DI TÍCH LỊCH SỬ KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CẤP QUỐC GIA ĐÌNH DĨ AN
Bình Dương là vùng đất hình thành khá sớm ở Nam bộ với điều kiện thiên nhiên thuận lợi, nhiều tài nguyên, người dân năng động, phóng khoáng, dám nghĩ dám làm, hiếu khách. Từ xa xưa, Bình An - Thủ Dầu Một – Bình Dương nay đã luôn mở rộng cửa đón mời tất cả những người có ý chí đến sinh cơ lập nghiệp. Nguồn gốc và thành phần cư dân ở Bình Dương đa dạng. Lịch sử phát triển của dân xiêu tán ở vùng đất mới gắn liền với tiến trình văn hóa vật chất mà điển hình là nhà cửa, công cụ lao động, trang phục, ẩm thực, phương tiện giao thông…Tiến trình phát triển văn hóa vật chất không có những giá trị trừu tượng mà là những loại hình tụ cư, kết cấu nhà cửa, đình, chùa,… Trong đời sống văn hóa tâm linh, đình làng là nơi thờ phụng tiền nhân, tổ tông mà còn là nơi khẳng định vũ trụ quan với triết lý “thiên địa nhân” một cách sâu sắc của cư dân người Việt, ở Bình Dương đình chủ yếu thờ thần Hoàng Bổn Cảnh - vị thần che chở cộng đồng vượt qua mọi khó khăn để đạt những thành tựu trong đời sống. Hiện nay, Bình Dương có 125 ngôi đình trong đó có thể kể đến đình thần Dĩ An – Một ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật và cảnh quan đẹp được xếp hạng là di tích cấp quốc gia năm 2019.
Đình Dĩ An tọa lạc tại khu phố Nhị Đồng 1, phường Dĩ An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Đình được xây dựng vào năm 1838. Năm 1853, được vua Tự Đức ban sắc phong thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh, là một ngôi đình cổ - nơi bảo lưu những giá trị lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xuân lược, đình là nơi các chiến sĩ cách mạng địa phương rèn luyện, hun đúc ý chí, tổ chức lực lượng để tiêu diệt kẻ thù. Đình là nơi hoạt động của “bộ đội Đào Sơn Tây”. Đặc biệt, trong thời gian kháng chiến chống Mỹ xâm lược, đình còn là nơi dừng chân, trú quân của lực lượng vũ trang tỉnh Thủ Dầu Một. Trong khuôn viên đình, hiện vẫn còn một số hầm bí mật của lực lượng vũ trang. Đồng thời, đình cũng là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân trong vùng.
Năm 1910, đình được trùng tu và xây dựng các hạng mục: Một võ quy nằm ngang gắn liền với tứ trụ - nóc tổ (nhà tứ trụ), và nhiều công trình phụ khác như nhà túc, nhà kho. Tất cả các công trình đều được làm hoàn toàn bằng gỗ quý, lợp ngói âm dương. Năm 1932, đình được xây mở rộng về phía trước với hai hạng mục: một võ quy và một nhà tứ trụ để làm nơi thờ phụng mới, còn nơi thờ phụng mới được chuyển làm nhà khách. Năm 1998, đình được tu bổ và xây thêm nhà võ ca nối liền trước mặt tiền chánh điện. Vào những năm 2006 -2007, được sự giúp đỡ của bà con nhân dân địa phương, Ban Nghi lễ đình đã tổ chức xây dựng thêm một nhà khách nằm cạnh bên ngôi đình và nhiều công trình khác như miếu thờ liệt sĩ, cổ miếu và cổng đình nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của nhân dân.
Nhìn tổng thể kiến trúc, đình Dĩ An được thiết kế dạng chữ “nhất”, gồm: võ ca, võ quy, chánh điện, nhà khách, nhà túc,... Võ ca là nơi làm lễ Xây chầu và hát bội vào mỗi dịp lễ Kỳ yên, được xây dựng bằng bê tông thép và lợp tôn. Sân khấu, được xây dựng cao 0,8m, có hai bức tranh thủy mặc ở hai bên. Võ quy là nơi các chức sắc chầu lễ, cầm chầu (mỗi khi hát bội), hội họp, cũng là nơi chuẩn bị cho buổi ca diễn và dành cho khách. Nơi đây có thiết trí những câu đối bằng chữ Hán. Chính điện là nơi thờ tự chính của đình, với cột, kèo, rui, mè... đều được làm bằng gỗ; mái lợp ngói vảy cá, trên nóc có gắn hình bầu dục và hai con rồng; tường xây gạch; nền lát gạch men màu vàng. Chính điện được chia thành 15 gian, gồm 3 gian thờ chính và 12 gian thờ phụ. Bên trong chính điện được sắp xếp theo bố cục: Gian đầu tiên là nơi đặt bàn thờ Hội đồng nội, có thiết trí bao lam gỗ được chạm trổ rất tinh xảo, sơn son thếp vàng. Tiếp đến là án thờ Giáng Son - nơi thờ sắc phong của thần. Song song với án thờ Giáng Son là án thờ Tả Ban và Hữu Ban.
Bàn thờ chính thần được đặt ở vị trí trang trọng, hai bên đặt tượng hai con bạch mã, lỗ bộ, võng điều; ngoài ra, còn trang trí bao làm bằng gỗ sơn son thếp vàng cùng các câu đối bằng chữ Hán.

Một phần bên trong chánh điện - Anh chụp năm 2019
Sau chính điện và phía tây nam của đình là hai dãy nhà khách với nhiều gian nhà được trang hoàng khá trang trọng. Nhà được xây dựng gồm 80 cột gỗ quý, mái lợp ngói móc, toàn bộ được sơn phủ màu đen tạo nên nét cổ kính. Đây là nơi dùng để sinh hoạt và đón tiếp khách trong những ngày lễ cúng đình.
Hàng năm, đình có hai lễ cúng lớn là: Lễ Cầu bông (cúng Tiên sư, Tổ nghiệp) diễn ra vào ngày 16-6 âm lịch với mục đích cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu và lễ Kỳ yên được tổ chức vào ngày 15 và 16-11 âm lịch (3 năm đáo lệ một lần) nhằm cầu cho quốc thái dân an.

Lễ cúng Lễ Cầu bông
Ngoài ra, đình Dĩ An còn là nơi dung hợp nhiều tín ngưỡng: Thờ Thành Hoàng, Nữ Thần (Ngũ hành nương nương, Diêu Trì Địa Mẫu, Kim Hoa nương nương..); đền thờ Vua Hùng, đền thờ các anh hùng liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam Anh Hùng…thể hiện truyền thống tốt đẹp bao đời của người Việt Nam “uống nước nhớ nguồn”. Bên cạnh đó, với hệ thống cây xanh cổ thụ, phủ bóng mát quanh năm làm cho cảnh đình tĩnh lặng, thoáng mát.

Đền thờ Vua Hùng
Đình Dĩ An là một ngôi đình cổ, nơi bảo lưu những giá trị lịch sử - văn hóa, nổi bậc về kiến trúc nghệ thuật và danh thắng của vùng đất Dĩ An nói riêng và Bình Dương nói chung. Đình được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh theo Quyết định số 814/QĐ-UBND ngày 18-3-2011. Ngày 28-3-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định số 1185/QĐ-BVHTTDL xếp hạng đình Dĩ An là di tích cấp quốc gia.
Văn Thị Thùy Trang
Tài liệu tham khảo:
- Sở Văn hóa – Thông tin, Ban quản lý Di tích và Danh thắng (2008), Di tích và danh thắng tỉnh Bình Dương.
- Hồ sơ di tích đình Dĩ An, lưu trữ Ban quản lý Di tích và Danh thắng
- Tư liệu điền dã cá nhân.