Bảo tàng tỉnh Bình Dương: Tổ chức “Hội nghị triển khai công tác lập hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích và kế hoạch liên tịch về giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường”
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương tại Công văn số 469/SVHTTDL-QLDSVH ngày 29/5/2019 về việc lập thủ tục sở hữu đất đai đối với các di tích đã được xếp hạng, công nhận trên địa bàn tỉnh Bình Dương; Kế hoạch liên tịch số 61/KHLT-SVHTTDL-SGDĐT-ĐTNCSHCM, ngày 25/7/2019 về việc phối hợp thực hiện công tác giáo dục lịch sử truyền thống địa phương ngoài nhà trường trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2019-2023.
Sáng ngày 06 tháng 9 năm 2019, tại Di tích Nhà tù Phú Lợi, Bảo tàng tỉnh Bình Dương đã tổ chức “Hội nghị triển khai công tác lập hồ sơ thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích và kế hoạch liên tịch về giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường”. Dự hội nghị có bà Văn Thị Thùy Trang, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 46/59 di tích chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tích (trong đó có 9 di tích cấp Quốc gia, 37 di tích cấp tỉnh). Thực trạng này ít nhiều tác động đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích, đặc biệt một số di tích có nguy cơ bị lấn chiếm đất đai.
Tại hội nghị, đại diện các Phòng Văn hóa và thông tin huyện, thị xã, thành phố đã trực tiếp báo cáo tình hình quản lý các di tích tại địa phương; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích. Ban tổ chức Hội nghị đã có những trao đổi, chia sẻ và phản hồi những ý kiến góp ý của các địa phương, đồng thời có những hướng dẫn cụ thể về thủ tục pháp lý trong việc thực hiện xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho di tích. Trong thời gian tới, Bảo tàng tỉnh Bình Dương sẽ là cơ quan đầu mối giúp các địa phương hoàn thiện các hồ sơ pháp lý này.
Về Kế hoạch liên tịch về giáo dục truyền thống lịch sử địa phương ngoài nhà trường, Hội nghị thống nhất cao cần đẩy mạnh hơn nữa việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh, sinh viên, các đoàn viên, thanh niên…Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh thực hiện việc quảng bá, phát huy giá trị các di tích, góp phần vào việc thực hiện công tác giáo dục truyền thống lịch sử - văn hóa của địa phương.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, bà Văn Thị Thùy Trang – Trưởng phòng Quản lý Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Bảo tàng tỉnh đã triển khai tổ chức Hội nghị; Quá trình làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của các đại biểu tham dự Hội nghị; Đồng thời khẳng định việc lập thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các di tích là một nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, song với sự chỉ đạo điều hành và tạo điều kiện của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương, các ban ngành sẽ là cơ sở quan trọng góp phần đảm bảo hiệu quả trong việc thực thi nhiệm vụ trên.
(Trần Đức Thuận – Bảo tàng tỉnh Bình Dương)