BÌNH DƯƠNG DU LỊCH NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN TIỀM NĂNG CẦN ĐƯỢC KHAI THÁC
“Du lịch nông nghiệp, nông thôn có thể hiểu là loại hình du lịch dựa trên việc khai thác và trải nghiệm các giá trị tổng hợp từ thành quả của ngành nông nghiệp đáp ứng nhu cầu tham quan, trải nghiệm hoặc giáo dục. Tham gia vào hoạt động du lịch nông nghiệp du khách sẽ được trải nghiệm như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, gieo trồng, cấy lúa, thu hoạch trái cây, rau củ, tác mương bắt cá… tìm hiểu về động thực vật hoặc tham gia quá trình sản xuất nông nghiệp”
Phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ngày nay trở thành lựa chọn của nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhờ có điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu và sự đa dạng sinh học cao nên Việt Nam sở hữu tiềm năng, lợi thế to lớn để phát triển loại hình du lịch nông thôn. Du lịch nông nghiệp gắn với văn hóa bản địa của nhiều địa phương đang trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách, với đặc trưng văn hóa của một quốc gia có nền văn minh lúa nước đây chính là điều kiện thuận lợi cho việc phát triển ngành kinh tế du lịch ở nông thôn một cách toàn diện, bền vững.
Đối với Bình Dương nhằm triển khai thực hiện Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Quyết định số 05/QĐ-BCĐTW-VPĐPNTM ngày 12/10/2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã ban hành kế hoạch số 893/KH-UBND Triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Là một tỉnh có nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô lớn với các loại hình nhà vườn, nông trại, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, Bình Dương có tiềm năng để khai thác loại hình du lịch nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã phê duyệt quy hoạch định hướng phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái đô thị theo hướng xanh, sạch và hợp tác liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa một cách bền vững trên cơ sở sử dụng tối ưu các nguồn tài nguyên.
Trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với quy mô lớn làm nền tảng cho các hoạt động du lịch sinh thái, tham quan, trải nghiệm.Với thế mạnh về cây ăn quả và chăn nuôi được phát triển ở các địa bàn Thuận An, Bến Cát, Dầu Tiếng, Phú Giáo, Tân Uyên và Bắc Tân Uyên… Trong đó, có 4 khu nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn TP Tân Uyên và huyện Phú Giáo. Đây chính là điều kiện thuận lợi để hình thành những điểm đến hấp dẫn, sản phẩm du lịch nông nghiệp thu hút khách du lịch. Để hình thành phát triển loại hình du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tình Bình Dương trong thời gian tới địa phương cần tập trung vào các nhóm nhiệm vụ và giải pháp như sau:
Trước tiên cần tuyên truyền nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng cũng như hiệu quả kinh tế, văn hóa - xã hội, môi trường của phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đến với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, từ các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư.
Thứ hai: Tổ chức khảo sát đánh giá tiềm năng du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh nhằm thu thập thông tin, số liệu về tài nguyên về nông nghiệp nông thôn để phân tích, đánh giá tiềm năng và định hướng đầu tư phát triển sản phẩm.
Thứ ba: Lựa chọn, hỗ trợ phát triển điểm du lịch nông thôn, sản phẩm du lịch nông thôn và phát triển sản phẩm OCOP, đầu tư phát triển các điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đảm bảo kết nối với các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Thiết kế, cải tạo cảnh quan kiến trúc và môi trường trong toàn bộ không gian điểm du lịch vừa bảo tồn bản sắc truyền thống vừa đảm bảo điều kiện vệ sinh, thuận tiện, sinh thái; tiết kiệm đầu tư thông qua việc sử dụng các nguyên liệu tại chỗ, thân thiện với môi trường. Cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, hệ thống điện và nước sạch, hạ tầng y tế và chăm sóc sức khỏe, nhà vệ sinh, điểm dừng chân, bãi đỗ xe, hệ thống chỉ dẫn, chỉ báo, hạ tầng số và kết nối viễn thông, thu gom và xử lý rác thải, nước thải...) tại các điểm du lịch, phù hợp với nhu cầu của khách du lịch, đảm bảo hài hòa với không gian, cảnh quan nông thôn tỉnh. Nâng cao chất lượng tổ chức hoạt động và quản lý các điểm đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường du lịch nông thôn.
Thứ tư: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về quản lý và phát triển hoạt động du lịch nông thôn thông qua việc tăng cường nâng cao năng lực nghiệp vụ, kỹ năng nghề và kỹ năng mềm, kiến thức làm du lịch cho các tổ chức, cá nhân, cộng đồng tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn, xây dựng văn hóa du lịch thân thiện, an toàn và văn minh. Tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý du lịch, kiến thức thị trường, bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về du lịch ở các cấp, người lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch ở khu vực nông thôn. Tổ chức các lớp tập huấn, các khóa đào tạo ngắn hạn về kỹ năng nghề và kỹ năng mềm phục vụ du lịch: cung cấp dịch vụ ăn uống, lưu trú, văn hóa giao tiếp ứng xử, đón tiếp, thái độ phục vụ khách cho cộng đồng dân cư địa phương theo hướng chuyên nghiệp, lành nghề, thân thiện; kết hợp với nâng cao kiến thức lịch sử, văn hóa về điểm đến du lịch. Tổ chức tham quan khảo sát học hỏi kinh nghiệm về phát triển mô hình du lịch nông thôn trong tỉnh và các tỉnh trong nước.
Thứ năm: Xây dựng và triển khai chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn thông qua chính sách nhằm thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn như: hỗ trợ đầu tư hạ tầng, tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, xúc tiến quảng bá, bảo tồn giá trị văn hóa; hỗ trợ đào tạo cho người dân nông thôn làm du lịch. Tập trung đầu tư phát triển các công trình công cộng tại các khu, điểm du lịch cộng đồng, phát triển hạ tầng kỹ thuật và các dịch vụ về giao thông, điện nước, viễn thông, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm, trung tâm thông tin du lịch... Hỗ trợ truyền thông, xúc tiến, quảng bá du lịch nông thôn; tập huấn, đào tạo nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng cho từng đối tượng chủ thể (hộ dân, cộng đồng, hợp tác xã, trang trại, doanh nghiệp,...) tham gia đầu tư, cung cấp dịch vụ du lịch nông thôn phù hợp với nội dung, định mức hỗ trợ của trung ương và điều kiện thực tế của tỉnh. Khuyến khích các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp tham gia đào tạo nguồn nhân lực du lịch khu vực nông thôn; chính sách hỗ trợ đào tạo nghề du lịch cho lao động nông thôn.
Thứ sáu: Quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn dưới nhiều hình thức trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết hợp lồng ghép quảng bá, giới thiệu về các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn trên các kênh truyền thông, các tạp chí du lịch và các ấn phẩm du lịch…
Và cuối cùng là cần huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn, theo đó tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho phát triển du lịch nông thôn. Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn; các giải pháp kết nối thị trường, marketing hiệu quả cho du lịch nông thôn.
Kết lại vấn đề, Bình Dương là tỉnh có tiềm năng tương đối lớn để phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, nếu được quan tâm đầu tư đúng mức trong tương lai sản phẩm du lịch nông nghiệp sẽ trở thành một trong những sản phẩm du lịch chính của tỉnh. Góp phần thu hút khách, tạo nguồn thu thúc đẩy ngành du lịch phát triển./.
Anh Xuân (Phòng Quản lý Du lịch)