Bình Dương đề ra các nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh đến năm 2030
Thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.
Trên tinh thần đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch số 1139/KH-UBND triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 với mục đích “Tiếp tục xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, chính quyền; Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và thực hiện các đột phá chiến lược; Bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; Ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; Tăng cường hoạt động đối ngoại; Phấn đấu xây dựng tỉnh Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại; Đến năm 2030, Bình Dương trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại, đến năm 2045 là đô thị thông minh của vùng và cả nước”; Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; Văn hóa phải được đặt ngang hàng và phát triển hài hòa với kinh tế, chính trị, xã hội; Bảo đảm yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; Thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, các đơn vị, địa phương, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức hữu nghị và Nhân dân trong thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kế hoạch đã đặt ra 05 mục tiêu lớn:
(1) Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bình Dương phát triển toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, và trước những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng...;
(2) Xây dựng môi trường văn hóa, văn minh, môi trường văn hoá thật sự trong sạch, lành mạnh trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn…, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và địa phương; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh đến bạn bè, du khách quốc tế thông qua các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch.
(3) Tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa với các nước trong khu vực và quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa, con người Bình Dương đến với bạn bè quốc tế.
(4) Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từng bước phát triển thị trường văn hóa và các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế trên địa bàn tỉnh; Xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người Bình Dương.
(5) Tăng cường đầu tư, khai thác, sử dụng các thiết chế Văn hóa, thể thao xứng tầm với tiềm lực của một tỉnh công nghiệp phát triển, có tốc độ phát triển kinh tế - xã hội cao.
Xây dựng một số công trình văn hóa - thể thao trọng điểm đến năm 2030: Đầu tư xây dựng Khu liên hợp công nghiệp thể thao tỉnh Bình Dương với các hạng mục công trình đạt tiêu chuẩn cao, bao gồm: Sân vận động và các sân tập bóng đá, nhà thi đấu đa năng, cung thể thao dưới nước, khu dịch vụ thể thao và các công trình thể thao khác nhằm đáp ứng công tác tập luyện và thi đấu thể dục thể thao của tỉnh (từ thể thao quần chúng đến thể thao thành tích cao), đủ tiêu chuẩn đăng cai các sự kiện văn hóa thể thao cấp quốc gia, quốc tế cũng như phục vụ nhu cầu tập luyện, thi đấu thể dục thể thao của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài khu vực; Xây dựng khu lưu niệm cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Đầu tư tu bổ, phục hồi di tích cấp quốc gia (Khảo cổ Dốc Chùa, Sở chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh, Chiến khu Đ); Xây dựng tượng đài Trung tâm, nhà bia, các hạng mục công trình phục chế, tranh tượng, phù điêu Khu di tích Chiến khu Long Nguyên; Trưng bày mỹ thuật khu tưởng niệm di tích cấp quốc gia Chiến khu Đ; Xây dựng mới Bảo tàng gốm sứ; Thư viện số; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh; Cung văn hóa thiếu nhi tỉnh; Xây dựng công trình Nhà hát biểu diễn nghệ thuật đa năng tỉnh; Đầu tư xây dựng Công viên văn hóa kết hợp Quảng trường tại khu vực đối diện tòa nhà Trung tâm hành chính tỉnh; Nâng cấp hoạt động Bảo tàng tỉnh theo hướng “Bảo tàng thông minh”; Tiếp tục đầu tư các hạng mục công trình tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao đảm bảo tiến độ đề ra; Quy hoạch và xây dựng các trung tâm hoạt động thanh niên đạt chuẩn; Đầu tư xây dựng mới Trung tâm Văn hóa công nhân Lao động ở những địa bàn có đông công nhân lao động (do Liên đoàn Lao động tỉnh quản lý); Thu hút đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao ngoài công lập: sân bóng đá, hồ bơi, Bảo tàng tư nhân; Đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa thiếu nhi tại huyện Bắc Tân Uyên; Đầu tư xây dựng Nhà Văn hóa Lao động hoặc Trung tâm Văn hóa công nhân Lao động tại thành phố Dĩ An và huyện Bàu Bàng; Đầu tư xây dựng 22 Trung tâm Văn hóa, Thể thao - Học tập cộng đồng xã, phường, thị trấn.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh đã đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện trong thời gian tới: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phát triển văn hóa; tạo đột phá phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, nghệ thuật; Xây dựng con người Bình Dương phát triển toàn diện; Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa; Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa; Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc…
Ngoài ra, UBND tỉnh giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện các nội dung kế hoạch. Thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực văn hóa; di sản văn hóa, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực ngành.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Sở ngành, địa phương có liên quan Hướng dẫn, lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hàng năm của tỉnh; cân đối, tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm các dự án đầu tư phát triển ngành văn hóa - thể thao và du lịch theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn có liên quan; xây dựng danh mục thu hút đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch. Hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư các dự án thuộc lĩnh vực văn hóa - thể thao và du lịch theo quy định của Luật Đầu tư và các văn bản hướng dẫn có liên quan; Rà soát sửa đổi, bổ sung quy định một số chính sách khuyến khích xã hội hoá các lĩnh vực văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh.
Các hội, đoàn thể và các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện hoạt động phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức; đồng thời giao Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó xác định cụ thể lộ trình thời gian, giải pháp thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế của địa phương.
Để triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ của Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt thiết nghĩ cần có sự vào cuộc một cách quyết tâm, quyết liệt, sự phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm giữa các cấp, các ngành và đặc biệt là sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Sở Văn hóa cũng xác định rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm của ngành trong việc tiếp tục chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước về lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Với sự quyết tâm của Lãnh đạo tỉnh, sự đồng thuận, trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể, địa phương và sự nổ lực của đội ngũ cán bộ toàn ngành văn hóa sẽ góp phần thực hiện đạt hiệu quả Kế hoạch Chiến lược phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh Bình Dương đến năm 2030 gắn với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, phục vụ tốt nhu cầu hưởng thụ văn hóa, thể thao của Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Tin tưởng và hy vọng rằng với các giải pháp thực hiện đồng bộ nêu trong Kế hoạch và sự vào cuộc của mọi tầng lớp Nhân dân và cả hệ thống chính trị sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên địa bàn tỉnh hướng đến xây dựng Bình Dương trở thành thành phố thông minh, hiện đại và hướng đến trở thành đô thị loại I, khắc phục tình trạng chênh lệch về mức hưởng thụ văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của Nhân dân ở các địa phương trong tỉnh./.
Nguyễn Thành Nghĩa (QLVHGĐ)