phong trào TDTT quần chúng thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia tập luyện, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng cuộc sống; Các giải thi đấu thể thao quần chúng được tổ chức lồng ghép với các hoạt động văn hoá, văn nghệ vào những dịp lễ lớn đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Từ đó, góp phần tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của đông đảo người dân trong việc tham gia các hoạt động TDTT để nâng cao sức khoẻ của bản thân, gia đình và cộng đồng. Nhiều công viên, hoa viên tại các góc đường có bố trí hệ thống cây xanh, đèn chiếu sáng và các công cụ luyện tập TDTT ngoài trời phục vụ cộng đồng được các địa phương quan tâm đầu tư xây dựng.
Công tác giáo dục thể chất, hoạt động TDTT trong học đường đạt được nhiều kết quả tích cực; Số trường thực hiện tốt chương trình giáo dục thể chất chính khóa đạt 100%, số trường học thực hiện tốt hoạt động TDTT ngoại khoá đạt 65%, số học sinh, sinh viên đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể theo quy định đạt 97%. Công tác rèn luyện TDTT trong lực lượng vũ trang của tỉnh đã đi vào nề nếp và được kiểm tra thường xuyên theo định kỳ hàng năm. Kết quả kiểm tra hàng năm 100% cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đạt tiêu chuẩn rèn luyện thể lực.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hoá cũng được Ngành TDTT quan tâm, đẩy mạnh thực hiện, kết quả cụ thể đã có nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã đầu tư xây dựng sân chơi thể thao mới như bể bơi, sân bóng đá cỏ nhân tạo, các phòng tập thể dục thẩm mỹ, thể hình… với kinh phí đầu tư hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng. Ở cơ sở, một số nhà văn hóa có khuôn viên rộng đã chủ động huy động xã hội hóa đầu tư một số thiết bị tập luyện TDTT như: sân cầu lông, sân bóng đá… phục vụ cho nhu cầu tập luyện TDTT của nhân dân. Trong đó thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Dĩ An là những đơn vị điển hình. Cụ thể, tại thành phố Dĩ An đã thành lập 113 câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, TDTT đang hoạt động có hiệu quả. Bên cạnh đó, các thiết chế văn hóa, thể thao nơi đây được quan tâm đầu tư nâng cấp và xây dựng mới như Trung tâm văn hóa, Nhà truyền thống, Công viên văn hóa suối Lồ Ồ, Trung tâm văn hóa - thể thao các phường Dĩ An, Tân Bình, Bình Thắng và đang triển khai dự án Khu di tích Suối Mạch Máng - Sinh thái Hố Lang và Cụm văn hóa - thể thao phường Đông Hòa. Ngoài ra, trên địa bàn Dĩ An còn có 117 thiết chế văn hóa, thể thao tư nhân đầu tư đã cơ bản đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí và rèn luyện sức khỏe của người dân. Nhiều trang thiết bị tập luyện TDTT ngoài trời được lắp đặt đã góp phần đáp ứng nhu cầu vui chơi, rèn luyện sức khoẻ của người dân. Song song đó, hiện nay có nhiều doanh nghiệp đã và đang quan tâm tổ chức các hoạt động TDTT cho đội ngũ công nhân viên và người lao động tại Bình Dương, cụ thể như: tập đoàn Địa ốc Á Châu, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), Techtronic Industries Vietnam Manufacturing Company Limited (TTI), Hội thao Ngành Ngân hàng tỉnh Bình Dương, Hội thao Ngành Kiểm sát nhân dân toàn quốc,…. Nổi bật nhất là Giải bóng đá Thành phố mới Bình Dương tranh Cúp Becamex IDC là giải bóng đá truyền thống của tỉnh thu hút hơn 100 đội, với hơn 2.500 vận động viên là công chức, viên chức, công nhân lao động và người dân tham gia và là giải bóng đá phong trào lớn nhất cả nước đã góp phần tích cực vào kết quả hoạt động của các đơn vị.
Với những biện pháp đồng bộ và hiệu quả, phong trào TDTT quần chúng của Bình Dương ngày càng phát triển. Đến nay, tỷ lệ người tập luyện TDTT thường xuyên trên toàn tỉnh đạt 35,9% dân số; số gia đình thể thao đạt 29,8%, số trường học đảm bảo giáo dục thể chất luôn đạt 100%, có 1025 Câu lạc bộ thể thao.
Phong trào TDTT quần chúng cũng chính là nguồn lực lượng để Ngành TDTT phát hiện, tuyển chọn được nhiều vận động viên có năng khiếu trở thành lực lượng nòng cốt trong các đội tuyển của tỉnh tham gia thi đấu các giải quốc gia, quốc tế giành nhiều thành tích cao, góp phần đưa thể thao thành tích cao của tỉnh phát triển ổn định và vững mạnh. Theo đó, thể thao thành tích cao của Bình Dương từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ thể thao quốc gia. Điều đó được minh chứng rõ qua các kỳ Đại hội thể thao toàn quốc; các giải Vô địch quốc gia. Điển hỉnh tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VII năm 2014, đoàn VĐV Bình Dương đứng thứ 21 trên Bảng xếp hạng huy chương với 54 huy chương các loại, trong đó có 8 HCV, 19 HCB và 29 HCĐ. Chỉ 4 năm sau, tại Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, đoàn VĐV Bình Dương tăng 10 bậc trên bảng xếp hạng huy chương khi thi đấu xuất sắc giành 76 huy chương các loại (trong đó có 8 HCV, 19 HCB và 39 HCĐ).
Bên cạnh những thành tựu trên, công tác TDTT quần chúng vẫn tồn tại những khó khăn nhất định, chẳng hạn như cơ sở vật chất, trang thiết bị ở một số trung tâm còn thiếu nên còn khó khăn trong việc tổ chức hoạt động. Kinh phí dành cho các hoạt động chuyên môn còn hạn chế nên chưa đa dạng hóa được các hoạt động TDTT cơ sở. Cơ chế quản lý hoạt động, chế độ, chính sách đối với đội ngũ làm công tác TDTT chưa được quan tâm và hỗ trợ đúng mức nên chưa thu hút được các nguồn lực tham gia hoạt động lâu dài…
Để tiếp tục phát huy hiệu quả hơn nữa những kết quả đã đạt được về phong trào TDTT, Ngành TDTT Bình Dương đã đề ra một số giải pháp cần thực hiện, trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm như:
Một là, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng phong trào TDTT cho mọi người, trọng tâm là cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”. Tăng cường công tác tuyên truyền về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của việc thường xuyên tập luyện TDTT đến tầng lớp nhân dân;
Hai là, tăng cường công tác xã hội hóa các hoạt động TDTT bằng nhiều giải pháp, trong đó, tăng cường tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào việc đào tạo vận động viên ở một số môn thể thao trọng điểm, truyền thống và trong việc tổ chức các giải thể thao hàng năm cũng như khai thác, sử dụng có hiệu quả những cơ sở vật chất, công trình TDTT xã hội hóa đã đầu tư xây dựng, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của các tổ chức Hội, Liên đoàn thể thao cấp tỉnh trong công tác phát triển sự nghiệp TDTT, xứng tầm với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh;
Ba là, xây dựng cơ chế chính sách, đãi ngộ phù hợp hơn đối với nhân lực Ngành TDTT, đồng thời thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ huấn luyện viên, hướng dẫn viên cơ sở trong việc hướng dẫn, triển khai và phát động các phong trào TDTT tại địa phương. Trong đó chú trọng việc áp dụng công nghệ số trong việc hướng dẫn phương pháp tập luyện TDTT;
Bốn là, các cấp lãnh đạo ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác đảm bảo an sinh xã hội, giữ gìn và phát huy mỹ quan đô thị, “xanh sạch đẹp, an toàn” nhất là các công viên, góc phố, góc đường – nơi có những công trình thiết chế văn hoá, thể thao cũng như các trung tâm VHTT-HTCĐ ở cơ sở;
Năm là, đồng bộ phát triển thể thao thành tích cao, từng bước theo hướng chuyên nghiệp; nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo vận động viên. Duy trì hệ thống đào tạo vận động viên đỉnh cao, chuyên nghiệp theo các tuyến bằng việc xây dựng và triển khai Đề án phát triển TDTT tỉnh Bình Dương đến 2025, định hướng đến 2030 để chuẩn bị lực lượng tham dự các sân chơi lớn của quốc gia, khu vực;
Sáu là, các cấp chính quyền quan tâm, sớm triển khai thực hiện công trình Khu liên hợp Công nghiệp Thể thao Bình Dương có quy mô dự kiến từ 200 ha, bao gồm các hạng mục: Công trình sân vận động trung tâm, nhà thi đấu TDTT đa năng, khu thi đấu thể thao dưới nước, khu dịch vụ thể thao và các công trình khác. Công trình sẽ là điểm nhấn quan trọng của Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung trong thời gian tới. Khi công trình hoàn thành, nơi đây sẽ là địa điểm quen thuộc để đăng cai các sự kiện văn hóa thể thao cấp quốc gia, quốc tế cũng như phục vụ các hoạt động văn hoá thể thao của các nhà máy, khu công nghiệp, cụm công nghiệp của cả vùng.
Trung tâm HL&TĐ TDTT tỉnh